THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Rét tự trong lòng

LÊ MINH QUỐC: Rét tự trong lòng



“Sài Gòn mùa xuân còn có lá vàng bay/ Có mùa thu nào đang ở lại…” . Vào những chiều cuối năm khi lá vàng nô giỡn trên mặt đường, gió rét lùa về trên tóc bỗng nhiên tôi lại có một niềm vui nho nhỏ: “Sắp Tết rồi”. Lạ chưa, khi ấy trong gió rét chập chờn vẫn còn sót lại những nắng vàng tơ lụa. Nắng mơn trớn. Vỗ về. Và  thiên hạ tung tăng xuống phố, khác mọi ngày là choàng trên vai chiếc áo ấm, dù mỏng. Mỏng, dày không quan trọng vì chỉ cốt để làm duyên. Nhờ vậy đường phố đa dạng hơn và trông như  có nhiều sắc màu chuyển động trên mặt đường của một thành phố công nghiệp.


hinhbia-gaideptrongtoiRRR

Ảnh: L.M.Q


Hầu như vào dịp cuối năm, năm nào cũng vậy tôi ngờ rằng tự trong thâm tâm của các các thiếu nữ má phấn môi son của vùng đất  phương Nam này lại có một ước mơ nho nhỏ. Mơ gì? Thưa, họ thầm mong thời tiết trái tính trái nết một chút, thất thường một chút, như năm nay đặng khoác thêm chiếc áo ấm. Những chiếc áo ấm được choàng hờ qua vai vì có mấy khi được chưng diện đâu. Sài Gòn quanh năm nắng ấm, nắng chói chang hễ có dịp để làm duyên thì ai không thích?

Thật lạ lùng, khi thời tiết Sài Gòn trở nên lãng đãng một chút gió, một chút một rét để tạo ra không gian phiêu bồng như trong thơ Đường thì y như rằng, đang có vùng đất nào đó phải gánh chịu một tiết trời khắc nghiệt. Ở ngoài Trung đã bão bùng mưa gió, Sài Gòn chỉ lơ phơ lất phất vài giọt mưa như giọt lệ nũng nịu của thiếu nữ mới chớm dậy thì. Ở Hà Nội rét đến độ “bà già chết cóng”, Sài Gòn có rét nhưng cũng “Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhau”.

Sống riết tại Sài Gòn, tôi đã nhận ra cái nghịch lý ấy. Đố mà cãi. Năm nào cũng thế.

Chiều nay, từ Hà nội, một người bạn gái thì thầm trong điện thoại: “Anh à, rét buốt xương, em đang thèm một chút nắng”. Tôi hỏi: “Sao không là môi hôn nồng nàn như lửa ấm?”. Nàng  khúc khích: “Rét xuống vài độ âm, chứ chẳng đùa đâu”. Tôi giật mình. Thì ra mấy hôm nay vẫn đọc báo, vẫn nghe đài, vẫn xem truyền hình,vẫn biết Hà Nội đang rét nhưng không ngờ khủng khiếp đến thế. Nàng bảo: “Rét như kim châm vào da thịt. Tê buốt. Môi tím tái. Học trò phải nghỉ học và không ít người nhập viện. Ra phố, em phải áo len, áo nỉ, áo ấm, găng tay… cứ như nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp đi trong vùng băng tuyết. Lại nghe đâu, nhiệt độ tại các vùng núi cao khác như Sa Pa (Lào Cai) cũng chỉ ở mức trên dưới 1 độ C. Anh thấy ghê chưa?”.

Trời đất ơi! Thế thì,với cái rét này tôi xin chào thua, không thể đem lấy những vần thơ của mình để sưởi ấm cho nàng.

Trước đây, khi đất nước còn ngăn cách, tôi đã đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Dưới ngoài  bút tài hoa, lịch lãm và thương nhớ Hà Nội, ông đã viết những câu văn ám ảnh đến nao lòng: “Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại; nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông Đào, nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt của bầu trời nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phúc, cam Bố Hạ, đào Sa Pa mà nhớ xuống”. Tôi không có đủ kỷ niệm để nhớ da diết, khốc liệt như Vũ Bẳng. Nhưng chiều nay, bỗng dưng tôi nghe như gió rét tự trong lòng mình thổi ra. Tê buốt. Lạnh cóng. Tại sao thế? Tại nơi ấy có một người bạn gái của tôi đang từng ngày lạnh.

Vâng ạ, Hà Nội mùa này đang rét. Làm sao có thể gửi cho nàng một chút nắng tự phương Nam? Khi nghe tôi nói thế, nàng cười: “Anh à, đã có lòng với nhau thì lòng em cũng đã ấm áp lên một chút”.

L.M.Q

(báo Tiền Phong - 2012)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com