THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Về lại chiến trường xưa

LÊ MINH QUỐC: Về lại chiến trường xưa

Một ngày trên chiến trường

Chỉ gặp cây thốt nốt

Nó cũng được quân hàm

Mãi mãi là binh nhất

Ùa vào trong hai con mắt của tôi đang ngơ ngác mở ra là hàng cây thốt nốt đứng vững chãi ngàn năm trên đất nước Chùa Tháp. Năm tháng của tuổi trẻ đã hiện về rõ mồn một như mộng mị, loáng thoáng trong đầu là những địa danh Svay Rieng, Pray Veng, Stung Treng, Siem Reap, Preh Vihear, Anlung Veng... Tôi sực nhớ đến một dòng suối cạn trong đêm trăng sáng có một gã con trai mười tám tuổi, vai khoác súng AK thong thả đi cùng cô gái Khmer gốc Chàm. Nàng thỏ thẻ xin một ít xà phòng để gội đầu, gã chưa kịp tặng để thay lời tỏ tình thì ngay trong đêm đã có lệnh hành quân. Từ đó, biền biệt xa cách mãi... Cũng là lần thứ nhất trong đời, tôi biết đến hương vị đầu đời của nụ hôn thơm vị đường thốt nốt từ một vùng đất bên ngoài Tổ quốc.

Kampuchia_voi_tran_tuan_hiep

LMQ cùng đạo diễn Trần Tuấn Hiệp và quay phim của VTV trước tượng đài Tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại Phnom Penh (2009)

Lần này, sang lại chiến trường xưa, gặp thiếu nữ nào uyển chuyển trong sà - rông hoa văn sặc sỡ, tôi lại cứ tưởng đó là nàng. Thật và mộng lẫn lộn khiến tôi có cảm giác bồng bềnh như đang sống giữa đôi bờ hư ảo. Thật không thể tưởng tượng, dọc theo biên giới từ Trảng Bàng (Tây Ninh) sang đất bạn đã mọc lên khá nhiều sòng bài; rồi khi đến Pnong Penh, tôi lại thấy những hình ảnh tương tự. Một anh bạn mới quen là Minh - Việt kiều sống lâu năm tại đây cho biết, hiện nay, chính quyền bạn cấm người dân KPC không được béng mảng đến sòng bài. Có một điều lạ, là ở KPC người ta quen giao dịch với nhau bằng tiền “đô” hơn là tiền “ria”. Nhưng thật ra, thói quen ấy chỉ có tại những thành phố, chứ khi ở các phum làng thì không. Muốn nạp tiền điện thoại gọi về VN, muốn vào internet thì chỉ loáng một phút sau là xong!

2

L.MO cùng đạo diễn Trần Tuấn Hiệp (VTV) tại lễ hội Kampuchia (2009)

Bước chân ra khỏi sòng bài, tôi và đạo diễn Trần Tuấn Hiệp (VTV) lang thang trên những con đường mịt mù bụi đỏ để tìm lại những nghĩa trang ngày xưa mà đồng đội tôi đã nằm lại thiên thu. Nhưng bất lực. Cảnh cũ người xưa đã mất dấu.

Nằm yên mà ngủ nghe em

Thịt xương tơi tả đã mềm đất đai

Không còn nguyên vẹn hình hài

Tiết trinh thì vẫn là trai dậy thì

Một ngày biên giới chân đi

Đạp mìn nhìn lại thấy gì nữa đâu

Hồn bay lên cõi trời cao

Thịt xương chằng chịt rơi vào hư vô

Không thể xác định nghĩa trang Svay Rieng hiện nay nằm ở đâu, tôi thắp giữa trời một nén nhang để tưởng nhớ tuổi trẻ và đồng đội của mình đã xa khuất.

Có một điều gì rờn rợn tâm linh, khi chúng tôi về đến Pnong Penh bỗng gặp một người đàn bà tên là Chan Thou. Chị quê ở Pray Veng, trong năm tháng chống Mỹ, gia đình chị là nơi bộ đội VN thường lui tới mà chị nhớ nhất là các anh Viết, Gia, Lập... Trong một lần đi công tác cả ba anh đều bị địch phục kích giết chết. Gia đình chị đứng ra lo mai táng. Khi thế hệ quân tình nguyện chúng tôi có mặt tại KPC, chị lên Pnong Penh sinh sống. Một ngày kia, từ nhiều nguồn thông tin gia đình liệt sĩ Viết từ VN liên hệ được chị và ngõ ý muốn chị đưa hài cốt ba liệt sĩ quy cố hương. Chị nhận lời, đơn giản chỉ vì khi Khmer đỏ lên cầm quyền thì dòng tộc của chị có đến 43 người bị giết, mất xác. Chị thấm thía nỗi đau tột cùng này nên tất tả quay về quê cũ và tìm mọi cách ba hài cốt ấy sang đến biên phòng Tây Ninh. Chị bảo: “Sau khi làm việc này, đời sống của tôi thay đổi đến mức tôi không thể tưởng tượng được. Từ một người không đủ ăn, đủ mặc đến nay tôi đã có một gia tài lớn. Đó là do anh linh bộ đội VN phù hộ”.

Tôi cũng nghĩ như thế và không cầm được nước mắt khi được vào chiêm bái Angko Wat, Angko Thom. Năm tháng chiến tranh, đồng đội tôi có thời gian trực tiếp cầm súng bảo vệ di tích này, nhưng rồi vĩnh viễn không bao giờ họ được đến lại nơi này. Họ đã ngã xuống vì mìn KP2, 45.2A, vì lồng ngực thanh tân đã hứng trọn quả B.40 trong một ngày nhạt nắng, trong một chiều mưa trút gió.

Tôi gai ốc đến ngàn sau

Rùng mình ngửa mặt nhìn vào hư không

Đá sừng sững. Đá lặng câm...

Lúc này, không một ai có thể cho tôi biết, bây giờ bạn tôi đã nằm ở chốn nào giữa quần thể văn hóa đã được nhân loại vinh danh? Tôi hỏi đá, đá lặng câm. Tôi sực nhớ đến, năm tháng tuổi trẻ nhiều mộng mị, mới hai mươi, ăn khỏe như voi, sức lực đủ bẻ gẫy sừng trâu vì thế đã có cảm nghĩ rất đời, mà cũng rất lính khi chiêm bái những tượng nữ thần Apsara:

Sấm sét đùng đùng nổ

Rách ngang dọc vòm trời

Nàng tiên căng da thịt

Đứng múa giữa mưa rơi

Sau khi quấn điếu thuốc sâu kèn, An giấu đóm lửa vào trong lòng tay, rít một hơi dài và bảo: “Ước gì đó là người thật Quốc nhỉ?”. Tôi cũng nghĩ thế và sau phiên gác, trong giấc mơ tôi đã có cảm giác lạ lùng nhất trong đời và thấy rùng mình như chết đuối giữa sông dài. Rồi, An đã nằm lại ở nghĩa trang Preh Vihear với trái mìn KP.2 cắt ngang người trong một chiều mưa bão bùng truy kích, không kịp trối trăn. Lần này, do tình hình chiến sự nên chúng tôi không thể đến nơi đóng quân ở Preh Vihear, nơi tôi đã sống qua với những mùa nắng mưa ngôi sao mọc lờ mờ trong tầm đại bác...

Thật không thể ngờ, những con đường những địa danh mình đã đi qua nay đã khác hẳn đến mức không thể nhìn ra được. Một hình ảnh còn lại khi xe lăn bánh vào thị xã Battambang vẫn sừng sững tượng Đầmbay Crờ Nhum -  ông thần cầm cây gậy thần - vẫn vẫy chào như thuở nào. Tôi giật mình tưởng như mình chỉ mới xa nơi này ngày hôm qua đấy thôi! Phố xá sạch sẽ và nhiều cửa hàng mọc lên. Tôi lại sống trong cảm giác vừa quen vừa lạ như ngày mới mười tám xuân xanh, vẫn là một câu hỏi đau dáu trong suy nghĩ: Tại sao trên đất nước Chùa Tháp rất mộ đạo lại sinh ra những tên đồ tể như Pol Pot, Khieu Samphan, Ieng Sary? Một lần nữa, trở lại chiến trường xưa lần này đúng vào dịp KPC đang vào hội Chôl Chnăm Thmây, tôi đã thấy trên môi những người bạn Khmer thân thiết gắn bó máu thịt đã rạng rỡ nụ cười. Tôi ý thức rằng, trên môi cười ấy là cả một "quá khứ bừng lên như chiếc gương soi/ lấp lánh nụ cười những người chết trẻ...” của đồng đội tôi - quân tình nguyện VN.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Phụ Nữ 14.9.2009)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com