THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Thời đó ở giảng đường

LÊ MINH QUỐC: Thời đó ở giảng đường

LTS: Anh Lê Minh Quốc, hội viên Hội nhà báo VN, Hội nhà văn TPHCM là sinh viên khoa học ĐH Tổng Hợp TP.HCM (niên khóa 1983 - 1987). Sau khi tốt nghiệp anh về công tác tại báo Phụ nữ TP.HCM và đã xuất bản: Thơ: Trong cõi chiêm bao, Ngày mai còn lại một mình tôi; Truyện dài, tiểu thuyết: Sân trường kỷ niệm, Mùa thu đứng trước cổng trường, Về nơi nào để nhớ, Thời của mỗi người, Hoa cúc không phải màu vàng, Xin lỗi ông là ai? Bây giờ, anh kể chúng ta nghe về thời S V của anh trong bài viết ngắn này.

thoidoigiang-duong

Thời sinh viên có còn ở lại trong ký ức như một vết son. Có thể nói vết son của người tình thơm hoài trên môi để không quên. Để tôi còn làm thơ về những ngày tháng này . http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/670-trong-coi-chiem-bao.html?start=10

Thời sinh viên yêu nhau trong lớp học

Không có trái me chua giấu dưới góc bàn

Mà ở đó là củ khoai, củ sắn

Để người thương tôi …. điểm tâm

(Bài hát giữa sân trường)

Thời đó, có những đêm chúng tôi thức suốt, ngồi bên nồi sắn nấu sùng sục giữa sân trường, ánh lửa cháy bập bùng, sương đẫm áo, để nói với nhau về những nguyên lý văn học, về các hiểu biết của mình về văn học phương Tây… Có thể, đó cũng là một cách học tập lẫn nhau. Thời đó, có những đêm dưới ngọn đèn vàng vọt trong văn phòng số 6, tôi, Trương Nam Hương, Nguyễn Quốc Chánh, Lê Đại Anh Kiệt nằm dài trên giường làm những bài thơ, viết những truyện ngắn. Viết được câu nào là chúng tôi đọc oang oang lên để bạn bè thưởng thức và góp ý cho nhau.

Những “sáng tác” đó đa số được Ban biên tập các báo ném vào sọt rác, hiếm hoi lắm mới có một vài bài thơ được chọn đăng trên báo. Thế mà, vâng, thế mà bây giờ chúng tôi đã có những tác phẩm xuất hiện trong công chúng và đã trở thành hội viên Hội nhà văn. Và chúng tôi trở thành người thường xuyên đứng trên sân khấu của những hội trường đại học đọc thơ cho các bạn sinh viên thế hệ sau mình.

Những gương mặt cán bộ giảng dạy vẫn còn ghi đậm trong trí nhớ của tôi. Những giờ giảng Kiều của thầy Lê Đình Kỵ, giọng thầy chậm rãi và hiền lành. Những giờ giảng văn học cổ điển của thầy Mai Cao Chương. Mà lúc giảng bài thầy thường ngó nhìn lơ đãng trên trần nhà. Những giờ học tiếng Nga của cô Dung, môn học mà lúc nào tôi cũng đạt điểm thấp nhất! Những tiết học đã đi qua trong đời sống này, tôi đã quên và đã nhớ. Thầy Hoàng Như Mai, Lê Văn Chưởng, Trần Chút, v.v… còn đọng lại nơi tôi những hình bóng khó quên. Vậy đó, những năm tháng đại học của thời tuổi còn trẻ, áo còn trắng, tâm hồn chưa hoen chút bụi mờ, còn nhìn cuộc đời bằng đôi mắt nồng nàn yêu thương, còn nhìn hàng me ngơ ngác giữa Sài Gòn. Vậy mà, bây giờ tôi đã bước ra và khi ngoái đầu nhìn lại còn thấy thấp thoáng bùi ngùi.

Thời đó, có bao nhiêu tiền, chúng tôi dành hết cho việc mua sách. Mua sách và đọc sách. Những buổi trưa thứ bảy, tôi đạp xe từ cơ sở 3 của ĐHTH (Thủ Đức) về Sài Gòn để tìm mua những quyển sách mà mình thích. Mua được một quyển sách hay thì lòng sung sướng suốt cả một tuần. Có lẽ, đây là thời gian mà tôi bước vào nhà sách, bước vào thư viện nhiều nhất. Tôi còn lắng nghe trong tâm tưởng, gợi nhớ lại những giờ ngồi trong thư viện bốn bề yên tĩnh, đọc và ghi chép. Gió thổi hiu hiu mát. Đôi lúc gục đầu xuống ngủ quên trên trang sách đang rộng mở.

Thời sinh viên của bất cứ ai cũng có những kỷ niệm đáng nhớ cả. Năm tháng đó là thời kỳ đẹp nhất của một đời người. Những bữa cơm đạm bạc trong ký túc xá. Tô canh trong veo mà miếng thịt thì bé tẻo tèo teo. Những đêm tôi nấu khoai, sắn bằng bếp điện và ngồi quây quần lại chia sẻ cho nhau. Đôi lúc: http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/669-ngay-mai-con-lai-mot-minh-toi.html?start=28

Thấy mảnh trăng gầy về trong mắt

Cứ ngỡ đó là… củ khoai lang!

(Bài hát giữa sân trường)

Thì ra, thời đó chúng tôi cũng nhiều mơ mộng lắm chứ. Học và ăn. Học và yêu. Tâm hồn cháy lên những hoài bão lớn. Bây giờ, mỗi lần đi ngang qua trường cũ, thấy những cô cậu sinh viên đang ngồi bên nhau trò chuyện nhí nhảnh như chim, tôi lại thấy tôi thời ở giảng đường qua bóng dáng của họ. Họ chính là cổ tích của tôi trong đời sống này. Chính vì lẽ đó, bao giờ tôi cũng yêu quý họ. Điều này không chối cãi được. Bởi vì, có ai mà không yêu thương thời tuổi trẻ của mình?

Lê Minh Quốc

(nguồn: Nguyệt san  Sinh viên và Thời đại số tháng 1.1994)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com