THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “VỊN CÂU THƠ MÀ ĐỨNG DẬY”

LÊ MINH QUỐC: “VỊN CÂU THƠ MÀ ĐỨNG DẬY”

 

VIN-CAU-THO-MA-DUNG-DAY-LE-MINH-QUOC

 

Nếu trong đời có lần ngao ngán tình đời, ta thốt lên: “Đời đáng chán” và những muốn chết quách đi cho xong, vậy làm sao lấy được sự bình tâm?  Xin thưa, ta thử hãy vào... bệnh viện xem sao. Vào đó, ta sẽ thấy những lời nguyền rủa, than thân trách phận ấy trở nên lố bịch. Ta sẽ thấy ở đó có những số phận phải gánh chịu căn bệnh ngặt nghèo, bi thảm hơn ta gấp triệu triệu lần thế nhưng họ vẫn níu lấy sự sống, thèm sống dẫu từng ngày đớn đau đến tột cùng…

Ngày nọ, tôi “tháp tùng” cùng anh em của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đi thực hiện bộ phim phóng sự về trại phong Bến Sắn. Thú thật, trong chuyến đi ấy, tôi “ngộ” ra một điều lạ lùng: Thơ cũng là một dưỡng chất cần thiết cho người bệnh, ít ra là trong trường hợp của thi sĩ Đơn Phương. Quan sát, tôi thấy hai bàn tay của anh đã quắt queo, không còn ngón để cầm bút. Thế nhưng từng ngày anh vẫn làm thơ, nói như Phùng Quán là anh “vịn câu thơ mà đứng dậy”.

Đơn Phương đã có nhiều tập thơ xuất bản, nhưng tạo được tiếng vang lớn nhất, khiến các nhà phê bình văn học không thể không chú ý đến đó là tập Quần tiên hội. Trước hết, hãy nói về số phận của tập thơ rất kỳ lạ này. Khi biết Hàn Mặc Tử đã mắc bệnh nan y, đang sống trong tâm trạng sầu não thì nhà văn Trần Thanh Địch đã giới thiệu cho bạn mình một nhan sắc có tên Thương Thương. Từ hình bóng này, Hàn Mặc Tử đã viết kịch thơ Quần tiên hội, nhưng chỉ để lại cho đời 41 câu thơ. Đơn Phương đã đọc với tâm trạng: “Tôi với người cùng thế giới đau thương/ Thịt cùng ngấm một thứ hương kỳ quặc/ Cũng cùng rưới lên rừng đời nước mắt/ Nay bên mồ xin đặt một vòng hoa...".

Thế là anh tự đặt cho mình “sứ mệnh” phải hoàn thành kịch thơ Quần tiên hội,theo “đề cương” Hàn Mặc Tử đã để lại. Vượt lên bệnh tật từng ngày giày xé thân xác, vượt lên những ngày bấp bênh bán vé số kiếm sống Đơn Phương đã viết được 700 câu thơ nối theo! Thật lạ, đọc tập thơ này, ta rợn người khi cảm nhận thi pháp của thiên tài Hàn Mặc Tử, từ hình ảnh đến vốn từ đã “nhập” vào Đơn Phương như một lẽ tự nhiên, khó tách bạch.

Ngày đó, khi chúng tôi ngồi trước sân nhà tuềnh toàng của Đơn Phương tại trại phong Bến Sắn, anh trầm ngâm: “Số phận người bệnh phong như chúng tôi là những người tù không bản án, vì phải sống hết đời trong sự cách biệt với thế giới bên ngoài. Thời trẻ, đã có lần vì đớn đau, vì tuyệt vọng tôi đã dại dột tự tử, may mà đã được cứu sống. Nhờ có thơ mà tôi đã sống được đến hôm nay. Bao nhiêu nỗi niềm của tôi đều trút cả vào thơ”.

Trước đây, đọc thơ Hàn Mặc Tử, ai cũng thấy có rất nhiều ánh trăng, thì ra, lúc ấy tôi mới biết “say trăng” cũng là tâm trạng chung của người bệnh phong. Vợ của thi sĩ Đơn Phương là chị Liên cũng mang bệnh cho biết: “Hễ có trăng là chồng tôi lại lang thang ra sân, ngồi bất động tại một gò cây cao để ngắm trăng cho đến sáng”. Kỳ lạ chưa? Đơn Phương giải thích: “Lúc ấy, bốn bề rừng núi hoang vu chỉ có ánh trăng mới là niềm sẻ chia kỳ diệu nhất”. Và anh đã viết được những câu thơ về trăng đầy ám ảnh: “A ha! Mỹ tửu nấu toàn trăng/ Sướng khắp châu thân, nhưng ngại rằng:/ Lưỡng Nghi  Trời Đất vô đầy ruột/ Mê quá! Hồn ta suýt té lăn”.

Bây giờ, Đơn Phương đã đi đến thế giới khác, đi theo Hàn Mặc Tử như câu thơ: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sao sương, anh nằm chết như trăng” thì tôi vẫn còn nhớ đến những câu thơ của người bệnh có tâm hồn thi sĩ.

Mà thật lạ, ngay cả các vị thầy thuốc, vốn là ân nhân của người bệnh thi trong số họ cũng có người làm thơ. Có thể kể đến trường hợp của bác sĩ - nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, Vũ Quần Phương, Trần Sĩ Tuấn v.v…  Chỉ có thầy thuốc làm thơ mới trải qua cảm giác như trường hợp Trần Sĩ Tuấn đã cảm nhận: “Chiếc áo choàng nhẹ nhõm đến nhường kia/ Mà có lúc tưởng chừng không mang nổi/ Khi không xoa dịu được nỗi đau của mẹ/ Cùng nỗi đau không cứu được người”. Tôi tin rằng nhiều vị thầy thuốc cũng trải qua cảm giác ấy, dù hết lòng cứu chữa nhưng rồi cũng không thể.

Danh y Hải Thượng Lãn Ông cho biết quan niệm về y đạo: “Người ta khi ốm đau, đem cả tính mạng gửi vào trong tay người thầy thuốc. Nếu gặp bệnh biến khó khăn mà khoanh tay từ chối không chữa, thì đời còn quý chi người thầy thuốc ấy nữa. Vậy dù biết bệnh chết đến nơi, chỉ nên bảo nhỏ cho gia đình bệnh nhân biết, còn tự bản thân người thầy thuốc cũng phải cố gắng nghiên cứu suy nghĩ, hoạ may còn cứu vãn được phần nào, tuyệt nhiên không nên ‘thấy sóng cả mà rã tay chèo’”.

Những tấm lòng vị tha, hết lòng vì người bệnh thời nào cũng có. Đáng kính trọng thay.

Tuy nhiên cho tôi hỏi, có phải cứu sống, đem lại sức khỏe cho bệnh nhân chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chuyên môn của người thầy thuốc? Không hẳn thế. Thời bé, tôi đã đọc ngấu nghiến tập sách Tâm hồn cao thượng của nhà văn Edmond De Amicis qua bản dịch của nhà giáo Hà Mai Anh. Đến nay vẫn còn nhớ đến trường hợp của cậu bé Nhĩ Kha phải vượt qua nhiều chặng đường dài tìm mẹ. Khi đến nơi, cậu mới biết mẹ đang bệnh nặng, sắp chết.

Lúc hai mẹ con họ gặp nhau, thật cảm động: “Nhĩ Kha chạy vào, như có phép thần thông giúp đỡ, mẹ cậu nhỏm dậy ôm lấy cậu như một con hổ đói mồi, vừa cười vừa khóc, hôn cậu và hỏi: “Sao con lại đến đây? Con độ này lớn quá! Ai đưa con đi? Hay con đi một mình? Con có ốm không? Chính con là Nhĩ Kha của mẹ? Không phải là giấc mộng chứ? Con nói cho mẹ hay”. Nói đến đây bà chợt đổi giọng và bảo: “Khoan đã! Con sẽ nói sau”. Rồi quay lại bảo bác sĩ: “Thưa bác sĩ, bây giờ tôi muốn khỏi bệnh. Tôi sẵn sàng để ngài cứu cho... Xin ngài cấp cứu cho...”.

Sở dĩ như thế, vì trước đó, bà không chịu cho phẫu thuật, vì: “Cảm ơn bác sĩ, tôi còn có can đảm để đợi chết, chứ không còn lúc để chịu đau đớn một cách vô ích. Xin bác sĩ cho tôi chết yên lặng thì hơn”. Nay, gặp lại con, bà thay đổi ý định.

Nhà văn viết tiếp: “Bác sĩ và y sĩ ngoại khoa mang các khí dụng vào và đóng cửa phòng lại. Lát sau bác sĩ hớn hở ra phòng bảo Nhĩ Kha: “Mẹ con đã được cứu thoát!”. Nhĩ Kha liền quỳ trước mặt bác sĩ khóc nức nở, nói: “Đội ơn bác sĩ đã cứu sống cho mẹ con!”. Vị bác sĩ đã trả lời thế nào? Đến giờ tôi vẫn nhớ một câu rất hay: “Bác sĩ đỡ Nhĩ Kha dậy và khen: “Con hãy đứng dậy. Con thực là một đứa trẻ phi thường. Chính con đã cứu sống mẹ con!”.

Cậu bé Nhĩ Kha ấy, và lòng hiếu thảo của những con người như em, tôi nghĩ rằng chính là hiện thân của vần thơ có ích ở trong đời. Những “câu thơ” ấy đã giúp người bệnh “vịn câu thơ mà đứng dậy”.Và đó cũng chính là dưỡng chất, vị thuốc cần thiết đồng hành với thấy thuốc lúc họ chữa bệnh cho thân nhân của mình.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 465 ngày 25.2.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com