THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “XẤU CHÀNG” THÌ “HỔ THIẾP”, CHỨ CÒN AI VÀO ĐÂY NỮA?

LÊ MINH QUỐC: “XẤU CHÀNG” THÌ “HỔ THIẾP”, CHỨ CÒN AI VÀO ĐÂY NỮA?


xau-chnag-hoi-thiep-hu-aai-vao-2day

 

Với tâm lý của con người ta, thường là “tốt khoe xấu che”. Không chỉ dành cho bản thân mình, ngay cả người thương yêu nhất, ăn chung mâm, ngủ chung giường cũng được áp dụng nốt. Điều này đúng thôi. Một khi đã xuất hiện trước đám đông, dù có thế nào chăng nữa thì ai cũng luôn thể hiện một hình ảnh tốt đẹp.

Lạ thay, có người lại không nghĩ như vậy, họ lại “dìm hàng” người hằng đêm vẫn đầu ấp tay gối. Có thể do vô tình hoặc hữu ý nhưng một khi bị vợ/chồng “vạch áo cho người xem lưng”, thử hỏi nổi khổ tâm này, ai thấu?

Ngày kia, cô bạn tôi đùng đùng viết tờ ly hôn và ném luôn vào mặt đức lang quân. “Ơ hay, chuyện gì thế em?”. Anh chồng ngạc nhiên kêu lên thảng thốt như mới từ cung trăng rơi xuống đất. Cô vợ vẫn xẵng giọng: “Chuyện gì nữa? Anh bôi xấu tôi như thế là đủ lắm rồi”. Nói xong, cô kể ra vanh vách hôm ấy có những ai, tại đâu và anh chồng đã than phiền những gì về vợ. À, thì ra, hôm ấy đang vui, đâu riêng gì anh, bạn bè khác cũng đem vợ ra tếu táo.

Anh kể rằng, trong giấc ngủ mỗi tối do vợ ngáy như cưa gỗ, chịu hết xiết nên anh đành lấy bông gòn bịt lỗ tai. Vì thế lần nọ, chẳng may ăn trộm chui vào nhà nên anh chẳng thể nào phát hiện được tiếng động của chúng! Tài sản trong nhà bị mất một mớ là… do tài ngáy của bà xã! Nào ngờ câu chuyện thêm “gia vị mắm muối” hư cấu cho ly kỳ, hấp dẫn ấy đã lọt đến tai vợ!

Trường hợp này, có thể chẳng phải ác ý gì, chỉ nói đùa, chỉ “tám” cho vui lúc tán gẫu. Nghe người ta kể chuyện này, chuyện kia, ai nấy khen hay rồi vỗ tay ầm ĩ, cất tiếng cười vang. Chẳng lẽ mình lại “im thin thít như thịt nấu đông”? Thiên hạ từng bảo: “Đến đây chẳng hát thì hò/ Đâu phải con cò ngóng cổ mà nghe”. Thế là có người cố tình bịa ra chuyện nhăng nhố nào đó góp vui, miễn tạo ra tiếng cười là được. Tâm lý này, ban đầu tưởng rằng vô thưởng vô phạt, nghe qua rồi bỏ. Nhưng một khi đã lọt vào tai “đương sự” ắt sự việc lại khác hẳn.

Mà này, đâu phải lúc vắng mặt người này, người kia mới “dìm hàng”.  Dù trong đám đông, họ vẫn “hồn nhiên như cô tiên” kể oang oang khiến “một nửa” đang ngồi đó dở khóc dở cười. Muốn “thanh minh thanh nga” nhưng ngại người bạn đời “mất mặt” nên đành bấm bụng, nuốt cục tự ái cái ực xuống họng cho xong. Liệu có xong không? Tôi nghĩ rằng chưa chắc. Ít ra, sau lúc quay trở về nhà, mọi chuyện được nhắc lại cho “ra môn ra khoai” thì mệt đây.

Anh X là người bạn rất thân thiết của tôi. Có lần kể lại tình huống mà theo anh là dở hơi và khó đỡ: Sáng chủ nhật đẹp trời, vợ chồng tớ hiên ngang bước vào một nhà hàng sang trọng. Ở đó, tớ đã gặp khá nhiều bạn bè có danh phận trong xã hội, vì thế tớ cũng phải “gồng mình” lên cho bằng họ.

Lúc ấy, có người bạn của tớ bước sang bàn hỏi đùa: “2 bạn gọi thức uống gì vậy? Một chai rượu ngoại để hâm nóng tình yêu chứ?”. Trả lời thế nào nhằm thể hiện mình cũng “đẳng cấp” không kém gì ai, dù trước lúc vào đây bàn tay của tớ luôn sờ vào ví và nhẫm tính số tiền phải trả. Tớ đang phân vân thì cô vợ đã nhanh nhẩu: “Làm gì có chuyện đó, mỗi lần dẫn em đi ăn ảnh quy ước chi tiêu không quá 300 ngàn thôi anh à!”. Nghe xong, tớ cảm thấy choáng và quê một cục!

Đến bây giờ, anh bạn tôi vẫn chưa hết “quê” với câu nói bâng quơ của vợ. Có thể, cô ấy muốn góp vui chăng, dù chuyện ấy có là thật đi nữa nhưng có cần thiết phải khai toẹt ra thế không?

Dù không làm cuộc tham dò, nhưng tôi thừa biết rằng, đa số đều có suy nghĩ: đem chuyện riêng tư chồng/vợ ra “tám” là điều không nên chút nào. Thế nhưng, ngày nọ, có lần đang làm việc trong công ty, tôi nghe các cô đồng nghiệp kháo nhau về chuyện chồng con. Cô A bảo: “Chồng mình dễ thương, dễ bảo lắm, chỉ có mỗi tội đãng trí. Có lúc nhờ chồng ra chợ mua vài thứ lặt vặt, nhưng nghe dặn trước lại quên sau. Vì thế, những lần ấy, tớ phải ghi ra giấy cặn kẽ cứ như cô giáo sai học trò! Mà có xong đâu, ghi một đàng như ra đến chợ mua một nẻo! Chán lắm”!

Lập tức, cô B chêm vào: “Chưa bằng chồng của em. Có lúc nhờ ảnh đi họp phụ huynh giúp, ảnh phát biểu hoành tráng ghê, góp ý nhà trường từ vi mô đến vĩ mô cực kỳ bài bản, thiên hạ vỗ tay khen rầm trời. Về nhà ảnh hỉnh mũi “kể công”, tớ hỏi đi hỏi lại một lúc mới hay cháu bé nhà mình học lớp 2 A, nhưng ảnh lại vào nhầm lớp 2 B!”.

Chưa hết. Ngày kia đi công tác ngoài Hà Nội, tôi tình cờ gặp nhau người bạn cũ đang đi cùng bà xã. Chạm mặt ngoài phố, mừng quá, thế là bọn tôi bèn tấp vào lề đường chuyện trò rôm rã. Một tát sau do đã đến giờ đi họp nên tôi vội vã chia tay và không quên hỏi thăm địa chỉ nhà bạn để còn có dịp ghé thăm. Bạn tôi thật thà: “Nhà mình ở khu phố X, đường Y”. Tôi cảm thấy ngờ ngợ nên hỏi lại: “Ô hay, tớ còn nhớ ngày trước nhà bạn ở đường Z kia mà?”.

Nào ngờ, cô vợ của bạn tôi nói chen ngang: “Anh nói đúng. Còn nhà bọn em đang ở hiện nay là nhà em của bố mẹ em đấy. Nhà ảnh nhỏ như hộp diêm thì chỗ đâu mà kê cái giường?”. Nói xong, cô bật cười khanh khách như chỉ nói đùa nhưng quan sát bạn, tôi thoáng nhận ra hắn ta dù cũng cười theo nhưng gương mặt lại xám xịt. 

Rơi vào tình huống éo le này, ai cũng cảm thấy “mất mặt” với người đối diện. Ai nói thì thiên hạ còn nghi nghi ngờ ngờ, chứ người vợ/chồng đã “bật mí” thì đố có sai. Chẳng rõ, lời nói của vợ bạn ngụ ý gì nhưng rõ ràng nó đã khiến người trong cuộc mắc cỡ đến “đứng hình”, liệu có nên chăng?

Tại sao xẩy ra những trường hợp “dìm hàng”?

Có lẽ do lâu nay không hài lòng tính cách các của chồng/vợ, thế nhưng lại không có dịp “góp ý” vậy nên phải tranh thủ cơ hội thuận tiện nhất? Nói toẹt ra “ấm ức” lâu nay cũng là một cách nhắc khéo đấy chăng? Mà nói giữa chốn đông người, bạn bè đang vui vẽ dù nghe chối tai, dù lòng bực bội nhưng “một nửa” làm sao dám đáp lại bằng câu quát mắng, cãi cọ? Chỉ còn có nước “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nếu quả thật như thế, thiết tưởngsự “dìm hàng” thiếu tế nhị ấy không giải quyết được gì đâu.

Cách tốt nhất, nếu một khi không hài lòng chuyện gì về “nửa kia”, cứ việc đóng cửa bảo nhau, chẳng tội gì phải “tám” với thiên hạ. “Xấu chàng” thì “hổ thiếp”, chứ còn ai vào đây nữa?

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 485 ngày 26.8.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com