LÊ HƯNG VKD: CẬU CHIÊU BẢY - HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG (1720-1791)


hai_-_thuong-_lan-_ong_1

 

Tôi uống nước sắc "nấm lim- ganoderma lucidum karst" từ năm vào tuổi "đáo tuế = 61 tuổi mụ" (kỷ mão 1939- 1969), cho đến bây giờ (ngưỡng U.80 rồi), lúc này thiên hạ gọi tên nấm lim (vì tai nấm rất cứng) văn vẻ hơn, nào là Linh Chi, là nấm lim xanh, là lục bảo linh chi, là trường sinh nhĩ....; nguyên do vì tôi mê thơ ca cổ là chính (và chút ít tin vào đúc kết nghiệm sinh của các dược sĩ tiền bối, về tính dược quí hiếm của nấm linh chi...) qua bài thơ 4 câu 7 chữ của " ông già lười đất Thượng Hồng" xứ Đàng Ngoài thế kỷ 18 nuớc ta xưa:

XUÂN NHẬT ĐĂNG SƠN THÁI DƯỢC

(Ngày xuân leo núi tìm thuốc quí)

Vu hồi thạch kính đạt sơn phi,

Lạc tuyết tàn hoa tẩm đạo y...

Phất khứ hoang vân đăng tuyệt hiến,

Phượng hoàng sào hạ mịch...linh chi !

(Hải Thượng Lãn Ông)

Tôi lại nhớ một bài thơ khác, triết lý hơn, nghiệm sinh hơn, thú vị hơn:

- tôi tìm tới dòng sông thơ Lãn Ông

để tắm gội, để rũ sạch,

để được thanh thoát an lành

để được hát như thở

như đọc kinh cầu

như luyện nội công

Ôi dòng sông huyền nhiệm !

Ôi dòng thơ Lãn Ông !

(cố bs.Trương Thìn tặng lhvkd năm 2000)

1/ Bốn nhân cách đẹp hội tụ trong một con người:

Khi còn sinh thời, bs.Truơng Thìn thuờng tặng tôi nhiều nghệ thuật phẩm (sách có, tranh vẽ có, thơ phối nhạc- nhạc phối thơ có...) do anh sáng tác, vì anh và tôi (chỉ là một thầy giáo thời đất nước bị chia đôi và là thầy thuốc thời đất nuớc thống nhất, cũng ít nhiều giống như anh Trương Thìn) đồng cảm nhận, đồng chia sẻ về "nghiệm lý sống thực tiễn" của bậc đại danh y Lê Hữu Trác (1720-1791) - Một kẻ sĩ (lettré cultivé) sáng chói 4 nhân cách đẹp hiếm hoi:

- bậc y nhân

- bậc hiền nhân

- bậc nghệ nhân

- bậc triết nhân...

2/ Mẫu y nhân " tinh y tri đức":

Trong "Lĩnh Nam bản thảo" , cụ lang LÊ HỮU TRÁC (lúc thiếu thời có quí danh "cậu chiêu bảy; lúc về già có biệt danh Hải Thượng Lãn Ông-HTLÔ) đã đi thực địa nhiều nơi, và đã đúc kết tài nguyên dược liệu làm thuốc chữa bệnh:

- thuốc thang sẵn có khắp nơi...

Trong vườn ngoài ruộng trên đồi dưới sông,

Hàng ngàn thảo -mộc- thú- trùng...

Thiếu gì thuốc " bổ" thuốc " công" quanh mình !

(tạm giải thích: thuốc bổ sung # thực phẩm chức năng; thuốc công # thuốc trực tiếp chữa bệnh)

Trước tác quan trọng về y học của HTLÔ là bộ sách "Hải Thuợng y tôn tâm lĩnh", được tác giả biên soạn công phu 66 chuyên đề, gồm 28 tập trong quá trình hơn 30 năm (từ 1748-1790),  như sau:

- y lý 8 tập

- bệnh học 8 tập

- bào chế 5 tập

- duợc học 2 tập

- kinh nghiệm lâm sàng 2 tập

- nhiếp sinh 2 tập

- học thuật 1 tập

Ngoài ra, cụ HTLÔ còn để lại cho đời sau các tác phẩm y học khác: Lĩnh Nam bản thảo (bổ sung 140 bài thuốc dân gian mới, nhắc lại 722 bài thuốc " Nam duợc trị nam nhân" của thiền sư Tuệ Tĩnh đời nhà Trần tk.14); Hành giản trân nhu ( chữa 125 bệnh chứng chỉ bằng nguồn duợc liệu trong nuớc); Duợc phẩm vận yếu ( khuyến khích sử dụng 150 cây thuốc nam, để chữa bệnh theo thời tiết 4 mùa của xứ Đàng Ngoài thời vua Lê-chúa Trịnh tk.18); Vệ sinh yếu quyết diễn ca...

Chính vì sự nghiệp Y TINH ĐỨC TRỌNG này, mà ngày 11-12-1970 tại HàNội: tổ chức UNESCO đã tuyên duơng:

- HTLÔ vừa là nhà lý luận về y học phương đông châu Á, vừa là nhà y học thực tiễn của nuớc Việt Nam !

đồng thời tổ chức LHQ này đã bổ sung thêm tên cụ HTLÔ/ VN vào danh sách UNESCO "kỷ niệm ngày sinh" các bậc danh nhân trên thế giới.

3/ Bậc hiền nhân " đức trọng quỉ thần kinh":

Hơn 40 năm cuối đời, cụ HTLÔ "hành đạo y" thật mẫu mực của bậc túc nho truyền thống :

NHÂN – MINH - ĐỨC – TRÍ – THÀNH - LƯỢNG – KHIÊM - CẦN

(8 điều tự răn mình cần phải làm: thương yêu người, luôn sáng suốt, chỉ làm điều lành, nâng cao hiểu biết, thực lòng đối xử, khoan dung rộng mở, nhún nhường nhã nhặn,chăm chỉ siêng năng); đồng thời " cụ LƯỜI xứ Hải Thượng" Lê Hữu Trác cũng luôn nhắc nhở môn sinh hậu bối 8 điều cần tránh xa khi làm nghề thuốc:

- lười biếng, tham lam, lừa đảo, hẹp hòi, độc ác, bủn xỉn, vô cảm, dốt nát...(trong" y huấn cách ngôn" và ở rải rác khuyến cáo nhẹ nhàng trong các tác phẩm của HTLÔ)
Nói văn vẻ hơn:

- Y đạo năng cùng lý,

Vong cơ khả định thiền !

(HTLÔ)

(tạm diễn ý: làm nghề thuốc chữa bệnh, là dấn thân đi tu giữa cuộc đời)

4/ Bậc nghệ nhân" tài hoa & hiện thực phê phán" khách quan:

Bây giờ đa phần bà con nước ta đều biết cụ HTLÔ là đại danh y đúng chuẩn cao đẹp " lương y như từ mẫu" (# thầy thuốc có đủ 4 đức tính như người mẹ hiền: tốt – lành – khéo - giỏi), nhưng lại ít biết cụ HTLÔ còn là nhà thơ tài hoa rất ư lãng mạn:

Bài thơ NGỘ CỐ NHÂN là điển hình:

Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa

Kim nhật tương khan khổ tự ta

Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ

Song mầu xuân tận hiện hình hoa

Thử sinh nguyện tác can huynh muội

Tái thế ưng đồ tốn thất gia

Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã

Túng nhiên như thử nại chi hà...

(HTLÔ)

Cố bs.Trương Thìn đã phỏng dịch như sau:

Vô tâm làm phiền lụy

nhìn nhau thầm thở than

nụ cười giọt lệ tình

mắt xuân hoa tàn phai

nguyện anh em kiếp này

kiếp sau làm chồng vợ

ta không bao giờ phụ

thôi đành vậy người ơi....
(Y đạo ca-nxb.Văn Nghệ tp.HCM 2000)

Thơ Hải Thượng Lãn Ông - Lê Minh Quốc dịch:

Hại người cũng bởi vô tâm

Nay nhìn nhau chỉ âm thầm thở than

Nụ cười, giọt lệ chứa chan

Mùa xuân trong mắt đã tàn bóng đêm

Kiếp này kết nghĩa anh em

Kiếp sau xin được đẹp duyên vợ chồng

và rất nhiều bài thơ trong 2 thi phẩm "Châu ngọc cách ngôn", " Y lý thâu nhàn"...

Về văn, cụ HTLÔ còn viết cuốn "Thượng kinh ký sự"; tháng 7 âl và tháng 9 âl năm 1782 chúa Trịnh Sâm vời thầy thuốc Lê Hữu Trác (đang hành nghề thuốc ở Hà Tĩnh) hai lần ra kinh đô Thăng Long, giúp chữa bệnh cho ấu chúa Trịnh Cán (con bà Đặng thị Huệ, tục gọi là bà chúa Chè, rất được chúa Trịnh Sâm sủng ái) bị bệnh...còi cọc (= suy dinh dưỡng).Thời gian lưu trú ở chốn kinh kỳ phồn hoa, HTLÔ đã " tai nghe mắt thấy" cảnh sống chênh lệch, bất công:

- Kẻ thì gác tía xướng ca,

Người thì đói rách kêu la khắp đường...

Bệnh tật/dân nghèo lại có khắp nơi, khiến HTLÔ bừng cảm hơn:

- Thử tịch tân cần vong sở khổ,

Tế nhân chi cấp nhiệm gian nan...

(tạm diễn ý: phải quên đi mọi nhọc nhằn, nhiệm vụ cần làm ngay là cứu chữa người bệnh...)

- Cầm tôn tư nhất lạc,

Tranh nại vi nhân ưu !

(nghĩa: tuy tìm vui bằng đàn - rượu, nhưng ngại vì người bệnh đang mong đợi)

- Chỉ vị tư nhân cấp,

Thử xứ đương cần tôn...

(nghĩa:lo đi cấp cứu người, nên gác lại vui đàn-sáo...)

Các nội hàm trong "thượng kinh ký sự" phản ánh thêm rằng: HTLÔ là nhà văn "hiện thực phê phán" tk.18 của dân tộc ta !

5/ Bậc minh triết sống "hài hòa tam giáo Nho - Lão - P hật":

Qua tập thơ "Y lý thâu nhàn", thầy thuốc HTLÔ đã cho người đương thời (hậu bán tk.18, đất nuớc cực kỳ nhiễu nhương, tranh bá đồ vuơng hai họ Trịnh-Nguyễn, Tây Sơn khởi nghiệp...) biết quan niệm sống "minh triết bảo thân" của mình:

- Công danh trước mắt trôi như nước,

Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương...

- Lão hỉ hư danh vô sở trụ

Bế môn thâm thụy nhật tam can

(ý tuởng vô vi lão giáo: tuổi già sống không vướng bận hư danh, đóng cửa để có giấc ngủ say...)

Những ngày lên kinh đô chữa bệnh cho ấu chúa Trịnh Cán, lúc rảnh rỗi, HTLÔ thường dành đi vãn cảnh nhiều chùa:

- Y gia nhàn xứ tự thiền gia

Thâm tọa đan phòng thích lạc hoa

Bất thị chung thanh thôi vạn niệm

Thanh tâm duỡng chính khả khu tà...

(HTLÔ-Y thiền ca : Nhàn hứng)

(nghĩa: thầy thuốc ví như tu sĩ, dù ngồi trong phòng thuốc, vẫn quí cảnh hoa rơi, dù không gõ chuông tụng niệm, chỉ biết giữ lòng trong lành để xua đuổi  điều sai quấy...)

Tư tưởng của HTLÔ rõ ràng là " cô đặc hài hòa" 3 nhân sinh quan: tinh thần trách nhiệm của đạo nho+ tư duy vô vi huởng nhàn của đạo lão+ và ý tuởng vuợt thoát trần tục của đạo Phật:

- Y đạo năng cùng lý

Vong ky khả định thiền...
(HTLÔ- Đề Bồng Lai tự)

(nghĩa: tận tụy vai trò người thầy thuốc, chính là rũ bỏ hết mọi ràng buộc, sống thảnh thơi như tu sĩ Phật giáo)

THAY LỜI KẾT

Người viết xin mượn ý cao đẹp từ cặp câu đối:

- Y dược minh tinh, phát xuất Nam thiên tú khí,

- Nhân văn cự phách, trường lưu Việt quốc anh tài !

mà thế hệ cháu con bây giờ thường nhẩm đọc, mỗi khi chúng ta tham dự lễ GIỖ HẢI THUỢNG LÃN ÔNG (rằm tháng giêng âm lịch hàng năm)

Tiết Lập Xuân 2017
LHVKD

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com