THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Cứ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền

LÊ MINH QUỐC: Cứ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền

 

CU-DIEUNGOA-NHUNG-GIA-BO-NGOAN-HIEN

Ấy, cái tựa này không phải do tôi nghĩ ra. Của chàng thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên. Không ít gã đàn ông bặm trợn, từng phát ngôn hầm hố, đi đứng nghênh ngang, xem trời bằng vung, thậm chí dám “bán trời không mời thiên lôi” nhưng rồi có lúc phải thốt lên: “Cứ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền”. Làm ơn ngoan hiền một chút, ngây thơ một chút, dù một chút thôi. Để còn thấy đời vui. Để còn thấy đời mình không đến nỗi: “Tình mình bây giờ như mưa trên sông/ Mưa đầu sông, mưa cuối sông”. Đầu sông, cuối sông, chỗ nào cũng mưa ráo trọi, biết trú vào đâu?

Tâm trạng của nhiều người đàn ông rất lạ lùng. Nó nhiều sắc màu. Lúc thế này, khi thế kia. Thời mới lớn, mới vừa dứt sữa mẹ đã có âm mưu được trăng hoa, cuống quýt với người tình già dặn tình trường - đặng học hỏi thêm chút ít kinh nghiệm; nhưng khi đã chồn chân mỏi gối, lại thích du dương nhẹ nhàng với tâm thế “già chơi trống bỏi”.

Mà tôi nói thật nhá, dù họ có thích thú, có mơ tưởng gì gì đi nữa thì trong bất kỳ độ tuổi nào, điều bất biến trong tâm trí của họ bao giờ cũng muốn “đối tác” phải biết “giả nai” chút tẹo, ngây thơ chút đỉnh.

Không còn gì chán ngán hơn, khi chưa kịp tỏ ra thái độ thể hiện bản lĩnh đàn ông, nàng đã “đi guốc trong bụng”. Đã biết tỏng chàng đang muốn gì. Do đó, nàng liền chủ động hòa nhịp một cách điệu nghệ, sành sõi. Không hề đỏ mặt, lúng túng, ngúng nga ngúng nguẫy kiểu như “em còn bé lắm chứ anh ơi”. Thế có cụt hứng không? Tất nhiên là có. Bởi họ không còn có cơ hội làm “người hùng”, ít ra trong lúc đang dồn dập cảm hứng.

Tâm lý của đàn ông, trong chuyện XXX, bao giờ họ cũng muốn chứng tỏ, chính mình phải là kẻ độc đáo nhất, tuyệt vời nhất dù là kẻ đi sau, đến sau cả hàng chục năm trời. Không hề gì, nhưng một khi đã thuộc về họ, dứt khoát họ phải đánh bạt, đánh bay biến hương vị, cảm xúc trước đó mà nàng đã có, đã tận hưởng. Những trường hợp này, cô nàng cứ việc ngây thơ, cứ ngoan hiền thì nào đã chết ai? Đã “mất gì của bọ”?  Đúng không nào?

Tất nhiên là đúng. Đúng ở chỗ, từ thuở khai thiên lập địa đến nay, từ thuở mới lọt lòng, tự người đàn ông đã hình thành bản chất phải luôn “trên cơ” người khác giới. Dù có xấu trai, kiếm ra tiền thuộc hạng bét, học thức không dáng xách dép cho vợ/ người tình, nhưng rồi, họ luôn ưỡn ngực chính mình mới là người quyết định mọi chuyện. Đi ra đường, có là cô này bà nọ, tiền hô hậu ủng, lên ngựa xuống xe, tả phù hữu bật đi chăng nữa, khi về nhà ắt nàng phải “dưới cơ”. Nhiều người phụ nữ cực kỳ thông minh, sắc sảo và họ thừa biết nhu cầu, tham vọng đó của chồng nên đã có những phép ứng xử rất tuyệt.

Tôi có chị bạn, cô ấy là chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty đa quốc gia. Đảm đương vị trí ấy, chắc chắn trình độ không xoàng. Thế nhưng khi bước chân vào nhà, cô cứ “hồn nhiên như tiên”, cứ như đứa trẻ mới lớn luôn cần được sự quan tâm, hướng dẫn của “bậc phụ huynh” có tên gọi mỹ miều là chồng. Thừa biết, có những vấn đề không thuộc chuyên môn, ngoài khả năng am hiểu nhưng rồi chị vẫn một hai “xin ý kiến” của chồng. Sau khi nghe, dù chẳng đâu vào đâu nhưng cô vẫn khen nhưng không quên thòng thêm một câu như khuyến khích, như khích lệ: “Em cũng nghĩ như anh. Nhưng, anh nghĩ sâu hơn một chút nữa giúp em”.

Sự ngây thơ, giả nai ấy dù không thật nhưng nó chính là phép ứng xử khôn khoan để người chồng thấy rằng, dù gì đi nữa mình không đến nổi “vô dụng” trong mắt vợ. Hãy tưởng tượng, cái gì, chuyện gì trong và ngoài xã hội mà vợ/ người tình đều có thể giải quyết, không cần đến mình, vậy hóa ra mình chỉ là thứ bù nhìn không hơn không kém?

Dù không phải chuyên gia tâm lý, nhưng tôi dám quả quyết rằng: Một khi Eva thốt lên “Anh ơi, anh à” thì cụm đó luôn là tiếng kêu ngọt ngào, mơn trớn khiến người đàn ông dễ mềm lòng nhất. Lúc ấy, họ cảm thấy tâm hồn chùng xuống đến độ… quay cuồng với câu hỏi: “Ơ hay, sao nàng bé bỏng, thiên thần đến thế nhỉ?”. Câu hỏi ấy, tôi tin chắc rằng đi tìm câu trả lời không dễ dàng đâu. Chẳng hạn, đã với nhau có những ba mặt con nhưng lần nọ, mua về cái váy trắng tinh, nàng diện vào, đứng trước gương nhìn trước, ngó sau rồi chớp chớp mắt, hỏi khẽ: “Này, anh xem có hợp với em không? Chắc em trẻ hơn chừng hai mươi cái xuân xanh anh nhỉ?”. Nghe câu hỏi dịu dàng, ngây thơ như đứa trẻ lên mười lần đầu tiên trong đời có được cái váy đẹp, thử hỏi người chồng/ người tình nào không cảm động, không dạt dào một niềm yêu mến?

Tôi hoàn toàn phản đối quan niệm cho rằng, một khi nữ giới nếu không còn tính cách ngây thơ được nữa thì đừng “cưa sừng làm nghé”. Đừng làm bộ ngây thơ. Trông xốn mắt lắm. Nói như thế trật lấc. Bản chất đàn ông bao giờ cũng muốn trở thành “dũng sĩ” bảo bọc, che chở, bảo ban cho “người của mình”.

Thì đây, có những chiều chủ nhật, tôi thèm ngủ thêm một chút nữa cho bõ cả tuần hùng hục như con bò kéo xe nhưng rồi, chỉ một cử chỉ, một câu nói của nàng đã khiến tôi bật người thức dậy ngay. Nàng đã nằm bên cạnh vùi đầu vào ngực thì thầm, nũng nịu: “Anh ơi! Bạn em mới vừa khoe được chồng dẫn đi ăn buffet ở nhà hàng X. Có phải vào đó mình ăn no cành hông rồi được đem về nhà nữa, phải không anh?”. Tôi suýt phát cười vì câu hỏi tầm thường đó, bèn trợn tròn con mắt: “Có thật em chưa hề đi ăn buffet à?”. Nhìn cái lắc đầu nhẹ nhàng, thoang thoảng mùi hương gợi tình đã khiến tôi thương cảm.

Sự thương cảm này rất độ lượng bởi biết tỏng người của mình "giả nai" một cách rất trẻ con, nhưng rồi người đàn ông nào cũng lấy làm hả hê sung sướng. Tâm hồn phơn phớn reo vui. Ít ra mình vẫn còn được nàng nũng nịu "xỏ mũi" rất nhẹ nhàng. Thế đấy, dù đã biết, biết rất nhiều thứ khác nữa, nhưng người phụ nữ vẫn cứ giả vờ ngây thơ, ngu ngơ như không biết gì. Nhiều người đàn ông cứ “ăn dưa bỡ” mãi vẫn thấy ngon lành. Mà thôi, cũng chẳng sao cả. Miễn cả hai cùng vui, thì có “chết thằng Tây” nào?

L.M.Q
(nguồn: PN TP.HCM 22.6.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com