Lê Minh Quốc: TRẬN ỐM ĐỂ HIỂU LÒNG NHAU

Array In Array

tran-om-de-hieu-long-nhau

 

Nhớ lại cái lúc cãi nhau, làm mình làm mẫy với bố mẹ về vụ cưới Dũng, Huệ chỉ thở dài. Lúc đó, do nông nổi quá, lại đang say đắm trong tình yêu nên cô bất chấp lời khuyên can của gia đình. Trong mắt cô, chỉ có Dũng là mẫu người “lý tưởng” và yêu thương cô nhất ở trên đời. Thường ngày muốn gì, chỉ cần cô nhắn tin, điện thoại lập tức Dũng có mặt và thực hiện đúng sở thích. Bạn bè ai cũng bảo cô “tốt số” nên mới có người “chiều như chiều vong”. Muốn gì được nấy. Sướng thế là cùng. Chọn được một người cung cúc, tận tụy phục vụ mọi lúc, mọi nơi thì còn gì bằng?

Hỡi ôi, bố mẹ Huệ lại cực lực phản đối. Theo họ, Dũng đã không nghề ngỗng gì, chỉ giỏi tài “diễn” thôi, hơn nữa lại nghe đồn hắn ta còn lăng nhăng có tiếng. Sau nhiều lần tranh luận quyết liệt, cuối cùng “trời không chịu đất, đất phải chịu trời”. Bố mẹ Huệ bảo: “Chuyện hôn nhân là của con, sau này sướng con hưởng, khổ con chịu. Đừng có níu áo bố mẹ khóc lóc, than thở. Con muốn thì bố mẹ đứng ra lo liệu mọi việc”.

Lúc sinh con, đang nằm bệnh viện, cô cần xiết bao sự có mặt của chồng, Dũng chỉ tạt ngang như “chuồn chuồn đáp nước” rồi… biến! Nghĩ chồng đang bận bịu trăm công ngàn việc, cô không nghĩ ngợi gì nhiều. Rồi mới đây, do trái gió trở trời, cô nằm bẹp dí tại nhà mấy ngày liền. Dũng sẽ có mặt thường trực, chăm sóc chu đáo như cái thuở mới yêu nhau chăng? Cô không yêu cầu gì nhiều, chỉ cần chồng bỏ nhậu nhẹt như mọi ngày, tan sở về nhà sớm, hỏi han, an ủi đôi câu là đủ ấm lòng.

Nhưng rồi, điều đó khó khăn quá, gian nan quá đối với Dũng. Tủi thân nhất là hôm nọ, nhắn tin, điện thoại chỉ nghe đổ chuông nhưng Dũng không trả lời, cô lo sót vót: “Liệu chồng mình có bị làm sao không?”. Trằn trọc mãi, không dám ngủ, nửa khuya Dũng mới vác xác về, cất tiếng hỏi nồng nặc mùi bia rượu: “Cưng ơi, ăn gì chưa?”. “Trời, ai nấu gì, ai mua gì mà ăn?”, Huệ im lặng nghĩ bụng mà không trả lời, vì nghĩ chồng ắt có cử chỉ đẹp nào đó.

Sự chờ đợi của cô được đáp lại thế nào? Là câu nói dửng dưng như tạt gáo nước lạnh: “Thôi, cũng chẳng sao. Ốm đau ăn nhiều cũng không tốt đâu. Ngủ đi cưng. Sáng mai, anh dẫn cưng xuống quán Bà Béo ăn bún riêu cho ngon miệng”. Huệ đắng lòng, lùng bùng lỗ tai, vừa định “phán” lại một câu cho đã tức thì đã thấy chồng nằm phịch trên bộ ghế salon. Và anh ta bắt đầu cất tiếng ngáy như còi tàu xe lửa!

Có ông nhà văn nào đó đã nói rằng, con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời. Đó là dịp chiêm nghiệm, suy ngẫm lại những việc mình đã làm trong thời gian qua. Không chỉ có thế, thiết tưởng cũng là lúc có thể đánh giá lại tình cảm của “một nửa” dành cho mình như thế nào? Trường hợp của Huệ là một thí dụ. Đến lúc ốm nặng, nằm chèo queo một chỗ mới nhận ra rằng, những gì anh ta đã từng chăm sóc, lo lắng không phải do thật lòng yêu thương.

