THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: CHUYỆN CỔ TÍCH TRONG THỜI @

LÊ MINH QUỐC: CHUYỆN CỔ TÍCH TRONG THỜI @

 

LE-MINH-QUOC-co-tich-trong--thoi-

 

Không riêng gì Việt Nam, các dân tộc khác trên thế giới đều có truyện cổ tích. Đây là kho tàng quý báu thuộc dòng văn chương truyền khẩu, tác giả chính là quảng đại quần chúng đã kể từ đời này qua đời nọ.

Cách kể chuyện có thể khác hoặc giống một vài chi tiết nhưng vẫn giữ được cốt lõi của chủ đề. Đến một lúc nào đó, có nhiều người cùng chép lại các truyện cổ tích đã nghe kể, theo cách của mình nhằm lưu lại đời sau. Do đó, không gì ngạc nhiên khi một truyện cổ tích nhưng lại có nhiều dị bản. Thậm chí, có câu chuyện không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn sự tương đồng với truyện tích cổ của dân tộc khác. Điều này cho thấy rằng, dù hấp thu nền văn hóa nào đi nữa nhưng đạo lý, giá trị nhân văn của nhân loại vẫn có “mẫu số chung”.

Nhiều người tâm đắc với câu tục ngữ: “Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho”, còn do một phần được diễn giải qua câu chuyện thật hay.

Chuyện rằng, sau đã giàu có, vợ chồng Thạch Sùng thường đánh tiếng muốn đọ với người khác về tiền của. Bấy giờ, ở kinh đô có một người em hoàng hậu họ Vương cũng là tay cự phú nổi tiếng nhiều tiền, vàng. Cả hai thách đố và giao ước nhau, nếu ai có vật dụng này mà người kia không có thì mất toàn bộ tài sản.

Trong cuộc thách đố, cả hai ngang ngửa nhau về tài sản, về vật dụng. Không ai thua ai. Cuối cùng, Vương công nói như đinh đóng cột, từng chữ rõ ràng: “Hãy đưa mau ra đây mẻ kho của nhà ngươi”. Thạch Sùng giật mình. Thuở hàn vi, cái mẻ kho là vật quý giá nhất trong nhà. Lúc giàu sang phú quý, thứ đồ dùng hèn hạ ấy, lão đã vứt bỏ đi từ lúc nào cũng không nhớ nữa. Trong nhà lão toàn dùng những thứ bằng vàng, bằng bạc, tệ nhất cũng bằng đồng thau, chứ giữ cái của nợ ấy làm gì nữa?

Nghe câu thách ấy, Thạch Sùng bủn rủn chân tay. Lão ngã bịch xuống đất. Không ngờ bị thua một vố đau như thế, lão cay đắng nhìn thấy tất cả gia sản cho đến vợ con, nàng hầu, nô tỳ v.v. .. đều chạy sang tay Vương công. Lủi thủi một mình, gã chắt lưỡi tiếc cho cơ nghiệp. Tiếc quá, lão uất ức đến độ thổ huyết mà chết. Chết nhưng vẫn còn tiếc của nên hóa thành con thạch sùng. Ngày nay, ta thường nghe loài mối thỉnh thoảng lại chắt lưỡi kêu lên mấy tiếng "Thạch Thạch" là vì thế.

Câu chuyện cổ tích này, nhiều người đã được đọc/học từ thuở bé, đến nay vẫn nhớ bài học: Trên đời không ai hoàn toàn đầy đủ; kể cả những vật dụng dù hèn kém nhất như cái mẻ kho nhưng cũng có vai trò của nó. Hơn nữa, một người làm giàu bất chính như Thạch Sùng, khó có thể giữ được tài sản lâu bền.

Như ta đã biết, Thạch Sùng “phất” lên là nhờ… thiên tai lũ lụt! Lúc làng trên xóm dưới ngập chìm trong lũ. Lũ dữ cuốn đi biết bao nhà cửa, hoa màu, súc vật… Người than, kẻ khóc như ri. Nạn đói đe dọa khắp nơi. Giá gạo ngày mỗi tăng vùn vụt, từ một tăng lên gấp mười rồi dần dà tăng lên gấp trăm. Thế mà vẫn không ai có đủ gạo để bán. Trong khi đó, dù dự trữ một số gạo lớn nhưng Thạch Sùng vẫn không hề động lòng cứu đói một ai, dù trước đó, lão đã từng được thiên hạ giúp đỡ. Đã thế lão cũng không bán gạo, cứ bình chân như vại, chỉ mong lũ lụt ngày một nhiều hơn nữa.

Thật vậy, mưa lũ ngày càng càng kinh khiếp hơn. Ngày qua ngày, lại có người chết đói, dù có tiền cũng không mua được gạo. Thấy dân tình cùng kiệt, bấy giờ vợ chồng lão mới tung số gạo tích trữ ra. Hạt gạo lúc lũ lụt, mấy mùa, đói kém không thua gì hạt ngọc. Có người phải đem một thoi vàng đổi một ký gạo. Nhờ mánh khoe thất đức ấy, lão giàu lên nhanh chóng, không thua bất kỳ phú ông nào. Nhưng rồi, cuối cùng tay trắng lại hoàn tay trắng.

Tiếp thu chuyện cổ tích, tôi nghĩ không khác gì đối với một người… học thiền. Nói như vậy, vì xin thưa, tôi đã đọc được câu này đã lâu, không nhớ rõ ai nói, và đã nói trong trường hợp nào: “Khi tôi chưa học thiền, tôi thấy núi là núi, sông là sông; khi tôi học thiền, tôi thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông; sau khi học xong tôi lại thấy núi là núi, sông là sông”. Tôi không đủ khả năng để diễn giải và thấu hiểu triết lý uyên sâu của câu nói đó nhưng nghĩ rằng, sau khi học, khi đọc một điều gì đó cũng là một cách xác tín, vững lòng tin vào sự cốt lõi, bản chất vốn có của sự việc.

Về câu chuyện Thạch Sùng, lúc còn bé ta tin sái cổ. Vậy mà khi lớn lên, lao vào dòng chảy của cuộc đời ta giật mình thấy… trậc lấc! Có nhiều người giàu sang do làm ăn bất chính, lươn lẹo gian trá, không tuân thủ theo luật pháp, họ có phải trả giá gì đâu? Vẫn ăn sung mặc sướng. Chứ đâu phải “tay trắng lại hoàn tay trắng” như Thạch Sùng?

Thế nhưng, đến một độ tuổi nào đó, sau khi đã chiêm nghiệm về lẽ sống ở đời, ta lại thấy câu chuyện cổ tích trên hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, sự giàu có không minh bạch như Thạch Sùng, dù thế nào nào đi nữa, kẻ ấy cũng phải trả giá, không cách này thì cách khác, không đời này thì đời sau. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” là vậy. Nhiều người cho biết, do thấu hiểu điều đó nên họ không dám làm điều xằng bậy. Nói cách khác, đó chính là rào cản của lương tâm, tiếng nói của lương tâm. Dù không ai phát hiện ra nhưng tự mình phải điều chỉnh hành vi, sống thế nào mà lương tâm không cắn rứt để mỗi đêm có thể gối đầu lên lương tâm ngủ đẫy giấc ngon lành.

Trở lại với cái mẻ kho, ta lại thấy bài học ấy, ông bà mình dặn dò rất sâu sắc rằng, mỗi người có một vị trí, tùy theo khả năng và trong sự tương quan thì mọi người cũng đều có khả năng giúp đỡ cho nhau. Khi nhìn cấu trúc của mọt căn nhà, ta lại càng thấy rõ điều đó. Cây to làm cột, cây nhỏ làm kèo, và ngay cả buột lạt cũng quan trọng không kém.

Đọc lại sử đời nhà Trần, nhiều người rất khoái nhân vật Yết Kiêu, Dã Tượng vốn là gia nô thân tín của Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương. Họ chỉ là những người dân bình thường, bình thường đến độ không ai nhớ đến tên thật. Thế nhưng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, chính nhờ tài bơi lội như rái cá, giỏi điều khiển voi xông trận nên Yết Kiêu, Dã Tượng đã góp phần làm nên chiến công chung hiễn hách. Cả hai được Hưng Đạo Đại Vương  khen ngợi, ngài có lời dạy: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi”.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 460 ngày 10.12.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com