ĐOÀN TUẤN: NSND TRÀ GIANG - NGÔI SAO SÁNG TRÊN BẦU TRỜI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

 

ngoisao-sang-tren-nen-troi8-dien-anh

 

Tại Liên hoan phim Quốc tế Matxcva năm 1973, một vinh quang lớn đã đến với Điện ảnh Việt Nam - nữ diễn viên Trà Giang đã giành giải Diễn viên xuất sắc. Với vài Dịu trong phim Vỹ tuyến 17 Ngày và đêm, chị đã chinh phục Ban Giám khảo gồm nhiều nhà làm phim nổi tiếng thế giới. Với giải thưởng này, giới điện ảnh thế giới đã ghi nhận và đánh giá cao công việc diễn xuất cũng như việc làm phim của người Việt Nam.

Cần phải nói một chút về Liên hoan phim Matxcva. Đó là Liên hoan phim lớn nhất của phe Xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Phương Tây có LHP Cannes, Venice, Tây Berlin… Phe XHCN có LHP Matxcva, Karnovy Vari, Leipzig… Điện ảnh miền Nam cũng tham gia một số LHP quốc tế.

Tôi hỏi: Ai là người đầu tiên hướng chị vào con đường điện ảnh?

Chị nhắc tới ba chị. Ông Nguyễn Văn Khánh. Đọc  Nhật ký Chu Cẩm Phong cùng các hồi ức của anh em văn nghệ khu V những năm chống Mỹ, tôi được biết, các nhà văn thường gọi ba chị là ông Khánh “Cao”. Chị nói, ba chị cao lắm. Trên mét tám. Ba mẹ chị sinh được sáu người con. Ông bà tôn trọng sở thích từng người. Riêng chị có năng khiếu nghệ thuật. Chính ông là người phát hiện thiên hướng và tiềm năng diễn xuất trong con gái mình. Ngày đó, theo ba mẹ tập kết ra Bắc, chị mới hơn 10 tuổi, học ở Hải Phòng, trường học sinh miền Nam. Cô bé Trà Giang gầy ngẳng, cao nghều. Suốt ngày diện dép cao su, quần kaki, chưa có dáng thiếu nữ. Nhưng ba chị thường chụp ảnh con gái. Ông dõi theo chị từng ngày. Năm chị 17 tuổi, ông viết thư cho chị. Nói rằng, ở Hà Nội sắp có đợt thi tuyển Diễn viên vào Trường Điện ảnh Việt Nam. Ông nói chị đăng ký thi qua Sở Văn hóa Hải phòng. Chị làm theo lời ba. Năm 1959, chị lên Hà Nội di thi.

Tôi hỏi, chị còn nhớ bài thi hồi đó không?

Chị kể, trí nhớ của chị có từ khi lên 5. Những gì xảy ra  trong ký ức, đến giờ không phai. Còn bài thi, chị nhớ chứ. Bài thi của ông thầy Ajdar Ibrahimov ra: “Diễn tả tâm trạng của một người nhận thư gia đình”. Suy nghĩ một lúc, chị diễn cảnh một cô gái, đang giặt quần áo, bỗng bưu tá gọi ra nhận thư. Cô gái không kịp rửa tay, vừa chạy vừa chùi hai bàn tay vào vạt áo. Chùi cả lòng và lưng bàn tay. Cô nhận bức thư với thái độ rất trang trọng. Đọc tên người gửi, cô rất vui. Nhưng khi mở thư ra đọc, cô bỗng khóc. Nỗi xúc động dâng trào. Cô phải bám vào cánh cửa… Bài thi ngắn nhưng diễn xuất của chị đã thuyết phục Ban Giám khảo.

Còn một bài nữa. Kiểm tra khả năng tập trung. Giữa sự ồn ào của những thí sinh như Lâm Tới, Thế Anh, Tuệ Minh, Ngọc Lan…, đạo diễn Ajdar Ibrahimov  đưa cho chị một truyện ngắn. “Em đọc coi!”. Chị cắm cúi đọc. Ngỡ đọc chơi. Nhưng cuối giờ, ông đạo diễn Liên Xô gọi chị lên hỏi bài. Kể lại nội dung câu chuyện? Đoạn nào nhớ nhất? Tại sao?... “Cũng may, mình là đứa ham đọc sách từ nhỏ. Nên mình nhớ hết. Lại nói về những vẻ đẹp trong đoạn văn mình thích. Các Giám khảo tỏ ra hài lòng… Nhà mình có một tủ sách. Sau này, cháu Bích Trà, con gái mình, được thừa hưởng tủ sách trong những ngày ba mẹ bận việc”.

Học xong, Trường  Điện ảnh được làm ba phim. Anh Vũ Sơn làm Hai người lính. Anh Nguyễn Văn Thông và anh Trần Vũ làm Con chim vành khuyên. Anh Huy Vân và anh Hải Ninh làm Một ngày đầu thu (1961) . Hai phim trước là phim ngắn.  Chỉ Một ngày đầu thu mới là phim dài. Bộ phim rất độc đáo. Các nghệ sỹ dũng cảm kể câu chuyện về đề tài nhạy cảm. Một gia đình công giáo lưỡng lự trong kháng chiến chống Pháp. Nghệ thuật làm phim rất tuyệt. Vậy mà bộ phim và đạo diễn chính, anh Huy Vân, lại không được may mắn. Nhưng chị phải rất cảm ơn đạo diễn Huy Vân. Chính Huy Vân đã chọn chị vào vai chị Kiên.

Hồi đó, làm phim, chọn diễn viên rất kỹ. Một người đóng chính, phải có một, hai người phụ. Đề phòng tình huống phải thay vai. Khi xem nháp, mọi người rất ấn tượng với vai Kiên. Chị hỏi anh Huy Vân, sao anh lại chọn một cô gái miền Trung đóng vai người đàn bà nông thôn Bắc bộ? Anh Huy Vân nói: “Đâu cũng là người Việt Nam cả. Nói về sự vất vả, phụ nữ miền Bắc hay miền Trung đều không ai hơn kém ai”. Hơn nữa, khi thử vai, thấy các động tác của Trà Giang trong như đi chợ, gánh nước, quét sân, bế con… trong bối cảnh nhỏ là khu vườn và ngôi nhà, đều đậm dáng nét người đàn bà nông thôn miền Bắc. Đấy là chưa kể, nếu chị ăn vận theo trang phục, quần thâm, yếm vải, áo nâu sồng… thì còn thật hơn cả thật”.

Thì ngày nhỏ, chị sống ở Phan Thiết. Mẹ chị cũng vất vả lắm. Ba hoạt động cách mạng. Mẹ chị chăm sóc mấy con nhỏ. Cùng bà nội làm bánh ra chợ bán. Chị cũng giúp mẹ xay bột, rửa lá… ngon lành lắm. Sau này, chị bật lên trong vai chị Tư Hậu, nhưng chị mãi mãi cảm ơn anh Huy Vân. Nếu không có chị Kiên, sẽ không có chị Tư Hậu. Chị Kiên là bậc thang để chị bước lên. Anh Huy Vân chính là người kê cho chị cái bậc thang vững chắc ấy. Vì anh ấy là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn chính. Chị phục anh Huy Vân vì ngày đó, anh đã dịch được cuốn sách vĩ đại của N. Ostrovsky Thép đã tôi thế đấy.

Đến phim Chị Tư Hậu, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã muốn chọn Trà Giang.  Song ông vẫn thận trọn . Nhưng tác giả Một chuyện chép ở bệnh viện -  nhà văn Bùi Đức Ái, lại yêu cầu đạo diễn phải chọn cho được một cô gái gốc Nam bộ. Đoàn phim, vì nể, phải cất công đi tìm. Và cũng có nhiều cô gái Nam bộ, tập kết ra Bắc, rất xinh, rất đẹp, nhưng lại không thể diễn được. Diễn xuất trước ống kính điện ảnh khó gấp nhiều lần trên sân khấu. Ngay các diễn viên sân khấu còn không thể chịu nổi bao ánh đèn chiếu vào thì làm sao các diễn viên nghiệp dư làm được?  Đạo diễn Phạm Kỳ Nam nói chuyện với nhà văn Bùi Đức Ái nhiều lần về “đặc trưng của điện ảnh”. Cuối cùng, cũng thuyết phục được nhà văn. Nhưng chưa phải hết. Anh Phạm Kỳ Nam công phu lắm. Yêu cầu chị thử vai chị Tư Hậu trong đoạn ở chòi cá bị thằng Báu địnhcưỡng hiếp… Rồi chị lao ra biển. Quay thử, đạo diễn rất phấn khởi.

Tuổi thơ của chị, cũng đầy cơ cực. Dạo ở Phan Thiết, mẹ chị bị Pháp bắt. Dạo đó, chị còn nhỏ, thấy chiếc xe Jeep của Pháp dừng trước cửa. Tên Pháp xộc vô nhà bắt mẹ chị. Viên thông ngôn nói, đi vài bữa rồi về. Chị cứ đứng nhìn theo. Bà nội dỗ thằng em chị. Nó mới được vài tháng. Địch giam mẹ chị hơn một năm.   Trong đồn, bà được phân công gánh nước. Chiều chiều, bà nội lại cõng em chị, lên đồn, để mẹ cho bú.

Khi ba chị trở về, ông mang cả gia đình  qua Bình Định để tập kết ra Bắc. Chuyến đi ấy thật đáng nhớ. Ghe bầu bị lủng. Nước ngấm vô. Tát không kịp. Không thế đến vị trí tập kết, chiếc ghe dừng lại ở ven biển Quy Nhơn. Lúc đó, trời mờ sáng. Sương phủ dày. Trong bờ, bộ đội và du kích chuẩn bị tấn công. Vì họ được trên thông báo, giặc Pháp sẽ  đi càn bằng đường biển. Nhưng may sao, nghe tiếng trẻ con khóc, quân ta dừng lại. Chạy ra đón. Hóa ra người đằng mình. Từ ngày đó, chị đã cảm nhận được giá trị của âm thanh thế nào.

Câu chuyện trong phim, chị Tư Hậu, tiễn chồng ra mặt trận. Ở nhà, địch càn, làm nhục. Rồi được tin chồng hy sinh. Chị dần chuyển biến tư tưởng. Chị gửi con cho người thân, tham gia kháng chiến. Bộ phim này đã giành Huy chương Bạc tại LHP  Matxcva năm 1963.

Nói về phim Vỹ tuyến 17 Ngày và đêm, chị ngậm ngùi. Trước khi làm phim, chị phải đi thực tế. Vào đất lửa Khu Bốn, chị gặp nhiều cảnh đau thương. Nhưng chị cũng được tiếp xúc với nhiều anh hùng. Đoàn phim được các chiến sỹ tuyến đầu giới thiệu gặp O Thảo, một người phụ nữ Quảng Trị. Trà Giang sửng sốt trước vẻ đẹp kinh hồn của người con gái Quảng Trị. Giữa vùng bom đạn khốc liệt, có một người con gái, nước da trắng ngần, gương mặt phúc hậu. Từ người O Thảo tỏa ra sư kiên gan của đất, của sức sống con người trong lửa đạn. Nhưng vẫn giữ được vẻ dịu dàng của người con gái Việt Nam. Trà Giang được O Thảo kể về cuộc đời mình.

