Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp

 

images1203443_Le_co

Tượng chí sĩ Lê Cơ tại khu di tích Trường tân học Phú Lâm, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ


Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX là cuốn sách tâm huyết của PGS,TS Ngô Văn Minh viết về “người anh hùng thảo dã” của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Nhà văn Nguyên Ngọc đã có lời giới thiệu trân trọng về công trình này. Sách dày 273 trang, do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2012. Sách có 4 chương và 3 phụ lục.

tuong_lewco

 

Chuyên luận đầy đặn, súc tích, hấp dẫn

Trước hết, hoan nghênh PGS,TS Ngô Văn Minh đã dày công cho công trình Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX, một chuyên luận đầy đặn, súc tích, hấp dẫn về một nhân vật độc đáo, ly kỳ, “lắm điều hay” (Huỳnh Thúc Kháng), đó là chí sĩ Lê Cơ.

Chí sĩ Lê Cơ, nói như nhà văn Nguyên Ngọc: “Ông là nhân vật tiêu biểu của đêm trước xiết bao khó nhọc của buổi bình minh mà thế hệ ông trằn trọc chuẩn bị cho dân tộc”.

Điểm đáng biểu dương nữa, đó là công lao của NXB Đà Nẵng trong việc biên tập, in ấn, phát hành tập sách này. Lâu nay, sách báo, tài liệu viết về nhân vật lịch sử Lê Cơ còn ít ỏi, trừ cuốn Phong trào Duy Tân.

Ai đọc Phong trào Duy Tân của Nguyễn Văn Xuân (NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1970) cũng đều ấn tượng chương Một anh hùng thảo dã Lê Cơ. Chương đó có 16 trang. Khi vào đề, Nguyễn Văn Xuân đã viết: “Tôi phải đặt cho Lê Cơ một chương riêng vì sự nghiệp Duy Tân ở vùng Quảng Nam trong (Quảng Tín), ông đóng một vai trò tích cực và tên tuổi ông chỉ kém Phan Châu Trinh chứ chưa chắc đã thua bất kỳ người nào”.

Sau này, trong các hội thảo, trong các tạp chí, sách báo, có số bài viết về Lê Cơ, song với một tập sách dày đến 273 trang, thì công trình của PGS,TS Ngô Văn Minh là lần đầu tiên. Lần đầu tiên có một tác giả bỏ công sức sưu tầm, điền dã về một nhân vật có “vai trò tích cực” của phong trào Duy Tân.

Một chiều kích mới, lạ, một kiểu anh hùng của núi rừng

Không biết từ bao giờ, sau khi đọc và suy ngẫm về nhân vật Lê Cơ, chúng ta thường dễ có so sánh, đối chiếu nhân vật Lê Cơ với Từ Hải. Con người này (Lê Cơ), chiều kích về dung mạo, tính tình, phẩm chất anh hùng giống như một Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Một anh hùng thảo dã, lừng danh, “một thứ anh hùng của núi rừng” (Nguyễn Văn Xuân), tuy không có: “Râu hùm hàm én mày ngài, vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, nhưng tài năng phi thường, vẫn là “đường đường một đấng anh hào, côn quyền hơn sức lược thao gồm tài”. Không phi thường sao dám làm những việc kinh thiên động địa như vậy, giữa một nơi không xa kinh thành Huế là mấy.

Lần này, đọc Ngô Văn Minh, ta lại thấy chiều kích này thêm nhiều màu sắc, thể hiện nhiều chỗ trong tập sách.

Nhà canh tân

Nói đến phong trào Duy Tân - phong trào cách mạng sôi động vào  những năm đầu thế kỷ XX, trong chúng ta, ai cũng nghĩ ngay đến tam kiệt: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, những người mà tên tuổi của họ đã gắn liền với phong trào. Nhưng ngoài những nhà khởi xướng, lãnh đạo lỗi lạc đó, còn có một người cũng vang danh vì sự nghiệp cải cách trên chính quê hương mình, người đó là Lê Cơ. Lê Cơ, người mà nhà văn Nguyễn Văn Xuân trong tác phẩm Phong trào Duy Tân đã gọi “Nếu Phan Châu Trinh là bộ não, ông là cánh tay”.

Lê Cơ chưa phải là một nhà khoa bảng, mới chỉ xuất thân từ một người học trò trường Ba. Ông lại chẳng phải là một người lập ngôn, lập thuyết. Điều này cho thấy ông hoàn toàn không thuộc đẳng cấp của “Bộ ba Quảng Nam” trong phong trào Duy Tân.

Ông thực hiện cải cách tại làng quê của ông, rồi sau đó nhân rộng ra đến 30 xã, thôn trong vùng. Đúng như cụ Huỳnh đã nhận định: “Một làng rừng che núi cách, giao thông trở ngại, thuở nay tịch mịch quê mùa, mà bỗng thành một nơi khai thông vui vẻ, không những dân làng và lân cận tín phục mà người xa, nhứt là người đã nếm mùi Âu  hóa, đi ngang qua tỉnh Quảng Nam, cũng gắng đến làng Phú Lâm đặng xem công cuộc sắp đặt của một ông lý”.

Ông lập thương điếm, mở trường dạy học, mà là có trường dành cho con gái tại Phú Lâm thì đã là một điều tiến bộ. Điều này cho thấy sự thành công của Lê Cơ trong việc thực hiện khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh.

Lê Cơ và Trường Phú Lâm là lá cờ đầu trong phong trào Duy Tân của cả nước.

Trường Phú Lâm, cơ sở để khai dân trí, truyền bá tư tưởng Duy Tân. Trường Phú Lâm là trường tân học đầu tiên của phong trào Duy Tân và cũng là một trong những trường lớn của tỉnh Quảng Nam thời bấy giờ.

So với những trường như Diên Phong, Phước Bình, Quảng Phước, Cẩm Toại, thì Phú Lâm do Xã Sáu Lê Cơ thành lập với mục đích mở mang dân trí, truyền bá văn minh, quyết theo lối Âu Tây, có thể nói còn hơn hẳn Đông Kinh Nghĩa Thục ở số phương diện.

Từ hình mẫu Lê Cơ với những thành tựu mà ông tạo dựng được tại quê nhà, ở một nơi hẻo lánh cho ta một đánh giá: tất cả tư tưởng canh tân, cải cách; mọi khát vọng cho một quốc gia phú cường, dù ở một đơn vị thấp nhất cấp làng xã, thì vẫn cần một cá nhân điển hình, một người tâm huyết, yêu quê hương xứ sở, có quyết tâm muốn biến cải cuộc đời mình và nhân quần. Những cá nhân như vậy, dường như đời nào cũng là sự khát khao của thời cuộc và quần chúng nhân dân.

Hình ảnh Lê Cơ, một cá nhân điển hình trong nhiều hoàn cảnh điển hình được Ngô Văn Minh tạc dựng thật đẹp đẽ, kiêu hùng.

Lê Cơ với phong trào chống thuế 1908

Lê Cơ tham gia trong phong trào chống thuế như nhiều sĩ phu khác tại Quảng Nam cùng thời với ông. Do ông khá nổi tiếng từ hình mẫu “canh tân” làng Phú Lâm nên sự xuất hiện của ông trong phong trào được nhiều người chú ý và thực dân Pháp không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, nếu gọi ông là “yếu nhân” của phong trào chống thuế 1908 thì e rằng chưa ổn. Bởi, ông cũng như hàng trăm người khác tham gia phong trào, bị giam tại nhà lao Hội An (tức nhà lao cấp tỉnh) 3 năm rồi cho về (nghĩa là án nhẹ).

Trong phong trào Thái Phiên - Trần Cao Vân năm 1916, Lê Cơ có vai trò lớn trong việc lo việc hậu cần (may quần áo, rèn vũ khí…) và hậu cứ (xây dựng căn cứ) cho lực lượng khởi nghĩa.

Ông cũng được phân công ra Huế chỉ huy một cánh quân trong cuộc nổi dậy này… Sau, ông bị bắt giam tại Lao Bảo và hy sinh. Nhìn chung, việc ông tham gia phong trào chống thuế và phong trào khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân cho thấy ông là một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, dám xả thân vì đại nghĩa.

Chắc chắn là về nhân vật lịch sử Lê Cơ này, sau này, với điều kiện tiếp xúc với kho lưu trữ hồ sơ thuộc địa, sẽ có thêm những dữ liệu phong phú hơn, sinh động hơn để đánh giá toàn diện hơn về Lê Cơ, cả hai giai đoạn 1908 và 1916.

Có thể nói rằng, dù sao, trong tình hình nghiên cứu lịch sử hiện nay của Việt Nam đang ở trong trạng thái xơ cứng, đơn điệu, nhàm chán và sáo mòn thì với cuốn sách về Lê Cơ, với một sự đam mê hiếm thấy, với sự am hiểu khá sâu về địa phương chí và nhân vật chí, cùng với thái độ nghiên cứu nghiêm túc, có phương pháp, tác giả Ngô Văn Minh đã đem đến cho người đọc một hấp lực hiếm thấy. Đây cũng chính là thành công chính của công trình này.

Nói như nhà văn Nguyên Ngọc, “cuốn sách công phu và nhiều phát hiện này viết về Lê Cơ nhưng cũng là viết về cả một thời kỳ cận đại nhiều ý nghĩa vì những gì nó đã tạo nên cho lịch sử, và cả những gì nó còn bỏ dở”. Quả đúng như vậy.

unnamedl-nguyen-dai

Ông Lê Nguyên Đại - Giám đốc Công ty sách Thời Đại, cháu nội chí sĩ Lê Cơ

HUỲNH VĂN HOA

(nguồn: Báo Đà Nẵng 30.11.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com