THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Lời nói như... hoa hồng

LÊ MINH QUỐC: Lời nói như... hoa hồng

 

LOINOINHUHOAHONG

 


Ai cũng thừa biết rằng, một trong những điều tệ hại của cuộc sống là đôi lúc... mất ngủ. Những lúc ấy, ta phải làm gì? Trằn trọc mãi, cố nhằm mắt nhưng rồi vẫn tỉnh như sáo. Khó có thể dỗ giấc ngủ. Chi bằng, hãy nằm yên và nghĩ đến vợ/ người tình một chút. Có lẽ, cảm giác ấy sẽ khiến ta thấy đêm không còn dài và bóng tối đôi khi đem lại sự tĩnh tâm. Tĩnh tâm đặng có thể nhớ lại những ngày tháng êm đềm đã trôi qua. Nghĩ cũng lạ cho tâm lý tự nhiên của con người ta: Một khi những gì đã “thuộc về mình”, ít ai còn dành thời gian quan tâm đến nữa.

Nhớ lại đi, có phải đã lâu lắm rồi có nhiều lời nói nồng nàn của thuở “em tan trường về, đường mưa nho nhỏ” đã trốn biệt? Ngày ấy, lúc còn đang tán tỉnh, còn “trồng cây si” trước nhà nàng, còn hồi hộp chờ đợi những dòng tin nhắn, cuộc điện thoại thì cảm giác ấy thế nào? Dù thế nào, chắc chắn những tín hiệu dành cho nhau bao giờ cũng du dương từ ngữ, bay bổng ngôn từ. Rồi cảm giác lần đầu tiên môi chạm vào môi, có lẽ ai cũng xao xuyến, bồi hồi: “Lần đầu ta ghé môi hôn/ Bỗng con ve nhỏ hết hồn kêu vang/ Vườn xanh cỏ biếc chưa tàn/ Vòm cây phượng vỹ huy hoàng trổ bông” (T.D.T). Dù không là thi sĩ, có lẽ giây phút nhiệm mầu ấy ai ai cũng có thể hào hứng buột miệng ra thơ!

Nếu thực hiện một cuộc thống kê nghiêm túc, chắc chắn sẽ có kết quả: Tần số xuất hiện lời ăn tiếng nói âu yếm nhất, ngọt ngào nhất của người đàn ông vẫn trong khoảng thời gian đang tìm mọi cách chinh phục trái tim của nàng. Trời, lúc ấy, dù không cố gắng nhớ, không cần lật từ điển, vậy mà bao nhiêu mỹ từ cứ tuôn ra dạt dào. Với phụ nữ, họ yêu bằng tai. Nghe những lời tỏ tình như mật rót vào tai, họ… ngất trên cành quất cũng tất nhiên thôi! Rồi cả hai đám cưới. Nằm chung một giường, ăn chung một mâm. Chia sẻ buồn vui như hình với bóng.

Lạ thay, khi đã thuộc về nhau, những lời ăn tiếng nói nồng nàn như lửa bén, mượt mà nắng mới thêu bỗng trốn biệt đi đâu mất. Những “cưng yêu”, “em à” đã thay bằng một từ gọn lỏn “cô”, “bà”, thậm chí còn tệ hơn như nhiều lúc gọi “trổng không” lạnh lùng.

Ngay sau đám cưới của chị, ai cũng mừng bởi chồng có địa vị, nhà cao cửa rộng, thu nhập rủng rĩnh mà chị không phải tất bật với cơm áo gạo tiền. Ấy thế, có lúc chị vẫn buồn. Không buồn sao được lúc cả hai ngồi ăn chung nhưng anh chồng không buồn há mồm nói một câu cho ra hồn. Nếu nói, chỉ là những câu không một sắc thái tình cảm: “Xong chưa? Tính tiền nha?”. Hoặc trên giường ngủ cũng mệnh lệnh: “Khuya rồi, ngủ thôi”. Bằng không, chỉ câm như thóc. Nhiều phụ nữ cảm thấy bực bội cho những ông chồng quá kiệm lời. Khi đấu láo với bạn bè thì nói như khướu; nhưng về đến nhà lại miệng ngậm tăm, câm như hến.

Nhiều đấng mày râu cứ nghĩ, không bồ bịch lăng nhăng, hàng tháng “nộp” tiền lương cho vợ không thiếu một xu đã là người chồng gương mẫu. Điều này có thể đúng nhưng chưa đủ. Ngày sinh nhật, cô em gái tôi chẳng hề vui vẻ dù nhận được quà của chồng. Cô bảo: “Anh ấy tặng mà cứ như thực hiện cho xong “của nợ”. Lúc đưa quà, anh chỉ nói đúng hai từ: “Quà nè!” rồi lảng qua chuyện khác. Chẳng bù ngày xưa, dù chỉ nhận một cánh hồng nhưng lời nói của anh say đắm biết chừng nào”. Người ta thường bảo: “Của cho không bằng cách cho” là vậy. Cho với thái độ “xí bòn bon” kiểu đó thì người nhận chẳng mảy may xúc động gì cũng phải thôi.

Sau khi “lên xe hoa”, đa phần với đàn ông cho rằng đã kết thúc một hành trình lao tâm khổ tứ, tán tỉnh, đeo đuổi. Người đó đã thuộc về mình rồi, chẳng sợ ai “hớt tay” trên nữa. “Lo chi việc ấy mà lo/ Kiến trong miệng chén có bò đi đâu”? Chính suy nghĩ hạn hẹp này, họ đã quên đi sự tinh tế cần thiết dành cho người bạn đời. Người phụ nữ nào cũng cần lời nói ngọt, sự ân cần hỏi han của chồng / người tình. Họ cần những câu nói có sắc thái tình cảm lứa đôi, chứ không phải lúc nào cũng chỉ cần chồng… đưa tiền cất vào tủ. Có thể do sự bận rộn, mệt nhoài với công việc hằng ngày nên nhiều người đàn ông quan niệm một khi chu toàn đời sống gia đình là xong trách nhiệm. Không đâu. Hạnh phúc gia đình đôi khi lại bắt đầu từ những chuyện vặt vãnh, chỉ một tin nhắn, một lời nói thật lòng cũng khiến cho chồng/ vợ vui  (hoặc buồn) suốt một ngày, dài ngày...

Đã có những gia đình sung túc, không lo toan nhiều về vật chất nhưng rồi họ vẫn cảm thấy hạnh phúc là cái gì đó quá xa vời bởi không tìm được tiếng nói chung. Ngược lại, dù nghèo nhưng có những đôi uyên ương lúc nào cũng ríu rít, tíu tít như vành khuyên vì họ biết trao cho nhau lời hay tiếng đẹp. Làm vui lòng người bạn đời cũng là lúc đem lại niềm sảng khoái cho chính mình. Một trong những điều đơn giản ấy, chẳng tốn tiền mua mà chỉ cần mỗi ngày tặng cho nhau những cánh hồng bằng lời nói. Lời nói ấy đã là quà tặng của cuộc sống mà ai cũng có. Tại sao chúng ta lại hà tiện không sử dụng, chia sẻ với người thân yêu của mình?

 

L.M.Q

(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần 18.10.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com