THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: AI CŨNG CÓ NIỀM VUI TRONG NĂM MỚI

LÊ MINH QUỐC: AI CŨNG CÓ NIỀM VUI TRONG NĂM MỚI

ai-cung-co-niem-vui-trong-nam-moi


Ngày năm mới, nắng xanh, mây trắng, thiên nhiên khoe sắc thắm. Và tôi lại nhớ đến bài phú Xuân thiên, tự ngàn xưa, ông bà mình đã miêu tả với nhiều sắc màu thân thiện, ấm áp:

Mới ngày nào thu rũ, đông rầu, sương sa như bạc, lá rụng như vàng, chiều tịch mịch vừa trêu, vừa gợi;

Mà nay trời tươi, đất tỉnh, núi vẽ ra mày, hoa tươi ra miệng, cảnh xuân thiều càng ngắm càng xinh.

Trước cảnh vật hòa hợp lòng người, hầu như ai cũng có một ước mơ nào đó. Với nhiều người, một trong những cái thú tao nhã mà họ ước mơ là được mở rộng tầm mắt qua chuyến du lịch. Được vậy, còn gì tốt hơn? Âu cũng là một cách “nạp năng lượng” cho tâm hồn và sức khỏe để sau đó, tiếp tục bước tiếp hành trình thăm thẳm của đời người. Tạm thời gác bỏ những âu lo, nghĩ ngợi, bận rộn để thư giản trong ngày hội trời đất thanh xuân.

Mà này, lúc du lịch, xin hỏi trong ba lô bạn sẽ đem theo những gì? Không có câu trả lời nào là “chuẩn” vì tùy theo nhu cầu của mỗi người.

Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, tại sao ta lại không đem theo… vài quyển sách nhỉ? Ý kiến này cũng ngồ ngộ, phải không? Nghe hỏi thế, biết đâu có câu trả lời: “Du lịch mà lại đem theo sách ư? Có mà điên”. Ai đó vừa kêu toáng lên. Điều này chẳng có gì phải ngạc nhiên bởi nghĩ rằng, “đi” là tiếp cận với cái “nguyên bản” còn tươi roi rói, tận mắt nhìn, chứ cần gì phải nhìn bằng cảm nhận của người khác. Vậy đọc sách trong hoàn cảnh này có cần thiết không? Với người này là không. Với người kia là có. Chuyện ấy cũng bình thường thôi. Riêng tôi, một người mê sách, tôi luôn đem trong va li những cuốn sách trên bước đường du lịch.

Đến một vùng đất lạ, một không gian mới dù mình đã đến nhiều lần thì trang sách ấy vẫn đem lại cảm xúc nhiều lắm. Thử tưởng tượng, ngày đầu xuân nếu đi chơi chùa Hương, trước cảnh đẹp mê hồn đến huyền ảo mà được đọc câu thơ của Chu Mạnh Trinh: “Thoảng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng” - há chẳng phải là niềm khoái cảm dạt dào chạy khắp châu thân đó sao? Trước cảnh huyền ảo của “bầu trời cảnh bụt”, được đọc thêm câu thơ hay của tiền nhân, há chẳng phải khiến tâm hồn nhẹ nhàng hơn trong sự uyên thâm?

Với người này muốn giảm “sờ trét”, du lịch là ngắm nhìn, tận hưởng cái vẻ đẹp để làm no nê hai con mắt, làm sảng khoái tâm hồn; nhưng với người kia, du lịch là quan sát, ghi chép và để đọc sách. Trang sách gắn liền với vùng đất mà mình vừa đặt chân đến. Tri thức trong sách sẽ bổ sung cho ta rất nhiều điều mà ta cần biết, cần tìm hiểu thêm.

Sực nhớ đến một thi nhân từng rong ruổi bước chân giang hồ trên nhiều vùng đất nước: “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có cửa nhà thời không”. Lấy những chuyến đi xa làm lạc thú nên ông không thể thiếu bầu bạn là sách. Ít ai biết, những bài thơ Đường do Tản Đà tiên sinh dịch được bạn đọc nhiều thế hệ yêu mến là do từ cảm hứng của những chuyến du lịch. Được đi xa, được ngắm nhìn phong cảnh và hào hứng với những nơi sẽ đến nên các bản dịch này phiêu linh hơn, khác hẳn tâm thế tĩnh lặng lúc ngồi nhà.

Hữu ích của việc du lịch đã có nhiều người nói đến rồi, vì thế, tôi không bàn sâu hơn Nhưng biết đâu sẽ có người kề tai tôi, hỏi nhỏ: “Nếu không có tiền, làm sao ta có thể du lịch?”. Phải trả lời ra làm sao trước câu hỏi hóc búa này? Đúng là vậy. “Có thực mới vực được đạo”. Muốn thư thái tâm hồn qua thiên nhiên năm châu bốn biển mà trong túi không có một xu, làm sao thực hiện được ước mơ ấy?

