CHỊ ĐẸP: VỀ QUÊ ĂN TẾT

 

CHIDEP-VE-QUE-AN-TET

 

Thông tin liên quan đến nhà văn CHỊ ĐẸP Lê Phương Thảo:

Chị Đẹp Lê Phương Thảo - Người đàn bà giao thoa giữa hai nền văn hóa

Nhà văn Lê Phương Thảo, Việt kiều Mỹ: Nhu cầu giữ gìn bản sắc

Nhà thiết kế thời trang Chị Đẹp Lê Phương Thảo: Hàng hiệu không tạo nên chất lượng sống

Chị Đẹp Lê Phương Thảo: Ăn, cầu nguyện, yêu

Chị Đẹp đã phát hành Sài Gòn mùa trứng rụng

Sắp phát hành SÓNG ĐƯA NƯỚC

Đã phát hành SÓNG ĐƯA NƯỚC

Chị Đẹp ra mắt sách SÓNG ĐƯA NƯỚC

Vài hình ảnh ra mắt sách SÓNG ĐƯA NƯỚC

http://www.bloggazin.com/News.aspx?itemid=736

Tập sách VE VÃN SÀI GÒN của Chị Đẹp đã phát hành

Vài hình ảnh ra mắt tập sách VE VÃN SÀI GÒN

Tập sách SÀI GÒN MÙA TRỨNG RỤNG của Chị Đẹp đã phát hành

Vài hình ảnh ra mắt sách SÀI CÒN MÙA TRỨNG RỤNG

Mua SÀI GÒN MÙA TRỨNG RỤNG được tặng cà phê

Nơi lý tưởng vừa uống trà, cà phê vừa ngắm cảnh trung tâm Sài Gòn, và đọc SÀI GÒN MÙA TRỨNG RỤNG của Chị Đẹp

Mua SÀI GÒN MÙA TRỨNG TRỤNG tại Hà Nội

LÊ MINH QUỐC viết Tựa SÀI GÒN MÙA TRỨNG RỤNG



 

Mùa lễ hội bên này năm nào cũng rộn ràng, bạn bè gọi nhau chúc mừng lễ vui vẻ bình yên, những tấm thiệp in chữ “ Happy Holidays “ viết thêm vài dòng chúc tụng được gửi đi, đôi khi kèm thêm một đoạn ngắn hỏi “ Năm nay có về quê ăn Tết không?”

Cô bạn ở Cali chưa gì đã thấy chụp hình check in ở Saigon. Hỏi bạn sao về sớm vậy, bạn cười nói Ừ nhớ Má quá, nhớ nhà nhớ Tết quá. Hai bà bạn già của Má cũng rục rịch hẹn nhau ở Saigon. Bảo già rồi, mai mốt không đi xa được nữa, năm nay phải lo về thăm quê.

Buổi chiều lập đông, ra vườn sau rãi nhúm cơm khô cho bầy chim sẻ, bọn nó đậu trên cây Môc Lan đã rụng hết lá trơ cành, nhưng vẫn lú nhú đầy nụ non ở đọt ngọn, mỗi khi thấy thức ăn lại ríu rít sà xuống mổ vội vàng hạt cơm rồi bay núp lại trên cây. Chừng 2 tuần nữa thôi là bầy chim sẽ biến mất, có lẽ bay về phía nam để trú đông. Trốn cái lạnh của miền Đông Bắc này.

Tự dưng nhớ nhà một cách nhói lòng. Mà nhà gì nữa, cả gia đình ở bên đây đã mấy mươi năm. Vậy đó mà cứ gần đến Tết cái buồn xa xứ lại trội lên  vô cùng lạc lỏng giữa mùa lễ hội miên man ở đây. Nhớ quê nhà, nhớ Tết.


1.

Hỏi Má nhớ gì nhất mùa Tết. Bà cười le lưỡi, trời ơi, nhớ Tết mệt chết luôn. Trước Tết là lo cắt hành ngâm kiệu, xăm mứt, và ngâm đủ loại thịt thà củ quả. Nhà lúc nào cũng rộn ràng tiếng thớt tiếng dao, tiếng xì xào cười nói. Bà con và hàng xóm thích tụ lại 1 nhà, mỗi người làm một việc, từ sáng đến tối suốt cả tuần.  Những ngày cuối năm mùi thơm của thịt mỡ lẫn vào trong sớ nếp của bánh chưng bánh tét vừa chín tới bay khắp xóm, ai cũng có chút nôn nao ngóng chờ. Đêm 30 vắng ngắt, cái im lặng dầy đặc của giờ khắc cuối năm đầy hương trầm khói toả, hương hoa cúc hoa mai quyện vào nhau, vừa thiêng liêng vừa gần gũi, có tiếng nhạc văng vẳng đâu đây, những lời hát mừng xuân.

“Nhưng thích nhất là đi sắm Tết. Ở bên này tuần nào cũng shopping nên thấy bình thường, chứ ngày trước ở bên nhà, ai cũng thích sắm Tết. Cứ sắp Tết là mua vải vóc, may quần áo mới, để cả năm mới mẻ. Trong nhà phải đầy đủ thức ăn, để cả năm dư thừa. Nợ nần phải thanh toán trước cuối năm, để sang năm mới, đời sống vật chất sung túc không thiếu hụt. Người ta làm cả năm, chỉ dể sắm một mùa Tết”.

Mà những ngày giáp Tết, ai cũng tự nhiên nhẹ nhàng rộng rãi hơn, bao dung hơn, vị tha hơn. Chắc tại người mình duy tâm. Ai cũng muốn vứt bỏ những gồng gánh phiền muộn bực bội ở lại trong năm cũ. Ai cũng trông chờ những điều khác lạ vui vẻ hạnh phúc hơn trong năm mới. Tết Má may nhiều áo dài, chọn toàn những màu sáng, những hoa văn tươi tắn rực rỡ. Hàng lụa mềm dịu mát bàn tay. Thích nhất là nằm áp mặt vào tà áo dài êm ả đó, cả tuổi thơ dấu vào trong áo và bung đầy trong gió.

Hỏi Ba, Ba nói mấy ngày Tết là mấy ngày hạnh phúc nhất, vì Má không bao giờ cằn nhằn Ba. Sợ xui cả năm. Sợ phải nhăn nhó cả năm. Mà đúng là thế. Mấy anh em trong nhà bảo nhau, cứ Tết là tha hồ ăn, không phải ngủ trưa, được chơi bời cùng chúng bạn đến mệt nhoài cũng không bi la bị mắng. Cây roi trong nhà được dấu đâu mất tiêu, không đứa nào bị đòn những ngày này. Gặp người lớn cứ khoanh tay cúi đầu chúc Tết là được phong bao lì xì. Quần áo mới đủ 3 bộ mặc ba ngày Tết. Mỗi đứa ôm 1 con heo đất sơn màu đỏ, có vẽ hoa vẽ chữ trên lưng. Tiền lì xì nhét hết thảy vào trong đấy, lúc rảnh rỗi lại lấy que khều cho tiền rớt hết ra, đếm lại, rồi lại nhét vào lưng heo đất. Nhớ những buổi trưa mấy ngày Tết, đường sá vắng tênh, cả đám con nít ngồi trước nhà chơi bầu cua, người lớn cắn hạt dưa, ăn mứt, nghe nhạc, cứ như cả xã hội ngừng lại, trái đất ngừng quay, công việc biến mất.

Lúc nhỏ, không khí những ngày Tết tưởng tượng ra giống như thiên đàng, chỉ có niềm vui và no đủ.

 

2.

Năm đầu tiên di dân qua đây là trước Tết 1 tháng. Nguyên cả tháng đầu, đêm nào ngủ cũng nằm mơ thấy về Saigon, mà lần nào cũng vậy, về gần đến nhà là bị tỉnh dậy, ngơ ngẫn, khóc ướt gối. Cái Tết đầu tiên ở đây thấy mặt rầu rỉ, Má hỏi có chuyện gì, nói trời ơi con thèm cải cúc quá, không có cải cúc làm sao ăn Tết.

Tại nhớ nồi thịt kho măng. Măng khô lưỡi lợn ngâm cả tuần, cắt từng miếng dài độ 2 lóng tay, ngày nào cũng xả bỏ nước cũ, ngâm nước mới, đến khi măng mềm, nước không còn hắc, màu đã vàng nhạt đi, là bắc nồi nước sôi luộc măng, cũng luộc mấy nước cho thật sạch. Sau đấy là kho chung với thịt ba rọi đã ướp hành, nước mắm, hạt tiêu, ớt bột, đường vàng. Kho riu riu suốt ngày như thế, đến khi măng mềm thì thịt cũng gần rục. Nước trong thơm lừng. Múc ra đĩa sâu lòng. Thêm 1 đĩa rau cải cúc, nhúm rau thơm, bánh tráng, làm chén nước mắm chua ngọt. Bánh tráng cuốn măng, thịt và rau, ghém thêm nhúm củ kiệu, tôm khô, chấm với nước mắm, ăn quên no. Tết nào Má cũng làm 1 nồi măng kho thịt  thật ngon như vậy. Cải cúc rửa sạch để ráo trong 1 rổ to. Mùi thơm ngai ngái, thơm trong trẻo sạch sẽ. Không có cải cúc, không còn mùi thơm trong trẻo đấy nữa. Cũng là đâu còn Tết.

Tết năm sau, Má dẫn ra chợ Tàu bên DC. Tròn mắt mừng muốn khóc, họ sắp những bó rau tươi đầy trên sạp, cải cúc lá mập ú, khoẻ mạnh, cọng to, giòn rụm. Ngắt 1 lá ngửi, nói với Má, không thơm như cải cúc bên nhà Má ơi. Má vỗ đầu, nhưng có là hên lắm rồi con. Có còn hơn không. Tết năm đó, làm chén nước mắm thiệt ngon, ớt trái bằm nhỏ, tỏi bằm nhuyễn, chanh bào lấy tép thả vào, nhìn vừa đẹp vừa mát mắt. Cuốn cải cúc với măng ăn như ăn từng mảnh quê nhà vào bụng. Như ăn từng miếng ký ức. Nuốt xuống tới đâu, lại nhớ nhà tới đó. Nhớ bó cải cúc lá nhỏ ri rí mọc dầy đặc mà thơm ơi là thơm. Vừa ăn vừa khóc cả hai má con.

Những năm sau này, người Việt kiếm được hạt giống, nhà ai cũng trồng đủ loại rau. Mùa đông thì các chợ lấy rau từ những nông trại ở phía Nam gửi lên. Những bó cải cúc mơn mỡn xanh, vẫn mập mạp tươi tốt hơn, nhưng ăn đã thấy thơm hơn rồi, hay là ký ức đang dần bị phai mất đi mùi vị không chừng.


3.

Làng bên ngoại lúc chiến tranh đã di cư từ miền Trung vào Saigon gần hết. Rủ nhau mua đất mua nhà gần nhau để tiếp tục làm chòm xóm, để đỡ đần nhau trong việc mưu sinh. Vậy cũng chưa đủ, hùn nhau mua miếng đất to làm nghĩa trang cho hậu sự. Người trong làng và gia đình vợ chồng con cái, ai cũng có được 1 lô trong đấy. Những hàng đầu dành cho chức sắc, kế đến dành cho những người lớn tuổi, dãy sau cùng cho bọn trẻ con.

Cứ gần Tết, không hẹn mà gặp, họ hàng bà con đi trẩy mộ, cúng kiến, thắp hương, vui như ngày hội. Làng Ngoại chỉ có 2 họ thôi, họ Trần và họ Ma, lại có phong tục người làng lấy nhau chứ không cho lấy người làng khác, nên khi lên nghĩa trang, ai cũng là bà con xa gần của nhau.

Má thường chuẩn bị nhang đèn, bánh trái hoa quả và những bộ quần áo hàng mã đẹp đẻ. Bà nói, để ông bà có quần áo mới, tiền bạc tiêu xài Tết. Thời đó người còn ít, đường xá vắng, con đường vào nghĩa trang chưa được mở rộng như bây giờ. Hai bên đường là những vườn xoài, vừơn tre, trúc. Xe đi giữa con đường có khi đưa tay ra là chạm vào, vuốt được những lá trúc xanh mướt mắt. Nghĩa trang còn đất đỏ, cỏ may và hoa mắc cở mọc đầy. Quần áo hay bị vướng những gai cỏ may lấm tấm trắng. Khi người lớn thắp hương thì bọn trẻ con chơi đùa với những vạt hoa mắc cở, lấy tay chạm vào, hoa sẽ thu người lại, bé xíu, độ vài phút sau lại bung ra như cũ, trò chơi có thế thôi mà chả đứa nào chán.

Trong nghĩa trang có 1 ngôi chùa. Những ngày này chùa cũng rộn rịp, mọi người mang thức ăn, hoa quả vào cúng dường, các ni cô sẽ nấu cơm chay , mọi người ngồi lại với nhau, ăn uống, hỏi han chia sẻ công việc, chuyện gia đình làng xóm. Chuyện cưới hỏi ma chay.

Khi ra về, ai cũng mang theo về một ít lộc thức ăn, trái cây, và vài cành hoa. Lần nào đi trẩy mộ về, Má cũng nấu nồi lá bưởi cho cả nhà tắm. Má gọi là tắm “tẩy trần”, để không còn vường nhưng hơi hướm vong linh của người đã mất.

Những năm ở đây không về được, cứ Tết đến là Má nói sao trong bụng không thấy an lòng, không thăm mộ ông bà ngoại được cứ nhớ quắt nhớ quay. Nhà bên này có cái bàn thờ, cũng thắp hương cúng kiến ông bà trong mấy ngày Tết. Mà Má nói xa quá, ông bà sao qua đây được chứ, linh hồn người ta chỉ quẩn quanh ở nơi chôn nhau cắt rốn thôi. Cũng như mình vậy đó, người thì ở đây, mà lòng cũng cứ loanh quanh ở quê nhà.


4.

Cô bạn bên Việt Nam gọi hỏi có về ăn Tết không. Nhà bạn có bánh chưng bánh tét, có nồi thịt kho măng, có rau cải cúc, có thêm nồi canh khổ qua. Ăn cho những cái cơ cực khổ đau qua hết.

Mình nói cũng nhớ quê lắm, nhớ Tết quá. Nhưng có Ba có Má ở đây, là có Tết rồi. Bạn gật gù Ừ, tui thì năm nào cũng phải về, vì Má tui ở Việt Nam. Phải có Má mới có Tết.

Cúp điện thoại xong chảy nước mắt. Không biết mình còn có Tết được bao lâu nữa.


CHỊ ĐẸP

(nguồn: Báo Khoa học Phổ thông - Chuyên đề Dinh dưỡng số XUÂN 2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com