THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tết đoàn tụ

LÊ MINH QUỐC: Tết đoàn tụ

tet-doan-tu-1-RR

 

Những ngày cuối năm, dù ngược xuôi tất bật, vận lộn trong cuộc mưu sinh nhưng tâm trạng lại khác mỗi ngày. Thỉnh thoảng nhìn lên vòn trời xanh, bỗng dưng nghe vọng về câu thơ của Nguyễn Bính: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”. Bình thường, đọc câu thơ ấy, buồn chết đi được nhưng lúc này lại mỉm miệng cười. Vì Tết sắp đến. Chỉ một khoảnh khắc ngắn của thời gian, bàn tay đã chạm đến Tết. Có thể đó là nén nhang thơm trên bàn thờ Tổ tiên, là cây mai ngoài sân trổ lộc, là bóng dáng thân thương của người mẹ già bao ngày đêm vò võ mong đợi con cái quay về…
Hình ảnh Tết nào có xa xăm gì, mà rất thật.

Thật như ngọn lửa reo trong bếp đêm ba mươi, cả nhà quay quần canh nồi bánh tét; thật như những chậu lan, cúc, vạn thọ đã thắm tươi môi mắt tình người; thật như những lời cầu chúc cho nhau đón năm mới an vui, yên lành, làm ăn phát tài phát lộc; thật như “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”…

Tâm lý con người ta lạ lắm. Trong suốt một năm, bận bịu tối mắt tối mũi nhưng chẳng ai thèm quan tâm đến thời gian, nhưng lúc gió se lạnh, nhìn thấy ngoài phố đã chưng bày thiệp Tết, hoa xuân, hàng hóa ngoài chợ, trong siêu thị bày bán nhiều hơn trước, nhìn người người lũ lượt sắm Tết là tự dưng bồi hồi khôn xiết. “Tết đến rồi à?”, tự hỏi rồi bấm đốt ngón tay tính nhẫm từng ngày. Có lẽ, đó là những ngày hạnh phúc nhất, sung sướng nhất của mỗi người. Bởi dù giàu, dù nghèo, dù có gì đi nữa thì ai nấy cũng đều quay về với tuổi thơ. Tâm trạng của trẻ thơ. Niềm vui của trẻ thơ. Ai nấy cũng đều gạt bỏ mọi sự lo toan, hờn giận, hỉ, nộ, ái, ố để mở lòng đón nhận niềm vui sướng nhất trong một năm: đoàn tụ cùng nhau.

Sự chờ đợi của khoảnh khắc diễn ra trong ngày Tết cổ truyền ý nghĩa xiết bao. Lúc ấy, nghĩ về nhau là nghĩ đến tay bắt mặt mừng, được nhìn lại gương mặt thân thương, được nghe lại giọng nói của quê kiểng chưa pha lẫn tạp âm của đường dài xứ lạ…

Không phải ngẫu nhiên, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi xem clip thật xúc động. Chỉ ngắn 2 phút nhưng đã khiến nhiều người rớm lệ lâu dài. Với người phương Tây, lễ Giáng sinh có một ý nghĩa đặc biệt, không khác gì Tết nguyên đán cùa các dân tộc Á Đông. Ở ngôi làng hẻo lánh nọ, có người cha già sống cô quạnh trong một căn nhà. Niềm vui lớn nhất của ông vẫn là dịp các con đi làm ăn xa quay về sum họp, cùng chia sẻ tình cảm ruột rà. Thế nhưng, gần đến cái ngày mà ông cụ chờ đợi từng ngày, các con lại báo tin là không thể về được. Mổi người có một lý do. Lý do nào cũng chính đáng. Tuy nhiên ông cụ vẫn buồn bã xiết bao. Nghĩ đến lúc thiên hạ vui vầy, cầm tay hát ca khúc vui nhộn mừng ngày đoàn tụ, còn mình lại đơn độc trong căn nhà lạnh lẽo, còn gì cô độc hơn? Nỗi cô quạnh ấy, khủng khiếp đến dường nào? Nghĩ đến thế, ông cụ thiếp đi.

Ít lâu sau, đột nhiên, lần lượt các người con đều nhận được thư báo tin ông cụ đã qua đời. Đến lúc này, họ mới bàng hoàng nhận ra mình đã mất người yêu quá nhất. Mọi việc đã quá muộn. Họ vội vàng thu xếp mọi việc để về tang lễ. Thật ngạc nhiên, khi bước vào căn nhà đơn độc của cha, họ lại thấy bàn tiệc đầy ắp thức ăn đã được dọn sẵn. Và như trong cổ tích, thật bất ngờ, từ sau bếp ông cụ bước ra đi vào phòng ăn. Ông vẫn còn sống và nói một câu nhẹ nhàng nhưng ai nấy đều nhói đau: “Cha chẳng còn cách nào khác để gọi các con trở về”.

Sự trở về của mỗi thành viên trong ngày Tết có ý nghĩa lớn: đoàn tụ.

Không phải ngẫu nhiên, hễ đến dịp Tết, khắp phố phường lại ngân vang tiếng hát: “Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi/ Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi/ Đàn em thơ khoe áo mới/ Chạy tung tăng vui pháo hoa/ Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi/ Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam/ Dù đi đâu ai cũng nhớ /Về chung vui bên gia đình...”. Ca khúc Ngày tết quê em của nhạc sĩ Từ Huy phản ánh được tâm thức của mọi người. Mà nào có phải chỉ dành cho người đang sống trên dương thế, Tết còn là dịp “tri ngộ” cùng các ông bà Tổ tiên qua nén nhang thơm, qua mâm cơm cúng trong ngày đầu năm.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh hoàn toàn có lý khi viết: “Tết không chỉ là ngày lễ của người sống; nó còn là, chủ yếu là ngày lễ của những người chết. Chính trong ba ngày Tết những người đã chết thực sự tham gia vào cuộc sống của gia đình và con cháu mình. Ngày hôm trước đó, bằng một lễ nhỏ người ta thỉnh rước tất cả họ về cùng dự Tết với gia đình. Rồi mỗi ngày hai lần người ta mời họ dùng hai bữa cơm chính, chưa kể các cuộc dâng trà, hoa quả, bánh trái. Cuối ngày thứ ba hay thứ tư, là lễ lớn tiễn đưa, và các linh hồn được coi như trở về thế giới bên kia, mang theo những lời chúc tụng và những lời tâm sự của người thân mà họ vừa chia sẻ cuộc sống trong mấy ngày và bây giờ họ để lại thế giới bên này, nhưng vẫn luôn theo dõi, ban phúc, bảo bọc”.

Nét văn hóa Á Đông, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt sâu sắc, thâm trầm, kín đáo đến thế là cùng. Do hiểu như thế, ý thức như thế nên ngày Tết nếu vì lý do gì đó vẫn còn phiêu bạt chân trời góc bể, không thể quay về đoàn tụ ắt nhiều người cảm thấy lạnh lẽo, buồn nhớ không cùng. “Quán trọ, ai hỏi thăm ta?/ Ngọn đèn tàn lạnh ấy là tri âm?/ Hết đêm này cũng hết năm/ Dặm ngàn vẫn khách xa xăm bên trời/ Ngậm ngùi chuyện cũ đã rồi/ Não nùng mà lại nực cười cho thân/ Mặt sầu với mái tóc cằn/ Ngày mai ta lại gặp xuân quê người” (bản dịch Nhất Anh). Đó là tâm sự Đêm ba mươi Tết ở quán Thạch Đầucủa nhà thơ Đới Thúc Luân (732-789). Tôi nghĩ đến hình ảnh người đàn ông đã nghẹn ngào nấc lên, nhớ đến vợ, con cái. Rồi những người thân thiết ấy, cũng có tâm trạng không khác gì khi nhớ đến người đang ở xa. Chi tiết nhỏ này, cho thấy rằng tình cảm máu mủ lại càng dâng trào vào những ngày Tết, bởi lẽ, ai ai cũng đoàn tụ, riêng mình lại lẻ loi thì tủi phận lắm.

Không phải vài chục năm trước đây, mà sau nhiều thập kỷ nữa, những người sống xa quê chắc hẵn vẫn còn “sống” với trang văn Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng. Không xao xuyến, không thổn thức sao được khi nơi đất khách quê người không thể về quê ăn Tết: “Người ở xa nhà xa cửa đến Tết lôi thôi lếch thếch vợ con kéo về quê ăn Tết còn mệt mỏi và tốn kém đến đâu, sao mà họ vẫn cứ về quê ăn Tết? Không về là không ăn Tết, không ăn Tết thì không thể yên tâm được. Có ai bắt buộc họ đâu, nhưng họ cứ về, vì cách gì trong một năm họ cũng phải trở về nhìn lại bàn thờ, ngôi mộ, cây cau, cúng ông bà, thăm họ hàng làng nước một lần, mà lần đó phải là ngày tết. Về quê ăn Tết, đối với tất cả người Việt Nam tức là trở về nguồn cội để cảm thông với ông bà tổ tiên, với anh em họ hàng, với đồng bào thôn xóm; về quê ăn Tết tức là để tỏ cái tinh thần lạc quan ra chung quanh mình, tỏ tình thương yêu cởi mở và biểu dương những tinh thần, những kỷ niệm thắm thiết vì lâu ngày mà quên đi mất”.

Ý nghĩa “vế quê ăn Tết” thiêng liêng quá, phải không?

Một mẩu chuyện, tôi đã đọc lâu rồi, đại khái, có người con trai đi làm ăn xa, do thất bại nên tự ái, không quay về nhà. Năm nay, làm ăn có khấm khá hơn, anh ta quay về nhà vào đúng đêm mươi Tết. Đã qua khoảnh khắc giao thừa, làng xóm im ắng, chỉ còn thoảng trong gió khuya hương thơm của nhang trầm, của hoa nẩy búp khiến lòng anh bồi hồi khôn xiết. Bước vào đến nhà, cửa nhà đã đóng, giờ này chắc mẹ và vợ con đã ngủ, anh không dám lay cửa. Anh ngồi trước bậc thềm đợi trời sáng, lúc mỏi mệt anh dựa lưng vào cánh cửa nhà. Bất ngờ, cánh cửa mở ra như đã chờ đợi anh như tự bao giờ rồi. Thì ra cửa nhà không hề khóa. Mẹ anh thức dậy và bảo: “Con à, từ nhiều năm nay mẹ luôn chờ đợi và biết thế nào con  cũng sẽ về, vì thế, không bao giờ mẹ khóa chặt cửa”.

Vâng, dù thế nào đi nữa, vẫn còn có người thương yêu đang chờ đợi mình. Ngày Tết, ngày của sự đoàn tụ, cầu chúc không một ai lẻ loi, đơn độc khi chạm tay vào không khí an lành, ấm áp của ngày xuân xanh Nguyên đán.

L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số XUÂN 2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com