THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Trần có vui sao chẳng cười khì?

LÊ MINH QUỐC: Trần có vui sao chẳng cười khì?

tran-co-vui-sao-chang-cuoi-khi-1-R

 

Thời còn đi học, thỉnh thoảng những ngày cuối tuần, tôi xin phép ba mẹ cho lên ngủ tại tại nhà ông bà ngoại. Tôi thích không gian nơi đó bởi có nhiều cây xanh, có hồ cá, có những chậu hoa tươi thắm, có giếng nước trong veo in bóng mây trời… Thích nhất là vào những đêm trăng sáng, nằm ngủ ngoài sân, nghe tiếng tre kẽo kẹt, ếch nhái uôm uôm, tiếng tắc kè tặc lưỡi… Những âm thanh ấy, nói một cách thơ mộng như ông Bùi Giáng là “hòa âm điền dã”.

Có một lần, tự dưng nửa khuya nghe có tiếng cú kêu khắc khoải, tôi choàng tỉnh dậy, đã thấy bà ngoại cầm nén nhang, khấn vái rồi thắp lên bàn thờ ngoài trời. Ngạc nhiên quá, sáng hôm sau, bà ngoại tôi bảo: “Tiếng chim cú kêu là nó báo điềm xấu. Phải thắp nhang cầu nguyện trời, Phật phù hộ”. Trong tâm thức của mọi người, ai cũng ngại gặp điềm xấu. Cũng đúng thôi. Sống ở trên đời, chật vật mưu sinh đã khó khăn, nhọc nhằn rồi, biết bao nhiêu chuyện phải lo toan, do đó, người ta không hề muốn nghe những điều xúi quẩy.

Lại nữa, có lần ông Nguyễn Công Trứ đặt câu hỏi: “Thoát sinh ra thì đà khóc chóe/ Trần có vui sao chẳng cười khì?”. Chưa hết, ông Trịnh Công Sơn còn quả quyết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Nghĩ một cách nôm na rằng, đời người buồn nhiều hơn vui, có thể là vậy, vì thế, càng ít nghe ai nhắc đến chuyện buồn càng tốt. Có như thế, đầu óc mới nhẹ nhàng, thanh thản, chẳng việc gì phải canh cánh trong lòng những thông tin hắc ám.

Thế nhưng khổ nỗi có những người vì tâm lý “câu chuyện làm quà”, thay vì kể chuyện vui, họ lại luôn mang đến cho người khác những thông tin chẳng mấy hay ho gì. Đại khái, “Chà, có người vừa nhận xét về bạn thế này, thế nọ”. Nếu những nhận xét ấy tốt đẹp ắt người nghe vui thêm một chút, nhờ thế cuộc gặp gỡ thân tình hơn, vui vẻ hơn. Nếu nhận xét ấy độc địa, xấu xa, chẳng rõ hư thực ra làm sao nhưng chắc chắn người nghe nặng trĩu trong lòng, như vừa thấy đám mây xám xịt lởn vởn trong đầu. Thế là họ cau có, bực bội, tìm cách truy hỏi cho ra nhẽ. Đột nhiên từ chuyện này bỗng nhảy sang chuyện khác, từ đang thơ thới hân hoan chuyển sang phân bua, tranh cãi, âu lo…

Vậy, có nên đem đến người khác những tin không vui?

Theo tôi, cần cân nhắc vì không khéo chính những mẩu chuyện đó sẽ đầu độc không khí thân tình đang có. Khi tôi vào bệnh viện thăm mẹ đang điều trị, không ít lần nhiều bác sĩ dặn dò: “Nhớ khen bà cụ một đôi câu, chẳng hạn, da dẻ tươi hơn, mập mạp hơn... Nghe những lời tích cực ấy, người bệnh phấn chấn và nó cũng có ích như liều thuốc. Và nhất là đừng kể những chuyện hắc ám, xúi quẩy khiến người bệnh thêm âu lo, phải suy nghĩ nhiều”. Mà không chỉ  thế, ngay cả lúc đang khỏe mạnh, phơi phới yêu đời, người ta cũng cần đón nhận nhưng thông tin lạc quan, tươi sáng.

Đi ra đường, nếu gặp người xởi lởi, luôn mỉm cười và nói ra những điều tốt lành, tự dưng ta thấy ngày đó đẹp hơn một chút. Không phải ngẫu nhiên, trong chuyện buôn bán, ngày Tết ngày nhất ai cũng thích được họ đến “mở hàng”, “xông đất”... Nói như dân gian là do họ “nhẹ vía”, nhờ thế, mọi việc sẽ hanh thông, tốt đẹp. Tin hay không thì tùy, nhưng tâm lý ấy khá phổ biến.

Mới đây thôi, chị bạn tôi khai trương quán cà phê, vài ngày sau chị lại nhắn tin mời đến… khai trương lần nữa. Ủa, tại sao thế? Khi đến nơi, tôi nghe chị thủ thỉ: “Hôm trước, tớ xui quá, người mở hàng đầu tiên cũng là chỗ thân tình, nhưng ngày hôm đó, vừa bước vào quán anh ta nói oang oang: “Này có người nói chị mở quán cuối hẻm là ít khách lắm đấy nhá”. Mà người nói đó là ai? Cũng là chỗ bạn bè thân thiết cả, vì thế có thể chỉ là câu nói đùa. Nhưng lúc ấy, tớ phân tâm, lo lắng suốt mấy ngày liền”.

Đành rằng, người đưa tin vì tình bạn, vì thiện chí nên mới kể lại bằng thái độ quan tâm. Nhưng rồi, từ chỗ nghi nghi ngờ ngờ, chị bạn của tôi “mất lửa”, cụt hứng. Do đó, chị mới “đốt phong long” bằng cách khai trương lại lần nữa, dù chỉ cách mấy ngày. Và tất nhiên, chị “cạch mặt” cái người lần trước đã báo tin xúi quẩy, tránh trước cho nó lành.

Ngày xưa có người ngồi đẽo cày, người ngang qua, kẻ đi lại đều nhận xét, góp ý này nọ, cuối cùng sản phẩm anh ta làm ra chỉ bằng cái nắm tay. Vẫn biết câu chuyện đó chê cười những ai thiếu tính chủ động, quyết đoán trong công việc, ai nói gì cũng gật, cũng cho là phải nên chẳng khác gì “đẽo cày giữa đường”. Nhưng một khi cái cày đã làm xong rồi, không còn có cơ hội sửa chửa thì sự nhận xét có tính chê bai liệu có nên chăng? Cũng có thể là nên, để người đó lần sau “rút kinh nghiệm” nhưng oang oang giữa “thiên thanh bạch nhật”, giữa chốn đông người mà đâu phải ai cũng biết về vụ cái cày thì có nên chăng?

Gặp một người mà lúc nào cũng khiến ta nghe đầy tai những lời của ai đó khác đã nhận xét “không ra gì” về mình, hoặc những câu chuyện “thúi hẻo”, xui xẻo thì lần sau có nên gặp lại nữa không? Mà thật ra, một khi đã quý nhau, dẫu biết đi nữa, có người tinh tế giữ lại trong lòng; hoặc chọn đến một thời điểm thích hợp thì mới nói.

Có mẫu chuyện này đã đọc đâu đó trên Intetnet: Ngày xửa, ngày xưa có chàng trai đã làm 1.000 con hạc giấy để tặng người yêu. Chàng tin và chờ đợi đến một ngày hai người cùng se duyên hạnh phúc. Niềm hy vọng tràn trề ấy tan vỡ, vì một ngày, cô người yêu cho biết sẽ định cư ở Paris, không bao giờ gặp lại lần nữa. Chàng tự biết, do mình nghèo nên nàng mới từ chối lời cầu hôn đấy thôi. Sau khi nàng bỏ đi, chàng điên tiết lao đầu vào làm việc bất chấp thời gian, miễn sao kiếm thật nhiều tiền. Và chàng đã toại nguyện. Đã sắm được xe hơi, đã mua được căn hộ hạng sang và công việc ngày một thăng tiến. Nếu biết chàng thành đạt như ngày nay, có lẽ nàng hối tiếc vì trước đó đã chê chàng nghèo mà đi theo người khác.

Chiều nọ, trời mưa tầm tã, trên đường lái xe đi về, chàng thấy phía trước có đôi vợ chồng già đang che ô đi lầm lũi. À, bố mẹ của nàng. Tình cảm ngày xưa tưởng đã ngủ quên trong tiềm thức, bỗng thức dậy mãnh liệt. Lúc nhấn ga chạy theo và mời họ lên xe, trong thâm tâm, chàng kiêu hãnh muốn cho bố mẹ người tình phụ biết rằng chàng không còn “cùi bắp” như xưa. Nhưng không, cả hai vẫn lầm lũi trong mưa và họ bước vào một nghĩa trang. Chàng rời khỏi xe và chạy theo họ. Và chàng đã gặp lại gương mặt của nàng, vẫn nụ cười thắm tươi như ngày nào đang say đắm nhìn chàng. Ấy là bức dung của nàng trên mộ bia. Và bên cạnh là món quà chàng đã tặng: những con hạc giấy. Thì ra, nàng không hề đi Paris như đã nói với chàng.

Câu chuyện này cho thấy, đâu phải bất kỳ thông tin hắc ám nào mình cũng kể cho người mà mình yêu thương nhất. Vì nếu biết, liệu nói có thay đổi được gì hay chỉ đem lại sự tiêu cực mà một khi vấn đề đã kết thúc?

Trở lại với tiếng chim cú kêu ở nhà ông bà ngoại thời thơ ấu, tôi nghĩ rằng, khác với tiếng cú kêu, “cú kêu cho ma ăn” ghê sợ quá, có lẽ ai cũng thích tiếng chim cu: “Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Mau mau tới Tết dựng nêu ăn chè”. Được thế, có phải tốt hơn không? Tốt quá đi chứ, vì nó báo hiệu những ngày vui sắp tới.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 443 ngày 9.7.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com