THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Hạt cát & hạt ngọc

LÊ MINH QUỐC: Hạt cát & hạt ngọc

 

1.


Có người đàn ông dẫn con ra bãi biển, ông vốc một nắm cát lên tay và bảo con hãy quan sát. Đứa trẻ thầm nhủ: “Cát là cát, hạt nào cũng vậy, có gì khác nhau đâu mà cha bảo phải xem với ngó?”. Rồi nó trố nhắm nhìn chăm chú: Từ bàn tay của người cha, nắm cát ấy được thả chậm rãi xuống bãi cát.

Người cha nói: “Con hãy nhặt lại những hạt cát của cha”. Trời! Đứa trẻ kêu rú lên: “Không thể được cha ơi! Không ai có thể làm được cả”. Người cha vẫn im lặng. Ông lặng lẽ lấy trong túi áo vài hạt ngọc trộn lẫn vào nắm cát rồi lại thả xuống cát, bảo nó nhặt lên. Dễ ợt! Ai mà làm chẳng được. Chú bé cười khì khì. Ông nhìn vào mắt con nhắn nhủ: “Trong cộng đồng xã hội cũng vậy con à. Có những người là ngọc, vì thế họ là tài năng nên nổi bật giữa đám đông, không lẫn vào người khác. Ngược lại có người chỉ là cát trong muôn trùng hạt cát mà những hạt cát ấy không ai có thể phân biệt được”.

Câu chuyện này có thể là tư duy sống của nhiều người, nhất là lớp trẻ.

 

hat-cathatngocRr

 

Họ muốn mình phải khác người chung quanh. Khác như thế nào thì chưa biết, nhưng ít ra phải không giống đám đông. Chẳng phải hôm nay mà từ ngàn xưa, con người ta đã có khát vọng ấy. Ở đó, “dấu ấn” riêng biệt, độc đáo mang tính chất cá nhân luôn là mục tiêu muốn vươn đến của nhiều người. Điều này không có gì sai, thậm chí còn đáng biểu dương khi những người trẻ có những suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo riêng biệt nhằm tạo cho mình một vị trí trong xã hội.

 

2.


Thay vì phải đi tuần tự từng bước, theo đúng với quy trình tự nhiên thì nhiều người lại muốn đi tắt. Đừng quên rằng, lúc đi tắt cho nhanh con người ta thường có những va vấp đáng tiếc. Hãy quan sát trái mọc trên cây, buộc nó phải chín nhanh hơn có được không? Tất nhiên được, nếu có sự can thiệp của khoa học kỹ thuật và kết quả của phương pháp ấy ta gọi “chín ép”.

Loại trái cây này ăn chẳng ngon lành gì. Đôi khi còn sống sịt mà trong ruột đã nhũn.

 

3.


Thử nhìn qua lãnh vực show biz hiện thời, ta sẽ bắt gặp rất trường hợp mà họ tự ép cho “chín”. Ta có thể hiểu, “chín” ở đây là càng nhanh càng tốt vươn tay chạm đến hào quang của sự nổi tiếng! Do động cơ này, họ có thể làm bất kỳ mọi động thái nào, bất chấp cả dư luận xã hội. Đến thời điểm này, công chúng đã có thể “điểm mặt chỉ tên” và cũng biết tỏng các “công thức” rẻ tiền đó:

“Nude!”: Cái sự nude trơ trẽn này luôn được che đậy bằng những mỹ từ được nhân danh như bảo vệ cây xanh, thú hoang dã v.v… nhưng thực ra nó chẳng văn hóa chút nào. Có những người lăn lộn trong lãnh vực nghệ thuật đã nhiều năm nhưng chẳng ai biết đến, chỉ cần một lần leo lên mạng và nằm phơi tất tần tật những gì cần phải che đậy thì lập tức “nổi tiếng” rền vang như B.52. Gần đây nhất thiên hạ choáng váng với “nghệ sĩ” X đã “trần như nhộng” bên cạnh “sư thầy” Y! Rõ ràng chiêu P.R đã vượt xa vụ “khóa môi” ầm ĩ, phản cảm của ca sĩ Z.

“Chém gió”, cưa bom”: Nhiều người đã phát ngôn bừa bãi, vô tội vạ miễn càng chói tai thì càng tốt. Mà cái thời buổi thông tin bàn phím này mới nhanh nhậy làm sao. Trả lời lại những gì cô diễn viên A đã tuyên bố, lập tức học bạ của cô được post luôn lên mạng cho thiên hạ tha hồ bình phẩm! Chuyện học vấn cao thấp không phải là yêu tố duy nhất của sự thành đạt nhưng ở đây tính không trung thực của “người nổi tiếng” đã bị “ném đá”.

“Khoe của”: Giữa lúc nền kinh tế đang suy thoái, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, không ít sinh viên nghèo phải đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống; nhiều tổ chức từ thiện đã vận động mạnh thường quân “lá lành đùm lá rách” thì không ít “người của đám đông” lại đi khoe của. Có lẽ tiêu biểu nhất là cô cựu “Đại sứ” nọ. Cứ lướt qua các trang mạng, bao giờ ta cũng thấy cô khoe tùm lum thứ, miễn là nó dính lên người. Thật ra khi đánh giá một con người, thiên hạ chỉ nhìn qua tài năng, đạo đức, phép ứng xử văn hóa chứ không phải căn cứ người đó sở hữu bao nhiêu tiền.

Những chiêu trò này còn có thể kể thêm nữa. Mà thôi, không cần thiết. Ông bà ta nói chẳng sai “Gieo nhân gì gặt quả nấy”.

 

4.

 

Tôi biết, có những “tên tuổi” đình đám hiện nay bởi những chiêu trò nhảm nhí đã cố tình thực hiện, nay họ muốn trở lại “bình thường” như trước mà không dễ chút nào. Làm sao có thể xóa được định kiến của người khác vì chính những “trò mèo” do mình đã gây ra?

Ly nước đã tạt xuống đất, có thể hốt lên như trước được không? Tôi nghĩ, những người trẻ khi muốn tạo một “dấu ấn” riêng cho mình hãy trả lời câu ấy trước khi lao vào “cuộc chơi” nhằm tạo dấu ấn cá nhân để nổi tiếng bằng mọi giá...

Than ôi “thanh danh” và “xú danh chỉ cách nhau một sợi tóc.

 

5.


Nếu một người hội đủ nhiều yếu tố như tài năng, say mê làm việc, thiên phú v.v... thì sự nổi tiếng sẽ đến là lẽ tất nhiên. Dù khiêm tốn chối từ, sự vinh danh ấy vẫn lừng lững đến bởi “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Nếu một người khác chỉ muốn sử dụng mọi chiêu trò “mì ăn liền” thì đừng có mong gì ở sự lâu bền

 Hạt cát và hạt ngọc cũng đều quý như nhau nếu làm tròn vai trò của mình.

 

L.M.Q

(nguồn: Mực Tím số đặc biệt tháng 7.2013)

 (Bản chính của tác giả)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com