THƠ Thơ phổ nhạc LÊ MINH QUỐC: Tản mạn về thơ phổ nhạc

LÊ MINH QUỐC: Tản mạn về thơ phổ nhạc

thophonhac

 

Trong một đêm khuya ở Cần Giờ. Trời hiu hắt lạnh. Tiếng sóng vỗ ầm vang vào ghềnh đá. Đột ngột nghe vọng lên trong không gian một tiếng kêu nức nở “Tôi buồn bã xuống chợ đời rao bán, tôi rao hoài rao mãi đến khan hơi, ai thất tình mua lấy trái tim không? Ai thất tình mua lấy trái tim không”?. Tôi choáng váng chợt nhớ về một thời xa lắc có vóc dáng thanh tân của người con gái nằm khép nép giữa dòng thơ. Và Nguyễn Ngọc Thiện đã đến. Chàng phổ nhạc. http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tho-pho-nhac/841-chi-con-trai-tim-nguyen-ngoc-thien.html

Từ đó thơ có một đời sống khác. Mỗi bài thơ như một bông hoa. Có người cúi xuống nhặt lấy. Có người hờ hững bước qua. Nhạc sĩ là người chắp thêm cho bài thơ một đôi cánh bay vút lên không gian vốn quá nhiều thanh âm hỗn tạp này. Họ đã cho tôi một niềm vui mới. Niềm vui ấy ngắn như một dòng sông. Dài như một chớp mắt. Bởi vì âm nhạc là một hạnh phúc trong khoảnh khắc.

Có một lần, mới đây thôi, trong lá thư gửi cho tôi từ Hà Nội, một cô giáo cũ đã viết cho tôi, chỉ vỏn vẹn mấy dòng như sau: “Q. đã nghe ca khúc này chưa? Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu”?. Mùa hè đã đi qua từ thơ Đỗ Trung Quân đến âm nhạc của Vũ Hoàng. Còn đọng lại trong tâm tưởng của tôi một tiếc nuối không nguôi. Đây là một trong những ca khúc mà mỗi lần tự hát lên tôi cảm thấy vị ngọt trên môi. Đó là lúc thơ và nhạc trở thành một đôi bạn đồng hành giữa trần gian vốn quá ít ỏi kỷ niệm để lưu lại trong ký ức. Và còn những Quê hương (Đỗ Trung Quân - Giáp Văn Thạch), Thuyền và biển (Xuân Quỳnh - Phan Huỳnh Điểu), Mùa chim én bay (Diệp Minh Tuyền - Hoàng Hiệp), Hương thầm (Phan Thị Thanh Nhàn - Vũ Hoàng)… đã là những tác phẩm làm đẹp cho thơ và cho cả nhac….

Thời gian như một canh bạc. Mỗi người tham dự đến giây phút cuối cùng đều trắng tay thôi. Tôi muốn nói sòng phẳng rằng: Nếu không có âm nhạc thì một bài thơ hay vẫn tự nó tồn tại, không lãng quên trong trí nhớ người đọc. Nếu một bài thơ dở, xanh xao thiếu máu thì tự nó sẽ chết ngay từ lúc chạm với không khí, ánh sáng mặt trời. Vậy mà, trời ơi, vậy mà bài thơ xanh xao thiếu máu ấy vẫn tồn tại được. Đó là lúc nó được một nhạc sĩ tài hoa thổi vào một hơi thở mới. Hơi thở đó là đo-rê-mi-fa-sol-la-si^ rất lạ lùng và huyền bí.

Tôi là người ngoại đạo về âm nhạc. Nhưng thèm nghe nhạc. Đôi khi nhạc rơi xuống đời mình như những tiếng mưa, tiếng gió, tiếng khóc, tiếng cuời… văng vẳng bên tai mà trong bài thơ này, bài thơ kia chưa đạt được hiệu quả như vậy. Hay nói một cách khác, trước khi yêu thơ Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Tản Đà…thì một nhạc sĩ khác đã dạy cho tôi biết cái hay của thơ qua tài năng âm nhạc tuyệt vời của ông. Thơ phổ nhạc lạ lùng lắm. Lạ lùng và trở thành nghịch lý rất đỗi hợp lý là một khi đau khổ, tuyệt vọng nhất thì niềm an ủi tôi không phải thơ của tôi mà lại là nhạc của một người khác.

Trong thời buổi gạo châu củi quế này, điều tự nhủ của tôi là đừng bao giờ ngộ nhận. Ca khúc là một giai điệu du dương, hoàn chỉnh và độc lập. Khi biểu diễn không có lời ca hoặc nhạc đệm thì giai điệu ca khúc cũng vẫn diễn cảm và đặc sắc. Thơ phổ nhạc, hoặc nhạc sĩ hoặc nhà thơ cũng chỉ là một, nếu họ cùng đồng hành đi vào tận cùng của đời sống hôm nay.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: tạp chí Sóng Nhạc, số tháng 8.1992)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com