THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “THẦN GIỮ CỦA”

LÊ MINH QUỐC: “THẦN GIỮ CỦA”


thangiuacua-1-R


“Lão ấy” trông hèn hèn thế nào ấy nhỉ? Đâu phải thiếu thốn, nghèo khó gì cho cam, leo lên được cái chức trưởng phòng nhưng lão chơi như thế trông nó hèn hèn, bần tiện làm sao”. Đám nhân viên vẫn kháo với nhau, thậm thụt nhỏ to sau lung khi nhận xét về sếp của mình. Họ không thể lý giải vì sao trong các cuộc vui chung, dù đã tán thành quy định “chơi kiểu Mỹ” - nghĩa là mọi người hùn chung tiền trả, không ai đãi ai nhưng rồi đến phút cầm hóa đơn tính tiền thì…

Thì lúc ấy, “lão ta” lấy cớ nghe điện thoại để ung dung đứng dậy bước ra ngoài; hoặc ngồi tại chỗ nhưng thản nhiên nhìn đồng nghiệp móc tiền hùn mà vỗ đùi cái phạch: “Chà, quên ví tiền rồi. Tớ đảng trí quá đi mất” v.v… Đại khái là thế, lúc nào “lão” cũng có một cái cớ gì đó rất “chính đáng” để né chi tiền vào phút 89!

Thiên hạ trách móc, chê cười là đúng nhưng mấy ai thấu rõ nỗi lòng của lão? Sau khi nghe nghe đầy tai những lời biếm nhẻ ấy, tôi đánh liều “méc” lại với “lão ta” - tức sếp Trọng, trưởng phòng của tôi. Những tưởng Trọng sẽ đùng đùng nổi giận, ra sức bào chữa, biện minh cho mình, nào ngờ anh ta im lặng một lát rồi thở dài cái sượt nghe não nùng như mới vừa ốm dậy: “Tớ biết tỏng rồi nhưng khổ quá, mọi sự chỉ do…”. Anh ngập ngừng dừng lại khiến tôi càng tò mò: “Do ai vậy anh?”.  Với bộ mặt nghiêm trọng, anh kề vai tai tôi nói khẽ khàng như sắp tiết lộ “bí mật quốc gia”: “Vợ của tớ chứ ai! Thần giữ của đó”.

Theo lời kể của anh, vợ anh là “tay hòm chìa khóa”. Mọi thu nhập hàng tháng, anh đều phải tự giác nộp đầy đủ, đúng hẹn, đúng ngày và nhất là không thiếu một xu nào. Lúc mới cưới nhau, thuận tình với quy ước này vì anh biết tính cẩn trọng của vợ. Hơn nữa chồng còn ở nhà thuê, con cái còn bé, đang tuổi ăn tuổi lớn thì tiết kiệm vẫn là quốc sách. Ai giữ tiền thì lo, chứ đưa tận tay cho vợ, yên tâm quá đi thôi. Còn an toàn hơn cả gửi ngân hàng quốc tế đấy chứ!

Ban đầu tưởng là thế, nhưng rồi Trọng mới thấy bất cập quá. Do ngày càng có thêm nhiều mối quan hệ nên thỉnh thoảng cũng phải “chi phí ngoại giao”, rồi đám nhân viên mời đi ăn vài lần, mình cũng phải có dịp “trả lễ”… Nhưng khổ nỗi người vợ lại không chia sẻ và hiểu cho “cái khó” đó. Mọi thu nhập của anh vẫn bị vợ quản lý chặt chẽ, vẫn “phát lương” mỗi ngày. Tình trạng này, nhiều đấng mày râu hoặc “hạ quyết tâm” giành lấy quyền nắm tài chính; hoặc ít ra cũng phải năn nỉ vợ mở rộng hào bao một chút. Còn Trọng thì không. Do đó, đám “đệ tử” và đồng nghiệp nói lén sau lưng rằng “lão ta” hèn hèn là vậy.

Mới đây thôi, đã khuya, tôi đang nằm ngủ bỗng nghe tiếng điện thoại réo ầm ĩ, hoảng quá, có chuyện gì gấp mà Hưng lại réo vào lúc này? “Có thể cho tớ mượn ít tiền được không? Sáng mai giải thích. Còn giờ kẹt quá. Nếu được sẽ có người đến tận nhà, cậu không phải ra khỏi nhà đâu”. Biết  làm sao được, tôi đành gật đầu. Điều khiến tôi ngạc nhiên là số tiền Hưng mượn chẳng nhiều nhặn gì. Nào ngờ, chỉ mười lăm phút sau, chính anh ta lù lù vác xác tới, đi theo sau là nhân viên của quán ăn. Thì ra, chiều đó, tình cờ gặp lại nhóm bạn cũ từ ngoài quê vào chơi, chỉ có ít tiền vợ phát cho lúc sáng, anh mời bạn bè lai rai cà phê cà pháo. Nhưng rồi cao hứng, muốn chứng tỏ mình cũng không đến nổi keo kiệt, eo hẹp gì nên Hưng lại mời bạn đi nhậu cho “hoành tráng”, cuối cùng, ví tiền “thủng” luôn! Hưng méo xị mặt mày: “Nếu vợ tớ không quản cái thẻ ATM thì đâu đến nổi”! Nghe thê thảm quá.

Mà này, khi người vợ siết chăt túi tiền cũng có nhiều lý do lắm. Sau này, tôi mới biết ra, có lần Hưng bị vợ phát hiện đã nhiều lần bỏ ra số tiền lớn để mua mua quà cáp “hàng hiệu” tặng tình nhân. Từ đó, mọi thu nhập của anh ta đã bị vợ đưa vào “tầm ngắm”. Đố mà thoát. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Sự sít sao cặn kẽ về các khoản thu nhập, đôi lúc lại đẩy “nửa kia” vào tình thế chẳng ra làm sao, thậm chí còn “mất giá” nữa là khác.

Tình huống tréo ngoe này, không là “độc quyền” của một giới tính nào. Thủy, bạn thân với vợ tôi có lần kể: Do cưới vợ trẻ, trẻ hơn gần 20 cái xuân xanh nên cô được chồng cưng chìu lắm. Cưng thì cưng, chìu thì chìu nhưng thu nhập của hai người, anh vẫn luôn giữ rịt. Có thể do người chồng sợ cô còn “trẻ người non dạ” chưa biết quản lý tiền nong chăng?

Có một chuyện khiến cô nhớ mãi: lần nọ, cô dẫn con cái về quê mừng sinh nhật bố nhưng chồng bận công tác nên vắng mặt. Sau khi tan tiệc, ông bố cao hứng mời bạn bè, bà con thân thiết đi tiếp “tăng 2”, có hát karaoke, có bia bọt tại nhà hàng cho nở mày nở mặt. Láng giếng, bà con chòm xóm, ai ai cũng biết Thủy làm dâu ở thành phố, con nhà giàu có thì nhân cớ này, phải “khoe” một chút chứ? Bố cô nghĩ thế. Chuyện này “nhỏ như con thỏ”, chẳng bỏ bèn gì so với thu nhập của con gái. Nhưng khổ nổi, Thủy đâu phải là người giữ tiền. Sau vụ đó, cô cho biết quyết định “vùng lên” nhằm thay đổi tình hình chứ không khéo còn bẽ mặt dài dài…

“Của chồng công vợ”, đồng tiền làm ra, quản lý thế nào là thỏa thuận của mỗi nhà. Tuy nhiên, nếu người vợ/chồng giữ tiền không khác gì “thần giữ của”, biết đâu có lúc lại thất sách. Bởi lẽ, ai cũng có những mối quan hệ ngoài xã hội vì thế do xã giao, do công chuyện làm ăn v.v… vì thế có những lúc “người của mình” cần có phải có đồng tiền để chi trả này nọ. Thế mà mình chẳng “nhả” ra cho một xu thì “nửa kia” biết làm sao đây?

L.M.Q
(nguồn: TGPN ngày 4.4.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com