THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: CHỌN LẤY MỘT PHÉP ỨNG XỬ

LÊ MINH QUỐC: CHỌN LẤY MỘT PHÉP ỨNG XỬ


Hay-chon-1-phep-ung-xu-1R

 

Thời đại của “thế giới phẳng”, con người ta có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin. Tuy nhiên, đọc sách vẫn là sự lựa chọn hàng đầu, bởi với trang sách, lúc đọc từng dòng, từng chữ, nghiền ngẫm đọc đi đọc lại,  ta càng thấu hiểu nghĩa lý rõ ràng nhất. Hơn nữa, có những cuốn sách đã thử thách qua thời gian, được nhiều thế hệ tin cậy, vì thế nó đã có một giá trị nhất định. Với tôi, một trong những quyển sách đó, có quyển Cổ học tinh hoa. Trong đó, mẩu chuyện này, chắc nhiều người còn nhớ:

Giáp hỏi Ất: “Đúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi, lấy dùi đánh chuông tiếng kêu boong-boong, thì tiếng kêu ấy là gỗ kêu hay là đồng kêu?”.

Ất đáp: “Lấy dùi gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu ở đồng”.

Giáp hỏi: “Lấy dùi gõ vào đồng tiền trinh không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu ở đồng mà ra không?”.

Ất nói: “Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu ở các đồ vật rỗng mà ra”.

Giáp hỏi: “Lấy gỗ, lấy bùn làm chuông đánh không ra tiếng, thế thì có chắc tiếng kêu là ở đồ vật rỗng mà ra không?…”.

Sau  này, khi nhớ lại chuyện Ất, Giáp bình luận, tôi mới thấy ra rằng, đúng là trên đời này vẫn có những người mẫu người như thế.

Rằng, có lần, tôi chứng kiến một cuộc ẩu đả ngay trên đường phố. Lúc ấy, có hai chiếc xe đâm sầm vào nhau. Ngay lập tức, những người có trách nhiệm đã có mặt giải quyết sự cố. Đường phố đang ùn tắc lại thông thoáng, không còn kẹt xe nữa. Thế nhưng vẫn còn có một nhóm người đứng lại xem sự việc sẽ giải quyết ra làm sao. Có thể do tò mò, cũng có thể đang rảnh việc nên họ nấn ná lại. Đứng xem một lúc, người này buộc miệng bình luận một câu. Nghe chối tai, người nọ lên tiếng cãi lại.

Ban đầu chỉ có thế.

Thế rồi, làm như mình mới tận mắt nhìn sự việc, thông hiểu pháp luật nên người này phán vài câu kết luận đúng, sai. Người kia đứng cạnh, nghe ngứa tai quá, lại cãi. Chuyện của thiên hạ mà họ cứ tranh cãi, nói năng hùng hổ, đỏ mặt tía tai, cãi bằng được như chuyện của mình. Chẳng mấy chốc, do không kiềm chế được nóng giận, họ xông vào tả xung hữu đột u đầu sứt tráng. Trường hợp này chỉ gói gọn trong hai từ: “Lãng xẹt”.

Khi hai anh chàng Ất, Giáp tranh luận nhau, nhà văn hóa Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân có lời bình: “Thế mới hay: Lẽ phải không cùng, càng nghị luận lắm, có khi lại càng như bối rối thêm ra không tài nào gỡ rối. Nên biết được thế nào, thì hay thế, chớ cứ chấp nhất câu nệ cho mình là phải, không biết cái phần phải của người, thì là có tính thiên và lượng hẹp. Nói cho đúng: Muốn rõ vật lý, cần phải có khoa học. Không biết khoa học mà bàn luận vật lý thì không tài nào xác thực được”.

Liên tưởng với chuyện ẩu đả trên đường phố mà tôi đã chứng kiến, có lẽ ai ai cũng cho rằng, việc hai chiếc xe đâm sầm vào nhau, muốn kết luận chính xác phải căn cứ vào quy định, các văn bản về giao thông đường phố v.v… chứ không thể nói tùy hứng. Chính vì phát ngôn cảm tính (dù cũng không phải chuyện của mình), để cuối cùng dẫn đến đấm đá. “ăn thua đủ” thì đúng “lãng nhách”.

Kỳ khôi ghê, có những việc không hề dính dáng đến mình, thế nhưng có người lại chõ mồm vào phán xét rất quyết liệt. Cuối cùng, lại dẫn đến một sự việc cũng tồi tệ không kém. Ban đầu cũng chỉ do cái tính tò mò, hiếu thắng mà ra. Đành rằng, đi ra ngoài đường, chọn lấy thái độ “mủ ni che tai” không hẳn là đúng. Nhưng rồi, có những việc không thuộc phạm vi giải quyết của mình, thử hỏi mình nấn ná đứng lại xem, rồi bình phẩm này nọ, liệu có ích gì? Mất thời gian vào những chuyện vô bổ đó, nên chăng?
Lại có những người đau đáu đến những chuyện “trời ơi đất hỡi” một cách vô bổ, không cần thiết để rồi đôi lúc gặp những chuyện này nọ, dù chẳng liên quan nhưng mình lại bực mình, bực bội. Thế là cảm hứng của một ngày đi tong. Tự dưng chuốc lấy sắc màu u ám ấy, tại ai? Hãy tự hỏi lòng mình.

Có thể minh họa bằng mẩu chuyện này, hiện đang được đực nhiều người đồng tình, chia sẻ trên mạng xã hội. Ngày nọ, có vị thông thái hỏi anh bạn trẻ: “Hai người đàn ông cùng leo ra khỏi một ống khói, một người mặt mũi sạch sẽ, còn một người lại nhem nhuốc, dính đầy muội than. Ai sẽ là người đi rửa mặt?”.

Anh ta nhanh nhảu đáp: “Người mặt bẩn sẽ đi rửa mặt!”. rồi mỉa mai: “Đây mà cũng được gọi là một câu hỏi ư?”. Vị thông thái thủng thẳng đáp lời: “Sai rồi! Người mặt sạch sẽ đi rửa mặt! Người mặt bẩn nhìn thấy người mặt sạch nên nghĩ mặt mình cũng sạch. Người mặt sạch nhìn người mặt bẩn nghĩ rằng: mặt mình cũng bẩn, nên anh ta đi rửa mặt!”.

Nghe ra chí lý quá, anh bạn trẻ há miệng ngạc nhiên, xin thêm câu hỏi khác. Vị thông thái vẫn đưa ra câu hỏi y hệt ban đầu. Lần này, anh ta trả lời: "Không phải ông vừa mới nói người mặt sạch đi rửa mặt đấy sao?". Nào ngờ, câu trả lời như sau: “Cả hai cùng đi rửa mặt! Người mặt sạch nhìn thấy người mặt bẩn, nghĩ mặt mình cũng bẩn, nên đi rửa mặt! Sau đó người mặt bẩn thấy người mặt sạch đi, cũng liền đi theo”.

Nghe ra chí lý quá, anh bạn trẻ không cãi được, bèn năn nỉ xin một câu hỏi khác. Vị thông thái vẫn chỉ hỏi lại câu hỏi ban đầu. Anh bạn trẻ gào lên: “Trời ơi, rõ ràng ông đã nói hai người cùng đi rửa mặt mà!”. Vị thông thái lắc đầu và mỉm cười: “Vẫn chưa đúng! Chẳng ai trong số họ đi rửa mặt cả. Người mặt bẩn nhìn thấy người mặt sạch nên anh ta cũng nghĩ mình không bị nhem nhuốc, nên không đi rửa mặt. Còn người mặt sạch thấy người mặt bẩn không rửa mặt, thế thì mình cũng cần gì phải rửa nữa?”.

Anh bạn trẻ không còn tin vào tai mình nữa. Tất cả câu trả lời của anh ta đều sai, sau một lát ngẫm nghĩ, năn nỉ vị thông thái cho anh ta thêm một cơ hội cuối cùng. Quái thật, lần này vẫn chỉ hỏi câu hỏi y hệt như cũ. Anh bạn trẻ gào lên: “Không ai đi rửa mặt cả! Ông vừa nói thế rồi mà?”. Bấy giờ, vị thông thái mới bật cười ha hả: “Anh nghe cho kỹ nhé. Ngay từ ban đầu, tôi đã nêu ra một câu hỏi vô nghĩa, chẳng có lý gì khi hai người cùng chui ra từ một ống khói, lại có người dính bẩn, còn người kia sạch sẽ cả!”.

Thế đấy, những mẩu chuyện trên gợi ra nhiều suy ngẫm lý thứ. Ít ra, qua đó, nó còn nhắc nhở ta chọn lấy một phép ứng xử cần thiết khi mỗi ngày xuôi ngược trên dòng đời.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 459 ngày 26.11.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com