THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Gieo mầm nhân

LÊ MINH QUỐC: Gieo mầm nhân

atm-thuc-pham-cua-bao-nld-6542-16122567822861105665584

“ATM thực phẩm miễn phí” của Báo Người Lao Động giúp bà con vượt qua khó khăn mùa Covid-19. Ả̉nh: tấn thạnh


Bài học khai tâm đầu đời của đứa trẻ khiến nó lưu giữ mãi trong ký ức, có lẽ vẫn là từ những gì đã được dạy từ thời thơ ấu. Làm sao có thể quên những đêm nằm ngủ, lúc ấy thỉnh thoảng được nghe hoặc cha mẹ hoặc ông bà kể chuyện cổ tích thường bắt đầu bằng câu: "Ngày xửa, ngày xưa…"; lại có khi là câu dễ nhớ: "Bầu ơi, thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"; "Thấy người hoạn nạn thì thương/ Thấy người tàn tật lại càng trông nom"… Có thể đứa trẻ chưa hiểu sâu sắc lời răn dạy đó, nhưng lại là dưỡng chất quý báu sau này trong đối nhân xử thế.

Không đánh người ngã ngựa

Lòng nhân ái ở con người, tự nó đã là một phẩm chất vốn có. Nhân chi sơ tánh bổn thiện. Chúng ta đã được giáo dục từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường vẫn là bài học từ sử sách. Ôn cố tri tân là một lẽ tất nhiên. Nhớ mãi và từ sự nhớ ấy, chúng ta làm theo, ấy chính là vai trò của giáo dục.

Khi học sử đời nhà Trần, ai lại không tự hào với hào khí Đông A?

Tự hào đã ba lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông: "Không một dòng suối, một con sông nào không tràn đầy nước mắt/ Không một ngọn núi, một cánh đồng nào không bị quân giặc giày xéo!". Đất nước điêu linh. Xương máu ngập trời. Hội nghị Diên Hồng. Toàn dân đánh giặc. Vậy mà khi tướng giặc Toa Đô bị chém đầu, các tướng đem đầu về báo công, vua Trần Nhân Tông thương hại cởi áo ngự bào đắp lại đầu Toa Đô, cho an táng chu đáo. Biết chi tiết này, ta càng thấy tấm lòng từ bi của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hành động của ngài tiêu biểu cho lòng nhân của người Việt: "Nghĩa tử là nghĩa tận", dù rằng đó chính là kẻ thù ngàn đời ngàn kiếp.

Khi học sử đời nhà Lê, ai lại không tự hào với cuộc kháng chiến ròng rã mười năm chống giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn. "Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi". Tội ác của chúng, Bình Ngô đại cáo còn ghi lại rành rành. Thế nhưng năm 1427, ngay khi bại trận, tướng giặc Vương Thông đầu hàng xin rút quân về nước, anh hùng Lê Lợi đồng ý. Ngài cho làm lại đường sá, sắm đủ ghe thuyền để chúng đi về thuận lợi, dù có người bàn nhân dịp này giết sạch chúng để trừ hậu họa về sau.

Không đồng ý, ngài bảo: "Việc phục thù trả oán là thường tình của mọi người nhưng không ưa giết người mới là bản tâm của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết thì thật là bất nhân. Ví bằng giết đi cho hả giận một chốc nhưng lại gánh lấy tiếng xấu đến muôn đời. Chi bằng hãy cho muôn vạn mạng được sống, vừa dứt được chiến tranh vừa được chép vào sử sách, tiếng thơm truyền mãi ngàn thu. Há chẳng lớn hơn ư?".

Câu nói của anh hùng Lê Lợi không chỉ biểu hiện lòng nhân mà còn là tâm thế "anh hùng mã thượng" của người Việt: không đánh người ngã ngựa.

Thiện nguyện từ tâm, không khoe khoang

Nuôi dưỡng, bồi đắp cho lòng nhân tươi xanh theo năm tháng của đời người, không chỉ từ lịch sử, còn từ nhiều lĩnh vực khác. Tôi nghĩ đến những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa từ thời còn đi học.

Rằng, vào mùa đông rét buốt, chị em Sơn nhìn thấy em Hiên "co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay… Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa... Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm: "Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ", "Ừ, phải đấy. Để chị về lấy". Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui".

Đây chính là đoản văn trích từ "Gió đầu mùa" của Thạch Lam. Câu chuyện này dễ đưa chúng ta liên tưởng câu chuyện lịch sử về lòng nhân của vua Lý Thánh Tôn: Vào một mùa đông trời lạnh như cắt da, ngài ngự giá xem xét nhân tình thế thái, giữa đường thấy một ông lão nằm rét, run cầm cập, ngài cởi áo đang mặc, sai ba quân đắp cho. Rồi khi ông lão tỉnh lại, ngài cho gọi đến hỏi gia cảnh, thương tình, ngài chu cấp thêm tiền. Ngài thường nói: "Trẫm no mà biết dân còn kẻ đói, ấm mà biết dân còn kẻ rét thì lòng trẫm vẫn không yên". Hành động cho áo người nghèo khó dù là bậc cửu trùng thiên hạ hay chỉ là người bình thường "tối lửa tắt đèn có nhau", san sẻ cùng bà con láng giềng cũng đều có giá trị nhân văn ngang nhau.

Tôi lại nhớ đến niềm vui của Đức - em học trò có biệt danh Vua zéro, sở dĩ thế vì nhà nghèo, mỗi ngày phải đỡ đần giúp mẹ, không có thời gian học hành. Biết chuyện, thầy giáo thương tình thỉnh thoảng kín đáo bỏ một ít tiền trong cặp của em. Hành động giúp đỡ giấu mặt của người thầy trong "Tấm lòng vàng" của Nguyễn Công Hoan khiến ta nhớ đến câu chuyện Lưu Bình - Dương Lễ. Ở đây, yếu tố then chốt làm nên giá trị cốt lõi của lòng nhân ái chính là ở chỗ giấu mình đi, chứ không khoe khoang.

Sống nhân nghĩa sẽ có hậu tốt đẹp

Do đâu hình thành nên lòng nhân trong sâu thẳm tâm hồn người Việt?

Hơn 4.000 năm văn hiến, muốn tồn tại thì dân tộc ta phải dám đương đầu, vượt qua thủy, hỏa, đạo, tặc. Trong quá trình đó, bài học quý giá được đúc kết từ thực tiễn vẫn là sự đoàn kết vì quyền lợi chung của cộng đồng, nương tựa vào nhau, yêu thương đùm bọc lấy nhau. "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng"… Thậm chí, với kẻ thù cũng là "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo"…

Không chỉ có thế, cần phải xét ở góc độ tâm linh nữa. Hơn ai hết, người Việt tin rằng "Ở hiền gặp lành"; "Ở có nhân, mười phần chẳng thiệt"; "Ở đời có đức, mặc sức mà ăn"…; tin rằng kết quả quan trọng nhất vẫn là nếu mình sống có nhân, có nghĩa ắt "có hậu". Có lẽ các áng thơ nôm khuyết danh như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Trần Minh khố chuối, Trê… được lưu truyền từ đời này qua đời khác; kể cả kiệt tác Truyện Kiều, Lục Vân Tiên… còn do kết thúc "có hậu" nữa. Có như thế, người đọc mới thích bởi khi khép sách thấy sóng gió đã đi qua, trời đã yên, sóng đã lặng và nhân vật thiện lành từng bầm dập, tai ương mà mình yêu thích, nay được đậu trạng nguyên, cưới công chúa; hoặc sum họp đoàn tụ thì tự dưng lòng mình cũng vui lây. Tức lòng nhân ấy còn hình thành từ quan niệm "Gieo nhân nào gặt quả nấy", hơn nữa "Trời cao có mắt".

Một khi lòng nhân ái đã gieo thì chắc chắn nó đơm hoa kết quả dưới nhiều hình thức dù chung một cội rễ. Làm thế nào để lan tỏa lòng nhân ấy trong đời sống hôm nay, vẫn là ý nghĩa căn bản và cần thiết nhất. Trong nhịp sống hiện nay, đã thấy, đã tận mắt chứng kiến nhiều cách thể hiện qua các việc làm cụ thể khiến ta ấm lòng. Và tin rằng dù có thế nào chăng nữa, với người Việt luôn hiện hữu một tâm niệm bất di bất dịch đã khắc ghi trong lòng: thương nhau để sống…


LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Người Lao Động XUÂN 2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com