THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC : Áo dài - Biểu tượng của VIỆT NAM

LÊ MINH QUỐC : Áo dài - Biểu tượng của VIỆT NAM

aodai-VN-LMQ


“Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi, một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay?”. Nếu chọn lấy câu thơ hay nhất viết về áo dài, tôi chọn lấy những câu thơ này, của Nguyên Sa. Bằng cái nhìn nồng nàn, tinh tế của một thi sĩ, ông đã thổi vào đó một tình cảm tha thiết mà ngay cả người ngoại quốc lần đầu tiên thấy áo dài, cũng kêu lên kinh ngạc. Nhà văn Võ Phiến có kể câu chuyện khi nữ sĩ Linh Bảo sang Hoa Kỳ, trí thức Mỹ đã chào bà một câu nghe thật ấm lòng: “Chời ơi! Áo dài!”. Một tiếng nói đặc giọng Sài Gòn nghe nơi đất khách, thử hỏi lòng ai không cảm động?

Tà áo dài đã từ bao đời nay đã “hớp hồn” viết bao tao nhân mặc khách. Mỗi người có một sự liên tưởng khác nhau và có cảm giác ai cũng “choáng ngợp” trước vẻ đẹp đơn sơ, trong trắng ấy.

Nói đầy đủ về lịch sử áo dài, phải là một công trình nghiên cứu công phu. Tôi dám quả quyết rằng, áo dài chính là sự cách tân từ kiểu áo dài năm thân truyền thống.

Ngày 11.2.1934, trên báo Phong Hóa có bài viết: “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”, tung ra kiểu “áo dài Le mur” của họa sĩ Cát Tường. À, lạ chưa?  Nhìn hình ảnh tư liệu, tôi nhận ra áo dài của thuở mới phôi thai là “cổ bánh bẻ”, “cổ viền” và phần tay áo là kiểu “đuôi tôm”, “quả tim”… Chắc chắn nhà văn Nhất Linh cũng góp phần không nhỏ tạo bởi các tranh minh họa do ông vẽ. Bấy giờ, tờ Phong Hóa rồi sau đó Ngày Nay do nhóm Tự lực văn đoàn chủ trương đang in số lượng in lớn nên áo dài “tân thời” được quảng bá rộng rãi.

Ngay từ khi ra đời, áo dài mặc nhiên đã trở thành trang phục đặc trưng của con cháu Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Nhìn vào đó, các chính khách năm châu bốn biển nhận ra ngay một vẻ đẹp nữ tính Á Đông. Bằng chứng, tại hội nghị Paris từ những năm 1968 - 1973, dù  tranh luận, tranh cãi đến bạc tóc nhưng bà Nguyễn Thị Bình vẫn nền nã, đằm thắm trong chiếc áo dài. Tại nước Mỹ, người Mỹ ngạc nhiên đến sững sờ khi nhìn thấy nữ diễn viên Jane Fonda mặc áo dài hát nhạc phản chiến, xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.

Sau này, suốt một thời gian dài, do đời sống khó khăn, như một lẽ tự nhiên, tà áo dài biến mất trong sinh hoạt đời thường. Nếu có ai cắc cớ hỏi, vậy áo dài “sống” lại tự lúc nào? Không riêng gì tôi, cả thẩy đều có một “đáp án” chung: Từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới. Sự trở lại này đã tạo một tiếng vang lớn trong dư luận thời ấy và đến nay vẫn còn âm vang.

Khi nhìn thấy người phụ nữ nền nã trong áo dài “Hai phần gió thổi, một phần mây”, trong tôi hiện lên hình ảnh của non sông gấm vóc Việt Nam nằm trên bờ biển Đông tạo dáng như chữ S. Dù luôn tự ý thức “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” nhưng nét hấp dẫn kín đáo vẫn thể hiện qua chiếc áo dài đầy nữ tính. Nét đẹp ấy đã trở thành biểu tượng của Việt Nam và mãi mãi trường tồn cùng Đất Nước.

 

L.M.Q
(nguồn: Báo PNCN 9.3.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com