THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ?

LÊ MINH QUỐC: NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ?

 

Thấy người hoạn nạn thì thương

Thấy người tàn tật lại càng trông nom

Hai câu thơ trong Gia huấn ca, từ thuở cắp sách đến trường, đến nay nhiều thế hệ học trò vẫn còn nhớ. Bài học khai tâm đầu đời là lòng yêu thương con người. Chẳng phải, hễ cái gì của dân tộc mình là cứ nhắm mắt mà khen, khen lấy khen để. Mà phải nói thật rằng, tính cách của người Việt mình từ xưa đến nay vốn giàu lòng nhân ái. Không chỉ “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “người trong một nước phải thương nhau cùng” mà ngay cả kẻ thù lúc ngã ngựa cũng được cư xử bằng lòng nhân.

 

ngiuoivietxauxi

 

Sử chép, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, khi các tướng đem đầu Toa Đô về báo công, vua Trần Nhân Tông thương hại. Ngài cởi áo ngự bào đắp lại đầu và cho an táng chu đáo. Dù trước đó, “Không một dòng suối, một con sông nào không tràn đầy nước mắt. Không một ngọn núi, một cánh đồng nào không bị quân giặc giày xéo!”. Lòng nhân ấy, ông cha ta còn dành cho kẻ thù, chứ huống gì cùng “đồng bào”. Làm nên phẩm chất người Việt có nhiều yếu tố, tôi nghĩ, dứt khoát phải lòng nhân ái đã ăn sâu vào máu thịt từ hơn bốn ngàn năm văn hiến.

Trong thời buổi thế giới phẳng, người Việt càng dễ dàng tiếp cận với nhiều thông tin khắp năm châu bốn biển, trí khôn được mở mang nhiều hơn. Vậy lòng nhân vốn có sẽ phát huy mạnh mẽ hơn về tình thần “nhường cơm xẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”? Với câu hỏi này, tôi tin chắc rằng trước lúc trả lời, không ít người phải chần chừ đắn đo, khó có thể “mạnh miệng” tự hào. Thật vậy, đừng nhìn đâu xa, mới đây thôi, một anh tài xế khi lái xe gặp sự cố trên địa phận thành phố Biên Hòa. Do lúc đang đổ dốc, bất ngờ một chiếc xe du lịch băng ngang nên anh phải đánh nhanh hết tay lái để tránh gây tai nạn và lao vào nhà dân. Toàn bộ bia trên xe đổ lênh láng trên đường. Lúc ấy, bàn dân thiên hạ không phải “Thấy người hoạn nạn thì thương” mà lập tức họ ùa vào “hôi của”. Mạnh ai nấy lấy. Họ hả hê, sung sướng. “Tôi năn nỉ họ trong tuyệt vọng, bất lực và dù nước mắt tôi rơi nhưng họ cứ thay nhau lấy bia. Khi tôi cản, họ còn đòi đánh tôi”. Anh tài xế nghẹn lời cho biết. Lòng nhân là nên phẩm chất của người Việt đâu rồi? Tại sao có thể lợi dụng lúc người khác hoạn nạn, sa cơ thất thế để thủ lợi? Ngày nay không còn thiếu thốn, đói khát tại sao con người lại đờn hèn, tham lam đến thế? Mà dù có thế, từ ngàn xưa, phẩm chất của người Việt vẫn “đói cho sạch, rách cho thơm”, thậm chí “giấy rách giữ lấy lề”. Rõ ràng, sự chà đạp lên nỗi bất hạnh của người khác không phải vì nghèo, vì đói mà chính vì tư cách mỗi người.

Có những điều không dám nghĩ tới, nay lại sờ sờ ra đó. Làm sao có thể nghĩ rằng trong hội chợ hoa, muôn hương nghìn tía khoe sắc lại có dòng người chen lấn, chụp giật những cánh hoa đẹp nhất, lại đẩy ngang nhiên xe ba gác chở luôn những chậu hoa quý? Có những cửa hàng giảm giá, dù giảm chẳng đáng vài xu nhưng người ta vẫn có thể đạp nhau lên đầu lên cổ? Có những người dừng sân bay quá cảnh, thò tay “thuổng” vài thứ chẳng đáng, dù họ đủ tiền mua gấp trăm lần? Có những người sành điệu, đi xe tay ga nhưng lại cướp vài tờ vé số của người mù lòa, tàn tật? Đâu phải do nghèo đói.

Lý giải những hiện tượng này như thế nào? Tìm đọc nhiều tài liệu,  tôi nhận ra hầu hết các nghiên cứu đều có mẫu số chung là căn nguyên từ giáo dục, bao gồm giáo dục gia đình, nhà trường, môi trường xã hội.

Có điều, chúng ta không quá đến nỗi bi quan. Tôi luôn tự nhủ chính mình, hãy tin cái tốt, lòng nhân ái vẫn còn đó. Bằng chúng, những ngay này mạng xã hội facebook “dậy sóng” ủng hộ một lời xin lỗi:  “Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 4/12”. Những dòng chữ này, dù muộn nhưng vẫn là thái độ tự chỉ trích, tự nhìn lại mình. Tôi không tin “người Việt xấu xí”.

 

L.M.Q

(nguồn: Phụ nữ chủ nhật 15.12.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com