LÊ MINH QUỐC: TÌM LỬA ẤM TỪ NHỮNG KỶ NIỆM ĐẸP

Array In Array

TIM-LUA-AM-TU-KY-NIEM-DEP

Khoảng thập niên 1980, một trong nhiều tiểu thuyết của văn học Liên Xô được bạn đọc săn đón, thích thú tìm đọc nhất vẫn là Muối của đất của nhà văn G.Mác-Cốp. Ai lại không ấn tượng với chi tiết lúc vợ chồng giận nhau, cô Na-chen-ca đem lá thư tình thuở họ mới quen nhau, đưa cho Mắc-xim. Lá thư đó, Mắc-xim viết như sau:

“Na-chen-ca yêu quý! Kết cục câu chuyện thật là ngây ngô, và mỗi đứa chúng mình phải chịu một nửa sự ngây ngô ấy. Em đã không hiểu anh, và anh chẳng muốn hiểu em. Em đã ra đi… Và lúc này, khi em đã đi xa, anh thấy rằng dù em ở bất cứ đâu, dù em mang tâm hồn kiêu hãnh của em tới bất cứ nơi nào, cuối cùng em cũng sẽ quay về và chúng mình sẽ ở lại bên nhau.

Sự gắn bó giữa hai chúng mình có một cái gì rất lớn lao. Những dòng suối nhỏ trong rừng tai-ga khi hợp thành một sẽ nhân sức mạnh của mình lên nhiều lần. Hai đứa mình cũng thế. Bất kỳ kẻ nào chắn ngang đường ta đi, bất cứ chướng ngại nào trước mắt chúng mình cũng sẽ bị đè bẹp bởi sức mạnh của tình yêu giữa hai chúng mình...”.

Thời gian đi qua rất nhanh. Có những kỷ niệm êm đềm, hoa xanh trái ngọt của một thời đã từng khiến mình mê đắm, nhưng rồi lại quên. Những dòng chữ ấy đã nhắc nhở về năm tháng ngập đầy ánh sáng của tình yêu. Khi nhắc lại, lập tức nó đã trở thành ngọn lửa ấm áp, đủ sức xua tan đi băng giá đang ngăn cách hai người. Họ phải ngẫm nghĩ lại và sẽ có cách giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn đang xẩy ra. Đây cũng là một nghệ thuật sống.

Thói thường tâm lý lẫn tính cách của con người ta là gì?

“Khi yêu trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”. Chưa hết, “Yêu người, yêu cả đường đi/ Ghét người, ghét cả tông chi họ hàng”. Sự yêu ghét ấy rất cảm tính. Thật buồn cười cho anh chàng nọ quá mê mẩn vợ, nhìn ở góc cạnh nào cũng hài lòng, không thèm phàn nàn cho một tiếng: “Đêm nằm thì ngáy o o/ Chồng yêu, chồng bảo: “Ngáy cho vui nhà"/ Đi chợ thì hay ăn quà/ Chồng yêu, chồng bảo: “Về nhà đỡ cơm”. Nhưng một khi đã ghét, đã không còn yêu thương, đã muốn ruồng bỏ rồi thì hỡi ôi, từ “em” chuyển sang “mụ” rất lạnh lùng rồi sa sả kể tội: “Mụ bỏ qua ngày quảy, ngày đơm/ Con cá không đánh vảy, con tôm không lột đầu/ Mụ không lo gánh nước tưới trầu/ Hẹ hành mụ bỏ héo, dây bầu mụ bỏ khô/ Mụ cứ lo trang điểm phấn tô/ Nhõng nha nhõng nhãnh tựa như đồ lầu xanh”. Còn có lời mắng nhiếc nào cay độc hơn không?

Trong tình huống đó, tất nhiên, vẫn có cách lựa chọn khác, nhờ vậy, người ta mới giải quyết mâu thẫu bằng tấm lòng khoan dung hơn. Tôi nhớ đến đôi vợ chồng son trong truyện ngắn Cười của nhà văn Nam Cao. Họ cãi nhau luôn: “Mỗi lần cãi nhau với vợ xong, thế nào hắn cũng bỏ nhà đi luôn bốn năm hôm”. Cô vợ cũng không thèm ngăn, chỉ cau mặt: “Muốn đi đâu thì đi”. Rồi có một lần quay về nhà, chỉ một chi tiết khiến người chống nhớ mãi và thay đổi tính cách: “Đột ngột, hắn đẩy cửa bước vào.Vợ hắn giật mình. Chợt nhận ra chồng, đôi mắt chị sáng lên vì mừng rỡ: “Mình!”. Thị buột miệng reo lên một tiếng rồi cúi đầu bẽn lẽn”. Chỉ một tiếng nói đã hóa giải được nhiều điều. Bởi lẽ, chính nó đã nhắc nhở lại ngày tháng êm đềm, ngày  đó họ đã hứa phải yêu thương nhau cho đến cuối đời.

Nhớ lại đi, có phải lúc mới yêu nhau, con người ta thường dành cho nhau những vốn từ, và phát ngôn bằng ngữ điệu ra làm sao? Chắc chắn không thể nào mỗi lời dấm dẳng như chó sủa ma, như dùi đục chấm mắm cáy mà phải là “nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Âm thanh dịu vợi ấy, lúc giận nhau, nếu ta ngồi yên, tĩnh tâm và nhớ lại ắt cảm thấy nhẹ lòng hơn nhiều.

Mới đây thôi, vợ chồng anh bạn tôi có chuyện buồn bực, tức tối, gây gỗ nhau chí chóe như chó với mèo. Dù cô vợ đã “hạ mình” xin lỗi nhưng người chồng vẫn không chịu, chỉ muốn ký giấy ly hôn cho nó xong. Sống như thế, cực nhục lắm. Rằng, lâu nay, nghe theo lời của chị em gái với nhau, cô vợ lén chồng đi vây nóng để làm ăn. Chẳng may, kế hoạch không suông sẻ. Cuối cùng mọi việc tầy huầy ra, đi đến đâu nghe thiên hạ xì xào chuyện vợ mình vỡ nợ. Người chồng căm lắm. “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi”. Chỉ còn cách bỏ vợ mới rũ sạch nỗi âu lo canh cánh, ám ảnh từng ngày. Nói là làm. Người chồng sắp xếp lại mọi thứ cần thiết, trước lúc viết đơn nộp tòa án.

Lúc ấy, tình cờ anh ta nhìn thấy một tấm ảnh cũ từ trong mớ hồ sơ giấy tờ. Cầm trên tay bức ảnh ấy, đột nhiên, anh ta cảm thấy rưng rưng. Bao nhiêu kỷ niệm hoa mộng lại quay về trong tâm tưởng. Ngày đó, anh vừa ốm dậy nên trông còn xanh xao lắm. Đứng bên cạnh là cô người yêu, nay là vợ đang cười tươi. Chà, những ngày ở bệnh viện, chỉ một tay cô ấy chăm sóc, dù hai người chỉ mới yêu nhau. Xa quê, lên Sài Gòn trọ học, không một ai ruột thịt, may mà có sự cưu mang ấy, nếu không, chắc gì anh ta đã như ngày nay?

Sau một thoáng ngần ngừ, người chồng đặt lại mọi thứ vào lại ngăn tủ. Và anh ta tìm cách giải quyết khác. Sống trên đời cần có cái tình, huống gì họ có vài mặt con với nhau, nhất là đã có những ngày tươi đẹp. Chẳng một ai dễ dàng rũ bỏ. Nhớ lại kỷ niệm đẹp đã có trong đời cũng là một nguồn vui sống đó chăng? Tôi tin chắc, nhiều người đồng tình.

Hầu hết con người ta nghĩ rằng “đi với Phật mặc áo hoa, đi với ma mặc áo giấy”, tùy thuộc vào môi trường sống mà cách ứng xử phù hợp để tồn tại. Có những người đôi lúc phải “gồng mình” trở thành kẻ bặm trợn, đá cá lăn dưa, ba bứa để tồn tại trong chốn du thủ du thực. Dần dà, họ bị nhiễm nhiều thói xấu và đã đánh mất mình. Tuy nhiên, vẫn có người “trước sau như một” dù phải đương đầu trong hoàn cảnh nào. Nhờ vào đâu?

Tôi còn nhớ thời còn đi học, cô giáo đã kể câu chuyện này: Có người vào rừng sâu nước độc tìm trầm, đá quý, vàng… Ở một nơi, những con người khốn khổ đó chỉ xài “luật rừng”, mạnh được yếu thua nên không ai cư xử bằng tình nghĩa, nếu cần giành giật là đâm chém nhau. Thế nhưng có một người vẫn giữ được tính cách hướng thiện. Nhờ vào đâu? Anh ta trả lời: “Vì bức ảnh gia đình mà tôi đã mang theo. Buổi sáng, trước khi tôi lên đường, cả nhà tôi ngồi ăn điểm tâm. Mọi người đều nghẹn ngào vì tôi phải lìa xa nhà, kiếm sống ở nơi nhọc nhằn, tăm tối đó. Cha tôi bảo: “Trước lúc làm một việc gì mà tâm trí phân vân, đắn đo suy nghĩ thì con hãy nhìn vào bức ảnh nhà mình ngày hôm nay”. Chính bức ảnh này đã nâng đỡ và nhắc nhở tôi chọn cách ứng xử”.

Vâng, quay về với kỷ niệm cũ, tháng ngày tươi đẹp cũng là một cách giúp ta có sự định hướng trong cuộc sống.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 434 ngày 16.4.2016)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà