YẾN LAN: Truyện ngắn NHỚ TRƯỜNG

Array In Array

 

NHA-THO-YEN-LAN-THO-VIET-NHO-TRUONG

Nhà thơ Yến Lan, thời cộng tác với tạp chí Tiểu thuyết thứ năm

Một chiều, vì buồn, tôi vơ vẩn ở ngã ba đàng (đường) trong thành Bình Định. Đã vào hè. những hàng cây phượng xương xẩu, giang tay từ mùa đông rét mướt qua mùa xuân lạnh, đến nay mới xin của trời được chẳng biết bao nhiêu là hoa, mang không hết làm đổ cả xuống đàng. Trên hai giải đàng chạy song nhau, tôi thấy những hoa đỏ rụng đầy như đôi liễn tết còn đậm màu, có ai đem phơi ở dưới nắng, tôi chợt nhớ lại biết bao kỷ niệm êm đềm lặng lẽ đi sâu vào đời học sinh, như những con kiến lặng lẽ đi sâu vào tổ. Rồi, bâng khuâng tôi đi thẳng ra ngõ cửa Tiến; ở đó, dưới hàng phượng, một lũ học trò, vì còn sớm giờ đang vui đùa vui vẻ.

Bỗng nhiên từ tràng (trường) học vang lên những tiếng trống thưa thớt, uể oải, rồi nhạt dần cho tới lúc câm. Những những tiếng đó đã vang dội bốn phương, hùng hổ đi vào thính giác lũ học trò, làm chúng cải nhau, vì đứa thì được dịp “chạy làng” bạn, đứa thì loi nhau vì gà cuộc “sớm hay vừa”. Tất cả trò chơi dở dang ở học đường đã bỏ lại cho bụi, cho lá, cho hàng rào, cho bờ cỏ, rồi mũ lên đầu, sách trên tay, lớp sóng trẻ ấy ồ ạt tương nhau chạy cả vào trong cổng trường.

Tôi buồn buồn trong lòng, vì tôi lại phải sắp trơ vơ với “cái tôi” của tôi. Nhưng khi nhìn lại, tôi còn thấy một cậu học trò đầu húi “care”, mặt trông sáng sủa, chân đi đất và chiếc quần trắng đã ngã ra màu ám khói, cái áo đen dài đã rách ở cùi. Nó cúi gầm mặt xuống đứng lẩn thẩn dí chân trên nền cát. Lũ học trò kia đã đi xa nhưng tiếng cười đà vọng lại còn như nhiếc mắng nó, khiến tôi băn khoăn tiến lại gần và, dịu dàng hỏi:
-Sao em chưa vào học, trống đã đánh rồi?

Nó không đáp, ấm ức nhìn quanh, rồi như sợ có một người thứ hai gặp, nó giấu sách vở dưới vạt áo luôn cà hai cánh tay ốm. Tôi ái ngại, không hiểu ra sao, hỏi tiếp:
-Hay em mất gì bảo anh, anh tìm hộ cho.

Nó khẽ đáp: “Không ạ.” Ồ thì lạ lắm, có lý nào, đứa học trò bộ dạng thế kia mà lại trốn học như những cu cậu lười nhác được! Tôi lại nghĩ ngayđến những cậu học trò đau mắt bị “tẩy” ở nhà thương mà phải “vác” sổ đi nữa. Có lẽ cậu này cũng có sự bí ẩn cũng nên . Tôi bất giác hỏi: “Em sợ ông loong toong lắm phải không?” Nó ngơ ngác nhìn tôi như trộm dò xét. Tôi biết là mình hỏi trúng, hỏi tiếp: “Ông ấy rửa em đau lắm phải không?”

Nó thở ra: “thưa không ạ! Ông ấy bắt đền tôi.”. “Cái gì ?”. “Cánh cửa kính!” Thì ra ông ấy là ông loong toong nhà trường. “Sao thế em?”Vì lúc giờ chơi sớm mai, tôi vô ý đánh vỡ một miếng kính ở cửa lớp, ông ấy bảo phải về xin tiền đền, nhưng tôi không dám thưa với mẹ vì sợ mẹ đánh.

Tự nhiên nước mắt nó trào ra. Tôi ngoảnh lại nhìn trường học thì sân trường đã vắng ngắt, quanh tôi không còn một ai, thấp thoáng, trừ thằng bé, chi da trời xanh và hoa phượng đỏ. Chợt thằng bé dứt tay tôi và muốn chạy. Tôi hỏi:

- Em đi đến trường à?

- Không !

- Em sắp đi đâu ? Về nhà ? Nó lại ứa nước mắt và ấm ức bảo:

- Tôi về nhà dì tôi ở bên kia sông, chứ về nhà thầy tôi xem vở lại và sẽ đánh chết!  
Tôi không biết làm thế nào để an ủi và khuyên giải nó, chỉ móc túi lấy đưa cho nó hai xu để nó ăn kẹo rồi đứng nhìn nó dần dần khuất sau con đàng xe hỏa.

Lòng tôi không được yên tỉnh nữa, bỗng nhiên cảm động vì một chuyện không đâu. Tôi thấy nao nao như vừa đánh mất một vật gì.

Mặt trời ngã dần về tây, ánh vàng gay gắt như cố sức khuấy lỏng màu đỏ của hoa phượng đơm lửa ở một góc trời. Lá me vàng rụng như những cánh hoa hoàng lan bị gió lộng, rơi trên đầu tôi, trên vai tôi, và có lẽ, và tất cả hơi thở bực tức của cỏ cây xung quanh, từng chặp và từng chặp...Tôi tưởng có ai tinh nghịch, mà người ấy là một nàng tiên, ném xuống cõi trần những ý nghĩ sắp về thu.Bóng thằng bé khi nãy lại lở vởn trong tâm trí tôi rồi. Tôi lại sực nhớ đến nó. Phải, không nhớ sao được ? Nó khóc, nó đã đập vở mặt kính nhà trường, sợ xin mẹ không cho tiền đi học thì không có gì đền mà về nhà sẽ bị cha đánh, nên sang nhà dì tận chốn nhà quê.hẻo lánh xa xa. Tôi tự nhiên thấy lòng bực dọc và tự nhiên rảo bước theo nó, chẳng hiểu theo tìm để làm gì ?

Qua dốc xe lửa. Tôi đưa tầm mắt nhìn. Phía trước, cách chừng ba đám ruộng dâu xanh mượt thì là một dải sông, nước trôi loáng loáng dưới ánh mặt trời qua hàng cây thưa như những đường ác mộng đang nặng nề trôi qua một tấm màn trong phòng ngủ.

Tôi bước vội để theo kịp đứa bé. Đến bến sông khi nó đang âm thầm cắp sách, đứng nhìn nước cuộn, thì tôi khe khẻ đến sau lưng. Nghe tiếng dộng nó quay lại thấy tôi, ngạc nhiên reo to lên:

- Ồ, ông! Lại ông !

- Ừ, Sao em chưa sang sông ?

- Nước lớn quá ông ạ. Tôi không dám lội, nhỡ xẩy chân thì bỏ mạng mà đi đò thì tôi ít tiền lắm!

- Thôi em về vậy, đi thế này thầy mẹ biết đâu mà tìm, có phải để khổ cho người lớn không?

Câu nói của tôi như thấm vào lòng nó một mối buồn. Rồi bỏ sách vở lên mặt cỏ, nó rưng rưng ôm mặt khóc:

- Nhưng tôi sợ thầy mẹ đánh mắng lắm.

- Không sao cả, có anh đem đến tận nhà nói hộ.

- Nhưng thầy tôi không chịu nghe ai cả, thường say cả ngày.

Lúc đó đò ở bên kia sang, chẳng hiểu nghĩ thế nào nó lật đật lau mắt, cúi xuống nhặt sách vở và bước xuống lòng đò. Tôi ngó theo nó, chỉ lắc lắc lẩm bẩm:

- Khốn nạn cho thằng bé.

Ba tháng sau tôi lại sang con sông này và về quê có việc. Trời cũng đã về chiều. Cây cối hai bên đường đứng như mơ màng ngóng trông một cơn gió. Những rãnh ruộng lúa khô khan phơi từng đường nức nẻ. Vài con chó ốm chạy lang thang ở đầu chợ, một buổi chợ không họp. Rồi thấy tôi khách lạ , cất tiếng sủa, để những chó khác chuyên lần tiếng sủa vào tận xóm xa.

Đi mỏi và khát nước, tôi bèn lại trước một gian nhà thấp, nghèo nàn, cửa rạ không che khuất được gian nhà thờ, có vài cái lư mà hương chiều thắp mà vẫn còn nghi ngút. Tôi muốn gọi người ra để xin nước, nhưng chợt nghe có tiếng trẻ nhỏ học chữ Hán:
- Thiên là trời ư a...a...địa là đất ư ...a...vật là vật a...

Thấy có bóng người, một thằng bé thôi học và bước ra. Thì  ngạc nhiên xiết bao, nó, nó, thằng bé ấy, thằng bé ấy là đứa học trò trốn học hôm trước, bây giờ nó trố mắt đứng trước mặt tôi.

Ai run rủi cho tôi thấy được cái đổi thay quá chóng của một đứa bé mới ba tháng trời nào thời gian có dài dẵng gì đâu!

Tôi bùi ngùi, hỏi thì nó bảo là cha mẹ nó có đi tìm, liền qua đánh mắng và sau để dì nó nuôi, cho chăn bò. Nhưng dì thương cháu liền cho đi học chữ nho ở trường một ông tú nghiêm khắc trong làng.

Đầu nó bây giờ để chóp và cạo ria, môi thâm đen vì mực, móng tay để bẩn quá và nhất là bộ quần áo, chẳng biết là bao ngày không được ngửi mùi xà phòng. Nó buồn bực nói:

- Tôi khổ lắm ông ạ, khóc lóc xin về, thầy me tôi nhất định cho tôi chết ở xó nhà quê này. Tôi buồn lắm, tôi nhớ trường học và bạn bè tôi quá ông !

Lòng tôi tự nhiên như bị cái gì đè nặng xuống, tôi bùi ngùi nhìn nó, khẽ
hỏi:                                     
- Cha mẹ em có nhiều con không?

- Mình tôi và một em bé mới biết chạy

- Nhà có giàu không?

Thưa ông đủ ăn nhưng...nhưng me tôi hay đánh bạc. Còn cha tôi say rượu cả ngày, lúc nào buồn cứ đánh vào tôi. Chợt ở trong nhà đưa ra tiếng gọi:

- Bùi  không học à, nói chuyện với ai ngoài ấy?

Thằng bé dạ thật to chạy vào, sau khi cung kính chào tôi. Tôi lại thấy nổi lên những giọng não nùng như ám ảnh.

-  Thiên là trời ư a...a...địa là đất ư ...a...vật là vật a...

YẾN LAN

(nguồn: tạp chí Tiểu thuyết thứ năm số 34)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà