ĐOÀN XUÂN HẢI: Thấy kimono nhớ áo dài

 

kimono-ginza_YIKP

Kimono ở Tokyo (Nhật Bản) - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

 

Thấy ki-mô-nô nhớ áo dài
Khen ai khéo tạo hình hài mỹ nhân'


Những tà áo xưa

Đi du lịch đến Nhật Bản mà chẳng thấy tà áo kimono nào thì không khác gì ăn sushi thiếu nước chấm wasabi. Ấy vậy mà có một thực tế là loại trang phục truyền thống này ngày càng hiếm thấy ngay trên đất Phù Tang. Ngày xưa không hiếm như vậy. Trước khi Thế chiến 2 kết thúc 70 năm trước, trang phục của phụ nữ Nhật thường thấy là kimono, từ trong nhà ra ngoài ngõ. Sau đó vì là quốc gia bại trận, đất nước bị tàn phá tan hoang, nền kinh tế kiệt quệ, người Nhật ăn mặc có phần đơn giản, ít sắc màu hơn, những tà kimono cũng thưa dần. Hoàn cảnh VN cũng tương tự. Sau năm 1975, chuyện ăn bận của giới nữ xứ ta có phần đơn giản , “mộc mạc” hơn, do cuộc sống quá lao đao nên chẳng ai màng đến tà áo dài nữa. Đến khi nền kinh tế nước nhà bắt dầu gượng dậy, khởi sắc, những tà áo quen thuộc lại tung bay trước gió, tuy không nhiều như xưa.

Cách nay vài năm, trong một lần đi dự tiệc cưới ở TP.HCM, bà xã tôi mặc áo dài như thường lệ cho trang trọng và cũng nhằm tăng thêm phần “duyên dáng VN”. Ấy vậy mà trong tiệc cưới với khoảng 400 thực khách ấy, ngó tới ngó lui chỉ thấy có... 3 người mặc áo dài: đó là hai bà sui gia và vợ tôi. Hoàn cảnh kimono ở Nhật Bản còn “bi đát” hơn.

 

Xao xuyến kimono

Có hai lý do khiến đa số phụ nữ Nhật, nhất là giới trẻ thời nay, thôi không mặc kimono nữa: Một là, vì giá của nó quá đắt, có bộ (quy ra tiền Việt) lên đến 500 triệu đồng; Hai, đây mới là lý do chính, phải mất cả tiếng đồng hồ và có người trợ giúp mới mặc xong bộ đồ rất phức tạp này. Tuy nhiên, bất cứ thời nào cũng vậy, người phụ nữ xứ Phù Tang trở nên duyên dáng trong mắt thiên hạ khi họ mặc kimono, giống phụ nữ Việt trong tà áo dài. Chính vì lẽ đó, lần nào qua Nhật tôi cũng “truy lùng” kimono dạo phố. Hiếm hoi ở cố đô Kyoto, khi viếng chùa Thanh Thủy, mới thấy vài cô nàng diện kimono. Ở Nagoya cũng thấy kimono, nhưng đó là những buổi trình diễn trong trung tâm chuyên bán hàng tơ lụa. Đến “thành phố ăn chơi” Osaka tìm mỏi mắt mới thấy vài cái kimono trong... khu đèn đỏ, tình cảnh hết sức éo le. Mãi đến khi dạo bước khu Ginza ở Tokyo, mới “thỏa chờ mong”.

Ginza là khu thương mại sang trọng bậc nhất Tokyo, tấp nập du khách nước ngoài và giới nhà giàu Nhật Bản đến mua sắm. Phụ nữ mặc kimono ra phố nhiều nhất nước Nhật có lẽ xuất hiện ở khu này. Họ, những phụ nữ Nhật trong bộ kimono, trở nên nổi bật trong dòng người tấp nập trên những khu phố thương mại hiện đại. Họ đi đứng khoan thai (vì mặc kimono không thể bước nhanh hoặc... chạy nhảy được) đồng thời toát lên vẻ cổ kính tựa như những tòa lâu đài thời lãnh chúa và cảm thấy hãnh diện khi biết có những du khách ngoại quốc đang chĩa ống kính camera về phía mình. Thậm chí có nàng sẵn sàng dừng lại, làm duyên làm dáng cho bạn chụp hình, coi đó như một sự giao lưu cần thiết để quảng bá cho hình ảnh đặc trưng của nước Nhật. Họ không bao giờ hỏi bạn từ đâu đến, chụp hình kimono để làm gì, tại sao không chụp hình các cô gái Nhật mặc Âu phục...

 

Áo dài ơi áo dài!

Nhật Bản có thể nổi tiếng về xuất khẩu xe hơi hàng đầu thế giới, hàng điện tử gia dụng chất lượng cao chiếm lĩnh toàn cầu, ẩm thực truyền thống được UNESCO công nhận di sản văn hóa... nhưng sẽ thiếu sót nếu vắng bóng kimono. Về khía cạnh tinh thần, chiếc áo dài VN cũng nằm trong phạm trù ấy.

Không biết chính phủ Nhật có chủ trương khuyến khích phụ nữ mặc đồ truyền thống hay không, chứ VN, cụ thể là TP.HCM, đã có ý định này. Ngày 14.1.2016, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM có công văn gửi ban giám hiệu các trường trung học phổ thông về việc khuyến khích nữ sinh mặc áo dài trắng, tối thiểu 1 buổi/tuần vào thứ hai, nhằm mục đích “xây dựng hình ảnh đẹp”, thay vì toàn mặc Âu phục như hiện nay.

Tôi có quen một anh bạn tên Peter, kiến trúc sư người Ý, đi du lịch khắp thế giới và dĩ nhiên rất có cảm tình với VN vì đã lưu trú nhiều năm. Có lần ngồi lai rai cùng nhau, tôi hỏi Peter có nhận xét gì về nhan sắc con gái VN. Anh trả lời một cách dứt khoát: đẹp! Tôi hỏi đẹp cỡ nào, nhất Đông Nam Á hông? Peter nói một cách nghiêm túc: Không phải nhất Đông Nam Á, mà là đẹp nhất thế giới, bằng chứng là tôi đã cưới một cô vợ VN (cười sảng khoái). Tuy nhiên, Peter cũng có một nỗi sầu là chưa bao giờ thấy vợ mình... mặc áo dài. Peter cho rằng phụ nữ VN vốn đã đẹp, nhưng sẽ đẹp hơn nữa nếu mặc áo dài, vì bộ đồ này trông rất gợi cảm. Tôi hiểu chữ “gợi cảm” của Peter có lẽ do áo dài không “kín cổng cao tường”, tầng tầng lớp lớp, dày cộm như kimono. Thế nhưng, ẩn trong sự “kín cổng cao tường” ấy lại toát lên sự “duyên dáng Nhật Bản” làm nao lòng lữ khách phương xa.

Đ.X.H
(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 22.1.2016)

 

Cùng một tác giả:

Đi chợ Việt bên Úc(bút ký)

LÀNG ĐỊA NGỤC(bút ký)

Nhạc khách xứ người(bút ký)

Ẩm thực hoang dã ở Hà Lan(bút ký)

Tiệc 5 sao trên sông Seine(bút ký)

Thơ Đoàn Duy Xuyên

Cánh hồng vương vấn (thơ)

Nhớ một người (thơ)

Cõi sầu riêng em (thơ)

Nhớ người sơn cước(thơ)

Tên người và số phận (tạp bút)

Công tử Ả Rập (phóng sự)

Nhật Bản vui hay buồn? (bút ký)

Tình yêu không có tội (phóng sự)

Các vị thần vẫy gọi (bút ký)

Xa tình (thơ)

Nghe em hát(thơ)

Tình rơi như lá (thơ)

Nagasaki và mối tình Việt - Nhật (bút ký)

1001 lý do... vĩnh biệt cõi trần(bút ký)

Vương tới 9 tầng mây(bút ký)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com