THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: AI CŨNG CÓ SỰ THÀNH CÔNG

LÊ MINH QUỐC: AI CŨNG CÓ SỰ THÀNH CÔNG

ai-cung-co-su-thnh-cong-1R

Mấy hôm nay trên cộng động mạng “chộn rộn” về bài luận văn của em Hà Minh Ngọc - nữ sinh lớp 10 Văn, khối chuyên THPT trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bài văn nhận được điểm 9+ của giáo viên cùng với lời phê: “Cảm ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất. Em đã thực sự thành công. Mong em tiếp tục thành công”.

Với đề bài: “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em”, bài viết của em Ngọc có đoạn: “Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8.3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ”.

Đọc đoạn văn này, tôi vỗ mạnh vào đùi mình cái đét: “Đúng quá”.

Đã trải qua nhiều thăng trầm, lúc thành công, khi thất bại nhưng bữa ăn gia đình bao giờ cũng gợi nhớ kỷ niệm êm đềm nhất. Sống trong một nhà, chan chứa tình yêu thương nên việc làm gì vì lòng yêu thương cũng được chấp nhận.

Thêm một thí dụ khác của em Ngọc, tôi tin nhiều bạn cũng thích: “Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ - người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: “Bà ngoại là người mẹ - người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời”. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?”.

Chiêm nghiệm về lẽ sống, hạnh phúc, niềm vui, thành công ở đời, không phải ai cũng như ai. Chẳng hạn, có người do quan niệm: “Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi luôn ganh đua ngay từ nhỏ… Tôi làm gì với mớ tiền dư thừa? Cuối tuần tôi tiêu khiển ra sao? Thông thường tôi đến tụ tập tại câu lạc bộ đua xe hơi. Thỉnh thoảng tôi dự đua xe ở Sepang, Malaysia. Tôi mua một chiếc Ferrari 430. Sau khi có xe, tôi mua nhà, khu nghỉ mát. Tôi nghĩ phải hòa nhập với những người giàu có, nổi tiếng và bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng Internet, ăn uống ở mọi nhà hàng kể cả nhà hàng nổi tiếng của đầu bếp Michelin”.

Rồi đến lúc ngã bệnh: “Điều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có - sự thành công, cúp thưởng, xe cộ, nhà cửa - tất cả những thứ tôi nghĩ mang hạnh phúc, khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui. Tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari ngủ… Chúng không mang lại một sự an ủi nào trong những tháng cuối cùng của cuộc đời tôi… Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì càng tích tụ, càng có nhiều, tôi lại muốn nhiều tiền hơn. Càng ham muốn, tôi càng trở nên mê muội. Tôi trở nên mê muội đến nỗi chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bệnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ”.

Trước kia, sự thành công có được là do trục lợi nỗi khổ đau, bệnh tật của người bệnh, nay đến lúc mình trở thành bệnh nhân thì sao? Hóa ra triết lý của nhà Phật mới thâm thúy làm sao: “Gieo nhân nào gặt quả đó”. Từ hoàn cảnh đó, dẫn đến một nhận thức mới: “Được huấn luyện trở thành những chuyên gia về y học nhưng chúng ta lại không hiểu bệnh nhân cảm nhận chúng ta như thế nào”. Câu này, càng ngẫm nghĩ thấy càng hay. Một khi đạt đến một mục tiêu như mong muốn, nhưng mấy ai bình tâm nghĩ đến tâm cảnh, tình cảm của đối tượng mà nhờ họ, mình mới có được thành công đó?

Trên đây tự sự của BS R.T. Keng Siang, 40 tuổi, triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở Singapore, phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi ở đỉnh cao nhất của tiền tài, danh vọng. Rõ ràng, có những điều ta tưởng thành công nhưng chắc gì đã đúng?

Bố cô em Ngọc “không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu”. BS R.T. Keng Siang thu về vô số tiền là sự thành công đấy chứ, không, chính ông ta tự nhận đó là một thất bại vì “Bệnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ”. Thế, thành công là gì vậy? Xin có suy nghĩ nôm na là khi làm bất kỳ một việc gì nếu xuất phát từ lòng thành của chính mình, tận tâm tận lực hết mình, bất vụ lợi thì dẫu kết quả thế nào đi nữa cũng là một thành công.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có tập bút ký Hoa trái quanh tôi. Nhiều bài viết trong đó, người đọc khen hay và thích thú với những triết lý nho nhỏ, lãng đãng, như xa như gần. Chẳng hạn, bạn đã nhiều lần đến Huế, đã đi ngang và soi bóng dưới dòng sông Hương, có bao giờ cảm nhận: “Một buổi trưa nắng gắt, bà Lan Hữu vừa đi đâu về, mặc áo lụa dài, chiếc quạt giấy xòe ra trong tay. Tôi gặp bà đứng trước cổng An Hiên, nhìn đăm đăm ra dòng sông. Sông Hương triều lên đang cồn những đợt sóng lớn xô nhau về phía núi; và ở quãng xa, nó trôi đi mịt mùng trong khói nắng. Tự nhiên bà Lan Hữu nói thầm nửa giọng, như chỉ để cho mình nghe: “Thuở Huyền Trân công chúa qua đây, chắc sông cũng xanh như vậy”. Ít khi tôi nghe một câu nói lạ như thế ở bà. Chợt nhiên, nó động tới trong tôi một nỗi gì thẳm sâu, không nói được”.

Dòng sông xanh, nó xanh như một phẩm chất tự nhiên, vốn có, chẳng việc gì phải “gồng mình” lên để xanh. Nhờ thế, sự tồn tại của nó đã toát lên một vẻ đẹp, một giá trị. Mà nếu, có lúc nó không xanh đi nữa, do tác động từ bên ngoài thì chính nó vẫn đẹp như thường. Đơn giản chỉ vì dòng sông ấy thể hiện đúng như những gì đã có trong từng khoảnh khắc khác nhau.

“Người vá trời lấp bể/ Kẻ đắp lũy xây thành/ Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh” (Nguyễn Sĩ Đại). Thể hiện hết sức mình, cứ làm theo nội lực, tấm lòng, suy nghĩ của mình, dẫu không được như mong muốn đi nữa cũng là một sự thành công đấy thôi. Ít ra, mình đã thành công khi thể hiện được là mình. Đâu phải cứ cắm đầu cắm cổ chạy theo người khác, giống như người khác mới là thành công. Ai cũng có sự thành công theo cách quan niệm tích cực của họ. Nghĩ như thế, ắt thấy cuộc sống nhẹ nhàng, an lành hơn.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 442 ngày 25.6.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com