NHÀ BÁO, NHÀ VĂN KỲ TÀI NGUYỄN VĂN VĨNH

Array In Array

ong_co_Vinh_1

NHÀ BÁO, NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN VĨNH (1882-1936)

 

Lịch sử báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX phải ghi công đầu của Nguyễn Văn Vĩnh. Ông là người góp phần to lớn, tạo nên nền công nghiệp báo chí và xuất bản của nước ta, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu trực tiếp nền báo chí tiên tiến Pháp, qua chuyến đi dài ngày dự đấu xảo tại Marseille, năm 1906. Cũng trong giai đoạn này, Nguyễn Văn Vĩnh đã chính thức gia nhập vào Hội Nhân quyền Pháp (Ligue des Droits de L'homme). Nghi thức kết nạp ông, được thực hiện tại Paris.

Ông là con cả trong một gia đình nông dân nghèo, sinh ngày 15/6/1882 tại làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.

Năm qua (2016) kỷ niệm 80 năm ngày mất (1936 - 2016) và 2017 (1882 - 2017) kỷ niệm 135 năm ngày sinh Nguyễn Văn Vĩnh, một người có công lón đối với làng văn, làng báo Việt Nam. Ông là người có trái tim yêu nước nồng nàn, có tấm lòng sắt son đối với tiếng nói dân tộc, có hoài bão thiết tha về dung hợp hai nền văn minh đông tây. Ông như một cây thông thẳng đứng, ngang giữa trời, bất chấp bão giông, một tài năng bị người đời nghi vấn và một cái chết ngất trời bi tráng trên con thuyền độc mộc giữa dòng Sê-băng-hiên, một nhánh của sông Tchépon, Lào, vào ngày 1-5-1936.

Nguyễn Văn Vĩnh, khi mất, được báo giới đánh giá: Ông tổ của Nghề báo. Từ Huế, gửi đến đám tang Nguyễn Văn Vĩnh, Điếu văn của Cụ Phan Bội Châu:    

"Mây hạc sẽ về đâu, ôi bạn ta ngọc báu của năm châu, kim khánh chửa từng đeo, há có như núi vàng mà cướp người tài mang đi mất.

Sóng biển còn như cũ, nhớ lão phu duyên trước đã mười năm, tiếng xe còn chung vẳng, biết bao giờ gặp lại để cùng trẻ tạo cuộc rong chơi.”

 

1. Nguyễn Văn Vĩnh, nhà báo đa tài, xuất chúng

Có lẽ rằng, cho đến nay, ít có người Việt Nam nào làm chủ báo, quản lý và viết bài nhiều, sâu sắc các lĩnh vực như Nguyễn Văn Vĩnh. Vũ Bằng viết: "Thú thực cho đến bây giờ, tôi sợ nhiều người giỏi, nhưng chưa sợ như sợ cái tài viết báo của ông. Đem so sánh, tôi vẫn nghiêng về Nguyễn Văn Vĩnh nhiều hơn và cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy ai viết báo, viết văn nhiều loại khác nhau một  cách nghĩa lý và tài tình như ông Vĩnh. Ông viết đủ mọi thứ, dịch đủ các loại, viết tin, viết xã luận, khảo cứu, phóng sự.” (Vũ Bằng, Mười chín chân dung nhà văn cùng thời, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, trang 263, 264).

Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt đầu tiên sáng lập ra tuần báo L'Annam Nouveau. Đây là tuần báo đầu tiên của người Việt miền Bắc viết bằng tiếng Pháp. Trước đó, ở Bắc đã có vài tờ báo Pháp nhưng do người Pháp chủ trương: Argus, Avenir du Tonkin, Courier de Haiphong.

Nguyễn Văn Vĩnh từng làm chủ báo, chủ bút nhiều tờ báo: 1907 - Đăng cổ tùng báo - Tiếng nói của Đông Kinh nghĩa thục, 1908 - Notre Journal (tiếng Pháp), 1910 - Notre Revue (tiếng Pháp), 1913 - Đông dương Tạp chí - Tờ báo đầu tiên ở Bắc kỳ quy tụ được hầu hết các chí sỹ cùng thời nổi danh nhất Bắc và Trung kỳ trong Ban Biên tập), 1917 - Trung Bắc Tân văn (Nhật báo đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam), 1919 Trung Bắc Chủ Nhật, Học Báo, 1931 -  L’Annam Nouveau – Nước Nam mới (Tiếng Pháp) - Tờ báo được giải thưởng Grand Prix tại Paris 1932. Trên những tờ báo này, Nguyễn Văn Vĩnh đã công bố hàng nghìn bài báo đủ các thể loại.


2. Nguyễn Văn Vĩnh, dịch giả tài năng

Có thể nói, những năm hai mươi của thế kỷ XX, Nguyễn Văn Vĩnh nổi lên như một dịch gỉa xuất chúng. Ông dịch nhiều tác phẩm có giá trị của nền văn học Pháp, giới thiệu cho độc giả Việt Nam, góp phần xây dựng nên một lớp độc giả thành thị, làm cho tiếng Việt được hiện đại hóa, gần với nền văn minh nhân loại. Giá như ngày ấy không có những tác phẩm dịch, như Nguyễn Văn Vĩnh đã làm, tiếng Việt quốc ngữ sẽ như thế nào! Ông là người đã thổi hồn nước vào tiếng nói dân tộc, chuyển tải những nội dung mới mẻ của thơ ca, triết học, văn chương Pháp, Nga, Trung Quốc vào Việt Nam, chuẩn bị cho sự ra đời của trào lưu thơ mới, của văn học hiện thực. Hàng chục năm trời, Nguyễn Văn Vĩnh, như con ong, kiên trì xây tổ cho ngôn ngữ và văn học Việt.

Năm 1909, Nguyễn Văn Vĩnh cùng Phan Kế Bính (1875-1921) dịch trọn bộ Tam quốc chí diễn nghĩa từ Hán văn ra Quốc ngữ. Ông là người hiệu đính và viết lời tựa. Trong lời tựa, Nguyễn Văn Vĩnh lần đầu tiên đã xác định vững vàng: Nước Nam ta sau này hay dở, cũng ở chữ Quốc ngữ.

Từ số 15 của Đông Dương tạp chí (1913), trong mục Giáo dưỡng đạo lý, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch từ Pháp văn ra Việt văn những  bài viết của các nhà tư tưởng Châu Âu như: Jean Jacques Rousseau (1712-1778), Blaise Pascal (1623-1662), Francois Rabelais (1494-1553) .

Những năm hai mươi của thế kỷ XX, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch: Ba chàng ngự lâm pháo thủ của A.Dumas (1802-1870), Telemaque phiêu lưu ký của Fenelon (1651-1715). Các vở hài kịch của Molière (1622-1673). Thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine (1621-1695),  Manon Lescaut (Mai nương Lệ cốt) của Abbé Prevots, Những kẻ khốn nạn của V.Hugo (1802-1885), Miếng da lừa của H. De Balzac (1799-1850). Truyện trẻ con của Charles Perrault (1628-1703). Chuyện các bậc danh nhân Hy Lạp và La Mã - Les vies parallèles des hommes illustres de la Grèce et Rome của Plutarque, Gulivê du ký - Les voyages de Gulliver của Jonathan Swift (1667-1745) .

Nguyễn Văn Vĩnh còn dịch Thư Trước tác hậu bổ của Phan Châu Trinh gửi Toàn quyền Đông dương - Lettre de Phan Chu Trinh au gouverneur général en 1906, ngày 15 tháng 9 năm Thành Thái thứ 18 (1906) từ Hán văn ra Pháp văn.

Các tác phẩm dịch như đã nêu trên, đều là những tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam. Một số được xuất bản theo phương thức in nhiều kỳ trên những tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút, một số được xuất bản ngay thành sách bán ra thị trường.

Có thể khẳng định, một đóng góp không thể phủ nhận của Nguyễn Văn Vĩnh trong lĩnh vực dịch thuật, đó là, chứng minh cho khả năng tuyệt vời của tiếng Việt trong chuyển tải những tinh hoa tri thức của văn hóa, triết học thế giới, phá bỏ quan niệm cho rằng chỉ có tiếng Hán mới làm được điều này, như số người đương thời từng phát biểu.


3. Nguyễn Văn Vĩnh, nhà báo có nhiều cái nhất

Nguyễn Văn Vĩnh là người đầu tiên dịch ra tiếng Pháp bài Hiện trạng vấn đề của Phan Châu Trinh và cho đăng trên tờ Pionnier Indochinois (Người tiên phong Đông Dương) ở chuyên mục Tư tưởng người An Nam. Trên Tiếng Dân, số 613, ngày 9-8-1933, Huỳnh Thúc Kháng thuật lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đánh giá bài Hiện trạng vấn đề, năm 1907 là: "Một bài luận thời cuộc rất xuất sắc trong báo giới ta trước 25 năm nay".

 Trong bài báo đó, Phan Châu Trinh kết luận: "Vậy xin có lời chính cáo người nước ta rằng: "Không bạo động, bạo động thì tất chết. Không trông cậy người ngoài, trông cậy người ngoài thì tất ngu". "Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý tặng cho đồng bào là "Chi bằng học". (Xem Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, Chương Thâu-Phạm Ngô Minh, Sưu tầm và biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 388, 389, 390).

Năm 1908, năm nổ ra phong trào kháng thuế ở Trung Kỳ. Lúc bấy giờ, Phan Châu Trinh hoạt động ở Bắc. Chính quyền Pháp vu tội cho Phan Châu Trinh chủ mưu và bắt, giải về Huế. Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam duy nhất đứng ra ký đơn gửi Toàn quyền Đông Dương (Haut-commissaire de France en Indochine) đòi thả Phan Châu Trinh, cho Phan Châu Trinh vô tội. Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người bảo lãnh cho Phan Kế Bính thoát án tử hình do tham gia Đông Kinh nghĩa thục.

Năm 1918, Nguyễn Văn Vĩnh từ chối nhận Kim khánh của Triều đình Huế.Sau này, khi mất, Cụ Phan Bội Châu có đưa chi tiết này vào trong lời điếu Nguyễn Văn Vĩnh.

Năm 1920, Nguyễn Văn Vinh là người đầu tiên vừa là đạo diễn, dàn dựng, vừa là thủ vai nhân vật trong các vở hài kịch của Molière, do ông dịch sang tiếng Việt, diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội.

Năm 1924, Nguyễn Văn Vĩnh là người đầu tiên thực hiện việc sản xuất phim điện ảnh (cinématographie) với tác phẩm Kim Vân Kiều (phim câm).

Cho tới nay, đã có 11 bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp. Các bản dịch phần lớn đều do người Pháp chuyển ngữ. Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên dịch Kim Vân Kiều sang tiếng Pháp. Sau này, có thêm các dịch giả người Việt như Nguyễn Khắc Viện, Lê Cao Phan, Lưu Hoài.

 

4. Nguyễn Văn Vĩnh, một nhân cách cao cả

Nguyễn Văn Vĩnh tha thiết với văn hóa Việt.Ông nhận ra khá sớm vấn đề dân trí.Vì vậy, không lạ gì ông thân thiết, gắn bó với Phan Châu Trinh, nhất là thời kỳ hoạt động Đông Kinh nghĩa thục. Ông tham gia Hội Khai Trí Tiến Đức, cùng biên soạn Việt Nam tự điển do nhà in Trung Bắc tân văn xuất bản năm 1931. Ban soạn thảo gồm các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục và Đỗ Thận.

Ông là người sớm in các tác phẩm ra tiếng quốc ngữ, chẳng hạn Quan Âm Thị Kính, Cung oán ngâm khúc.

Năm 1930, Nguyễn Văn Vĩnh từ chối nhận Bắc đẩu Bội tinh của Chính phủ Pháp. Đặc biệt, vào năm 1932, dự họp Đại hội đồng Kinh tế Tài chính Đông Dương tại Sài Gòn, ông đã thay mặt các doanh nhân, kịch liệt phản đối về việc người Pháp, do muốn lợi ích cho ngân hàng Pháp, đã chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị, làm hại cho nền kinh tế Đông Dương.

Vì nhiều lẽ, nhà đương quyền Pháp buộc ông phải chấp nhận 3 điều kiện sau:

- Chấm dứt việc đả phá Triều đình Huế và quan Thượng thư Phạm Quỳnh.

- Đồng ý vào Huế làm thượng thư.

- Dừng toàn bộ việc viết báo.

Năm 1935, chính quyền đổi ba điều kiện nêu trên còn tệ hại hơn. Đó là: Chấm dứt toàn bộ việc viết báo - Chấp nhận đi tù (dù chỉ một ngày) - Sang Lào tìm vàng để trả nợ. Ông chấp nhận điều thứ ba, và cuối cùng chết trên dòng Tchépon, Lào.

Nhà văn Vũ Bằng thuật lại rằng: “…Tôi nhớ lại lúc ông Nguyễn Văn Vĩnh sắp lên đường sang Lào để tìm vàng, công nợ ngập đầu, mà cứ cố sống cố chết bám vào tờ “Trung Bắc”, “Học báo” và “L’Annam Nouveau” để viết. Toàn quyền Pasquier, một hôm, gặp Nguyễn Bá Trác (lúc ấy vừa ở Nhật về), hỏi theo ý Trác thì nhà Cách mạng Việt Nam nào nguy hiểm nhất. Trác trả lời: “Nguyễn Văn Vĩnh”. Toàn quyền Pasquier nhờ Sở Mật thám điều tra xem ông Vĩnh còn nợ Ngân hàng và tư nhân chừng bao nhiêu tiền. Số nợ ấy, so với lúc ấy, thật lớn: từ 6 đến 80.000  đồng. Toàn quyền Pasquier nhờ một người thân tín của ông Vĩnh bắn tiếng đến tai ông: nếu ông Vĩnh bằng lòng ngưng công kích Bảo Đại và bút chiến với Phạm Quỳnh, gấp đôi số nợ ấy cũng sẽ được trang trải êm ấm mà không cần phải bận tâm gì hết”.  (Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo, NXB Văn hóa-Thông tin,  Hà Nội, 2001, trang 261- 262)

Năm 1970, bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình, Vũ Bằng có bài viết thật cảm động: Tưởng nhớ một bậc thầy: Quan Thành Nguyễn Văn Vĩnh, đăng trên Tạp chí Văn học, số 111, Sài Gòn, ngày 1-9-1970. Có chỗ đánh giá:

- Văn của Nguyễn Văn Vĩnh viết, với cách trình bày, bố cục từ năm 1906 không khác gì văn ta viết năm 1970.

- Tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh về văn minh, tiến bộ không khác gì tư tưởng của những người có học và suy tưởng năm 1970.
*
Có thể nói, Nguyễn Văn Vinh là tấm gương sáng của người làm báo, trung thực, thẳng thắn, hết lòng vì đất nước. Ông để lại một sự nghiệp đồ sộ, song, chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ.

Đà Nẵng, tháng 12 - 2016

HUỲNH VĂN HOA

(Nguồn: Tạp chí Người làm báo Đà Nẵng, số Xuân Đinh Dậu - 2017)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà