PHAN KHÔI VÀ NHỮNG CUỘC TRANH LUẬN BÁO CHÍ


Chan_dung_Phan_Khoi

Nhà văn hóa Phan Khôi (1887-1959)

Phan Khôi (1887-1959) là nhà báo tài năng, một cây bút tả xung hữu đột trên trường văn trận bút, một người tích cực hưởng ứng và áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây vào hoạt động báo chí. Ông cũng là người tiếp thu nhiều tư tưởng mới, đa văn hóa từ Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, ... Trong tranh luận, Phan Khôi nổi tiếng là một người trực ngôn, thẳng tính, không vị nể, không khoan nhượng, vì vậy, trước 1945, ông được mệnh danh là Ngự sử trên văn đàn.

Phan Khôi để lại cho hậu thế một tấm gương sáng, đầy bản lĩnh, một nhân cách cao cả, tiết tháo của một kẻ sĩ trong sống và viết, nhất là bảo vệ chân lý, chống thói học phiệt, đi trọn vẹn trên con đường văn hóa của dân tộc. Di sản của Phan Khôi đồ sộ trên nhiều phương diện như báo chí, sáng tác, dịch thuật, nghiên cứu tiếng Việt,...

Trong Phan Khôi niên biểu, ghi: 1907: Ra Hà Nội dạy chữ Hán ở Trường Đông Kinh nghĩa thục, viết báo chữ Hán cho tờ Đăng cổ tùng báo của phong trào này (Xem Chương Dân thi thoại, NXB Đà Nẵng, 1996, trang153). Sau đó, mất mười năm vừa vào tù vừa tự nâng cao tri thức, đến năm 1918, Phan Khôi chính thức bước vào nghề báo chuyên nghiệp, khởi viết cho Nam phong tạp chí của Phạm Quỳnh tại Hà Nội.

Sau Mậu Thân dân biến (1908), cùng giam tại nhà lao Hội An với những Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La, Mai Dị, Châu Thượng Văn, ... có Phan Khôi. Huỳnh Thúc Kháng kể, "Nghe tin đày đi Côn Lôn (tháng 8-1908) nhưng chưa biết ngày nào anh em trong lao, có làm tiệc rượu tiễn biệt, có cho món quà và tiễn thơ ca...Trong thi các bạn tiễn, có mấy bài tứ tuyệt của ông tú Phan Khôi là xuất sắc hơn" (Xem Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Văn hóa-Thông tin, HN 2001, trang 31, 33). Chỉ mấy dòng cũng đủ chứng minh cho một tài năng.

Phan Khôi tham gia vào các cuộc tranh luận, bút chiến, để lại cho văn chương nước nhà nhiều bài học quý giá về biện luận, về phẩm chất và đức tính trung thực. Các nhà nghiên cứu, tùy góc nhìn, đã tổng kết các cuộc đấu tranh trong văn nghệ, báo chí từ những năm 20 đến những năm 50 của thế kỷ XX gắn liền với tên tuổi của Phan Khôi.

 

Thứ nhất, tranh luận về Truyện Kiều

Trên Nam Phong tạp chí, số 30, tháng 12-1919, Phạm Quỳnh khởi động việc tán dương Truyện Kiều. Từ đó cho đến năm 1923, Nam Phong có nhiều bài viết về nhân vật Truyện Kiều, triết lý và luân lý Truyện Kiều, văn chương Truyện Kiều,...  Theo các nhà nho yêu nước, vấn đề không phải chỉ ở Truyện Kiều. Vì thế, trên tạp chí Hữu Thanh, số 21, ngày 1-9-1924, Ngô Đức Kế có bài Luận về Chánh học cùng Tà thuyết, dù không nêu tên, song, đích nhắm là Phạm Quỳnh. Bài viết hùng hồn, đầy nhiệt huyết của ông nghè Ngô Đức Kế, bạn tù Côn Đảo của Huỳnh Thúc Kháng, rơi vào yên lặng. Tạp chí Nam Phong xem như không biết bài viết đó, vẫn tiếp tục đăng thêm số bài tán dương Truyện Kiều. Giới nho học bức xúc, cho đó là thái độ học phiệt của Phạm Quỳnh.

Sau ngày Ngô Đức Kế từ trần (10 tháng 12 năm 1929 tại Hà Nội), Phan Khôi quay lại chuyện cũ. Trên Phụ nữ tân văn, số 62, ngày 24-7-1930, Phan Khôi viết bài Sau khi đọc bài trả lời của Trần Trọng Kim tiên sanh-Cảnh cáo các nhà "học phiệt", Phan Khôi không ngần ngại, chỉ rõ: "Tôi chẳng nói gần xa chi hết: Tôi nói ngay rằng hạng "học phiệt" ấy ở nước ta chẳng bao lăm người, mà Phạm Quỳnh tiên sanh là một".

Trở lại bài viết của Ngô Đức Kế, Phan Khôi cho Phạm Quỳnh "ỷ mình có học rộng, tri thức nhiều, văn hay, trí thuật cũng khá", coi thường dư luận, nhất là với một người như Ngô Đức Kế. Trên văn đàn bấy giờ, Nam Phong là tờ báo lớn, khống chế dư luận và chỉ có Phan Khôi, một người Quảng Nam, mới dám cảnh cáo:
"Nhân đó, tôi dám lấy tư cách một nhà học giả tầm thường, không có cái bằng cấp nào hết, chỉ có cái óc tự do độc lập, lấy chân lý làm thầy, không thần phục dưới quyền đạo giáo nào hay là thánh hiền nào, viết một cách thật nghiêm cẩn ra đây mấy lời, để cảnh cáo các nhà "học phiệt" nước ta mà trong đó, tôi đã cử một Phạm Quỳnh tiên sanh ra làm đại biểu" .

Phan Khôi viết: "quyết mời ông (Phạm Quỳnh) ra can thiệp tới dư luận, không chịu ông làm thinh" (Phụ nữ tân văn, số 70, ngày 18-9-1930). Trên Nam Phong số 152, tháng 7-1930, Phạm Quỳnh đăng bài: "Trả lời bài "Cảnh cáo học phiệt" của Phan Khôi tiên sanh. Bằng cách làm sáng tạo và hữu hiệu, trên báo Phụ nữ tân văn, sô 67, ngày 28-8-1930, Phan Khôi cho đăng nguyên văn bài viết của Phạm Quỳnh, vì thế, bạn đọc trong Nam ngoài Bắc đều biết đến cuộc tranh luận này. Phan Khôi đã tạo được hiệu ứng của dư luận. Phan Khôi dồn Pham Quỳnh vào một góc, khiến Phạm Quỳnh:"phân trần cho rõ lẽ, xin vong linh ông Ngô chứng giám", "bất luận tài học của ông nghè Ngô thế nào, ông có một điểm hơn đứt hẳn tôi: là ông là người đã vì nước mà phải tù tội, ông đã có sẵn 10 năm Côn Lôn ở đó rồi... Vả lại tự ý tôi không muốn tranh luận với ông, ví dầu thế nào mặc lòng, tôi cũng vẫn kính trọng cái thân thế của ông...". Bài báo trả lời của Phạm Quỳnh khiến Huỳnh Thúc Kháng giận dữ và ông viết trên Tiếng Dân, số 317, ngày 17-9-1930, bài "Chiêu tuyết những lời bài báng một chí sĩ mới qua đời" (Xem Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 501).

Sau trận này, cuộc bút chiến đi vào hồi kết. Phạm Quỳnh cũng nhận ra vấn đề.

 

Thứ hai, tranh luận về quyền của phụ nữ

Có thể nói, Phan Khôi là người quyết liệt trong đấu tranh cho nữ quyền. Trên Phụ nữ tân văn, số 1 (2-5-1929), số 2 (9-5-1929), số 6 (6-6-1929), Phan Khôi đã đưa vấn đề phụ nữ ra để bàn luận. Cũng từ đấy, ông nói về "Công khó của người đàn bà đối với gia đình" (Phụ nữ tân văn, số 9, ngày 27-6-1929), rồi "Những thiệt thòi của người đàn bà đã chịu" (Phụ nữ tân văn, số 13, ngày 25-7-1929). Ông tìm ra những cái hay, cái đẹp của người phụ nữ để biểu dương, như bài:"Sự đẹp và cách trang sức của phụ nữ (Phụ nữ tân văn số 15, ngày 8-8-1929).

Không chỉ vậy, Phan Khôi còn bàn về "Nghề nghiệp của phụ nữ" (Phụ nữ tân văn, số 17, ngày 29-8-1929) để làm sao người phụ nữ xứng đáng với công sức lao động họ đã bỏ ra trong công việc hằng ngày và trong nuôi dạy con cái. Ông bênh vực phụ nữ, chống lại chế độ đại gia đình hà khắc, nhất là cảnh mẹ chồng nàng dâu (Bà gia với nàng dâu, Phụ nữ tân văn, số 96, ngày 20-8-1929). Sau loạt bài như vậy, đến 1932, Phan Khôi đặt Vấn đề giải phóng phụ nữ với nhân sinh quan" (Phụ nữ tân văn, số 158, ngày 7-7-1932).

Trên Phụ nữ thời đàm, trong nhiều số báo, Phan Khôi nêu một hoặc vài khía cạnh liên quan đến nữ giới. Chẳng hạn: “Ý nghĩa thật sự của vấn đề phụ nữ ở xứ ta” (Phụ nữ thời đàm (PNTĐ, 17.9.1933), nêu các việc đáng quan tâm gắn với phụ nữ và trẻ em như: giáo dục tiểu học (PNTĐ, 1.10.1933), làm sách giáo khoa (PNTĐ, 8.10.1933), lập ấu trĩ viên (PNTĐ, 22.10.1933), khuyến khích phụ nữ học nghề thuốc (PNTĐ,12.11.1933), cổ vũ phụ nữ chơi thể thao (PNTĐ, 24.12.1933), có lúc đề xuất việc soạn sách giáo khoa riêng cho nữ sinh trong hệ thống trường nữ học (PNTĐ, 4.2.1934)...

Có thể nói, "cánh nhìn, cách nghĩ của Phan Khôi về vấn đề nữ quyền cách đây hơn 70 năm, theo tôi, vẫn chưa lỗi thời. Nói cho chính xác hơn, phần nào đó, nó vẫn còn tươi mới" (Vu Gia, Phan Khôi - Tiếng Việt - Báo chí - Thơ mới, NXB Đại học quốc gia TPHCM, 2003, trang 145). Thật chí lý!

 

Thứ ba, tranh luận về Nho giáo

Khi bộ sách Nho giáo của Trần Trọng Kim ra đời vào đầu năm 1930, trên Phụ nữ tân văn số 54, ngày 29-5-1930, Phan Khôi có bài viết: "Đọc cuốn Nho giáo của ông Trần Trọng Kim". Sau các số Phụ nữ tân văn (Số 56, ngày 12-6-1930, Số 57, ngày 19-6-1930, Số 62, ngày 31-7-1930, Số 63, ngày 31-7-1930, Số 64, ngày 7-8-1930), Phan Khôi chỉ ra những chỗ nhầm lẫn của Trần Trọng Kim về  Khổng học với Tống Nho, về triết học phương Tây với Khổng học (lý trí, trực giác, lương tri), về hữu thần và vô thần, về Khổng giáo với khoa học, về quân quyền  và chủ quyền,...

Vì thế, trên Phụ nữ tân văn (Số 71, ngày 25-9 và số 74 ngày 16-10-1930), Trần Trọng Kim viết: "Hai ta (Phan Khôi và Trần Trọng Kim) tuy không đồng nhưng hòa được". "Tôi xét lại quả thấy có mấy chỗ tôi viết vội vàng không xem lại cho cẩn thận cho nên thành ra không đúng. Vậy tôi xin chịu lỗi".

Theo Thanh Lãng, "Vấn đề Phan Khôi nêu ra năm 1930 và đến năm 1932, khi cho tái bản Nho giáo, Trần Trọng Kim đã cho sửa chữa... Cuộc tranh luận này cho ta thấy hai nhà học giả họ Phan và họ Trần đã có thái độ trí thức rất đáng khâm phục. Chính thái độ trí thức ấy đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề triết học bấy lâu bị thiên hạ hiểu rất mù mờ" (Thanh Lãng, Phê bình văn học - thế hệ 1932, Phong trào văn hóa, Sài Gòn, 1972, trang 128, 129). Ngày ấy, nếu không có một Phan Khôi yêu chân lý, chuộng khoa học, thì làm gì có một bộ sách Nho giáo như ngày hôm nay (Xem Nho giáo, NXB Thời đại, HN, 2012).

 

Thứ tư, tranh luận về quốc học

Đầu năm 1930, Sở Cuồng Lê Dư đặt ra vấn đề quốc học và lập tủ sách "Quốc học tùng thư" và cho in Nam quốc nữ lưu, Nữ lưu văn học sử, Vị Xuyên thi văn tập, Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập, Bạch Vân am thi văn tập, đánh giá Nguyễn Bỉnh Khiêm như là người có công nhất trong việc xây dựng nền quốc học.

Trên Phụ nữ tân văn, số 67, Phạm Quỳnh có bài Trả lời bài "Cảnh cáo học phiệt của Phan Khôi". Cuối bài, có đề nghị lập một hội "Chấn hưng quốc học". số 70, ngày 18-9-1930, Phan Khôi lại có bài viết, bày tỏ chưa đồng tình với cách đặt vấn đề "Về cái ý kiến Phụ nữ tân văn, lập hội "Chấn hưng quốc học" của ông Phạm Quỳnh". Cộng thêm bài "Câu chuyện đọc thơ ông Trạng" viết trên báo Đông Tây, ra ngày 18-7-1930 của Lê Dư, Phan Khôi viết bài "Luận về quốc học" (Phụ nữ tân văn, số 94, ngày 6-8-1931), Phan Khôi chỉ ra những chỗ nhầm của Lê Dư về nội hàm của những thuật ngữ như "văn học sử", "quốc học", "văn học". Sau đó, trên Phụ nữ tân văn, số 107, ngày 5-11-1931, Lê Dư có bài: "vấn đề quốc học", hy vọng "các nhà học vấn ta biện bác với nhau cho thiệt xác đáng" nhưng vẫn chưa thỏa đáng về nhừng nội dung liên quan đến quốc học. Tản Đà là người phẫn nộ với Phan Khôi, viết loạt bài trên An Nam tạp chí về "Một cái tai nạn lưu hành ở Nam Kỳ: Phan Khôi", muốn làm một đao phủ lấy đầu Phan Khôi.

Loạt bài tham gia bàn luận về “vấn đề quốc học” do những tranh cãi giữa Trịnh Đình Rư và Lê Dư khởi ra. Cuộc tranh luận này có quy mô rộng, nhiều học giả tham gia, nhiều tờ báo trong Nam ngoài Bắc đăng tải, tập trung vào song ba tờ: Phụ nữ tân văn, Trung lập (Nam kỳ), Đông Tây (Bắc kỳ). Phan Khôi tham gia cuộc tranh luận này chủ yếu bằng cách nêu phản đề: nước ta không có “quốc học” (Luận về quốc học, Đông Tây, ngày 12.8.1931; 15.8.1931; Nhân vấn đề quốc học, Đông Tây, ngày 24.10.1931; 7.11.1931; 14.11.1931; Bất điều đình, Đông Tây, ngày 19.12.1931).

Qua tranh luận, đúng như Thanh Lãng nói: "Ta nhận thấy Phan Khôi là người có tư tưởng rất mới. Ông muốn xã hội Việt Nam phải đổi mới" (Văn Học, số đặc biệt về Phan Khôi, Sài Gòn, ngày 15-2-1971, trang 63).

Vũ Ngọc Phan thừa nhận: "Những ý kiến của Phan Khôi ai cũng phải nhận là đúng" (Nhà văn hiện đại, Khai trí, Sài Gòn, 1960, trang 258)

 

Thứ năm, tranh luận về thơ mới và thơ cũ

Phong trào Thơ mới ra đời là một tất yếu lịch sử, chỉ sớm hay muộn mà thôi. Những mầm mống của nó đã có từ hàng chục năm trước, tuy nhiên, phải đợi đến Phan Khôi với bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ (Phụ nữ tân văn, số 122, ngày 10-3-1932), thì lối thơ mới bắt đầu định hình và gây nên phong trào đấu tranh nghệ thuật phong phú và mạnh mẽ, tạo cho văn học một không khí dân chủ, sôi nổi. Bấy giờ, phái thơ cũ còn khá mạnh, những Dương Tự Quán, Vân Bằng, Tản Đà, Nguyễn Hữu Tiến, Tùng Lâm, Thiết Diện, Nguyễn Văn Hanh, ... ra sức công kích thơ mới. Chống lại sự bài xích của phái cũ, có những đại biểu: Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nhất Linh, Tứ Ly, Thạch Lam, Hoài Thanh, Nguyễn Thị Kim, Việt Sinh,...

Những tài năng của thơ mới xuất hiện và khẳng định sự thắng thế của lối thơ mới với những gương mặt như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Thái Can, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử,...

Trong Thi nhân Việt Nam, 1942, Hoài Thanh có bài tổng luận Một thời đại trong thơ ca, ghi nhận: "Nhưng một ngày kia cuộc cách mệnh về thơ ca đã nhuốm dậy. Ngày ấy là ngày 10 mars 1932 (10-3-1932, ngày Phụ nữ tân văn đăng bài  Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ). Lần đầu tiên thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng. Ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận".

Giáo sư Hà Minh Đức khẳng định: "Thơ mới là nguồn mạch quan trọng của thơ ca dân tộc, thơ mới có giá trị nhân bản và điệu tâm hồn gần gũi. Thơ mới bộc lộ sự sáng tạo về nội dung và hình thức và mang những đặc điểm tiêu biểu của thơ ca thời kỳ hiện đại" (Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, tập 2, NXB Lao động, HN, 2001, trang 14). Phan Khôi là người góp phần to lớn cho thắng lợi của Thơ mới.

 

Thứ sáu, tranh luận về duy tâm hay duy vật

Cuộc tranh luận về Duy tâm hay duy vật, diễn ra từ năm 1933-1939. Đây là cuộc tranh luận về tư tưởng và triết học. Năm 1933, sau cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp, đàn áp các phong trào yêu nước và cách mạng, trước làn sóng tư tưởng cải lương, xuất hiện khuynh hướng thoát ly, vừa sau khi ra khỏi tù, trên diễn đàn công khai, Hải Triều tranh luận triết học với Phan Khôi - một học giả nổi tiếng đương thời về bài Văn minh vật chất và văn minh tinh thần (Phụ nữ thời đàm, số 4, ngày 8-8-1933).

Cuộc bút chiến chung quanh vấn đề Duy tâm hay duy vật trên báo Đông Phương một mặt đưa tên tuổi Hải Triều vang dội cả trong Nam ngoài Bắc, một mặt tỏ rõ bản lĩnh, phong cách nghị luận sắc bén của Phan Khôi.

Thật ra, những ý kiến của Hải Triều tranh luận với Phan Khôi không có nghĩa là bắt ông già hơn tác giả 30 tuổi phải nghe và làm theo. Cái chủ yếu nhất là thông qua đây, giác ngộ quần chúng, nhất là tầng lớp trí thức thành thị đương thời. Đọc những bài Ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật (Đông Phương số 891, ngày 20-10-1933), Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm (Phụ nữ tân tiến, số 1-1934) vào những năm sau thất bại của Nguyễn Thái Học tại Yên Bái, sau đàn áp đẫm máu đối với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, với những khủng hoảng tâm lý, lý tưởng... của không ít thanh niên trong các đô thị thời ấy, mới thấy hết ý nghĩa thời sự của những gì mà Hải Triều đã viết trên các báo.

Sát cánh cùng Hải Triều có những cây bút phái tả như: Thanh Lâm, Hoàng Tân Dân, Phan Văn Hùm, Hồ Xanh, Hải Vân, Sơn Trà, Bùi Công Trừng… làm cuộc tranh luận không chỉ dừng lại ở những vấn đề học thuật thuần túy. Hơn thế nữa, các nội dung tranh luận còn hướng tới những vấn đề chính trị thực tiễn, thức tỉnh các lực lượng tiến bộ và yêu nước trong xã hội, chống lại chủ trương nô dịch của chính quyền thực dân và phong kiến.

Thông qua tranh luận này, Hải Triều đã dùng quan điểm duy vật để khẳng định các luận điểm về “Sự tiến hóa của văn học và sự tiến hóa của nhân sinh” (Đông Phương, số 872 ngày 12-8-1933 và số 873 ngày 19-8-1933).

Mãi đến năm 1939, trên tạp chí Tao Đàn các số 3, số 8, số 12 và số 13, giữa Ngô Văn Triện, Bùi Công Trừng và Phan Khôi về vũ trụ quan duy vật của Khổng Tử, cuộc tranh luận mới đi vào hồi kết thúc.

 

Thứ bảy, tranh luận về quan hệ giữa chính trị và văn nghệ

Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, Phan Khôi theo Hội Văn nghệ Việt Nam lên chiến khu Việt Bắc, làm công tác nghiên cứu và dịch thuật. Tám năm (1946-1954), Phan Khôi chịu cảnh sống kham khổ, biệt lập với gia đình và người thân, song, vẫn thiết tha với sự nghiệp kháng chiến. Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội, cộng tác với báo Văn nghệ. Sau lớp nghiên cứu lý luận văn nghệ do Hội Văn nghệ Viêt Nam mở (từ 1 đến 18.8.1956), Phan Khôi cũng như không ít văn nghệ sĩ khác đã mạnh dạn lên tiếng góp ý với lãnh đạo về một số khuyết điểm trong công tác quản lý, chỉ đạo.

Bài báo Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi, đăng trên Giai phẩm mùa thu - tập I, Minh Đức xuất bản, Hà Nội, 29.8.1956, đặt ra những nội dung, như: Về vấn đề tự do văn nghệ sĩ, trở lại vấn đề “tự do của văn nghệ sĩ”, Về vụ Giai phẩm mùa Xuân, Vụ xét giải thưởng văn học 1954-1955. Tháng 10-1956, cùng với các ông Đào Duy Anh, Hoàng Cầm, Sỹ Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường, Văn Tâm, Trương Tửu, Phan Khôi còn có bài viết  Không đề cao Vũ Trọng Phụng, chỉ đánh giá đúng, in trong Vũ Trọng Phụng với chúng ta, NXB Minh Đức. Tập sách mỏng, chỉ có 32 trang, khổ 16 x 24 cm. Ý nghĩa của nó là, thời đó, có người đánh giá thấp vị trí Vũ Trọng Phụng, không thấy tài năng và đóng góp của nhà văn này, cho đây là cây bút tự nhiên chủ nghĩa, suy đồi, cần phê phán. Phan Khôi không đồng tình. Tập sách ra đời như một minh chứng và trả lời. Thêm nữa, Phan Khôi nhận lời làm Chủ nhiệm và Trần Duy làm Thư ký cho tờ Nhân văn. Nhân văn ra các số 1, ngày 15-8-1956 và tiếp các số 2, 3 và 4. Ngày 25-0-1956, báo Nhân Dân đăng bài của tác giả Nguyễn Chương, với tựa đề, Báo Nhân Dân phát hiện vấn đề và đặt "Nhân văn - Giai phẩm" trước dư luận.

Nói cho đúng, "ông chống cái sai của những đảng viên làm lãnh đạo, chứ không chống Đảng".

"Hơn năm mươi năm sau, bây giờ ngồi đọc lại bài báo ngắn ấy của ông ở Thư viện quốc gia, trong cái yen tĩnh muôn thuở của phòng đọc, tay lật từng trang giấy cũ kỹ ố vàng, chỉ cần đọc qua đoạn mở đầu bài báo và chỉ cần một chút lương tri thôi, bạn đọc ngày nay cũng có thể đặt câu hỏi: ngày đó, những nhà văn trung thực, muốn viết sự thật, sao mà lại khó khăn và cần phải nhiều lòng dũng cảm đến vậy ? Thật ra là chẳng khó hiểu chút nào, khi ta biết là sau đó không lâu, tai họa ập xuống đầu ông và những người như ông" (Phan An Sa, Nắng được thì cứ nắng, NXB Tri Thức, HN, 2014,   trang 526, 528).

Đầu năm 1957, Phan Khôi tham dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (từ 20 đến 28.2.1957), tham gia Hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam (từ ngày 1 đến 4.4.1957), được kết nạp làm hội viên của Hội. Tác phẩm ông đăng báo cuối cùng là truyện ngắn Ông Năm Chuột (Văn, số 36, 10.1.1958).

Sau vụ "Nhân văn-Giai phẩm", nhiều bài báo phê bình, thậm chí kịch liệt công kích ông. Đầu năm 1958, BCH Hội Nhà văn VN, tại hội nghị lần thứ tư, ngày 2 và 3 tháng 7 năm 1958, đã quyết định khai trừ vĩnh viễn Phan Khôi ra khỏi Hội.

Sáu tháng sau, ngày 16.1.1959, Phan Khôi qua đời tại nhà riêng ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội. Một đám tang lặng lẽ, với chiếc xe song mã, đưa ông về yên nghỉ tại nghĩa trang Hợp Thiện, phía đông của thành phố.

Giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ, với thời gian, mọi việc đã rõ. Những người tham gia Nhân văn-Giai phẩm như Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm,… đã được chiêu tuyết, được tặng các giải thưởng văn học nhà nước.

x
 
Có thể khẳng định, qua các cuộc tranh luận văn học, Phan Khôi góp phần không nhỏ cho con đường hiện đại hóa tiếng Việt, cho tinh thần dân chủ trong hoạt động học thuật, báo chí và văn nghệ, cho không khí tranh luận bình đẳng của giới trí thức Việt Nam. Lịch sử báo chí Việt Nam cần ghi nhận công lao to lớn đó của Phan Khôi.

Phan Khôi trước sau vẫn là gương mặt độc đáo, thậm chí kỳ lạ, có một không hai của lịch sử báo chí nước ta.

HUỲNH VĂN HOA
(Tháng 5-2016)

(nguồn: Người làm báo Đà Nẵng, số kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1926 - 21/6/2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com