THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Không phải ai cũng biết nhìn…

LÊ MINH QUỐC: Không phải ai cũng biết nhìn…

 

kgphaiai-cung-biet-nhin-R

 

Trong một ngày, ai lại không một lần đứng trước gương soi? Ít ra để ngắm nghía lại dung nhan, bất chợt có người nhủ thầm lo lắng: “Chà, sao đôi mắt quầng thâm vậy nè?”. Nhìn sắc thái đột biến ấy, các bác sĩ cũng có thể đoán biết tình trạng sức khỏe người bệnh.

Không quá cực đoan khi cho rằng, kiệt tác Mona Lisa của Léona Da Vinci trở nên “bất tử”, chính là đôi mắt của nhân vật trong tranh. Khi nhìn ngắm, chiêm ngưỡng tùy theo tâm trạng mỗi lúc, ta lại có những cảm giác khác nhau. Rồi băn khoăn tự hỏi: “Không rõ nàng đang vui hay buồn?”. Ánh mắt ấy đã ẩn chứa thông điệp gì mà ngàn đời sau nhân loại vẫn chưa thể “giải mã”?

Còn nhớ loáng thoáng, trong văn hóa Trung Hoa có điển tích “Vẽ rồng điểm nhãn”, đại khái, ngày xưa có một danh họa thuộc hạng cao thủ võ lâm, không ai có thể sánh kịp. Ngày nọ ngao du sơn thủy, chiêm bái chùa chiền, ông ta thấy có bốn tượng rồng rất đẹp nhưng chưa vẽ mắt. Thiên hạ nài nỉ ông “điểm nhãn” cho rồng thêm sinh động.  Ông ta cười khà khà như thật như đùa: “Nếu chấm vẽ mắt rồng ắt nó sẽ bay đi”. Ai nấy cười ồ lên. Làm sao có thể tin? Người ta cố nài cho bằng được. Ông đành chiều theo. Ngay sau khi vừa chấm vẽ mắt, lập tức sấm sét đùng đùng nổi lên phá vỡ bức tường, 2 con rồng cỡi mây bay lên trời, còn 2 con chưa vẽ mắt vẫn ở chỗ cũ. Câu chuyện không có thật nhưng ta ngầm hiểu sức sống của mọi vật chính là ở đôi mắt.

Ngày nọ, tôi có theo Đoàn từ thiện do ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM tổ chức ở Quảng Nam. Tôi hỏi một bà mẹ có cảm tưởng gì sau khi được Đoàn chữa sáng mắt? Bà mẹ thủ thỉ: “Đêm hôm đó mẹ hạnh phúc tột cùng và sung sướng đến độ không dám nhắm mắt ngủ”. Sở dĩ như thế bởi mẹ sợ biết đâu lại lâm vào cảnh mù lòa như trước. Rõ ràng, với mỗi người, giá trị của đôi mắt lớn lao biết dường nào.

Tôi dám chắc rằng, trong các loại hình nghệ thuật, có lẽ đôi mắt xuất hiện với tần số cao nhất. Nhà thơ Xuân Diệu - “ông vua thơ tình Việt Nam” có đặt nhan đề tập thơ Tôi giàu đôi mắt: “Giàu đôi con mắt, đôi tay / Tay siêng làm lụng, mắt hay kiếm tìm”. Câu thơ nhẹ nhàng đã khái quát được suy nghĩ của người biết sống, biết làm những việc có ích cho đời. Không phải ngẫu nhiên, ngoài vai trò cần thiết của tứ chi, nhiều người đồng tình “trăm phần trăm nhất trí”: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”.

Dù muốn dù không thì mỗi ngày chúng ta đều ra khỏi nhà, phải lao vào dòng đời kiếm sống. Nếu trên đường đi gặp những người xa lạ, không quen biết nhau nhưng ánh mắt nhìn nhau vẫn như cười cũng đã là một niềm vui. Vui bởi biết tâm hồn họ cũng có sự đồng điệu như mình. Sự đồng điệu chua cần thốt ra bằng lời nói mà từ mắt nhìn, ta đã có câu trả lời.