Xin trả lời rằng, nhà văn Abel Bonnard - người đã từng nhận Giải thưởng lớn Văn học của Viện Hàn lâm Pháp, có nói câu này: “Đọc sách là một cuộc du lịch thứ nhất của con người, và khi ở trên thế gian này đâu cũng như đâu, cuộc du lịch cuối cùng vẫn là sự đọc sách”. Đúng thế, sách là kho tàng trí khôn của loài người đã tồn tại qua nhiều năm tháng, ở đó, sự kỳ diệu mãi mãi hấp dẫn chúng ta. Có những người dù chưa đến các nước châu Âu nhưng họ lại cảm thấy gần gũi, hiểu biết phong tục, tập quán, nghệ thuật ẩm thực… những nơi ấy chính cũng từ trang sách đấy thôi.

Nghe nói vậy, có lẽ nhiều người đồng tình, nhưng rồi lại có câu hỏi cắc cớ: “Biết là vậy, nhưng ngồi một mình với quyển sách, cảm thấy tĩnh mịch, lặng lẽ quá”. Vâng, sự tĩnh mịch, im lặng đôi khi khiến ta cảm thấy đơn độc và bơ vơ. Vì thế, con người ta luôn có nhu cầu được tụ tập, gặp gỡ cùng bè bạn, người thân, chứ ít ai chịu bó gối suy tư một mình. Vẫn biết là thế, nhưng tôi dám quả quyết sự tĩnh mịch vẫn đem lại sự ích lợi.

Từ năm 1919, trên Nam Phong tạp chí số 25, nhà văn Phạm Quỳnh có lời bàn: “Ta thường nhân những khi canh khuya vắng vẻ, môt bóng một một mình, bao nhiêu công việc ban ngày gác bỏ một nơi, ngồi mà suy nghĩ xa xôi dễ sinh ra tư tưởng hay, ý kiến lạ, mới biết rằng cái phần tốt đẹp thanh cao ở trong người ta chỉ xuất hiện trong khi tĩnh mịch vậy. Hóa học cũng nghiệm ra rằng phàm các tinh chất (cristeaux) tan trong nước, phải nước lắng thời mới kết tinh lại được, cũng là vì một lẽ đó”.

Vậy nên, giữa vận hội của thiên nhiên thắm tươi, chào mừng một năm mới lại đến, ta thấy rằng dù bất cứ hoàn cảnh nào, ai ai cũng có cách để thể hiện cảm xúc của lòng mình. Ai cũng có điều kiện tiếp cận với niềm tin yêu, sự hy vọng. Vậy mà trong ngày đầu xuân khi đến thăm thầy dạy cũ,  lúc hàn huyên tâm sự, thầy tôi lại nhắc về bài học của ngày còn đi học.

Đó là chuyện không vui của một người tiều phu nọ. Sau nhiều năm lao động cật lực, ông ta đã dựng lên một ngôi nhà khang trang. Năm tháng thong thả đi qua, vợ con ông đã sống yên vui dưới mái nhà đó. Chẳng may, một ngày kia, do lý do gì đó, ngôi nhà bị bốc cháy. Dù đã cố gắng hết sức nhưng họ vẫn không khống chế được ngọn lửa. Lúc đứng nhìn đống tro tàn, ai nấy đều ái ngại, thương xót cho gia đình ông. Sau khi cám ơn sự an ủi, giúp đỡ của bà con láng giềng, ông lại lao vào bới tung, tìm kiếm cái gì đó trong đống đổ nát, hoang tàn. Ông ta tìm kiếm vàng, bạc, ngọc ngà, châu báu đã tích trữ lâu nay ư?

Cuối cùng, người tiều phu kêu lên trong sự mừng rỡ tột cùng: “Tìm thấy rồi! Tìm thấy rồi!”. Mọi người ngạc nhiên khi thấy ông ta cầm trên tay chỉ là lưỡi rìu. Ông nói quả quyết: “Chỉ cần có lưỡi rìu này, tôi có thể dựng lại một ngôi nhà khác”. Ta hiểu lưỡi rìu chính ngụ ý về lòng tin mãnh liệt, không đầu hàng nghịch cảnh.

Xưa nay như một lẽ tự nhiên, trong ngày đầu năm không ai muốn vấp phải xúi quẩy, xui xẻo, bao giờ cũng hướng đến sự thanh tân, tươi tốt. Nhưng rồi, ước mơ là một chuyện và nó có đến với mình hay không lại chuyện khác. Không gặp sự cố là tốt, nhưng nếu gặp sự cố mà biết đứng lên vẫn tốt hơn. Tốt ở chỗ, dù trong tình huống nào vẫn không tuyệt vọng, u sầu, quỵ lụy. Vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên, thầy giáo tôi đã nhắc lại bài học cũ trong ngày đầu năm mới.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 463 ngày 31.12.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com