Từ cuộc đời O Thảo, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã hình thành kịch bản Bão tuyến. Sau  khi đọc, góp ý và bổ sung, đạo diễn Hải Ninh đề nghị đổi tên thành Vỹ tuyến 17 ngày và đêm. Và khi diễn vai Dịu, Trà Giang, ngoài tài năng thiên phú, còn thể hiện những nghị lực kiên cường trong O Thảo. Đó là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, sống trên quê hương đầy mùi thuốc súng, nhưng trong trái tim mình, cũng mang những vết thương riêng. Song, họ không khuất phục. Vẫn vươn lên, can trường chiến đấu, gìn giữ quê hương cũng như phẩm giá con người. Bộ phim đã mang cho Trà Giang giải thưởng cao quý tại LHP Matxcva năm 1973. Ngoài ra, bộ phim cũng giành giải của Hội đồng Hòa bình Thế giới. Sau này, Trà Giang cùng đoàn phim tìm về Quảng Trị, thăm O Thảo. Nhưng tiếc thay, người phụ nữ “đẹp nhất trong lòng chị” đã hy sinh.

Những lần đi thực tế như vậy đã  giúp Trà Giang hiểu nhân vật hơn, hiểu bối cảnh hơn. Vì vậy, xem chị nhập vai trên màn ảnh, khán giả cảm nhận được cả chiều sâu câu chuyện, chiều sâu bối cảnh và chiều sâu nhân vật. Và diễn viên -nhân vật như nam châm, thu hút mọi ánh nhìn của người xem. Tôi có cảm tưởng, hình như, với vai  nào, phong cách diễn xuất của Trà Giang  cũng hết sức sáng sủa, dễ dàng và tự do. Chị là ngôi sao của lòng nhân hậu và sự dũng cảm trong cuộc sống.

Sau này, chị còn đóng một số phim nữa như Ngày lễ thánh (1976), Huyền thoại về người mẹ (1987), Dòng sông hoa trắng (1989)… Tôi hỏi, chị chọn vai thế nào? Chị cho biết, đọc kịch bản, vai nào chị thấy hợp, thấy yêu mới nhận. Làm việc với nhiều đạo diễn với nhiều phong cách chỉ đạo diễn xuất khác nhau, song chị thích những đạo diễn sâu sát trường quay. Như đạo diễn Huy Vân, ông luôn luôn gây áp lực mỗi khi chị diễn. Đạo diễn Hải Ninh cũng luôn “như hình với bóng” cùng chị trên mỗi thước phim. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam lại khác. Ông thường để diễn viên tự do, thể hiện theo cảm nhận của họ. Chị sợ nhất các đạo diễn nào, thường xem chị diễn, rồi nói to: “Được rồi! Tốt rồi! Cắt” - nhưng khi xem bản nháp, chị thấy không hài lòng.

Tôi hỏi chị về những bạn diễn. Vì người diễn viên, muốn bật lên được, có nhiều yếu tố. Song không thể thiếu sự hợp tác của bạn diễn. Những vai Trà Giang đảm nhận đều ở vị trí “đối kháng” với bạn diễn. Vì phần lớn phim của nước ta tập trung vào đề tài chiến tranh. Nhưng Trà Giang rất ấn tượng với bạn diễn Lâm Tới. Cả hai cùng đóng trong  phim Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Chị khâm phục Lâm tới. Ngoài thể hiện chiều sâu nhân vật, sau mỗi câu thoại mà Lâm Tới diễn, người bạn diễn như chị còn cảm nhận được những gì sẽ xảy ra sau lời thoại.

Sang thập kỷ 1990, điện ảnh nước ta chuyển hẳn sang loại phim thị trường. Hàng trăm phim video, chủ yếu là phim thương mại, giải trí tung hoành. Các ca sỹ, người mẫu, hoa khôi, hoa hậu… thi nhau làm diễn viên. Những vai diễn nghiêm túc cho chị không còn nữa. Nhiều người thấy tiếc. Nhưng chị cảm thấy, mình dừng lại đúng lúc là tốt nhất.

Đ.T

(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 152, tháng 9.2020)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com