THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: "Chín” theo kiểu “đi tắt”

LÊ MINH QUỐC: "Chín” theo kiểu “đi tắt”

 

“Đã mang tiếng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông”, nhà nho Nguyễn Công Trứ đã nói lên được khát vọng từ của loài người từ thuở khai thiên lập địa. Ai cũng muốn mình trở thành “cái đinh” trong mắt người khác, ít ra phải “nổi” hơn thiên hạ, cho dù “không cao” nhưng ai ai cũng phải “ngước mắt nhìn”! Giữa bãi biển, nếu vốc lên một nắm cát và ném xuống, đố ai có thể tìm lại được những hạt cát vừa rời khỏi tay mình. Mà với hạt ngọc lại khác. Viên ngọc ném xuống cát vẫn còn lồ lộ ra đó.

Khát vọng này nghĩ cho cùng là chính đáng, có như thế, con người ta mới luôn ý thức phấn đầu để nâng cao và hoàn thiện bản thân mình.

 

chin-kieu-di-tat

 

Một quả trên cây, muốn chín ắt phải có thời gian nhưng nhiều người vẫn sốt ruột, nôn nóng muốn quá trình ấy phải “nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ” bèn hái xuống và giú khí đá. Ừ vẫn chín, nhưng quả chín ấy sống sịt và khi đưa lên mũi ngửi đã thấy “chẳng ra làm sao”. Từ nhiều năm trở lại đây trong thế giới showbiz đã có những người “hạ quyết tâm” phải “chín” theo “đi tắt” như thế.

Họ chỉ chăm bẳm mỗi điều, có “nổi” thì mới trở thành “người của công chúng” -  “bệ phóng” đó giúp họ có thể tạo ra được nhiều mối quan hệ khác. Từ đó, không một động thái nhố nhăng, lố bịch, chiêu trò nào mà họ không sử dụng đến kể cả việc sẳn sàng “phơi” thân xác cho thiên hạ tha hồ “rửa mắt” bởi có như thế mới mau nổi tiếng!

Sống trong thời buổi phát triển tột bực của công nghệ thông tin, rõ ràng họ có nhiều thuận lợi cho sự “quảng bá” tên tuổi.

Chỉ cần buổi sáng, mấy cô nàng Can Lộ Lộ, Cung Điểm Phi ở Trung Quốc dám “bất chấp khoe thân thể” là buổi chiều ở ta đã có một loạt "bà Tưng" khác “học tập” ngay. Những người này đều có điểm chung là khoe cái cần giấu và giấu cái gì cần khoe. Về học thức, trình độ chuyên môn thì họ giấu; ngược lại, những bộ phận “nhậy cảm”, họ “lột trần” ra luôn! Có người còn trơ trẽn hơn, sẳn sàng tự quay cảnh phòng the rồi bắn luôn lên mạng cho cả thế giới “biết mặt”, sau khi bù lu bù loa “em chả, em chả”!

Sự sỗ sàng ấy, tất nhiên kích thích được tò mò của thiên hạ và thiên hạ tha hồ đồn thổi, bình phẩm rồi “ném đá”! Với một người có lòng tự trọng, có tư cách đó là sự sỉ nhục, vậy mà họ cứ căng căng cái mặt xem như “chuyện có gì phải ầm ĩ”. Chẳng lẽ để được “nổi” bằng mọi giá, họ lại tự hạ thấp nhân cách của mình đến thế sao?

Hẳn sẽ có người sẽ biện minh rằng những chiêu trò “muối mặt” ấy chỉ là phương tiện nhằm đạt đến mục đích cần thiết rồi sau đó sẽ thoát ra bằng một hình ảnh khác. Sự biện mình này ngây thơ, nếu không muốn nói là ngốc dại, bởi từ hành động nhố nhăng đến phát ngôn kệch cỡm ấy không dễ xóa nhòa trong cảm nghĩ, đánh giá lâu nay của công chúng.

Anh bạn tôi vừa thông báo sẽ lên xe hoa với một cô nàng trong làng giải trí. Bỏ mặc ngoài tai những lời khuyên của người thân, anh đã phát biểu một câu rất “nhân bản”: “Lấy “gái” làm vợ chứ không ai vợ làm “gái”. Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Nghe ra bản lĩnh và “thoáng” lắm.

Đùng một cái, trước một ngày diễn ra hôn lễ, anh ta đột ngột thay đổi 180 độ? Nguyên cớ gì? Anh rầu rĩ đưa cho tôi xem tin nhắn trên điện thoại. Tôi hồi họp căng mắt đọc: “Có phải chỗ ấy xâm hình cánh bướm không? Kiểm tra chưa?”. Ủa? “Cái ấy” nằm “chỗ ấy” chỉ người ấy biết, sao người này (và nhiều người khác) lại biết tỏng như đã “tỏ đường đi lối về”? Thì ra, từ cái thuở “hàn vi” với mục đích nhanh chóng “nổi” như cồn khi bước chân vào showbiz, người vợ sắp cưới của anh đã không ngần ngại xâm cánh bướm vào ‘chỗ ấy” và “chào hàng” trên mạng. Tất nhiên sau khi đạt mục đích, những hình ảnh phản cảm ấy đã tháo gỡ. Than ôi, cô quên rằng với công nghệ thông tin vẫn có những phần mềm khôi phục lại dữ liệu. Vậy là “thôi thế từ này, anh cố đành quên…”

Có một bi kịch đớn đau cho những người “đi tắt” bước lên vinh quang của sự nổi tiếng, muốn chạm nhanh đến hào quang của sự nổi tiếng là họ không thế xóa bỏ được quá khứ ấy. Thôi thì, đã “dân chơi sợ gì mưa rơi” nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ấy? Cũng được thôi, nhưng khổ nổi do có thực tài, chỉ “nổi” bằng chiêu trò rẻ tiền ấy nên lúc được đặt chân vào con đường nghệ thuật, họ bắt đầu chống chếnh và ý thức ra rằng: Muốn công chúng ái mộ phải từ thực tài, từ chuyên môn chứ không phải từ… vòng đo số từ số 1 hay vòng số 3 “bổ chảng”!

Rõ ràng giá trị ảo không bền, chỉ tan nhanh như bọt xà phòng.

Mà những ai tạo ra giá trị ảo và sống trong thế giới ấy, sẽ không thể trụ lâu dài với thế giới được tạo dựng bằng giá trị thật trong cộng đồng. Vậy có cần phải nhất thiết đánh đổi cả “thân xác” để lấy cái giá trị ảo và sống trong áp lực của giá trị ảo cho chính mình tạo ra? Tất nhiên, những người có thực tài, có tư cách chỉ trả lời bằng một từ duy nhất “không”.

Tục ngữ Việt Nam có câu thật chí lý: “Công thành danh toại”. Không bỏ công, bỏ sức ra mà chỉ muốn bằng các chiêu trò, liệu “danh” ấy có thật là danh? “Nổi” bằng mọi cách, bất chấp dư luận xã hội và nhắm mắt lao cuộc chơi phù phiếm đâu phải là sự lựa chọn khôn ngoan.

 

L.M.Q

(nguồn: TGPN 8.7.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com