THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Những “ca” khó gỡ

LÊ MINH QUỐC: Những “ca” khó gỡ

 

Trong tình yêu hôn nhân, có những “ca” cực kỳ khó giải quyết, tưởng giải quyết dễ như ăn ốc nhưng cũng rối rắm lắm chuyện.

nhungcakho-go

 

Ngày nọ, đôi bạn trẻ thưa chuyện với phụ huynh là muốn được “chung thân” chia ngọt xẻ bùi. Tất nhiên, họ được sự ủng hộ hết mình của hai họ. Thế nhưng khi bàn chuyện in thiệp cưới mới nhức cả đầu.

Về phía đàng gái, cô X là con đầu; phía đàng trai, anh Y - con út, trên còn có 3 chị gái khác nữa. Vậy khi ghi trên thiệp cưới thế nào? Bên đàng trai ghi: “Trưởng nam Y” kết duyên cùng “trưởng nữ X”. Nhà gái không đồng tình: “Vậy 3 chị gái của chú rể Y bỏ đi đâu?”. Chuyện tưởng đơn giản nhưng do quan niệm khác nhau nên phụ huynh đôi bên “tranh luận” lằng nhằng mãi, khiến đôi trẻ sốt cả ruột, chẳng dám ý kiến ý cò. May quá, “cuộc chiến” chữ nghĩa ấy, cuối cùng họ thống nhất “gút lại” với cách gọi “Quý nam”, “Quý nữ” trên thiệp cưới.

Lại có chuyện, bố mẹ chú rể đã “đường ai nấy đi” và ai cũng đã có người mới. Khi làm đám cưới cho con, ai chủ hôn? Ông bố đẻ của cháu hay người chồng mới của mẹ? Đàng gái yêu cầu phải là ông bố đẻ mới phải đạo. Thế nhưng sự “phải đạo” ấy lại bất khả thi bởi “người mới” không cho phép! Vậy ông chồng mới xuất hiện có được không? “Con gái tôi về làm dâu nhà họ Trần nhưng chủ hôn lại họ Lê thì quan khách nghĩ thế nào?” - câu hỏi của nhà gái không phải là vô lý!

Rõ ràng có những bậc làm cha mẹ cứ nghĩ chúng nó yêu là yêu… cho mình nên can thiệp “líp ba ga” nên không khéo đôi trẻ phải chia tay một cách lãng xẹt! Mà nghĩ cho cùng, yêu nhau, cưới nhau là chuyện do chính đôi đôi trẻ quyết định, “người lớn” chỉ đóng vai trò chứng kiến, chấp thuận, thông báo trước họ hàng nội ngoại đôi bên. Do đó ngày kia, đám cưới cháu nội nhà văn Phạm Tường Hạnh, bố chú rể tuyên bố một câu mà cả khán phòng vỗ tay tán tưởng vang trời: “Được sự đồng ý của hai con, hôm nay hai họ gia đình chúng tôi tổ chức…”. Đúng quá, nếu chúng không đồng ý thì làm gì có ngày trọng đại này?

Yêu nhau là câu chuyện riêng tư, nhưng trong mối quan hệ chung với các thành viên trong gia đình lắm lúc đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Anh bạn tôi, sau vài ba lần gãy đổ bèn tự “làm sang” cho mình bằng cách cưới cô nàng nhỏ tuổi hơn con gái mình. Cô ấy chẳng ai khác, chính là con gái của em trai kết nghĩa. Lâu nay, đã quen xưng hô “mày tao chi tớ” bằng vai phải lứa nhưng từ đây, lúc há mồm ra phải gọi bằng gì? Thôi thì, cứ gọi bằng “bố” cho phải đạo chứ “mất gì của bọ”? Đúng quá. Khổ nổi, vợ anh lâu nay vẫn quen gọi bạn của bố là “cô, chú” ngọt xớt thì nay “đổi giọng” ra làm sao? Phiền toái nhất vẫn là lúc bù khú có bạn bè của con rể, nhưng lúc “quắc cần câu” ông bố vợ bèn thân mật vỗ vai con rể mà oang oang: “Bố mệt nên “rút” trước đây! Mấy con cứ ngồi chơi vui vẻ”. Chuyện gì xẩy ra? “Ơ hay! “Thằng chả” là bố vợ cậu chứ có “quan hệ” với tớ? Xưng hô gì kỳ quặc vậy trời”?

Lại thêm những tình huống, anh A cưới cô B nhưng lại lớn tuổi hơn mẹ của B. Ở nhà, gọi gì gì thì tùy. Chỗ đông người, phải gọi mẹ vợ bằng “mẹ” thì cái lưỡi của anh cứ như đeo đá; ngay cả bà mẹ vợ cũng cảm thấy ngọng nghịu lúc xưng hô với con rể. Cuối cùng họ ngầm quy ước, lúc cần thiết thì chàng rể gọi “má của B”; ngược lại, mẹ vợ khi cần trao đổi gì với con rể cũng nói “chồng của B”. Những chuyện ấy còn đơn giản, chứ “ca” này mới rối bòng bong:

Trong khu phố tôi, có đôi bạn gái nhà sát vách, cực kỳ thân thiết như chị em ruột. Ngày đẹp trời nọ, chẳng hiểu có phải bị cú “tiếng sét ái tình” hay không, cô này ngang nhiên “góp gạo thổi cơm chung” cùng… bố của cô kia. Từ đó, tình bạn sứt mẻ trầm trọng bởi khó có thể thay đổi cách xưng hô. Chi bằng, họ chủ động lánh mặt nhau như cả hai chưa hề quen biết. Rồi mọi chuyện rồi cũng đâu vào đó, bởi nghĩ cho cùng có người bầu bạn, chăm sóc bố mình lúc “tối lửa tắt đèn” cũng là tốt. Đành rằng, con cái thương bố nhưng chẳng lẽ buộc ông phải có nhiệm vụ “gà trống nuôi con” mãi sao? Mà cô và các anh chị em cũng đã có gia đình, thời gian đâu dành nhiều cho bố? Do có suy nghĩ tích cực ấy mọi việc cũng đâu vào đó.

Tưởng là thế, nhưng chừng mươi năm sau, lúc ông bố quy tiên mới sanh chuyện. Vấn đề quan trọng cần phải giải quyết rốt ráo, nhanh chóng là ai “chủ xị” trong lúc tang ma bối rối? Con ruột hay vợ mới của người đã khuất? Bên nào cũng đưa ra những cái lý vững vàng, dứt khoát như rựa chém đất: “Tôi là con trai cả, theo đạo lý làm người, tôi phải đứng mũi chịu sào”. Nghe thế, cô vợ mới nhẹ nhàng: “Thế những ngày ông bố của cậu ốm đau, nằm liệt một chỗ ai cơm bưng nước rót cho ông? Lúc ấy, con với cái của ông ở đâu không béng mảng tới phụ tôi một tay? Mở miệng ra nói thương bố, có hiếu với bố mà được ư?”. Chuyện rắc rối này ai có thể phán xử? Cuối cùng, họ phải nhờ cậy đến…tòa án bởi đàng sau câu chuyện tình đẹp như mơ ấy còn là tài sản để lại của người đã vân du tiên cảnh, cưỡi hạc quy tiên!

Cuộc sống thiên hình vạn trạng, những “sự cố” xẩy ra trong hôn nhân tình yêu thì thời đại nào cũng có. Dù cách giải quyết thế nào đi nữa, tùy theo quan niệm, suy nghĩ của mỗi cá nhân nhưng có lẽ lúc ấy, vấn đề căn bản vẫn là giữ thăng bằng cán cân “tình” và “lý”…

L.M.Q
(nguồn: TGPN 8.6.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com