YẾN LAN: Truyện ngắn ÔNG LÃO BÁN CÒ

Array In Array

NHA-THO-YEN-LAN-THO-VIET-NHO-TRUONG

Nhà thơ Yến Lan, thời cộng tác với tạp chí Tiểu thuyết thứ năm


Tôi gặp ông ta ở một quán nước trong làng An Ngãi.

Gương mặt ông - người đã già, râu ria xồm xoàm vẫn có vẻ quắc thước, phương phi. Ông mặc áo quần cộc trắng bằng vải thô, buộc giây lưng trắng che khuất hết nửa cái lá tọa buông xuông tận đầu gối.

Ông nói cười ròn rã như người không phải lo điều gì. Cô hàng nước đã phải mệt vì chạy đi tìm đóm, lục diêm để ông kéo, kéo không chán những mẩu thuốc lào to tướng.

Thấy người ta gọi ông là ông Mùi, tôi cũng góp chuyện cho vui.

- Kìa, ông hôm nay thong thả nhỉ, đồng áng có lẽ lo xong công việc rồi.

Ông Mùi cười ha hả, để lộ hàm răng đã rụng hơn phân nửa, nhìn cô hàng như phân bua:
- Đấy cô xem, ai không bảo tôi là một nghiệp chủ! Rồi day mặt sang phía tôi ông bảo:
- Nhà tôi không có ruộng thầy ạ!

- Thì hẵng có vườn tược xum xuê.

- Cũng không!

Ông ta vắn tắt đáp lời tôi rồi nhìn cô hàng, nhìn chiếc điếu, có ý chờ đóm. Tôi chẳng hiểu ông lão làm gì mà phong lưu ra phết, ruộng không mà vườn đất cũng không. Có lẽ là một ông thợ cả, mà thợ cả thì chắc lành nghề.

Như đọc rõ mối nghi ngờ trên nét mặt tôi, ông Mùi tự nhiên bảo:

- Tôi đi bẫy cò thầy ạ, hôm nay trời rét, tôi nghỉ ở nhà sưởi, buồn ra quán kiếm vài điếu thuốc lào cho ấm ruột.

Tôi không hỏi gì nữa, nhìn ra ngoài trời. Mưa bụi rơi từng lớp, từng lớp, vãi mình trong những khóm tre trước mặt tôi, chưa biết bao giờ tạnh. Làn núi xa đã mờ nhạt chỉ phảng phất từng tấm tím lờ mờ bên chân mây. Những con cò trắng, không, đó là những thi sĩ bay lượn đi tìm nguồn thơ của thế giới hảo huyền. Trời đất buồn thì có hạn, mà lòng tôi vui vẻ không hạn, vì trước cảnh xa vắng, mênh mông này, chưa đi đến nơi phải tới, tôi tạm nghĩ lại gian quán trống trải, mà lòng vẫn cảm thấy vui vẻ hồn nhiên.

Bỗng ông lão rung đùi ngâm:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân

Rồi ông phá lên cười, nhìn cô quán còn trẻ, gương mặt hồng hào trông dễ yêu dưới làn khăn mỏ quạ. Ông Mùi ngâm xong hai câu thơ, chỉ ra ngoài trời, bảo tôi:

- Chắc có lẽ thầy phải ở đây suốt buổi, mưa thế này mà dai.

Rồi ông xóc cái điếu, nước dội nghe "ọc ạch" đoạn nhìn cô hàng dõng dạc:
- Đóm!
Cô hàng vẫn không lộ vẻ cáu kỉnh, với bẻ một thanh nang quạt đưa cho ông lão rồi bảo đùa: - Ông làm như của con của cháu gì ông!

- Thì một xu thuốc lào mua của chị chứ ít ỏi gì đâu?
Tôi hỏi ông lão:

- Ông bẫy cò có nhiều không, sao không thấy đem bán?

Ông Mùi dáng vẫn lạnh lùng:

- Đủ xào cho thằng cháu ốm nó ăn, vả lại còn đổi chác cho người làng thì cũng đủ gạo.
Trong lúc đắc chí, có lẽ vì vui vẻ quá, tôi làm lòng:

-  Ở thành thị, chỗ tôi ở, người ta thích nuôi cò để mổ ruồi, hôm nào ông đem sang bán chắc được tiền.

Ông lão quắc mắc nhìn tôi như ý dò xét, rồi mỉm cười bảo:

- Thế mà lâu nay tôi tưởng không ai mua.

Tôi ra dáng quả quyết:

- Ông lầm, tôi chắc thế, vả lại tôi nói có bao giờ sai.
Cô hàng cũng chêm vào:

- Vâng, thầy nói đúng, ở tỉnh thành người ta thích cò lắm, nuôi nó xem cũng đẹp, có tốn kém gì đâu, mà được cái lợi cho nó mổ ruồi.

Tôi được thể, nhìn cô hàng như có ý cảm ơn, rồi tôi day lại ông lão, bảo ông ta, dáng quả quyết hơn lúc đầu:

- Ông nghe tôi, hôm nào sang bán cò thì ghé nhà tôi chơi. Nhà tôi ở gần Chùa Ông, cạnh phố Thuốc Bắc đấy, ở đấy lại có điếu, có thuốc, mà ngon lắm cơ. Ông lão gật gù ra dáng tự đắc lắm.  

Sau ba hôm mưa tầm tã, khí lạnh cuối mùa - một mùa thu đầy vẻ sầu và cô tịch trong trời đất, vẫn còn dán sát vào da thịt mọi người. Ai nấy vẫn còn tự thấy uể oải, các cửa phố đã mở rộng nhưng ngoài đàng thấy vắng người đi.

Tôi đang nằm đọc sách ở trong hè, thì ở ngoài nghe rao:

-  Ai mua cò o o...! Ai mua cò?

Tôi lắng nghe cho rõ rồi ngồi dậy nhìn ra. Ánh mặt trời nghẹn trong mây, mù mịt soi lên mái nhà tranh ướt đẫm những mưa, như vẫn còn có vẻ nhọc mệt, ngái ngủ.

Cũng vẫn bộ quần áo ấy, cái dây lưng ấy, duy chỉ khác là có gánh và nón, ông lão tôi gặp ở quán hôm nọ, nghênh ngang đi giữa đàng, rao lên những tiếng lạ tai. Người trong phố gần đấy đứng ngấp nghé ở cửa nhìn dáng điệu lạ lùng của ông lão rồi đua nhau cười sằng sặc. Tôi cũng bật cười theo, nhưng tôi vừa bước ra thì ông lão đã đi khỏi cửa một quãng xa và cất giọng rao như lúc nãy. Tôi lên tiếng gọi thật to:

-  Ông lão! ông lão bán cò!

Ông ta quay đầu nhìn lại, lưỡng lự một lúc rồi bước nhanh lại trước mặt tôi đã nhớ ra tôi rồi, ông ta để gánh xuống, lộ vẻ vui mừng, xoán xít bảo:

-  À quí hóa quá, thầy ở đây mà tôi tìm mãi không thấy nhà.

Rồi thu mình lại, ông Mùi ngáp dài mấy cái đoạn bảo:

- Tôi đi tận tang tảng sáng, gió hôm nay vẫn còn lành lạnh!

Tôi không nghe lời ông ta nói, nhìn vào giỏ cò, lẩm bẩm đếm, rồi hỏi:

-  Chỉ có bao nhiêu đấy thôi?

-  Thưa thầy trời lạnh, bắt không được, mấy ngày rày tôi dầm mưa chỉ được có tám con nhưng chết mất một và đổi gạo một rồi!

-  Nghĩa là ông chưa bán được con nào?

Ông Mùi lúc bấy giờ cũng đưa mắt buồn rầu nhìn gánh hàng của mình, bỗng nghĩ sao, ông lấy vẻ cười bảo tôi:

-  Thầy mở hàng cho tôi nhé?

Tôi lúng túng chưa biết làm sao thì ông lão cũng dường đoán được ý, bảo:

-  Thôi, thầy cho tôi điếu thuốc lào cho ấm bụng.

Nhắc đến thuốc lào, tôi nhớ đến cử chỉ ngang nhiên của ông ta ở trong quán hôm trước. Tôi so sánh hai hình ảnh, tôi thấy ông Mùi hôm trước với ông Mùi hôm nay khác nhau nhiều lắm.

Răng ông vì lạnh - có lẽ đi ngoài sương đã lâu, mặc dầu đang dừng ở một nơi kín đáo - va nhau cầm cập như người lên cơn sốt - ông chỉ mặc một chiếc áo, cái quần hai ống, vì lá tọa buông xuống quá, nên đã xếch cao lên.

Ông Mùi trừng trừng nhìn tôi, không hỏi nữa. Tôi chạy vào nhà, nhìn vào chiếc họp con đựng thuốc, thì ra, đêm qua thức khuya để viết, tôi đã hút hết cả rồi - Chẳng biết làm sao, mà muốn được bụng ông lão, tôi định mua mở hàng ông một con cò. Khốn nạn, tiền lưng cạn đã hai hôm nay, tôi đành ra với những ý nghĩ quay cuồng vì thất vọng.
Ông ta nhìn tôi như có ý muốn hỏi nữa mà sợ mếch lòng. Tôi âu yếm bảo:

-  Sớm mai hết thuốc rồi, mà sai đi mua thì cũng lâu, ông hãy đi bán, chốc lại hút cho đã, và nói chuyện chơi.

Ông lão chất phác cúi đầu chào tôi rồi run rẩy gánh đi, ông lại cất tiếng rao.

Một giờ sau, giọng rao của ông lão bán cò ở đằng kia lại lanh lảnh đi đến gần. Tôi bối rối quá không biết làm sao, chỉ đưa mắt qua khe cửa mà nhòm.

Ông lão đi tới, bây giờ thì bước đi nặng nề hơn trước, tiếng rao đã rời rạc và gương mặt ông như ẩn vẻ căm tức điều gì! Có lẽ ông căm tức tôi lắm thì phải, vì ngang qua nhà thấy cửa đóng, ông lão cau mày lại, hai hàm răng sít vào nhau, trông dữ tợn lạ thường. Ông nhìn thẳng vào chỗ tôi đang núp ngó, miệng lẩm bẩm như nguyền rủa, ông quảy gánh nặng nề đi. Tôi đếm trong giỏ vẫn còn đủ sáu con cò.

Thoát tội rồi, nhưng lương tâm tôi như không chịu tha thứ cho tôi, bắt tôi phải đau đớn xót xa, nhất là cuối phố vẫn còn vọng lại:

- Ai mua còoo !

Tiếng rao như đầy vẻ căm hờn ai oán.

*

Bạn ạ, ngày hôm nay giá lạnh từ ngoài hồn cho chí trong hồn, khí lạnh của một ngày cuối mùa, mà những ngày cuối mùa lạnh lẽo như thế này đều nhắc lại cho tôi nhớ đến ông lão bán cò trên kia, tôi nhớ rõ lắm, từng cử chỉ ông ta, từng điệu bộ ông ta, ở trong quán, ở trong phố, tôi cảm thấy lòng tôi, đã tê tái, lại càng tê tái thêm.
Bạn hãy thương tôi, vì tôi là một tội nhân bị lương tâm cắn rứt, mỗi lúc gió lạnh tê tái thổi vào người như có ý nhắc lạị hình ảnh ông lão bán cò ấy. Bạn không cần phải tha thứ nữa, vì tôi không đáng tha thứ trong tuồng gió lạnh thổi làm tê buốt đôi tai, tôi nghe, phải tôi nghe rõ ràng lắm:

- Cò, ai mua cò ?

Rồi trước mắt tôi hiện ra cái giỏ đựng sáu con cò còn nguyên không bán được, đeo nặng trĩu trên vai ông lão run rẩy đi trong màn bụi bay từng lớp, từng lớp.

Y.L
(nguồn: Tiểu thuyết thứ năm số 11, ký bút danh XUÂN KHAI)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà