LÊ MINH QUỐC: TRƯƠNG NAM HƯƠNG và thơ

Array In Array

truong_nam_huong_-_ra_ngoai

 

 

(Đọc Ra ngoài ngàn năm của Trương Nam Hương  -NXB Văn Học - 2008)

Giữa tôi và Hương là chuỗi ngày nhiều kỷ niệm, từng học chung một lớp, ngủ chung giường thời sinh viên. Chúng tôi đã tạo ra nhiều “giai thoại” về chuyện sinh viên học khoa Ngữ văn, yêu văn chương nhưng lại... dốt ngoại ngữ. Ngày thi tốt nghiệp, thay vì phải trả lời như các bạn khác, tôi và Hương đã tự ý dịch thơ Puskin ra thơ lục bát và đọc oang oang trong môn thi vấn đáp tiếng Nga. May thay cô Dung có tư tưởng phóng khoáng, không những  đã “cho qua” mà còn khen “bản dịch tuyệt vời” nữa! Nhờ thế, cả hai đủ điểm để có bằng tốt nghiệp như ai. Thoắt đó, đã hai mươi năm, nay Hương đã có nhiều tập thơ xuất bản, Ra ngoài ngàn năm là tập thơ thứ 10. So với thế hệ cầm bút chúng tôi, Hương gặt thành công sớm hơn cả: tập Khúc hát người xa xứ được Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn VN và anh cũng đặt chân vào Hội TW sớm hơn nhiều người khác.

Với tập thơ này, Hương vẫn rủ rỉ, thủ thỉ, thì thầm bằng những vần thơ mượt mà và chỉn chu đến từng chữ. Cái nhìn sự vật trong thơ Hương đằm, đi vào chiều sâu và cũng... đa tình hơn. Chỉ một lần “Vợ sai xuống phố/ Lựa hoa cúc vàng”, bỗng nhiên “Gặp em chồng bỏ” thì chàng nhà thơ của chúng ta đã “Chạnh lòng, lang thang”. Lại nữa, anh đã thú nhận: “Hồn thơ Hàng Tổng/ Chuyện người lo toan/ Một câu tặng vợ/ Cũng đầy... gian nan”, vừa chua chát lại vừa bi hài. Cái tính cách ấy cũng không giống ai, như “Lúc người đánh bóng tuổi tên/ Anh đi tìm hộp xi đen... đánh giày”!

Hương còn có cách quan sát sự vật, đôi khi cũng ngộ nghĩnh ra phết: “Váy người ngắn đến mê ly/ Ngẫm thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài”... Tuy nhiên, những bài thơ hay nhất của Hương ở tập thơ này cũng như ở các tập thơ trước vẫn là vần thơ viết về mẹ, cha và quê nhà yêu dấu. Không nhói lòng sao được, khi anh viết về Khói bếp xưa, với những dòng rưng rưng: “Tết nghèo bánh lá thay cơm/ Đồng xu mừng tuổi còn thơm mùi bùn/ Con cầm thương khó run run/ Muốn khoe với cả mưa phùn mẹ ơi”. Mấy chữ “thơm mùi bùn” đắc giá biết chừng nào. Khi nhìn tấm ảnh thơ xuân sắc của mẹ anh đã bật ra được một tứ thơ hay: “Người trong ảnh trẻ hơn ta nhiều tuổi/ Ngỡ thời gian chưa dốc trận bão lùa/ Nâng tấm ảnh đã nhòa như sương khói/ Ta hôn về cô gái - mẹ ta xưa”. Chân tình và xúc động biết bao. Với tập thơ này, một lần nữa nhà thơ Trương Nam Hương đã khắc họa đậm nét hơn chân dung của anh dành cho độc giả từng yêu thơ anh.

 


LÊ MINH QUỐC

Nguồn: báo Phụ Nữ  - 2008)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà