THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: Theo dõi “một nửa” qua trung gian

Lê Minh Quốc: Theo dõi “một nửa” qua trung gian

 

thoe-doi-1-nua-qua-triug-gia-21R

 


Bước vào nhà, vừa ném bịch cái túi xách xuống ghế, nàng liền điện thoại cho chồng. Nghe tiếng tèng téng teng ấy, từ nơi xa, chàng đã giật bắn cả người, chắc có chuyện gì đây, chứ bình thường vợ chỉ nhắn tin. Đang họp đột xuất với sếp, chàng liền tắt ngay. Giây lát sau vẫn hiệu lệnh như tiếng kèn xung trận lại rền vang, cực chẳng đã, chàng đành phải nghe máy.

Rằng, câu đầu tiên: “Anh đang ở đâu?”, câu thứ 2: “Về nhà gấp”, rồi cúp máy. Thử hỏi, còn lòng dạ nào họp với hành? Dù vậy, chàng cũng vẫn phải nấn ná ngồi lại bởi đang bàn về hợp đồng cần chỉnh sửa, bổ sung cho chu đáo trước lúc ký xuất hàng ra nước ngoài. Dăm ba ngày trước, cũng vì lý do này, chàng về nhà muộn hơn là vậy. Để toàn tâm toàn ý cho công việc. chàng bèn tắt luôn nguồn. Có gì lúc về nhà “hạ hồi phân giải” rồi cũng đâu vào đó. “Ừ, phụ nữ vốn thế. Cái gì cũng ầm lên như cháy nhà đến nơi, nhưng cứ dỗ ngon dỗ ngọt là “hạ hỏa ngay”, chàng tự nhủ.

Lần này cũng thế chăng?

Chàng vừa đẩy cửa vào nhà, đã thấy bộ mặt hình sự chình ình ngay phòng khách: “Anh hay nhỉ? Tự tung tự tách quá nhỉ? Không xem em ra gì phải không nhỉ?”. Nghe một lúc cả loạt tù “nhỉ”, chàng bèn đùa: “Vâng, thế nhỉ?”. Vừa dứt lời, chàng liền thấy cô vợ ném ra trên mặt bàn một loạt tấm ảnh: “Đẹp mặt nhỉ?”.

Tò mò cầm lêm xem, trời đất ơi, chẳng rõ tại sao lúc chàng đưa cô giám đốc của phía đối tác đi ăn tối lại bị chụp hình lén? Mà có mờ ám gì đâu, đây là việc do công ty phân công. Cứ như theo lịch trình, buổi tiếp khách còn có cả sếp của chàng nữa, cuối cùng sếp gọi điện xin lỗi không thể đến vì phải đưa con đi cấp cứu. Vậy, bữa ăn xã giao chỉ có hai người là vậy. Chuyện này “bình thường như cân đường hộp sữa”, diễn ra nơi nhà hàng tấp nập người ra kẻ vào, chứ nào mờ ám gì.

Vậy, ai đã theo dõi và tại sao chụp hình? Chắc chắn vợ không làm việc này vì cả ngày nàng túi bụi công việc nơi công sở. Quay cuồng với câu hỏi không thể tìm ra lời đáp, chàng đành im lặng. Một khi đã im lặng là gián tiếp thú nhận sự việc chứ gì? Do nghĩ thế, cô vợ càng hăng hái tợn: “Có chối cũng khó đấy nhỉ?”.

Có nhiều người do công việc không thể “quản lý”, kiểm tra của  “một nửa” nên đã thuê người theo dõi giúp là thế.

Những trường hợp khác, đem lại hiệu quả tích cực cho mái ấm gia đình họ như thế nào, tôi không rõ. Nhưng rõ ràng, trường hợp vừa nêu trên lại trật cù chìa. Không chỉ có thế, tôi có người thân là giám đốc một công ty lớn, sau khi ly dị vợ anh đã “đi bước nữa”. Chẳng có gì ngạc nhiên cả, có điều bạn bè thường hay nhắc nhở anh nên để mắt, quan tâm đến cô vợ mới nhiều hơn trước. Sở dĩ thế, vì cô còn qua trẻ, chỉ bằng tuổi con gái đầu của anh, nếu lơ là, mất “cảnh giác” biết đâu có kẻ xấu nhảy vào thì rách việc.

Ngẫm ra thấy đúng quá. Do công việc nên cả hai khó có thể “dính như sam”, thế là anh bèn mua cho vợ chiếc xe mới và thuê một “đệ tử” kết nghĩa, thân tín như con em trong nhà có nhiệm vụ đưa rước. Hễ nàng đi đâu, đến đâu, làm việc thì cũng đều được “tay trong” mật báo.

Xe nhà mình, vợ mình, tài xế của mình là yên tâm quá đi chứ? Rất yên tâm. Hơn nữa, để vợ không thể biết đang có người bí mật “theo dõi” đường đi nước bước mỗi ngày, do đó, anh bạn tôi không nói gì mối quan hệ giữa mình với tài xế. Rõ ràng, như vậy cô vợ không nghi ngờ, cảnh giác gì cả.

Khi thực hiện việc này, lúc tâm sự với tôi, anh hớn hở tự khen: “Cậu thấy thế nào. Có phải tớ là người cao cơ không nào?”. Tôi gật gù đồng tình. Mà cũng phải thôi, một khi không có thời gian thì nhờ/thuê người thân thiết theo dõi vẫn yên tâm. Mọi động tĩnh gì xẩy ra mình đều biết ngay lập tức, nhờ thế mới có thể chấn chỉnh ngay. Nếu không, đợi đến lúc “nước đến chân mới nhảy” e rằng, biết đâu cũng tệ hại như “mất bò mới lo làm chuồng” thì còn nói năng gì nữa?

Tóm lại, anh bạn của tôi rất cao cơ.

Mọi việc sau đó thế nào, nói thật tôi cũng không rõ lắm. Mỗi người có mỗi việc, thỉnh thoảng có gì trao đổi qua điện thoại; cần kíp lắm mới hẹn hò bù khú tâm sự dài dòng. Rồi vào một buổi chiều nắng đẹp, đang ước có ai rủ đi nhậu thì y như rằng anh bạn tôi rủ ra quán Đẹp như mơ. Tôi gật gù khen: “Ông trời cho anh nhiều quá. Đã giàu có lại cưới vợ trẻ đẹp, đúng là đời đẹp như mơ”. Lạ thay, nghe câu nói đùa duyên dáng ấy, chẳng nghe vọng lại tiếng cười như mọi lần.

Lúc đến nơi đã thấy anh ngồi trong góc tối, cái bộ mặt chình ình như đưa đám, ngạc nhiên quá, tôi hỏi: “Thế nào? sao lại héo hắt thế kia?”. Chẳng nói chẳng rằng, anh chìa ngay cho tôi xem bức “tâm thư” của vợ. Đọc xong, tôi cảm thấy từng ngụm bia trở nên đắng ngét, vì rằng cô vợ… xin ly hôn. Một khi đã muốn chia tay thì có hàng trăm, ngàn ngàn lý do, có thể không hợp lý nhưng đố có thể cãi cho ra nhẽ. Thấu hiểu điều đó nên tôi hỏi gặng: “Theo anh, lý do chính là cái gì mới được chứ?”. Lại im lặng, không thèm trả lời, anh rút trong túi cái điện thoại ra và cho tôi xem tấm hình. Thì ra đó là gương mặt của “đệ tử” đã cùng anh kết nghĩa huynh đệ, thề thốt sống chết có nhau.

Oái oăm ghê.

L.M.Q

(nguồn:  TGPN 20.11.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com