THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: GÁNH VÁC GIANG SAN NHÀ CHỒNG? XƯA RỒI DIỄM!

LÊ MINH QUỐC: GÁNH VÁC GIANG SAN NHÀ CHỒNG? XƯA RỒI DIỄM!

 

Thật kinh ngạc, chỉ có thể tặc lưỡi mà thốt lên: “Quái dị”. Lướt trên các mạng xã hội và trao đổi với nhiều người, tôi luôn gặp ý kiến quả quyết rằng, khi người phụ nữ lên xe hoa là mặc nhiên họ có một sứ mệnh rất vẻ vang là phải gánh vác giang san nhà chồng! Nhằm bảo vệ quan niệm kỳ cục này, họ lấy “chuyện nọ xọ chuyện kia” với một loạt tiêu chí, đại loại như tam tòng tứ đức; công, dung ngôn hạnh; gọi dạ bảo vâng, thuyền theo lái gái theo chồng… Tóm lại, họ khẳng định đó là đức tính ngàn đời tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam! Một sự mặc định hiển nhiên không thể thay đổi, cho dù sông cạn đá mòn! Thú thật, tôi cứ liên tục cắn vào môi để tự nhủ đang thức hay mơ, đang sống thời đại “thế giới phẳng” hay đã sử dụng bửu bối của chú mèo Đô-rê-môn lội ngược thời gian về thế kỷ trước.

 

trang-DDVN-1

Tranh sơn dầu Lê Minh Quốc minh họa cho bài viết "Gánh vác giang san nhà chồng? Xưa rồi Diễm!

 

Quan niệm đó, quái dị hết chịu nổi.

Đành rằng, từ ngàn xưa đến nay người Việt có đạo lý vợ chồng, truyền thống gia đình, nếp nhà tôn ti trật tự… nhưng xét trong thời đại @ này, có những điều chưa hẳn còn phù hợp, đã lỗi thời. Phải thay đổi, chứ không thể bấu víu vào những quan niệm “sơn son thếp vàng” đặng tiếp tục hành hạ người phụ nữ, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu chúng ta kêu gọi bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ thì trước hết, cánh đàn ông phải thay đổi từ trong nhận thức khi đánh giá vai trò của người phụ nữ. Chưa cần phải với tới tầm vi mô, vĩ mô lớn lao gì gì mà trước hết là ngay từ trong gia đình.

Thú thật, đọc lại một đoạn hồi ký của nhà văn hóa Toan Ánh viết về các bà mẹ Kinh Bắc xưa, tôi ứa nước mắt bởi sao mà họ lại nhẫn nhục, chịu thường chịu khó và tội nghiệp đến vậy. Ngày nọ, bố chồng gọi con dâu, bảo: “Trong một lúc đùa vui chúng bạn, thầy đánh xóc đĩa và thua mất mấy trăm bạc và thầy đã liều viết thế cho người ta dinh cơ nhà ta. Chỗ người lớn, giấy thầy đã viết ra thầy phải tôn trọng chữ ký, thầy sẽ trao nhà cho người ta. Vậy thầy cho con biết, con liệu cố làm ăn dành dụm để sau này tậu lấy một miếng đất mà ở”.

Từ đấy, con dâu cắm mặt xuống đất, quần quật ngày đêm, phơi nắng dầm mưa ngoài chợ, đầu tắt mặt tối cũng vì nỗi lo này. Ủa? Vậy con trai đâu, sao không xắm tay áo lên, giúp một tay đỡ đần cùng vợ? “Thầy tôi cũng như tất cả mọi người trai khác ở làng Thị Cầu chỉ ăn chơi, không phải làm lụng gì. Khi thì họp năm bảy bạn bè uống rượu ngâm thơ, khi chơi chọi gà, khi chơi chim họa mi, khi áo quần bảnh bao để đi hội hát quan họ. Mẹ tôi rất chiều chuộng thầy tôi, bao giờ cũng muốn cho chồng sang trọng bằng người, nếu không hơn”.

Nếp suy nghĩ, tâm lý của một dân tộc thường được lưu giữ qua ca dao, tục ngữ và từ đời này truyền sang đời nọ. Với người phụ nữ Việt, ta thấy những gì? “Có con phải khổ vì con/ Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”; “Mẹ già đã có em trai/ Phận em là gái dám sai chữ tòng”. Tòng là sự phục tùng. “Có chồng phải lụy theo chồng/ Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải theo”… Theo quan niệm ngày trước, khi có chồng nghĩa là người phụ nữ đã kết thúc cuộc sống riêng tư, phải toàn tâm toàn ý lo cho nhà chồng. Người chồng được quyền phong lưu, nhàn nhã: “Cũng lắm phen đi đó đi đây, thất điên bát đảo; / Cũng nhiều lúc chơi liều chơi lĩnh, tứ đốm tam khoang”. Còn vợ? “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”. Nhà thơ Tú Xương hơn người ở chỗ ông dám tự trào cái chuyện trái khoáy, ngược đời ấy. Trong khi đó, xã hội đương thời mấy ai nhìn ra sự bất công đó?

Không những thế, con dâu còn có trách nhiệm chăm sóc từ bố mẹ chồng đến các em chồng mà không dám mở miệng than van một lời. Có phải nhờ vậy mà quan hệ giữa họ với nhà chồng tốt hơn chăng? Chưa chắc. “Dâu vô nhà, mụ gia ra ngõ”, “Chị em dâu như bầu nước lã”; cũng có thể “Bố chồng là lông con phượng/ Mẹ chồng là tượng mới tô/ Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi”... Cho dù bị ức hiếp, đe nẹt họ cũng nín lặng. Ngoác mồm ra cãi lý cãi lẽ ư? Lập tức sẽ bị dư luận xã hội phán cho một câu đến tối tăm mặt mũi: “Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”. Còn sự so sánh nào cay nghiệt, độc địa hơn không? Vì thế, biết thân biết phận, ứng xử khôn khéo nhất của họ vẫn là “ngậm miệng ăn tiền”.

Cái sự “ngậm miệng” nhẫn nhục ấy được khen “vợ hiền dâu thảo”. Nếu có cất lên tiếng kêu bi thương trong hoàn cảnh éo le ấy, chỉ có thể thở than lúc “nhang tàn thắp khuya”, một mình một bóng, tự mình mình đau chứ nào dám chia sẻ với ai, kể cả ông chồng đang khễnh chân ngáy khó khò sát rạt bên cạnh: “Làm dâu khổ lắm ai ơi/ Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than/ Đêm nằm lưng nỏ bén giường/ Mụ già đã xốc vô buồng kéo ra/ Bảo lo con lợn, con gà/ Lo cối xay lúa, quét nhà, nấu cơm/ Ốm đau mụ nỏ có thương/ Mụ hành, mụ hạ đủ đường khốn thân/ Tối về bưng bát cơm ăn/ Mụ cầm cái đọi, mụ quăng vô người”.

Sở dĩ các tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn ngay từ khi mới ra đời đã được bạn đọc, nhất là giới trẻ hoan nghênh bởi những văn tài đó đã xây dựng những nhân vật nữ nhận thức được sự bất công, vô lý ngay chính trong gia đình chồng. Từ đó, họ không cam chịu mà luôn tự ý thức, trằn trọc, cựa quậy tìm mọi lối thoát. Họ quyết không thể lấy tháng ngày hy sinh vô lối đó làm sự “hãnh diện” với bà con làng nước như một cách tự an ủi!

Người phụ nữ hiện đại như thế nào? Tôi nhiệt liệt hoan hô và vỗ tay tán thành khi họ dám “vùng lên” nhằm trút gánh nặng mấy ngàn năm đã đè trĩu hai vai. Vâng, đã đến lúc phải tiến hành một cuộc “cách mạng” có lý có tình nhằm nâng cao chất lượng sống của người phụ nữ. Lẽ ra phải ủng hộ hành động của vợ, nhiều ông chồng đã trở thành kỳ đà cản mũi. Dù thành đạt trong xã hội, là ông này chức nọ luôn ra rả tại công sở là phải “nâng như trứng, hứng như hoa” các thành viên nữ, vậy mà khi bước chân đến cửa nhà lập tức cái mặt nạ mỹ miều ấy rơi tuột ngoài cửa.

Do sống chung với gia đình chồng, nửa khuya vợ mới dám thẻ thọt với chồng, đại loại, áp lực công việc mỗi ngày mỗi nhiều, vợ muốn nhân dịp Tết, lễ vợ chồng đi Đà Lạt nghỉ ngơi vài hôm, có được chăng? Chồng đang ngáy ngủ, muốn cho xong chuyện bèn gật đầu cái rụp. Sáng mai, con dâu thưa với mẹ chồng về kế hoạch này, lập tức những câu ngọt nhạt về truyền thống gia đình, phong tục ngày Tết, ngày lễ với hàng loạt công việc mà con dâu không thể vắng mặt. Này, có con dâu là để nó gánh vác việc nhà chồng, vậy mà ngày tết ngày nhất vợ chồng nó tếch luôn một mạch. Trời ơi là trời sao số tôi vô phước đến thế?

Thay vì giải thích cho mẹ, gã con trai im như như thóc và tự thấy mình sao ngốc dại đến mức “lỗi đạo làm con” (!?). Vậy là mọi thứ xếp xó!

Rằng, ngày kia, cũng giữa đêm thanh vắng, vợ mới bảo chồng, chi tiêu trong nhà cứ như thế này chắc mình không thể dành dụm gì cho thằng chim/ con bướm anh à? Thử tính nhá, lương anh và em mỗi tháng chỉ ngần này tiền, vậy mà phải lo cho cả nhà năm sáu miệng ăn rồi nào tiền điện, nước, gas… hầm bà lằn đủ thứ chi phí trời ơi đất hỡi làm sao mà đủ? Từ rày, mọi người trong nhà phải đóng góp, mỗi người một tay chứ em chịu hết xiết rồi. Chồng gật gù nghe vợ phân tích, có lý quá!

Sự đồng cảm của chồng khiến vợ hào hứng hẳn lên và những mong trời mau sáng để thưa chuyện với bố mẹ chồng. Đăm chiêu nghe cô dâu nói xa nói gần, bố mẹ chồng mới nhếch mép rằng, thế cô tưởng cái nhà này không có nóc à? “Con gái là con người ta/ Con dâu mới thiệt mẹ cha mua về”. Ấy vậy mà con tính toán với gia đình mình từng đồng từng xu như người dưng nước lã! Đành rằng, hai em gái của chồng con đã có công ăn việc làm nhưng nó phải tiết kiệm để sau này còn cưới chồng nữa chứ; em trai của chồng con đang tuổi ăn tuổi học thì vợ chồng con phải lo toan, cán đáng chứ ai vào đây nữa? Rồi lúc cha mẹ chồng bệnh hoạn, đóng góp tiền nong đã đành nhưng sự có mặt, chăm sóc của con dâu phải nhiều hơn con ruột thì thiên hạ nhìn vào mới khen gia đình ta nhờ phúc ấm có được “dâu thảo”.

Thế kỷ trước, bởi mối quan hệ suôi gia, bởi nếp nghĩ của giềng mối bao bọc quanh lũy tre làng ràng buộc nên người phụ nữ phải chấp nhận. Ngày nay không phải mối quan hệ này đã mất nhưng người phụ nữ hiện đại vẫn không dễ dàng chấp nhận. Đứng trút lên đầu họ những lời phê phán như “cứng đầu”, “bất hiếu”, “vô giáo dục” mà phải có sự thông cảm nhiều hơn nữa. Thử hỏi, về nhà chồng phải ra tay quán xuyến tất tần tật mọi thứ từ A đến Z thì chất lượng sống của họ ra sao? Ấy là chưa nói anh em chồng dựa vào đó mà ỷ lại. Cưới chồng là để vui sống với người mình yêu chứ không phải trở thành mụ quản gia và các áp lực đó chận đứng mọi sự tiến thủ của người phụ nữ trong xã hội.

Tùy vào nhận thức, mỗi người phụ nữ có trách nhiệm với gia đình chồng. Họ thực hiện theo cách của họ mà vẫn tròn đạo dâu con. Vì thế, chúng ta đừng đem quan niệm xưa cũ làm tiêu chí phán xét về đức hạnh, tư cách của họ. Một khi quan niệm “Làm gái giữ đạo tam cang/ lấy chồng gánh vác giang san nhà chồng” không thay đổi thì đừng bao giờ chúng ta mở miệng ra nói về chiến lược nâng cao chất lượng sống cho người phụ nữ. Tôi hoan hô các chị em tự ý thức thay đổi trách nhiệm về “giang san nhà chồng”, dám vượt qua dư luận xã hội dẫu đã lỗi thời nhưng vẫn còn tồn tại trong thế kỷ XXI này.

 

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Duyên dáng Việt Nam số 6.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com