THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “TẾT MÀ”!?

LÊ MINH QUỐC: “TẾT MÀ”!?

tetma-PNTG-1-R

Những ngày này chộn rộn ghê gớm. Nhiều người tự nhủ, dù có thêm ba đầu sáu tay đi nữa cũng không thể làm hết việc. Mọi ngày, nhà cửa thế nào cũng được, chẳng thấy cần phải xê dịch, thay đổi nhưng Tết sắp đến rồi, phải khác chứ? Khác như thế nào nhỉ? Đôi lúc dẫu biết sự thay đổi đó, chắc gì đã hợp lý nhưng rồi tặc lưỡi “Tết mà”. Điều đó còn nghĩa, đã là Tết thì mọi sự phải thay đổi cho mới mẻ, biết đâu nhờ như vậy mọi việc sẽ hanh thông, thuận lợi hơn.

Vừa bước vào nhà, anh Trúc bạn tôi choáng luôn, anh dụi mắt những năm lần bảy lượt, tự tay véo vào má nhưng vẫn tưởng như đang nằm mơ. Kìa, “con mèo cưng” của anh mỗi ngày óng ả với mái tóc đen tuyền ngang vai, nay đột nhiên chuyển sang màu vàng hoe như râu bắp mà lại cắt ngan17 củn cởn. “Sao kỳ cục thế hả em?”. Cô vợ nhoẻn miệng cười rất teen: “Ai cũng khen em trẻ hơn chừng mười tuổi đó, anh cũng vậy, phải không?”. Câu nói “chận ngọn” ấy, khiến anh còn biết trả lời thế nào? Chưa hết, cô còn lấy trong tủ áo ra một bộ quần áo mới kẻng và bảo: “Quà Tết của anh đây. Mấy thầy phong thủy bảo, tuổi của anh, của em trong năm này phải lấy màu “hoàng kim” làm chủ đạo thì mới đắc địa”. Trúc chỉ còn biết cười trừ, đành gật gù cho qua chuyện. Vợ có thương mới sắm cho, dù không thích màu sắc đó nhưng mặc vào thì nào đã sao? Thôi kệ, “Tết mà”.

Tưởng là thế, qua sáng ngày hôm sau, đã cận Tết lắm rồi, nhưng lại thấy hai, ba người thợ kéo đến nhà để chuẩn bị quét vôi. Trời, các bức tường cũng được chọn cái màu vàng không khác gì màu áo mà vợ vừa mua! Anh ngạc nhiên: “Sao em không trao đổi trước với anh?”. Cô vợ lại cười: “Anh nhớ không, chừng mười mấy năm trước, lúc mới cưới nhau bọn mình quy ước, anh lo chuyện lớn, em lo chuyện nhỏ. Chuyện kêu thợ sơn phết tường nhà chỉ “nhỏ như con thỏ” mà anh”. Thế là anh “cứng họng” khen vợ một câu cho vui cửa vui nhà: “Ừ, Tết mà. Thế cũng được. Có vợ có gu mỹ thuật cũng thích thật”.

Thế đấy, có những chuyện xẩy ra nếu ngày thường ắt tranh cãi lôi thôi ngay, nhưng đã sắp Tết rồi, ai nấy cũng dễ dãi, biết nhường nhịn hơn.

Dù bác sĩ cấm tiệt bia bọt, cấm sử dụng thức uống lên men vì sức khỏe nhưng lúc thấy chồng kệ kệ vác về những mấy thùng bia, lại thêm mấy chai rượu nữa, cô vợ không quát tháo như mọi ngày. Người chồng liền phân bua: “Đâu phải anh mua cho anh. Mua cho em đấy! Ngày Tết, ngày nhất em tha hồ tiếp đãi bạn bè”. Nói thế mà cũng nói được à? Cứ như lâu nay, cô vợ thuộc hàng “cao thủ võ lâm” trong làng bợm nhậu. Mà thôi, Tết mà. Cằn nhằn làm gì.

Lại nữa, dù năm nay “kinh tế toàn cầu đang suy thoái”, nghe bố bảo thế nhưng cậu con trai, cô con gái vẫn nhất quyết đòi mua bằng được thứ này thứ kia. Mà đâu ít tiền, cả tiền triệu đấy. Trước yêu cầu này, để tìm cách “hoãn binh” người đàn ông “trụ cột” trong nhà bèn phàn nàn với vợ vì biết chắc sẽ có “đồng minh”! Nào ngờ cô vợ nói ngay một câu nhẹ như không: “Thôi mà anh, Tết mà. Chìu chúng nó một chút. Chẳng lẽ làm ăn cả năm mà phải để con thiếu thốn, thua bạn kém bè?”.

Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều người, dù cả năm chí thú làm ăn, dành dụm chẳng nhiều nhặn gì nhưng với tâm lý “Tết mà” nên họ cũng cho phép “vung tay quá trán”. Trong  năm, vợ chồng tôi quyết tâm sang năm mới sẽ sửa sang cái nhà, sửa từng phần một vì khả năng tài chánh chỉ có thế. Nhưng rồi Tết đến, con cái lại mè nheo đòi đi nghỉ Tết ở cái resort này, khu du lịch kia với cái giá gần chục triệu đồng/đêm, chưa kể tiền máy bay, thuê xe, chi xài ăn uống… thì phải làm sao? Từ chối với ai cũng được, nhưng với con cái thì không nỡ. Đang ngần ngừ, vợ tôi nheo mắt cười tình: “Cũng hay đấy anh. Nhân cơ hội này, mình có cớ “hâm nóng” lại tình yêu nhá”. Nghe câu nói tình tứ ấy, xẹt qua trong đầu tôi là đã mất béng khoản tiền sửa sang cái nhà bếp. Nhưng cũng tôi cũng cười rất tươi: “Thôi kệ, Tết mà”.

Những ngày này, có nhiều khoảng chi tiêu đột xuất, không khéo gây bất hòa giữa vợ chồng. Thì trường hợp anh Hiền sát cạnh nhà tôi đây, năm ngoái, ăn nên làm ra, anh bỏ ra cả chục triệu đồng thuê luôn cây mai to đùng đoàng. Mai vàng năm cánh nở xòe, ai đến chơi nhà cũng phải khen, và anh cũng sướng thầm trong bụng vì biết cứ theo như quan niệm xưa nay hễ mai nở đều, nở đầy thì qua năm làm ăn hanh thông, mua may bán đắc, phát tài phát lộc.

Thế là năm nay anh lại thuê mai chơi Tết. Mà phải thuê luôn hai cây cho sang, cho khác hơn năm ngoái. Khổ nổi, thu nhập năm nay chỉ “xìu xìu ểnh ểnh” nhưng anh cũng bấm bụng chơi luôn! Thế là anh bị vợ cằn nhằn ngay. Đúng thôi. Dịp cuối năm bao nhiêu là việc phải làm, phải tính toán sổ sách, phải lễ tết này nọ, phải mua sắm này kia nhưng chi ra vài chục triệu “khơi khơi” như thế, hỏi ai không xót?

Có nhiều nhà, hễ dịp gần Tết là bao giờ người chồng cũng dặn vợ: “Rút kinh nghiệm năm trước, Tết này má thằng Tèo, mẹ cái Tún “nhẹ tay” giùm, nhớ chửa?”. Sở dĩ dặn dò trước, vì năm nào cũng thế, người vợ luôn mua sắm, chuẩn bị đồ ăn thức uống chất đầy nhà, cứ như thể mở cửa hàng ăn không bằng. Mà thật lạ, dù đã được người chồng “cảnh báo” trước, nhưng rồi có thay đổi gì đâu, vẫn y chang mọi năm. Tâm lý chung của phụ nữ vẫn là: “Ngày Tết, ngày nhất, trong nhà thiếu thứ này thứ kia thì coi sao được?”!  Vẫn biết là thế, nhưng nhìn vợ thức khuya dậy sớm lo chợ búa, nấu nướng, ăn ngủ thất thường, thử hỏi người chồng nào có thể yên lòng? Nhưng rồi, qua Tết mọi thứ chuẩn bị trước Tết vẫn không thể “thanh toán” hết, “bỏ thì thương, vương thì tội”.

"Ngày Tết, ngày nhất", mỗi năm chỉ có một lần, do đó, sự chi tiêu cũng “nới tay”. Tuy nhiên, nếu “liệu cơm gắp mắm” vẫn tốt hơn. Kế hoạch tiêu xài, nếu thực hiện bài bản, chỉnh chu thì vẫn có thể tiết kiệm được một tiền không nhỏ. Mà vẫn vui Xuân đón Tết vui vẻ, hạnh phúc, hào hứng nào kém gì ai. Có như thế, qua Tết câu nói ” hào hứng, dễ dãi “Tết mà” mới không trở thành tiếng thở dài…

L.M.Q
(nguồn: TGPN số Tất niên 1.2.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com