THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Câu chuyện “đa nghi” và “cả tin”

LÊ MINH QUỐC: Câu chuyện “đa nghi” và “cả tin”

cau-chuyen-da-nghi-va-ca-tin-1-R

“Đa nghi như Tào Tháo”, tưởng rằng, mẫu người ấy chỉ có ở tiểu thuyết, không đâu, trong đời thường vẫn nhan nhản đấy thôi. Thật lạ, trước một sự việc, nhọ vẫn nghi nghi ngờ ngờ vì biết đâu việc đó xuất phát từ một động cơ xấu? Do đó, họ lên tiếng chê bai, chỉ trích, phán xét cứ như quan tòa. hiều người đã cảm nhận “thế này,” nhưng rồi vẫn có người quả quyết “thế kia”. Ai nói sao thì nói, riêng

Từ tháng năm hoa niên, “Thuở còn thơ, ngày hai buổi đến trường/ yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” (Giang Nam), có lẽ nhiều người đã biết đến chuyện cổ tích Quan Âm Thị Kính. Chi tiết nào khiến, ta khó quên nhất?  Có lẽ là lúc thấy Thiện Sĩ ngồi đọc sách, lúc mệt mỏi, ngả lưng xuống giường, kê đầu lên gối Thị Kính chuyện trò rồi thiếp ngủ đi.

Một đêm mưa, nằm trong chăn ấm, bà ngoại tôi kể tiếp, lúc ấy, Thị Kính ngắm nhìn khuôn mặt tuấn tú của chồng, bỗng nhận ra ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược. Sẵn con dao nhíp trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lên kề vào cằm chồng định tỉa sợi râu. Bỗng Thiện Sĩ sực tỉnh, nghi bị ám hại, liền vùng dậy nắm lấy cổ tay vợ mà la toáng lên: “Nàng định cầm dao giết tôi lúc tôi đang ngủ ư?”. Thị Kính ôn tồn: “Không phải đâu. Thấy chàng có sợi râu mọc ngược, thiếp định tỉa nó đi, kẻo trông xấu xí lắm!”.

Nếu Thiện Sĩ tin lời của Kính Tâm ắt cảm động vô ngần. Bởi hành động ấy xuất phát từ lòng yêu thương, chứ không vì “động cơ” gì khác. Khổ nỗi, do “Đa nghi như Tào Tháo” nên anh ta làm lớn chuyện. Cuối cùng, sự thể ra làm sao? Chỉ đẩy sự việc cỏn con đi về phía bóng tối, trắc trở, đổ vỡ.

Thử đặt vấn đề, nếu hành động ấy, không phải Kính Tâm mà mẹ của Thiện Sĩ thực hiện, liệu anh ta có thốt ra câu rợn cả người: “định cầm dao giết tôi lúc tôi đang ngủ ư?”. Tôi nghĩ rằng không. Do không tin nhau nên người ta mới nghi ngờ đấy thôi.

Cổ học tinh hoa có câu chuyện lý thú không kém. Ngày xửa, ngày xưa ở nước Tống có người nhà giàu. Một hôm trời mưa, tường nhà anh ta đổ. Ðứa con nói: “Thưa cha, không đắp ngay tường lại, e có trộm vào”. Ngay lúc ấy, người láng giềng cũng nói: "Này bác, không đắp ngay tường lại, e có trộm vào”. Do tường chưa kịp đắp, tối hôm ấy, nhà anh ta quả nhiên mất trộm thật. Thật lạ, cùng một câu nói nhưng anh ta khen con mình khôn ngoan biết trước, còn người láng giềng là gian giảo làm xằng.

Tại sao lại tréo ngoe thế?

Kể lại chuyện này, tác giả Hàn Phi Tử có lời bình xác đáng: “Tại con thì tình thân, cho nên không có bụng ngờ, láng giềng là tình sơ, cho nên sinh ra ngờ vực. Thế cho nên phận sơ mà câu nói thân, thì thế nào cũng làm cho người nghe mình đem lòng nghi ngờ”. Thế nhưng câu chuyện Quan Âm Thị Kính lại khác. Đã vợ chồng, đã ăn đời ở kiếp vậy tại sao Thiện Sĩ không tin Thị Kính? Đáng trách là ở đó.

Mà việc đáng trách này, đâu phải chỉ xẩy ra trong thế giới cổ tích.

Thì đây, cuộc sống thiên hình vạn trạng, mỗi người một việc, dù “thần thánh” đến cỡ nào đi nữa thì không vợ/chồng nào có thể kiểm tra sít sao, chi li được thời gian của nhau. Buổi sáng, chàng/nàng ăn mặc đẹp, gọn gàng, bảnh bao và phóng xe đi làm. Ai dám chắc người đó chỉ đến công sở hay còn “tụt tạt” nơi khác “đuổi hoa bắt bướm”?  Rồi có những ngày, “người ta” đi làm về trễ, mặt mày bơ phờ, hỏi nguyên cớ tại sao thì nghe câu trả lời cứ thản nhiên như không: “Mấy hôm nay, sếp triệu tập họp thêm vào cuối giờ”. Nếu tin, tự nhiên cảm thấy nhẹ nhàng; ngược lại, nếu lăn tăn suy diễn: “Chắc nói dối. Họp gì mà chiều nào cũng họp? Hò hẹn với ai chăng?”.

Vậy là gặng hỏi thêm, vì quyết tìm ra sự thật nên không ít người tung chiêu “chụp mũ”, “bắt nọn” đủ mọi thứ cho ra nhẽ mới thôi. Và cuối cùng là gì? Là một cuộc cãi vã nhau ầm ĩ mà chẳng có chứng cứ rõ rệt. Họ gào lên tức tưởi: “Bộ anh/em không tin nhau à?”. Sống chung với nhau, có nghĩa cả hai tự nguyện ký kết giấy “chung thân”, chứ đâu phải “ngày một, ngày hai” mà cứ “Đa nghi như Tào Tháo”?

Mới tuần trước đây thôi, anh bạn tôi rầu rĩ tâm sự: “Có lẽ, vợ tớ đang ngoại tình”. Nghiêm trọng quá, tôi hỏi: “Nguyên cớ tại làm sao khiến cậu nghĩ thế?”. Anh cho biết, cả một tháng trời nay,cô vợ luôn trong trong tình trạng “án binh bất động”, hễ anh “đụng đến”, cô ta luôn tìm mọi cách né tránh. Sống trong cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” nên anh đâm ra nghi ngờ với câu hỏi: “Biết đâu?”. Thế rồi, sau nhiều ngày lặng lẽ theo dõi vợ, anh mới phát hiện ra thời gian qua mình quá hồ đồ.

Số là, sau khi phát hiện trong người có những triệu chứng bất thường nhưng cô vợ lại không tâm sự cùng chồng, chỉ lẳng lặng đi khám bác sĩ. Trường hợp này, thật ra không có gì lạ vì họ nghĩ thầm: “Chắc chẳng có gì. Chưa chi đã nói ra, “người của mình” thêm lo mà thôi”. Đơn giản chỉ có thế, nếu không khéo cũng khiến quan hệ vợ chồng căng ra như sợi dây đàn. Đứt phăng như chơi.

Lại có người sau khi bị “cắm sừng” dẫn đến ly dị, họ làm lại “tập 2”.  Khổ nổi, vết thương từ người cũ vẫn cứ ám ảnh trong đầu. Do đó, mọi động tĩnh của “nửa này” thì “nửa kia” cũng chất vấn, tò mò, dò xét, nghi ngờ, tra hỏi từng chi tiết… Ban đầu, không thèm chấp nhất: “Ố dào, đúng là tào lao bí đao”. Nhưng càng về sau, họ càng khó chịu, cảm thấy không được tôn trọng.

Đỉnh điểm mâu thuẫn là lúc người chồng đọc trên Facebook của vợ, có câu: “Làm sao giữ được người trong mộng/ Để trả thù duyên kiếp bẽ bàng”. Anh ta gào lên: “Chung sống với nhau, mỗi ngày sờ sờ gặp mặt mà còn mộng với mị gì nữa? Lại nhớ người xưa tình cũ chứ gì?”. Cô vợ sững sờ, không thốt nên lời. Những lời phân trần, giải thích chỉ vô ích. Từ ngọt ngào “anh/em” dần dần dần cay nghiệt chuyển sang “tôi/cô” rất tệ hại.

Mà cũng tréo ngoe thật, đôi khi cả tin lại nhầm người. Tôi có cô bạn, trước đây, dù bạn bè thông báo chồng cô léng phéng, “mèo mỡ” này nọ nhưng cô vẫn bỏ ngoài tai. Đùng một cái, sự việc vỡ lở ra. Cô cảm thấy bất ngờ đến độ lên tăng xông phải nhập viện.

Đứng trước tình hướng “tréo cẳng ngỗng” này, mỗi người có một cách giải quyết. Riêng tôi đồng cảm với cách lựa chọn của cô. Sau  khi lấy lại được thăng bằng, cô tâm sự: “Con người tệ bạc đó không xứng đáng với niềm tin của mình, vì thế, giữ lại làm gì? Có mất đi cũng chẳng lấy gì làm tiếc”.

L.M.Q

 (nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 456 ngày 29.10.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com