LÊ MINH QUỐC: “Lệch pha” rồi cũng êm xuôi

Array In Array

 

lech-pha-roi-cun-em-xuoi

 

“Nhân vật chính” trong đám cưới là ai? Câu hỏi này bằng thừa, ai cũng nhất trí đưa tay biểu quyết và đồng thanh: “Cô dâu - chú rể”! Câu trả lời này chính xác đến từng centimet. Khổ nổi, có người lại không hiểu cho.

Mới đây, đám bạn bè tôi lo lắng giùm cho Hưng vì nghĩ rằng, nếu không giải quyết ổn thỏa, không có sự đồng thuận của chủ hôn hai họ thì “căng” lắm đây. Hùng và Ngọc “xem xem” tuổi tác, “đôi bạn cùng tiến” từ thời đi học, lại yêu nhau gần chục năm trời. Vì thế, khi họ tuyên bố cưới nhau, ai nấy cũng đều tán thành. Ngày lành tháng tốt đã chọn xong, tổ chức tại nhà hàng nào phù hợp khả năng tài chính cũng “gút” đâu vào đấy. Cả hai họ vui vẻ, hào hứng chờ đợi đến ngày khui sâm banh, đeo nhẫn cưới và nâng ly: “1, 2, 3 dzô!” rất oanh liệt, hoành tráng.

Bỗng đâu trước ngày đó, bên đàng gái sang nhà trai “thưa chuyện” do trước đây, có chuyện mà họ quên thỏa thuận.

Lâu nay, cứ theo như thông lệ, lúc tuyên bố lý do trước họ hàng, khách mời, bố của chú rể sẽ là người đại diện cho hai họ. Cứ thế mà làm, vậy tại sao bố của cô dâu lại có ý kiến khác?

Vốn là người được phân công “phù rể” nên tôi mới rõ nội tình. Đại khái, so về tuổi tác, bố của Hùng chỉ bằng tuổi con trai lớn của bố cô dâu. Vì thế, bạn bè của hai suôi gia cũng khác nhau về độ tuổi. Thế mà, đám cưới này bố của chú rể lại được hiên ngang, dõng dạc bước trên sân khấu tuôn lời vàng ngọc “có đôi lời thưa cùng hai họ”, coi sao đặng?  Có thể thay đổi “quy trình” có được không?

Bên nào cũng đưa ra cái lý to đùng đoàng, bất phân thắng bại. Bên đàng trai bảo, lần đầu tiên cưới vợ cho con, không chỉ con trai trưởng mà con cháu đích tôn của dòng tộc nữa. Quan trọng lắm. Ngược lại, ông bố cô dâu nại cớ mình lớn tuổi là chuyện không bàn đến nhưng bạn bè, đối tác của ông ta thì sao? Tóm lại, ai lớn tuổi hơn phải là người được quyền “phát ngôn chính thức” nhân ngày trọng đại của “hai trẻ”.

Rắc rối chính là chỗ đó.

Đã cận ngày lắm rồi, Hùng và Ngọc rối như mớ bòng bong. Với họ, những bàn luận ấy chỉ tiểu tiết, không quan trọng nhưng phận làm con thì nào dám có ý kiến. Cuối cùng, tình hình căng thẳng được “hạ nhiệt” êm thắm chẳng phải viện đến lý sự, lý luận gì sất. Nhờ vào đâu? Chỉ bằng những giọt nước mắt của cô dâu, mọi việc hóa giải dễ dàng như không.

Trường hợp chênh lệch tuổi tác giữa của cô dâu, chú rể thì sao?

Sau nhiều năm lao vào công việc, bằng mọi cách cần khẳng định mình, Tùng - bạn của tôi đã bước qua tuổi “tứ thập”. Độ tuổi này, phải yên bề gia thất, chứ dăm năm nữa thì muộn. “Cha già con mọn” lại khổ thân. Nghe lời khuyên của bạn bè, và nhất là bố mẹ ra “tối hậu thư”, Tùng vui vẻ chấp hành.

Tuy nhiên, so với bạn nữ, đồng nghiệp cùng trang lứa, hắn ta lại không “mặn mà” lắm. Một phần còn do nhiều người đi trước có “kinh nghiệm đầy mình” thường bảo: “Vợ cùng tuổi, sau khi có vài mặt con thì cô ta trông già hơn nhiều. Khó có thể xứng đôi với chồng. Nếu cưới được vợ trẻ, càng trẻ hơn nhiều tuổi lại càng hay”. Chẳng rõ, ý kiến đó chính xác đến cỡ nào  hay vì lý do gì khác mà Tùng gật gù tâm đắc. Và qua mai mối, Tùng lọt vào “mắt xanh” cô em út của người bạn thân. Vậy là ổn rồi.

Ngày đám cưới rình rang lắm, bên đàng trai ai cũng khen Tùng “tốt số” vì cưới được vợ xinh tươi, mơn mởn như tiên nga. Cũng đúng thôi, cô vợ kém hơn chồng những hơn 20 tuổi kia mà. Ngược lại, hôm đó phía đàng gái xì xào về họ, có người còn bảo cô dâu - chú rể như “đôi đũa lệch so mãi chẳng bằng”!

Chuyện ấy, không quan trọng. Chuyện này mới đáng quan tâm. Số là  sau khi chung sống với nhau, cả hai mới nẩy sinh ra nhiều bất cập. Cứ như theo lời của Tùng, mỗi lần đối tác đến công ty ký kết hợp đồng, Huyền - cô vợ không khác gì nhân viên tập sự, không thể cùng chồng tiếp khách, bàn bạc. Đơn giản chỉ vì trình độ, khả năng chuyên môn của Huyền so với Tùng chênh lệch nhau quá.

“Vậy về lâu dài, bạn mình giải quyết ra sao?”, nghe tôi hỏi, hắn ta cười hóm hỉnh: “Cô ta trở thành người học trò ngoan. Tớ cho vào học chung với các học viên mà tớ đang đứng lớp”. À, kể ra cũng tốt quá. Nhờ vậy, thời gian sau, Huyền cũng rành rẽ về nghiệp vụ, có thể quản lý sổ sách, điều hành công việc giúp chồng. Tôi chưa kịp mở miệng khen bạn một câu, đột nhiên, Tùng hỏi khẽ: “Nè bạn, toa thuốc “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” của vua Minh Mạng thế nào nhỉ?”. À! Thì ra thế. Chuyện vợ chồng chênh lệch tuổi tác quá nhiều cũng “mệt” đấy chứ?

Tuy nhiên, chuyện lấn cấn này nọ trước và sau đám cưới, dù thế nào đi nữa cũng có cách giải quyết. Ổn thôi. Tình chồng nghĩa vợ luôn yêu thương thắm thiết, nồng nàn thì mọi chuyện chỉ là “chuyện nhỏ”. Còn các bậc phụ huynh, nếu “lệch pha” vấn đề nào đó trong cách tổ chức cho “đôi trẻ” cũng không lo, vì sự yêu thương con em ắt họ có cách dàn xếp đâu vào đó.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 12.9.2016)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà