THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: “ĂN” & “NÓI”? KHÔNG DỄ “ĂN NÓI” CHÚT NÀO

Lê Minh Quốc: “ĂN” & “NÓI”? KHÔNG DỄ “ĂN NÓI” CHÚT NÀO


1.


Rắc rối nhất trong từ ngữ tiếng Việt, tôi nghĩ đến từ “ăn”. Trong ngày có những từ, ta không sử dụng đến nhưng không thể thiếu từ “ăn”. Lại có những hoạt động trong ngày, ta không quên béng đi nhưng dứt khoát không thể quên ăn. “Có thực mới vực được đạo”. Từ “ăn” trong tiếng Việt trùng trùng điệp điệp ngữ nghĩa. Các nhà ngôn ngữ học vớ lấy từ ăn” thì tha hồ bình luận dẫn chứng. Thậm chí, lúc ấy họ còn bàn luận, tranh cãi nhau chí chóe để xác định chính xác nghĩa của nó.

Chẳng hạn, chuyện chung chạ vợ chồng, bồ bịch hú hí, chả ai dại gì bô bô hoạch toẹt ra rằng… Mà phải nói “ăn nằm” thì mới thanh lịch. Khi nàng tươi xinh mơn mởn vừa “cấn thai”, thích của chua một cách bất thường, gọi là “ăn dở”. Ai đã có vợ? Thời gian ấy, nàng còn ăn gì nữa không? Thì đây, có người không chỉ “ăn kiêng” mà còn “ăn khảnh” nữa. Khi nói “ăn hoa hồng” chắc chắn chẳng ai khờ khạo nghĩ đến chuyện phải nhai nuốt cái bông hoa cụ thể kia. “Ăn ảnh”, “nước ăn chân”, “ăn vạ”, “ăn đèn”, “ma ăn cổ”, “ăn non”… có phải chỉ động tác nhai, nuốt thức ăn không? Ắt không. Buồn cười thật, đã “ăn ở” lại còn “ở ăn” nữa. Truyện Kiều có câu:

Ở ăn thì nết cũng hay

Nói điều ràng buộc thì tay cũng già

Ối dào, kể làm sao cho xiết, nếu cứ tẩn mẩn tần mần theo kiểu “ăn nhón” thế này thì đến lúc “ăn Tết” mà Tết Ma-rốc cũng chưa xong.

 

xuan-2014RR

 

 

2.


Ngẫm nghĩ nhiều lần, tôi nghĩ rằng, với người Việt không chỉ khi đưa thực phẩm vào miệng, nhai ngấu nghiến, nuốt cái ực xuống cổ họng là ăn, mà lời nói của người khác cũng là một loại thực phẩm.

Ngộ chưa?

“Lựa lời mà nói”. Khi ăn con người ta phải lựa thức ăn đó, nó phải sạch, an toàn cho sức khỏe, vậy khi thốt ra một lời cũng vậy. Một lời nói cũng có thể khiến người tiếp nhận ngộ độc như chơi. Nghe một lời đay nghiến, chì chiết, vu oan giá họa, “gắp lửa bỏ tay người” thì lúc ấy “lời nói đọi máu”. Một lời từ cửa miệng thốt ra, có thể phản ánh được tư cách, phẩm hạnh của con người đó. Vì thế, ông ba ta dạy “ăn có nhai, nói có nghĩ” là vậy.

Lại nghe “Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời”. Nghe một lời nói, có thể suốt đời ta không thể quên, cứ nhớ dai dẳng như đã là một phần của ký ức. Mà làm sao có thể quên, chẳng hạn, lúc mặn nồng chăn gối, đang ân ái với da thịt xương cốt cụ thể này nhưng nàng lại hào hứng… gọi nhầm tên kẻ khác! Bẽ bàng chưa? Đau đớn chưa? Làm sao có thể quên? Ấy là tôi thí dụ thôi, làm sao trên đời này ai lại có lời nói nhầm lẫn một cách quái ác thốt ra vào lúc “nhậy cảm” đó (!?).

Nếu ai đó cả ngày không ăn, không nói thì tôi - người trần mắt thịt xin cúi đầu bái phục, bởi đó một thử thách ghê gớm. Có lúc được cho ăn nhưng lại cấm nói, không cho thốt ra lời thì ai chịu nổi? Với gã Chí Phèo, mỗi lúc đã ăn nhậu say sưa là ngoác mồm nói ra rả, chửi cả làng Vũ Đại, nếu rơi vào trường hợp éo le này có lẽ gã phải thú thiệt, chẳng thà nhịn ăn còn hơn. “Được ăn được nói” mới thỏa thê, sung sướng, mới đúng diệu như đã ăn thịt cầy ắt phải kèm theo lá mơ, ăn thịt gà ắt phải có lá chanh mới “sành điệu”.

Tóm lại, dù chữ nghĩa không đầy lá mít, “ăn không nên đọi, nói không nên lời” nhưng tôi dám quả quyết, ông bà mình thật chí lý khi dạy mỗi chúng ta phải “học ăn, học nói”. Đừng bao giờ quên “lời ăn tiếng nói”. Rõ ràng, “ăn”“nói” đều quan trọng như nhau, chớ có xem nhẹ bên nào. Cả hai yếu tố đó “ngang ngửa” như nhau, “bên tám lạng, bên nửa cân” tương xứng quá. Một bên là vật chất cụ thể nuôi sống phần xác; một bên là giá trị tinh thần nuôi sống phần hồn:

Chẳng được miếng thịt miếng xôi

Cũng được lời nói cho nguôi tấm lòng

Nghe một lời nói, lại “nói ngọt lọt tới xương” khiến con người ta thấy mình khỏe khoắn, phơi phới yêu đời đến độ những muốn lập ngay “phòng nhì” đặng “ăn chùng ăn lén”, “ăn vụng” mèo mỡ chút đỉnh cho đời thêm tươi; ngược lại, cũng có lời nói có thể khiến mình thẩn thờ, ủ rủ như “ăn phải bã” muốn đập đầu vào gối chết quách cho xong.

Trên đời này, thiên hạ thường dạy rằng: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”. Chỉ chăm bẳm “sống để ăn” mà lười biếng, chẳng chịu mó tay vào việc gì chỉ có thể là kẻ ăn ké, ăn bẻo (ăn chặn), ăn bòn, ăn bóng, ăn khín (ăn nhờ), ăn chõm (ăn phần của người khác), ăn bám…

“ăn” lại đứng đầu trong tứ khoái của con người trên trái đất này. Nó quan trọng vô cùng. Quan trọng cỡ thế nào? Tôi nghĩ là cỡ như đã tân hôn thì phải động phòng, đã “ăn nằm” thì “hiền nhân quân tử” nào cũng ham hố “mỏi gối, chồn chân cũng muồn trèo” đến độ muốn “ăn tươi nuốt sống”!

 

4.


Vâng, “ăn” rất quan trọng. Bởi thế mới có chuyện, ngày xưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Giai nổi tiếng là chính trực, quan minh chính đại, xét án nghiêm minh như Bao Công. Ngày nọ, ông xét án một phò mã của chúa Trịnh khi cầm quân đánh nhà Mạc, chỉ vì hèn nhát mà kéo quân về. Vậy cứ theo phép nước mà khép án tử hình. Kêu xin, van nài mãi không xong gia đình người này bèn đi “cửa sau”. Người vợ nghe lời than khóc ấy, động lòng nên hứa giúp. Do biết tính chồng khoái món thủ lợn chấm mắm ngấu, bà làm món này cho ông. Đợi ông ăn xong, bà mới thỏ thẻ cho biết đó là “lễ vật” của gia đình phạm nhân.

Trời đất! Đã ăn rồi, chẳng lẽ nôn ra? Ông tặc lưỡi: “Chỉ vì một miếng ăn mà hỏng cả việc công. Ta đã ăn rồi, giờ biết nói sao? Cũng may án này có một vài lẽ có thể khoan giảm, nếu không thì phép nước sẽ điên đảo vì ta tham ăn”. Thì ra, làm vợ quan chức không dễ bởi giữ thanh danh cho chồng; hoặc vùi chồng vào “bia miệng” thế gian cũng còn tùy thuộc vào bản lĩnh của họ. Từ đó trở về sau ông Giai bỏ luôn món khoái khẩu này.

Biết ăn, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; và biết nói “nói có sách, mách có chứng” thì mới là bản lĩnh của các bậc thức giả.

Xin kể lại câu chuyện mà sử sách còn ghi rành rành, có lẽ ít người biết. Khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước nhà, một số tôn thất nhà Trần vì khiếp sợ uy thế của giặc mà mang cả gia quyến sang trại giặc xin hàng như bọn Trần Kiện, Trần Ích Tắc, Trần Lộng, Trần Tú Viên… để lại tiếng xấu muôn đời sau. Sau khi toàn thắng, vua Trần Nhân Tông sai Nguyễn Đại Pháp đi sứ. Sang đó, trong bữa ăn long trọng do nhà Nguyên chiêu đãi, bọn Trần Ích Tắc cũng dự. Không thấy ông Pháp cúi chào, Tắc bực bội hỏi: “Ngươi có phải là kẻ tôi tớ ngày trước chép sử trong nhà ta không?”. Ông Pháp cứng cỏi: “Đúng vậy, nhưng tôi nay là sứ giả của triều đình. Trước ông là con vua nhưng nay là kẻ hàng giặc”. Nghe thế, Tắc cả thẹn, lúc ấy chẳng còn lòng dạ nào nữa mà ăn! Ăn làm sao nổi nữa mà ăn!

Đọc lại Đại Việt sử ký toàn thư đến đoạn này, tôi nghĩ lúc ấy, kẻ phản bội đó, lúc đó tâm trạng như một câu trong Truyện Kiều: “Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?”.

 

5.

 

Nẫy giờ, bàn luận chuyện “ăn” “nói” chẳng khác gì “nói vòng nói vo” hoặc tỷ như chỉ mới “ăn hương ăn hoa”, thì tôi đây có “mua vui” cho bạn đọc được chút tí tẹo tèo teo nào không? Dù khiêm tốn, chẳng bao giờ “ăn tục nói phét”, “ăn ốc nói mò” nhưng tôi tôi dám “nói như đinh đóng cột” các bạn đều gật gù mà rằng: “Chà, tay này “ăn nói” cũng được đấy chứ”!

Đời, thế mà vui.

 

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ XUÂN 2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com