Trước kia, bất chấp lời khuyên can của gia đình, Trúc đã hăng hái, “hồ hởi phấn khởi” xách va ly đi theo tiếng gọi tình yêu. Với cô, dù chỉ “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” nhưng được chung sống với người mình yêu là “năm bờ oanh”. Rồi một lần đi làm về, chẳng may cô bị tai nạn giao thông, phải nằm viện ròng rả cả tháng trời. Ban đầu, người yêu có đến chăm nom, chăm sóc. Những lúc ấy, cô cảm động và càng thấy rằng, sự lựa chọn của mình là đúng. Lúc con người ta bị ốm, cần có sự chăm sóc của người đầu ấp tay gối hơn bao giờ hết.

Tiếc thay, sự quan tâm ấy ngày một thưa dần và đến một ngày, cô bàng hoàng nhận ra, anh chàng đã từng thề thốt “chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi” đã lẳng lặng “bỏ của chạy lấy người”. Sau ngày rời bệnh viện, Trúc bị thiên hạ xì xào, chê cô thiếu suy nghĩ chín chắn nên mới lâm vào cảnh ngộ chẳng ra làm sao. Thế nhưng, Trúc vẫn nghĩ tích cực hơn, qua dịp này mới biết tỏng thâm tâm của người tình, nhờ thế, cô mới tìm cách “làm lại cuộc đời”. Đó cũng là “dịp may” đấy chứ?

Vừa rồi, bạn bè tôi được người anh trong nhóm mời dự “đám cưới bạc”. Trong cuộc vui, anh có kể rằng, lẽ ra anh đã ly hôn từ “đời tám hoách” chỉ vì tính xét nét, quản lý chặt chẽ của vợ. Mọi thu nhập trong nhà, chị đều quản lý từ A đến Z, nghĩa là anh không còn có cơ hội để tiêu xài riêng. Mà nhưng thế, làm sao anh còn có tài chánh để “bảo bọc”, hú hí với “mèo mỡ”? Mọi khoản thu nhập của chồng từ thẻ ATM, tiền mặt đều khó lọt qua khỏi sự kiểm soát của vợ. Thậm chí, anh còn không biết trong nhà mình hiện có bao nhiêu tiền.

Mỗi lần anh hỏi đến, chị chỉ nửa đùa nửa thật: “Đàn anh các anh kỳ cục lắm, hễ biết trong nhà có rủng tỉnh tiền bạc thì chỉ thích nghĩ ngơi, tận hưởng. Chẳng thèm phấn đấu, làm việc như lúc chưa có nhiều tiền”. Nghe cáu chưa? Anh bèn vặt lại: “Ơ hay, sống ở trên đời, người ta làm việc để có tiền cũng nhằm chi xài, ăn tiêu, thư giản chứ chẳng lẽ để… thờ à?”. Sau những đận tranh cãi lằng nhằng ấy, anh nghi ngờ có điều gì không ổn nên quyết làm cho ra nhẽ. Nếu không, hóa ra lâu nay công sức anh đổ ra chỉ là công cốc? Mọi việc đang gây cấn, có thể dẫn nhau ra tòa ly dị cũng nên, bỗng anh lăn đùng ra ốm. Bác sĩ phát hiện, anh bị bệnh tim, nghe nói đến phải chi trả cả trăm triệu đồng cho ca phẫu thuật, anh xây xẩm mặt mày: “Tiền đâu?”.

Lúc nằm bệnh viện, anh mới nhận ra sự “quá quắt” của vợ là có lý. Không chỉ thừa tiền lo sức khỏe cho anh, còn chính vì tình cảm, thái độ, chăm sóc của vợ. Đáng nhớ nhất, với anh vẫn là những lần nửa đêm giật mình tỉnh giấc, chông chênh giữa sống và chết, anh lại thấy cô vợ dù ngồi ngủ gà, ngủ gật bên cạnh nhưng bàn tay vẫn nắm chặt lấy tay mình.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 18.7.2016)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà