HÀM CHÂU, NHÀ BÁO SUỐT MỘT ĐỜI VINH DANH TINH HOA VIỆT

 

han-chau-1-R1



Chúng ta vừa vĩnh biệt nhà báo, nhà văn Hàm Châu, người mà suốt một đời dành tâm huyết cho việc vinh danh tinh hoa Việt Nam đương đại. Ông tên thật Nguyễn Hàm Châu, sinh năm 1934, mất ngày 30 - 7 -2016 tại Hà Nội, thọ 83 tuổi. Quê quán tại làng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông nội là Nguyễn Văn Chấn, đỗ Phó bảng khoa thi 1890. Ông ngoại là Vương Đình Thụy, đỗ Đình nguyên khoa thi 1910. Thân sinh là Tú tài Nguyễn Xuân Thụ. Xuất thân trong một gia đình nho học, có truyền thống hiếu học và yêu nước, với chí tiến thủ, lòng say mê khoa học, gần 60 năm cầm bút, Hàm Châu có trên 2600 bài báo, trên 10 đầu sách riêng, không kể những sách viết chung bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp.

Những quyển sách hay của ông đã ra đời: Hiếu học và tài năng (1996), Người trí thức quê hương (2002, 2005), Trái tim trong tuyết trắng ((2004), Gương hiếu học và tài năng trẻ (2005), Đất Việt cuối trời xa (2007), Ngô Bảo Châu - một "Nobel toán học"  (2010), Những chân trời của tài năng (2012) Vietnamese Culture-Frequently Asked Questions (Anh-Việt, 2004), The Cuisine of Vietnam Nourishing a Culture (tiếng Anh, 2006), Vietnamese Intelligentsia: Typycal Figures (Tiếng Anh, 2011), Scientifique vietnamiens-générations 1945-2000 (Tiếng Pháp, 2011), Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - một số chân dung, dày 1.218 trang, khổ lớn (NXB Trẻ - 2014), Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý, ký sự văn học (NXB Thế giới - 2016).

Có thể khẳng định, trong làng báo Việt, khó có người thứ hai nối tiếp theo con đường mà Hàm Châu đã vạch. Lý lẽ nằm ở chỗ, ngoài dòng dõi gia đình, còn là sự khổ luyện của bản thân, tạo nội lực cho ngòi bút, không một phút ngừng nghỉ về dung nạp tri thức nhân loại, nhất là những lĩnh vực thuộc về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn. Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Kinh tế – Tài chính Trung ương (tiền thân của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), Hàm Châu đã không đi theo công việc liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính  mà lại chuyển qua nghề báo. Những năm 70 của thế kỷ trước, khi giao lưu văn hóa của đất nước ta còn hạn chế, Hàm Châu đã biết tạo cho mình một vốn liếng để hành nghề và cống hiến cho nghề. Ông là con ong, nói như nhà thơ Chế Lan Viên: biến trăm hoa thành một mật / một giọt mật thành đòi vạn chuyến ong bay...

Như một nhân duyên tiền định, Hàm Châu đến với nghề báo, từng kinh qua nhiều vị trí, vai trò trong các tòa soạn. Ban đầu, ông là phóng viên báo Thủ Đô (sau này là báo Hà Nội Mới), Tổng Biên tập Tạp chí Tổ Quốc, phóng viên cao cấp phụ trách báo Nhân Dân cuối tuần, Phó Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí đối ngoại tiếng Anh Vietnam Cultural Window (Cửa sổ văn hóa Việt Nam). Đặc biêt nhất, ông là cộng tác viên uy tín của  nhiều tờ báo trong nước và nước ngoài.

Tại Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - một số chân dung, trong 56 gương mặt trí thức tiêu biểu, sách chia làm 3 chương:

- Trí thức thế hệ thứ nhất (từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945).

- Trí thức thế hệ thứ hai (từ sau ngày Hà Nội giải phóng năm 1954).

- Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng phải nói ngay rằng, nếu không có kiến thức về toán học, vật lý học, sinh học, y học, ... thì làm sao có những trang viết tuyệt hay về Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Đỗ Xuân Hợp, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Nguyễn Tài Thu, Nguyễn Văn Hiệu, Đào Văn Tiến, ... Và, không chỉ vậy, ở lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, Hàm Châu cũng là một nhà báo hiếm hoi, đi tìm cái đẹp, cái hay ở văn hóa, ở ngôn ngữ, ở khảo cổ học, ở âm nhạc, ở môi trường và kinh tế sinh thái ... nơi những khuôn mặt như Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Lân, Hữu Ngọc, Đỗ Nhuận, Nguyễn Tài Cẩn, Hà Văn Tấn, Đào Thế Tuấn, Nguyễn Văn Trường, ... Còn nữa, tấm lòng của ông đối với những trí thức Việt kiều ở mọi chân trời là tấm gương về tri ngộ. Hàm Châu đặt tình yêu tổ quốc lên trên, lấy cống hiến cho khoa học làm trọng, ông trở thành người bạn thân quý của những Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc, Phạm Quang Hưng, Trịnh Xuân Thuận, Bùi Trọng Liễu, Bùi Huy Đường, Lưu Lệ Hằng, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Đỗ Phương Như, Đặng Thái Sơn,...

Với những trí thức tinh hoa đó, Hàm Châu không ngần ngại vinh danh họ là những "lương tâm và trí tuệ", những "bậc sĩ phu hiện đại", "người thầy của bao tài năng trẻ", "sáng tạo vì nghĩa lớn", "người kết nối những chân trời vật lý", "người gieo hạt trên cánh đồng đại học", "nhân cách thanh cao và tài năng lỗi lạc", "người đồng hành cùng dân tộc và thời đại", ...

Hàm Châu đã dành những trang viết nghĩa tình để nói về hai người con xứ Quảng. Đó là Hoàng Tụy và Nguyễn Trọng Hiền, một người thuộc lĩnh vực toán học và một người thuộc lĩnh vực thiên văn học.

Hoàng Tụy - Người viết "Kinh Thánh" cho tối ưu toàn cục, Hàm Châu đã đi từ "hậu duệ của Cụ Phó bảng Hoàng Diệu, Tổng đốc Hà-Ninh" để đến Thuật toán kiểu Tụy (Tuy-type Algorithm). Hoàng Tụy là một trí thức chân chính, một kẻ sĩ của thời hiện đại, dám từ khước những phong tặng của nhiều trường đại học trên thế giới, dám nói thẳng nói thật về thực trạng giáo dục Việt Nam. Chính vì thế, trong những dòng cuối, Hàm Châu viết:

"Nhà toán học lỗi lạc ấy đã vượt qua biết bao khó khăn đến cùng cực của một đất nước nghèo, liên tục bị đạn bom và phong tỏa, không sờn lòng nản chí trong học tạp và nghiên cứu khoa học, từng bước chiếm lĩnh một số đỉnh cao, góp phần tạo nên uy tín đáng kể cho Trường phái Hà Nội trên thế giới. Nhà toán học ấy phải chăng đã mang trong huyết thống của mình khí phách và sự thông tuệ của tổ tiên cũng như của quê hương Quảng Nam yêu dấu" (Sdd, trang 958).

Với Nguyễn Trọng Hiền - Người khảo sát vũ trụ từ châu Nam cực,  ông viết: "Nguyễn Trọng Hiền sinh năm 1963 tại Đà Nẵng, bên dòng sông Hàn xanh xanh...Làm việc tại Mỹ, nhưng tiến sĩ Hiền luôn gắn bó với quê hương. Anh nhiều lần về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Quy Nhơn, dự các cuộc Gặp gỡ Việt Nam về vật lý hạt và vật lý thiên văn... Nồng nhiệt hướng về đất mẹ, rất dễ hiểu vì sao anh đã tự mình cắm cờ đỏ sao vàng tại châu Nam cực." (Sdd, trang 1025, 1026).

Người viết bài này có may mắn quen biết với Hàm Châu khi ông cùng theo đoàn của giáo sư Odon Vallet, giáo sư Trần Thanh Vân, giáo sư Lê Kim Ngọc thường niên phát học bổng cho học sinh các tỉnh miền Trung tại Đà Nẵng. Ông giản dị, thuần hậu, ít nói, lắng nghe và quan sát. Phẩm chất đó giúp ông có nhiều bài viết hay về những nhân vật trí thức tầm cỡ của Việt Nam đương đại. Những bài viết ban đầu là những ký sự chân dung về những nhà khoa học nổi tiếng xuất hiện trên báo Nhân Dân, báo Tổ quốc, báo Hà Nội Mới, dần dần bút danh Hàm Châu quen thuộc với mọi giới, tạo nên sự tin cẩn về khoa học, đạo đức, tài năng, phẩm hạnh nơi những nhân vật được khắc tạc. Cho đến hôm nay, thể loại chân dung khoa học, Hàm Châu có đóng góp lớn, tạo nên con đường riêng, với những cống hiến đặc thù, khó có ai sánh được. Cách khắc họa chân dung khoa học của ông là không quá đi sâu vào kiến thức chuyên ngành, trái lại, ông sử dụng từ ngữ dung dị, giàu sắc thái văn chương, pha lẫn cảm xúc và suy tư, do vậy, người đọc dễ tiếp nhận, đồng cảm. Nghề làm báo, như ông viết: "Một phóng viên giỏi, với cuốn sổ tay, chiếc máy ghi âm-ghi hình và tài năng phân tích, đánh giá, rất có thể trở thành một "nhà chép sử đương đại" qua các tác phẩm ký chân xác, đáng tin về những sự kiện, con người của thời đại anh ta sống" (Đôi điều tâm niệm).


x

 
Trưa ngày 1-8-2016, tôi nhận được tin nhắn của người học trò cũ, đang công tác tại báo Hà Nội Mới, báo tin nhà báo Hàm Châu đột ngột qua đời, tôi lặng người đi. Vậy là, từ nay, trên những chặng đường từ nam ra bắc, phát học bổng Odon Vallet, không có ông. Các hội nghị khoa học về Vật lý hằng năm, tổ chức tại Quy Nhơn do vợ chồng nhà khoa học Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc, đại diện Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam), phối hợp tổ chức, vĩnh viễn vắng mặt ông.

Ôi, một con người tha thiết với quê hương đất nước, luôn mong mỏi và gửi gắm nơi những bậc kỳ tài Việt Nam bao khát vọng nhân văn, bao chân trời mơ ước về một ngày mai dân tộc thanh bình, thịnh vượng, giàu có,... nay đã vĩnh viễn ra đi.

Trên trang nhất của tập sách Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại, NXB Trẻ - 2014, ông ghi dòng chữ rất thân tình, bắt đầu bằng từ "Mến tặng ...", Hà Nội, ngày 2/VI/2016. Khi nhận được sách tặng, tôi nhắn tin và cảm tạ tấm lòng của ông. Vậy mà, giờ đây, ông đã ra người thiên cổ. Viết bài này, xin được gửi nén tâm hương tưởng nhớ một trí thức, một nhà báo, một nhà văn, một nhà khoa học suốt một đời yêu cái đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Mong ông thanh thản, yên nghỉ cõi vĩnh hằng.

(Đà Nẵng, 5 tháng 8 năm 2016)
HUỲNH VĂN HOA    
(nguồn: Tạp chí Người làm báo Đà Nẵng, số Kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCNVN - 1945/2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com