Khi bước vào một đám tang nhìn nhang khói trầm mặc, nghe tiếng khóc xót thương thì không ai nhìn tang chủ bằng đôi mắt như lúc vào quán nhậu. Có đôi lúc tâm hồn buồn bã vì nguyên cớ gì đó, nhưng chỉ một ánh mắt nhìn trìu mến lại xoa diệu vết thương lòng hơn bất kỳ lời an ủi nào.

Làm sao có thể tin một người đang thề thốt, đang tuôn ra những lời mật ngọt nhưng đôi mắt lại nhìn về nơi khác? Một tiếng cười giòn giã thân thiện vang lên nhưng ánh mắt lạnh tanh như băng giá, làm sao có thể tin? Không là chuyên gia tâm lý, ai ai cũng thừa biết rằng, có thể đánh lừa người khác qua trang phục bề ngoài, qua ngôn từ của cái lưỡi nhưng rồi đôi mắt lại tố cáo tất cả.

Được sở hữu đôi mắt, ai cũng “bình đẳng” nhìn thế giới chung quanh. Bông hoa ấy rực rỡ, ánh sáng ấy diệu kỳ, đường bay của cánh chim thanh thoát, vòng eo thon tuyệt vời của hoa hậu v.v... dù một tỷ phú hoặc một tay nghèo kiết xác nếu có điều kiện, con mắt họ cũng ngắm nhìn như nhau. Như thế, tưởng rằng có thể rút ra kết luận “chắc như bắp rang”: “Ai có mắt thì nhìn”? Đúng, nhưng chưa đủ. Than ôi, không phải ai cũng biết nhìn. Éo le là chỗ đó.

Mới đây thôi, trong quán nhậu nọ, lúc “dzô dzô” hào hứng, nhìn bâng quơ sang bàn bên cạnh. Chợt thấy có người đang chăm chú nhìn mình, tự dưng nghĩ bị “nhìn đểu”, thế là tự ái dồn dập nổi lên. Do hiểu nhầm nhau chỉ từ cái nhìn, con người ta có thể choảng nhau dễ dàng như bỡn.

Trên đường đi tấp nập xe cộ, có những lúc va chạm, cọ quẹt nhau là sự thường tình. Tuy nhiên nếu người này nhận lại ánh mắt dịu dàng, hối lỗi của người kia thì sự bực bội, to tiếng sẽ được đè nén kịp thời. Ngược lại, dù mình có đi đứng đúng luật đi nữa nhưng lăm lăm “đôi mắt hình viên đạn” thì nguy cơ lớn chuyện.

Sống trong thời buổi này, dù nhịp sống vội vã, ồn ào nhưng có người lại thích nuôi thú cưng. Tôi hỏi chị bạn tôi tại cớ làm sao, vì phải mất không ít thời gian chăm sóc? Chị bảo: “Mỗi ngày đi làm với biết bao mệt nhọc, tôi thèm lúc quay về nhà được gặp ánh mắt thân thiện, cảm thông thể hiện sự yêu thương hoàn toàn vô tư.  Nhiều người lập gia đình, có thể nhìn từ mắt của chồng con, còn tôi độc thân thì nhìn vào đâu?”. Nghe câu trả lời mà cảm động quá.

Không là một thi sĩ với nhiều mơ mộng “để tâm hồn treo ngược ở cành cây” nhưng tôi dám chắc rằng, có ánh mắt nhìn nhau lại dẫn vào ngỏ cụt của sự giận dữ, thù oán; có ánh mắt nhìn lại mở ra một chân trời mới ngay trong tâm hồn mỗi người.

Có điều cần tự nhắc nhở: Trong quan hệ cộng đồng, mỗi chúng ta có tự ý thức trao nhau cái nhìn thân thiện hay không?


L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 394 ngày 21.3.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com