THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tung chiêu “cấm vận”

LÊ MINH QUỐC: Tung chiêu “cấm vận”


Tại Hà Nội, trên phố nọ, có quán phở nọ, quanh năm suốt tháng, hầu như không ngày nào cũng đóng cửa. Bà chủ bảo: “Nếu quán đóng cửa vô tội vạ, tất nhiên ngày đó họ phải sang quán khác. Quán khác chưa chắc ngon bổ rẻ, chỗ ngồi thoáng mát hơn nhưng chỉ cần một yếu tố cỏn con nào đó cũng có thể họ quên luôn quán của mình”. Bí kíp kinh doanh là không tạo cơ hội cho khách hàng có cơ hội làm quen khẩu vị nơi khác. Từ chuyện này, có thể, “đá giò lái” qua chuyện vợ chồng chăng?

 

tungchieucamvan

 

Trước hết phải thừa nhận, “cấm vận” là một trong những độc chiêu mà quý bà quý cô thường sử dụng như một bửu bối thần kỳ nhằm răn đe, giáo dục ông chồng. Dù không nào nói ra, nhưng chắc chắc trong đời anh chàng nào cũng đã từng “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Có người hậm hực ngủ ngoài phòng khách; hoặc cau có ngã lưng dưới sàn nhà; hoặc tặc lưỡi chui tọt sang phòng ngủ chung với con… Sự bực bội này khó có thể chia sẻ với ai khác. Dại gì “vạch áo cho người xem lưng”? Khi bị “trừng phạt” các đấng mày râu thường âm thầm chịu đựng; hoặc nhỏ nhẹ xuống nước năn nỉ  vợ đến gẫy lưỡi…

Dù thế nào, chẳng người đàn ông nào muốn phải rơi vào tình huống éo le này.

Trong đời sống vợ chồng có vô số lý do khiến “thánh chỉ” sắt đá ấy được ban ra. Có thể, do chàng rượu chè bê tha rồi vác cái “hũ hèm” về nhà; có thể gặp lúc nàng muốn nhằm “điều đình” một chuyện gì đó mà chàng vẫn “cứng đầu”; có thể do cần “chấn chỉnh” sinh hoạt, hành vi của chàng mà nàng thấy “ngứa mắt”… Ban đầu, kết quả cực kỳ mỹ mãn. Lúc thấy, đối thủ đã “ngấm đòn”, nàng mới thỏ thẻ, thầm thì: “Anh ơi anh à, thế này thế này nhá?”. Mới trước đó, còn gân cổ cãi chí chóe nhưng nay chàng lại quay ngoắt 180 độ và gật đầu cái rụp.

Lúc đó, cho dù chưa thật sự “tâm phục khẩu phục” nhưng anh chồng vẫn dễ dãi chấp nhận. Nghĩ rằng, biện pháp này hiệu nghiệm nên có nhiều người lạm dụng và sử dụng hơi “mạnh tay”. Bỗng dưng ngày kia, cô nàng giật mình vì bỗng nhiên thấy chồng “lờn thuốc”. Mặc “cấm vận”, chồng vẫn cứ tỉnh bơ ngáy pho pho, chẳng hề bức rức, ngáp ngắn than dài, van xin như trước nữa. Tại sao? Do quán ăn này đóng cửa nên chàng đã ăn quán khác và thấy hợp khẩu vị hơn chăng? Không phải, dù vẫn khoái, vẫn mê tít thò lò “cơm nhà” nhưng nhiều đàn ông có bản lĩnh cương quyết không chịu giương cờ trắng đầu hàng. Kẻ trượng phu phải thế chứ! Ai đời, càng nhân nhượng, nàng càng lấn tới, thì chết.

Tâm lý đàn ông cũng dễ hiểu. Đại khái, thỉnh thoảng tung chiêu có chừng mực, hợp tình hợp lý thì họ còn sợ chứ lúc nào cũng sử dụng “độc chiêu” thì không khéo “già néo đứt dây”. Mà đã đến tình trạng đó, mọi việc sẽ trở nên “ép-phê” ngược. Anh bạn tôi kể, hễ mỗi lần giận chồng hoặc không gì ưng ý là cô vợ “cấm vận” suốt cả tuần, dù tha thiết cầu khẩn thế nào nàng vẫn trơ như đá vững như đồng. Tình trạng lặp đi lặp lại mãi, lần nọ anh bèn “tương kế tựu kế” bảo vợ, nếu không “xóa lệnh” thì sẽ xách gói qua nhà khác ngay. Tưởng chồng chỉ dọa, chứ làm gì có nhà ai chứa chấp mà đi với đứng trong đêm hôm khuya khoắt? Cùng lắm chỉ đi ra ngoài khách sạn ngủ một đêm chứ gì? Nghĩ thế, cô bèn thách: “Anh có giỏi thì cứ việc”. Nghe thế, anh chàng sung sướng mở cờ trong trong bụng và hát luôn bài ca “tẩu mã”. Anh đi luôn một lèo, mãi đến khi nàng làm ầm ĩ, năn nỉ anh mới khăn gói quay về. Từ đó, chiêu của nàng xem như delete trong bộ nhớ.

Công bằng mà nói, trong tình chồng nghĩa vợ bất kỳ biện pháp nào cũng chỉ nên diễn ra trong chừng mực và có kiểm soát. Mà nghĩ lại đi, sở dĩ người phụ nữ sử dụng biện pháp “cấm vận” cũng có lý của họ. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng, chỉ có cứng rắn đến thế mới có thể thắng lợi “đàm phán” một việc nào đó khi cả hai không đồng thuận. Sự việc trở nên tốt đẹp vì sau vào lần nàng tung chiêu, anh chồng trở nên ngoan hơn. Mỗi chiều không còn nhậu nhẹt la cà mà về sớm cơm nước gia đình để “lấy điểm”. Nhiều người đàn ông còn có chuyển biến tích cực khác như biết ăn mặc sạch sẽ, tôn trọng vợ, gương mẫu cho con cái hơn sau vài lần “nghiêm túc rút kinh nghiệm”. Trong trường hợp này, người phụ nữ khôn ngoan là đừng tiếc lời khen chồng, thậm chí còn “thưởng” nữa. Tâm lý đàn ông đôi lúc như… trẻ con, lúc được vợ khen vẫn nở mũi khoái chí như thường.

Nói đi cũng phải nói lại, tại sao lại xẩy ra chuyện éo le này? Thiết nghĩ người đàn ông khoan vội trách móc, hờn giận vợ mà nên vắt tay lên trán, tự tìm câu trả lời và chủ động tìm cách giải quyết. Không riêng gì chuyện nhạy cảm đó, đứng trước sự bất đồng nào thì các quý ông cũng phải thuộc lòng câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

 

L.M.Q
(nguồn: TGPN 31.3.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com