THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Đồng điệu sao khó tìm!

LÊ MINH QUỐC: Đồng điệu sao khó tìm!

 

dong-dieu-sao-kho-tim-1-R

 

“Anh đã nói với em rồi. Nhận được bao nhiêu tiền mà em phải mất thời gian đến thế? Nếu cần, anh đưa số tiền tương đương hoặc cao hơn, miễn em ở nhà là được”. Người chồng cau có cằn nhằn câu này mãi, nhưng rồi mọi việc vẫn đâu vào đó, chẳng hề thay đổi.

Trước đây, lúc đến với nhau, Tiến đã biết Thơ có niềm đam mê mãnh liệt là trở thành ca sĩ. Từng xuất hiện ở một vài tụ điểm ca nhạc, dù không thuôc hàng “sao” nhưng cô thích hát, thích được thể hiện tài năng của mình. Lúc ấy, Tiến rất ủng hộ và bảo: “Sau này, việc nhà ổn định, em thỏa mái đi hát theo sở thích, anh không ngăn cản. Anh luôn ủng hộ em”.

Ban đầu, người chồng cứ ngỡ hễ vợ tham gia một show diễn sẽ đem về vài chục triệu đồng nên hào hứng lắm. Sau này, anh ta mới rõ nội tình, đâu phải vậy, còn phải tùy thuộc vào “đẳng cấp” nữa. Mỗi lần cô vợ đi hát, chà, mất thời gian ghê gớm. Ngay từ lúc sụp tối đã phải bận rộn chuẩn bị trang phục, son phấn, đầu tóc…, rồi khuya lắc khuya lơ mới về đến nhà. Tưởng cát-xê nhiều lắm, nào ngờ chẳng bằng tiền trả một độ nhậu đãi bạn bè.

Vậy nhọc công làm gì?

Với công việc của một trường phòng, Tiến thừa sức lo chu đáo cho gia đình, thậm chí vợ không cần đi làm, chỉ ở nhà lo lắng, chăm sóc con là “đạt yêu cầu”. Thơ vẫn biết thế, nhưng vấn đề ở đây hoàn toàn không phải vì tiền, cô chỉ muốn được thể hiện tài năng trước đám đông. Hơn nữa, thỉnh thoảng được mời đi hát cô vui lắm, bỏi cả ngày ru rú mãi trong nhà, có mấy dịp giao lưu bên ngoài? Thế nhưng, Tiến không quan tâm đến điều đó, chỉ nghĩ mất thời gia mà đồng tiền nhận về lại “bèo như con cá kèo”.

Thế thì ở nhà cho khỏe cái thân vẫn sướng hơn chứ?

Nhiều người có tâm lý đánh giá mọi việc qua thu nhập, chứ không nghĩ đó là niềm đam mê, sở thích của “nửa kia”. Do đó, họ không thông cảm mà cằn nhằn, ngăn cản cho bằng được. Éo le là chỗ đó. Thật ra, sống ở trên đời, hầu như ai cũng có niềm đam mê nào đó như một cách thể hiện khả năng. Mà đó cũng là một cách thư giản, giải trí sau khi đã chu toàn việc nhà. Nếu không thế, cuộc sống tẻ nhạt lắm đây.

Nhiều người chồng/ vợ cứ nghĩ đơn giản, điều cần thiết nhất, mối quan tâm hàng đầu vẫn là tiền. Hơn nữa, đã có tiền còn phải kiếm tiền nhiều hơn nữa, phòng cho những lúc cấp bách cần thiết như đau ốm, nuôi dạy, sắm sửa cho con v.v… Ôi, biết bao nhiêu khoảng tiền cần sử dụng đến. Thế mà “một nửa” chẳng lo tranh thủ gì sất, cứ mải mê đeo đuổi sở thích chẳng đâu vào đâu cả. Vừa tổn hại sức khỏe lại vừa mất  thời gian. Khoảng thời gian đó, tập trung vào lo kiếm tiền có tốt hơn không?

Sau khi bị cằn nhằn, Thơ không còn hào hứng phấn đấu trở thành ca sĩ chuyên nghiệp nữa. Cô tìm qua sở thích khác là thỉnh thoảng rủ bạn bè nhà hát karaoke, bằng không “mình hát mình nghe”. Ban đầu người chồng cũng mừng, chẳng thà là vậy. Nhưng rồi có điều ngạc nhiên mà Tiến không ngờ đến là tình cảm giữa hai người dần dần xuất hiện một khoảng cách. Khi cô hát trên sân khấu, sự hào hứng, niềm yêu đời tăng lên gấp bội, về đến nhà “anh anh em em” rộn cả lên. Còn bây giờ, lại khác hẳn.

Trong những trường hợp tương tự, nhiều người bức bối, khó chịu vì cho rằng, nếu chung sống với người đồng điệu, thông cảm cho sở thích thì niềm vui ắt thăng hoa hơn. Bằng không, ngược lại. Suy nghĩ này, ngẫm lại lại đúng đấy chứ.

Tôi có người bạn thân là Huề, trước kia học chung lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí. Do nhiều lý do, về sau không theo nghề mà hắn ta chuyển sang kinh doanh. Thế nhưng, “máu” nghề nghiệp lúc nào cũng hừng hực như lửa.  Tranh thủ thời gian trong ngày, Huề lại cặm cụi viết từng bài báo gửi cộng tác các báo. Lúc bàn vấn đề này, khi góp ý chuyện kia, ai cũng khen bài viết sắc sảo và đầy tinh thần trách nhiệm.

Những lúc bài được đăng, hắn ta sung sướng lắm, rủ rê bàn bè cà phê cà pháo túm tụm bàn luận rôm rã. Nhờ thế, Huề có cảm giác sung sướng, dù không theo nghề nhưng vẫn còn có dịp đeo đuổi niềm đam mê, khác gì các nhà báo chuyên nghiệp? Vậy còn gì vui hơn?

Lẽ ra chung vui với niềm vui của chồng, những lúc ấy, cô vợ lại thở dài ngao ngán. Này nhé, bài viết đó sửa đi sửa lại nhiều lần, ngốn biết bao thời gian nhưng chắc gì đã được đăng, nếu đăng thì nhuận bút có đáng là bao? Chẳng nhiều nhặn, bỏ bèn gì so với tiền mua thỏi son, hộp phấn... Hơn nữa, công việc làm ăn đang thuận lợi, cần gì phải kiếm thêm đồng tiền bằng những bài báo vặt vãnh đó?

Lập luận này, thoạt nghe qua cực kỳ có lý. Hỡi ôi, “cái lý” đó, có thể đúng với “nửa này” nhưng với “nửa kia” thì đã chắc gì?

Ai cũng thừa hiểu rằng, nếu chỉ sống một mình, “đơn thân độc mã” ngoài đảo hoang, chẳng cần gì đến tiền. Bằng không, tiền vẫn là yếu tố quan trọng, rất quan trọng. Tuy nhiên, tiền không là tất cả. Ngoài nhu cầu kiếm tiền, nếu “nửa này” cho có sở thích khác - như một cách thư giản, thể hiện khả năng, có lẽ “nửa kia” cần có cái nhìn thông cảm hơn. Thậm chí còn có thái độ ủng hộ nữa là khác. Có như thế, sự đồng cảm, đồng điệu về nội tâm mới có cơ hội gắn bó nhiều hơn nữa.

L.M.Q

(nguồn: Báo TGPN 3.10.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com