Phan Duy Nhân, soi xuống lòng ẩn hiện ánh trăng trong

clip_image001phan_duy_nhan

Nhà giáo, nhà thơ Phan Duy Nhân thời trẻ - ẢNH: TƯ LIỆU

 

Phan Duy Nhân, nhà giáo, nhà thơ, nguyên Quyền trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ, nguyên Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, cựu tù Côn Đảo, người gắn liền với phong trào yêu nước của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam trước 1975, đã ra đi tối 8.7 tại TP.HCM, hưởng thọ 77 tuổi.

Phan Duy Nhân (tên thật Phan Chánh Dinh, còn có tên gọi Nguyễn Chính) sinh ngày 6.10.1941, quê xã Triệu Ái (H.Triệu Phong, Quảng Trị). Viết báo, làm thơ ký tên Phan Duy Nhân, Dương Phù Sao, Thiết Sử… được xem là một trong những người mở đầu cho dòng thơ ca yêu nước, đấu tranh cho thống nhất nước nhà của tuổi trẻ các đô thị miền Nam trước 1975. Trước khi thoát ly, lên chiến khu (1966), Phan Duy Nhân đi dạy, học Văn khoa, Luật khoa Huế, tham gia Hội Liên hiệp Thanh niên - Sinh viên - Học sinh giải phóng và là hội viên Hội Văn nghệ Giải phóng Khu Trung - Trung bộ.

Ngày ấy, thế hệ chúng tôi nhìn ông đầy ngưỡng vọng. Đến bây giờ, có thể nhìn, Phan Duy Nhân là tổng hòa của những phiên bản: Dấn thân. Chấp nhận tù đày. Một tiếng thơ buồn về thân phận làm người. Một tiếng nói đầy khát vọng về tự do cho dân tộc. Một tiếng thét về bất công xã hội. Một tiếng lòng cho gia đình, bè bạn, người thân. Một âm vang lãng đãng hư huyền của thiền tịnh. Ông là tất cả những cung bậc ấy và ngần ấy cung bậc đều là tiếng nói thốt ra từ đáy lòng của ông.

Trước và cùng thời với ông, những trí thức của thập niên 1960 như Trần Văn Toàn, Lữ Phương, Nguyễn Văn Trung, Lê Văn Hảo, Trần Quang Long, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Văn... đều có lựa chọn hoặc con đường đầy gian lao, gai góc, chấp nhận mọi nguy hiểm hoặc đấu tranh bằng ngòi bút, tìm kiếm cuộc cách mạng xã hội bằng con đường không bạo lực. Hai con đường này, có lúc gặp nhau trên diễn đàn một tờ báo, một tạp chí, những cuộc hội thảo, song, lại có khi không gặp trong thực tiễn đời sống. Điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh xã hội miền Nam trước 1975.

Bạn thơ cùng thời của ông, hoạt động văn nghệ trên mảnh đất miền Trung, những Phan Trước Viên, Phan Nhự Thức, Đynh Hoàng Sa, Lữ Quỳnh, Thái Tú Hạp, Luân Hoán, Lê Vĩnh Thọ, Thành Tôn, Hà Nguyên Thạch..., ít ai có giọng thơ cay uất như ông. Triết học ông chọn là triết học nhập cuộc và xuống đường, nhập thế và nhập thế một cách quyết liệt:

Con đã ngấy những ngày thư viện đói

Nói khôi hài kinh kệ những ai xưa

Khi rách áo xem ra chiều thủ lợi

Không manh tâm thiên hạ cũng nghi ngờ…

Những bài thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa vào đầu những năm 1960, có âm hưởng chung là nỗi buồn về quê hương và nỗi đau nhân thế, trong sự giáp mặt giữa ước mơ và hiện thực. Cuối năm rời nhà trọ phản ánh cái nhìn của một người trẻ bị vây khốn bởi những “nỗi cơ hàn” vào những chiều cuối năm, giống như con ngựa, mỏi chân bon, qua “vuông cửa sổ”: Mưa chiều tượng mỏi im như Phật/ Từng giọt buồn rơi qua kẽ tay/ Trang sách vuông khăn vài vạt áo/ Vò lòng cúi mặt bước chân ra/ Chỉ cầu mưa nhỏ cho đôi chút/ Trời rộng xin đừng gió thổi qua...

Những bài thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa, trong tập thơ chưa xuất bản Ngậm ngải tìm trầm, có thể xem như dự cảm cho sự chuyển hướng trong sáng tạo nghệ thuật của Phan Duy Nhân:

Ta ngửng đầu, chưa bao giờ mỏi mệt

Hai mươi năm, hy vọng lớn theo đời!

Từ đây, có một Phan Duy Nhân viết những bài thơ có nội dung về đấu tranh, về đòi công lý, nhập cuộc.

Sau biến cố 1.11.1963, thời cuộc biến chuyển, thơ Phan Duy Nhân cũng đầy sục sôi, kêu gọi. Mùa hè năm 1964, tại xóm lao động Cầu Vồng, Đà Nẵng, Phan Duy Nhân viết Thư gửi các bạn sinh viên. Bài thơ được đăng ở nhiều tuyển tập sáng tác của sinh viên trước 1975, ký tên Thiết Sử. Việc chọn tên cho bài thơ và nhiều hình ảnh giằng xé, phẫn uất về hiện thực của quê hương:

Nỗi căm hờn sôi trong lòng tuổi trẻ

Trong mắt anh trong tiếng chị kêu gào

Trong vỗ tay cười trước nỗi thương đau

Ta bừng giận sóng xô trời biển dậy

Ta đã khát trăm năm rồi cổ cháy

Vì kêu la trên nỗi chết không rời

Những anh hùng tuổi trẻ Việt Nam ơi...

Có thể xem Thư gửi các bạn sinh viên là một trong những tiếng kèn xung trận đầu tiên của thơ ca đấu tranh, sau đó, nối tiếp là những Ngô Kha, Tần Hoài Dạ Vũ, Đông Trình, Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San, Võ Quê, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Thiên Trung... của miền Trung.

Năm 1966, Phan Duy Nhân thoát ly ra vùng giải phóng. Đầu xuân Mậu Thân (1968), Phan Duy Nhân vào lại nội thành, đóng quân trong chùa Pháp Lâm (chùa Tỉnh Hội), chỉ đạo biểu tình. Cũng tại ngã ba chùa này, Phan Duy Nhân bị bắn trọng thương ở chân… Sau đó, bị bắt và giam ở nhiều nhà ngục, từ Kho Đạn, Gia Long, Thanh Bình rồi Côn Đảo. Trong tù, Phan Duy Nhân vẫn giữ vững khí tiết, có những vần thơ lạc quan, như Thu Bồn ơi, màu xanh không bao giờ phai, Thư nhà.

Khi Phan Duy Nhân đang nằm trong nhà lao Côn Đảo, Phan Nhật Nam đã không ngần ngại để viết lên trang đầu cuốn sách Ải trần gian (1970), với lời đề tặng: “Tặng Phan Duy Nhân, kẻ hào kiệt”. Phan Duy Nhân là một biểu tượng tiêu biểu cho sự chọn đường của một thế hệ trí thức ở miền Nam trong những năm 1960.

Sau năm 1975, Phan Duy Nhân tiếp tục làm thơ. Trong nhiều bài thơ, lòng ông yêu tha thiết những nẻo đường của quê hương, đất nước. Những tên đất, tên làng của Quế Sơn, Tiên Phước, Ngũ Hành Sơn, Huế, Hà Nội, Hội An, An Giang, Ba Vì, Yên Tử, Cà Mau... sao rất đỗi thân thương đến thế! Vài thập niên gần đây, Phan Duy Nhân có một số bài thơ đậm chất thiền:

Đường về tâm hết động

Tuyệt chiêu mà vô chiêu!

Thôi hòa lòng với bụi

Thanh tịnh vầng trăng treo

(Hành thiền)

Ông đã hiểu khái niệm vô thường của nhà Phật. Trên con đường đi về phía hư vô, mọi cái chỉ là cát bụi, phù du, kể cả con người lịch sử của Phan Duy Nhân.

Phan Duy Nhân là một hiện tượng đa diện, cả văn chương lẫn cuộc đời. Bạn văn của Phan Duy Nhân, nhà thơ Đông Trình, nhận xét: Phan Duy Nhân là một con người tài hoa và quyết liệt. Năm 2015, với nhiều nỗ lực của bạn bè và gia đình, Phan Duy Nhân, Thơ và đời, NXB Đà Nẵng, in 2.000 bản, ra đời và được giới thiệu tại Huế, Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM.


Huỳnh Văn Hoa

(nguồn: Báo Thanh Niên số ra ngày Chủ nhật, 09/07/2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com