THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Mê người “ván đã đóng thuyền”

LÊ MINH QUỐC: Mê người “ván đã đóng thuyền”

me-nguoivan-da-dong-thuyen

 

Nói nôm na, cụm từ “ván đã đóng thuyền”, “như chim vào lồng, như cá cắn câu” nhằm để chỉ những ai đã lập gia đình, đã yên bề gia thất. “Chưa chồng đi đọc đi ngang/ Có chồng thì cứ một đàng mà đi”. Nào riêng gì phụ nữ, ngay cả đàn ông cũng tuân thủ theo “nguyên tắc” này, nghĩa là họ không còn có cơ hội mở lòng đón nhận một tình cảm mới.

Dù vậy, có những người kỳ cục ghê gớm, khi đứng ngoài mái ấm đó dù biết tỏng mình không có cửa, không thể chen ngang, không còn cơ hội nhưng họ vẫn cứ lao tới! Bất chấp dư luận chê cười, bỏ mặc lời khuyên can ngoài tai, họ vẫn cứ âm thầm tìm mọi cách nhằm chiếm cho bằng được trái tim của chàng/nàng mà họ đang say đắm.

Có lẽ cuốn tiểu thuyết hay nhất viết về sự trái khoáy này vẫn là Nỗi đau của chàng Werther của văn hào người Đức Goethe. Dù biết nàng Lothéa đã hứa hôn với Anbert, nhưng Werther vẫn yêu điên cuồng, cuối cùng chàng tự giải thoát cho chính mình bằng cái chết. Bi kịch này không chỉ diễn ra trong tiểu thuyết, đời thật cũng đã có nhiều trường hợp tương tự. Khó có thể lý giải vì sao có người lại chọn một lối đi khó, “không giống ai” dù thừa biết sẽ chẳng đi tới đâu. Điều này hiễn nhiên thôi, bởi người đã lập gia đình có nhiều sự ràng buộc khác về nghĩa vụ làm vợ, làm chồng.

Mấy tháng trước, chị Thúy - bạn của vợ chồng tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Từ nhiều năm nay, chị ngăn phòng cho mẹ con cô Y thuê trọ, dần dà sự thân thiết ngày càng gắn bó, không còn khoảng cách chủ và người thuê nhà. Điều chị bất ngờ đến phát bệnh khi hay biết cậu con trai đem lòng yêu cô Y. Sau nhiều lần “tiếp cận”, gợi hỏi tâm tình, cậu cho tôi biết lý do: mỗi ngày nhìn thấy người phụ nữ đảm đang ấy chăm sóc, dạy con học, nhà cửa ngăn nắp sạch sẽ, nói cười luôn hòa nhã nên cậu rất có cảm tình. Cậu nghĩ đơn giản nếu chung sống với cô Y, cuộc đời mình rất hạnh phúc.

Tuy nhiên, cô Y không thể chấp nhận vì chồng ở quê còn sờ sờ ra đó, chỉ xem cậu như đứa em. Trước tình huống này, chị Thúy kịch liệt phản đối và đành cắt ngang hợp đồng cho thuê nhà. Tưởng vậy là xong, không ngờ cậu con trai vẫn tìm cách lui tới nhà trọ mới của cô Y.

Nhiều cô/cậu mới lớn đã bộc bạch rằng, chính là sự lịch lãm, từng trải, biết lo toan thu vén, đỉnh đạc của người đã có gia đình là một trong những yếu tố hấp dẫn khiến họ mê như điếu đổ. Mà sự lịch lãm ấy, họ khó có thể tìm thấy ở những người bạn khác giới cùng trang lứa.

Với bạn cùng trang lứa, mỗi lúc bát phố chỉ lui tới những nơi quen thuộc như bao người khác, nhưng với người đã có gia đình lại khác. Có thể họ được đưa đến những nơi sang trọng hơn mà trước đó chưa hề lui tới, thậm chí quà tặng ngày sinh nhật, ngày lễ cũng giá trị hơn nhiều. Rồi ngay cả kiểu cách đi đứng, ăn mặc cũng “trên cơ” hơn hẳn. Và điều quan trọng nữa còn do khả năng thấu hiểu tâm lý và ứng xử theo kiểu đàn anh/ đàn chị nên khiến nhiều cô/cậu mê tít thò lò.

Tuy nhiên, họ họ quên rằng, người đó không còn “đơn thân độc mã” như mình. Phía sau sự thành đạt, lịch lãm ấy còn cả một gánh nặng gia đình. Vậy nếu trải lòng cùng ngày tháng thanh xuân để đeo đuổi theo hình bóng ấy, liệu có nên không? Tất nhiên, ai cũng thừa biết rằng không nên chút nào. Chỉ mất thời gian vô ích. Đó là chưa kể dư luận lại không ủng hộ, đánh giá không hay ho, đại loại như “phá hoại gia cang người khác”.

Thử hỏi với người đàn ông dù ngón tay áp út đã đeo nhẫn cưới nhưng nếu có cô gái trẻ măng, phơi phới xuân tình tỏ lòng yêu mến, họ sẽ ứng xử ra làm sao? Có người tìm cách thoái lui; có người tặc lưỡi “mất gì của bọ” mà từ chối?

Đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến Kim, anh Ngộ vẫn còn ray rứt lương tâm, cảm thấy mình thuộc loại chẳng ra làm sao. Do công việc P.R cho sản phẩm mới của công ty nọ nên anh có điều kiện đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Rồi “tiếng sét ái tình” sẹt ngang tai khi Kim - nữ sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm đắm đuối yêu anh, tất nhiên anh cũng rung động. Dù “lật bài ngửa” đã con vợ con nhưng Kim lại gật đầu ưng thuận, nửa đùa nửa thật: “Thời gian nào rảnh rỗi thì anh đến với em, còn lại anh cứ lo cho gia đình. Em chỉ là “người tình trăm năm”, không gây phiền toái gì cho anh”. Nghe cũng lọt lỗ tai, Ngộ nhín ít tiền lương thuê phòng trọ cho cô, có như thế mới kín đáo lui tới.

Chuyện tình mờ ám này nói không bị ai phát giác. Thế nhưng hiện nay, điều khiến Ngộ đau lòng nhất là dù đã sắp bước sang tuổi ba mươi, nhưng Kim vẫn không đến với ai. Anh giục Kim nên lập gia đình vì không thể kéo dài mãi, mọi việc chẳng đi tới đâu, hơn nữa tuổi tác cũng đã “chồn chân mỏi gối” nên sự ham hố cũng không còn như trước. Mười lần như chục, cô đều bảo: “Cưới ai hả anh? Em chẳng thấy ai hơn anh cả”! Nghe điếng cả người. Ngộ thở dài: “Ngày nào cô ấy đi cưới chồng, tớ sẽ ăn mừng thật to”!

Trên đời không thiếu gì người tài giỏi, lịch lãm từng trải, có kinh nghiệm sống rất hấp dẫn nhưng nếu “ván đã đóng thuyền”, tất nhiên ta không thể còn có cơ hội. Biết như thế, tâm niệm như vậy để thoái lui, tìm “mối” khác, đó mới chính là bản lĩnh cần thiết của một người đã trưởng thành.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 3.8.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com