THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Thêm bát thêm đũa

LÊ MINH QUỐC: Thêm bát thêm đũa


Ngày từng ngày trôi qua nhẹ nhàng, trở về nhà là quay về tổ ấm. Vợ chồng con cái hàn huyên, cơm nước, tha hồ trò chuyện... Rồi tắt đèn đi ngủ. Ngày như mọi ngày. Mọi việc lại đâu vào đó. Từ thời khóa biểu đến sự phân công của các thành viên trong nhà cũng hợp lý ra phết. Ai việc gì ra việc đó, guồng máy gia đình vận hành tốt. Nói chung họ sống trong tâm thế cả nhà thương nhau “xa nhau thì nhớ, gặp nhau thì cười”. Vui vẻ quá. Đầm ấm quá.

 

them-bat-dua

 

Thế nhưng vào một ngày đẹp trời, anh chồng lựa lời nhỏ to với vợ, đại khái, đầu tuần sau nhà mình sẽ có thêm một người nữa. Ai vậy? Chà, con cháu trong nhà đấy thôi. Con gái của anh họ ở quê lên thành phố ôn thi đại học. Chà, nó “chân ướt chân ráo”, “lạ nước lạ cái” chi bằng cho nó tá túc nhà mình chừng vài tháng. Thoáng nghe qua, vợ ngần ngừng giây lát, tỏ ý đăm chiêu. Anh vội trấn an, có gì phải bận tâm đâu, chỉ thêm đũa bát thôi mà”. Trong trường hợp này khó có thể từ chối bởi chú/ bác nuôi cháu ăn học, hợp lý quá đi chứ? Mà nó ăn ở có nhiều nhặn gì, chỉ thêm bát đũa thôi, hơn nữa nó chỉ ở vài ba tháng mà tình ruột thịt lại gắn bó một đời. Ai lại so đo, tính toán? Vậy hóa ra người nhỏ nhặt à? Chuyện này anh em đã bàn rồi, nếu không như ý, nay mai về quê biết cất cái mặt vào đâu? Giây lát sau, cô vợ gật đầu.

Nhà này, sau mười giờ đêm là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ấy mà, cô cháu lại vượt qua giới hạn đó. Cho dù có lý do chính đáng vì việc học nhưng “nội quy” đã bị phá vỡ. Theo thói quen, giờ đó cả nhà đã ngon giấc, nửa khuya cô cháu mới về, gọi cửa ầm ĩ. Lại có lúc bạn bè kéo đến nhà chơi cứ tự nhiên như chốn không người. Đã thế, chỗ học nơi ngủ nghỉ dù có phòng riêng nhưng nó lại bừa bộn như cái kho. Cơm nước xong là nó tếch về phòng, mặc ai làm gì thì làm. Thôi thì, có “ăn đời ở kiếp” đâu mà lo. Nói nặng nói nhẹ, nó mách lại bố mẹ nó không khéo gây ra sự hiểu nhầm thì phiền lắm. Nghĩ vậy, chủ nhà bèn lấy câu châm ngôn “im lặng là vàng” cho qua ngày.

Nhìn chung, có người thứ ba ở cùng nhà, rồi cũng có những va chạm này nọ, dù nhỏ dù lớn nhưng cũng đều có thể tạo ra không khí kém vui. Đến ngày, cô cháu thi xong đại học, quay về quê, cô vợ mua luôn con gà đem về cho cả nhà… ăn mừng!

Tại sao?

Điều cốt lõi vẫn là nếp sinh hoạt của mỗi nhà không giống nhau. Dù người thân của cô, dì, chú, bác ruột nữa nhưng cũng phải “nhập gia tùy tục”. Trong nhà này, cô vợ cương quyết cấm tiệt chồng hút thuốc trước mắt con, vì không muốn tạo cho con quen với hình ảnh xấu. Vậy mà cậu con trai con ông bác lại ngang nhiên phì phèo sau mỗi cơm. Ai chịu nổi. Góp ý một câu, nó có hiểu hay cho là cô ghét cháu nên khó dễ?

Lại có thêm tình huống cũng khá phổ biến khác. “Chị ngã em nâng” là phải đạo, do đó, cô em vừa tốt nghiệp, chị thương tình gọi nó lên thành phố ở chung nhà, tiện việc tìm công ăn kiếm việc làm. Hợp lý quá đi chứ?  Thêm bát đũa thôi mà, có nhiều nhặn gì đâu. Thế nhưng dần dà mọi việc trở nên rối tinh rối mù, khi anh chồng léng phéng bởi “mía ngon đánh cả cụm”. Lòng tốt muốn giúp em chưa thấy, đã thấy bao nhiêu phiền toái rồi.

Nhiều người đã lường trước các chuyện lặt vặt này nên họ có cách giải quyết khác mà vẫn giữ được tình thân. Có lẽ cách nhất, dù chưa giàu có khá giả gì nhưng cách tốt nhất vẫn là nên thuê nhà con ở trọ, chứ không nhờ cậy nhà anh/ em hoặc chú/ bác trợ giúp cho cháu có tiền thuê nhà ở riêng mà vẫn tranh thủ lui tới. Lúc đó tình cảm gắn bó, quý mến nhau hơn mà biết đâu khi cháu xin phép về, cô chú/ bác lại nhét vào tay một ít tiền nữa.

Thật ra khi thêm một người vào trong nhà, chẳng phải chuyện bát đũa, mà chính là nếp sinh hoạt bình yên, quen thuộc trong nhà, từ đây, chắc chắn sẽ có những thay đổi. Mỗi nhà có mỗi quy định riêng, dù là con cháu đi nữa cũng phải chấp hành nghiêm túc. Khổ, cháu nó có hiểu cho không hay có gì không ưng ý lại mách lại với bố mẹ nó? Trong trường hợp “chẳng đặng đừng” có lẽ các phòng xa tốt nhất là phải vợ chồng phải làm “công tác tư tưởng” với nhau. Chưa hết, vợ/ chồng cũng phải “quán triệt đường lối” nếp ăn ở nhà mình cho cháu nữa. Chẳng thà “mất lòng trước được lòng sau”, còn hơn chỉ nghĩ đến tình nghĩa rối bấm bụng miễn cưỡng làm theo, đến lúc tình nghĩa sứt mẻ còn khó giải quyết hơn nhiều.

 

L.M.Q
(nguồn: TGPN 24.3.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com