Đọc tập sách KÝ GIẢ của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN: MỘT TẤM LÒNG TRI ÂN

2-tap-sach-moi-cua-PHAM-QUOC-TOAN-KY-GIA-R

 

Đọc tập sách KÝ GIẢ của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN:

MỘT TẤM LÒNG TRI ÂN

TUẤN  BẰNG

 

Từ Paris, thủ đô nước Pháp trở về Hà Nội, tôi nhận được tập sách KÝ GIẢ - tập sách thứ 2 trong năm 2015, cũng là tập sách thứ 6 của nhà báo Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo. Tác giả gửi sách cho tôi qua một cán bộ ngoại giao, làm việc tại vụ Thông tin Báo chí; sách vừa ra khỏi nhà in buổi sáng ở TP. HCM  thì buổi chiều, tại Hà Nội tôi đã nhận được.

KÝ GIẢ (NXB Thanh Niên, 2015) dày dạn gần 450 trang, in đẹp, được giới thiệu cùng hơn 40 ký họa chân dung, bởi nét vẽ tài hoa của một họa sĩ  gốc Huế nổi tiếng trong làng báo Việt Nam đương đại. Đúng là một tập sách sang trọng,  đầu tư, chăm chút công phu, có sức lôi cuốn người đọc. Mỗi trang sách, mỗi nhân vật - là một sự khám phá mới lạ về đời báo, nghề báo khá thú vị. Cũng như các cuốn sách trước đây của Phạm Quốc Toàn, tôi dành trọn 2 buổi tối cho Ký Giả, đọc một mạch. Tôi cảm nhận được, Phạm Quốc Toàn rất có chủ đích, khi KÝ GIẢ được trình làng đúng thời điểm Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam (7/8/9.8.2015).

KÝ GIẢ là tập sách chân dung các nhà báo. Phạm Quốc Toàn làm báo chuyên nghiệp hơn 40 năm. Hầu hết các chân dung nhà báo trong KÝ GIẢ là  đồng nghiệp thân thiết bậc đàn anh, đàn chị tên tuổi - những cây đại thụ của nền báo chí nước nhà như các nhà báo Hữu Thọ, Phan Quang … Ngòi bút Phạm Quốc Toàn  lắng đọng, chắt lọc, ngưỡng mộ, tôn kính  khi viết về  những đồng nghiệp bậc thầy, những thủ trưởng làm báo trực tiếp mà anh chịu nhiều ảnh hưởng những năm tháng mới vào nghề, đó là 2 vị tướng Tổng biên tập Trần Công Mân, Nguyễn Đình Ước. Phạm Quốc Toàn có những phát hiện độc đáo riêng, khá thú vị về đồng nghiệp lớp trên, cùng trang lứa và có cả những đồng nghiệp lớp sau, ít hơn anh tuổi đời, tuổi nghề. Có ai nghĩ rằng một Nguyễn Hồng Phương - Thầy Hồng Phương tài hoa khi làm nghề lại có thể khóc rưng rức trên một diễn đàn Đại hội  ở hội trường Thành ủy TP. HCM; một Trần Quang Huy rời vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương vào nhận nhiệm vụ mới, xây dựng Báo Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo làm dầu khí lại bị “chọc gậy sau lưng” suýt bị đẩy trở vè cơ quan cũ.

Ngòi bút Phạm Quốc Toàn khá  “lão luyện”, bởi cách anh dựng chân dung nhân vật, chỉ một vài nét phác họa, tính cách từng người đã hiện hữu, mang sắc thái riêng không thể trộn lẫn; bởi cách quan sát tinh tế của một cây bút giàu kinh nghiệm.

Với Giáo sư, tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, dưới con mắt Phạm Quốc Toàn là một đồng nghiệp “Thầy giỏi, nghề hay” - quyền cao chức trọng nhưng lại rất nghĩa tình, thủy chung với bạn bè, đồng nghiệp một thời hạt gạo cắn nửa, củ sắn chia đôi. Với  nguyên tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Trung, chỉ mấy nét chấm phá, ông hiện hữu là nhà báo đức độ, uyển chuyển, chân thành trong ứng xử, trách nhiệm cao với mọi công việc được giao. Với Hồ Quang Lợi, làm  nghề giỏi giang, làm công tác tư tưởng văn hóa sắc sảo mà chuyện đời cũng rất lãng mạn. Đời và nghề trong con người Hồ Quang Lợi  hòa quyện vào nhau, tạo nên một phong cách “Mắt nhìn” giàu cá tính, phong cách riêng. Phạm Quốc Toàn miêu tả rất sống động, với một tình cảm nồng nàn da diết,  ngập tràn yêu thương với những đồng nghiệp thời chiến tranh - khi anh làm việc tại Báo Quân đội Nhân dân, trên con phố Lý Nam Đế đong đầy kỷ niệm của một thời mà anh và nhà văn Chu Lai đã gọi đích danh con phố đó là Phố Nhà binh. Ở đó có Họ Phạm làm báo lính, đồng nghiệp Hội hoa quỳnh, Hội đồng Trung úy. Đó là những Ký Giả Phạm Phú Bằng, Phạm Đình Trọng, Phạm Huy Khảo … là nhà báo Đinh Biên Cương (Khánh Vân), Huỳnh Mai …

Hình bóng những đồng nghiệp cùng trang lứa như Phan Ngọc Long, Trương Quang Châu, Thiều Quang Biên, Trần Hồng… dưới ngòi bút Phạm Quốc Toàn rất sống động  tình đồng nghiệp đến bất ngờ mà ngày nay các đồng nghiệp trẻ thế hệ 8 X, 9 X rất khó tưởng tượng.

Phạm Quốc Toàn  bộc bạch nỗi lòng, tâm sự về những chân dung nhà báo anh viết ra chỉ là một góc nhìn, một sự chấm phá về góc đời và nghề của họ, bằng tấm lòng - tình cảm -  sự tri ân, tri ngộ. Anh tư cảm sự chưa trọn vẹn, bởi trong hoạt động nghề nghiệp vẫn còn rất nhiều những đồng nghiệp, những người bạn làm nghề báo yêu quí  mà anh chưa kịp viết về họ, họ chưa góp mặt trong tập sách KÝ GIẢ. Anh cũng bày tỏ sự băn khoăn vì mỗi nhân vật, mỗi chân dung - có thể góc này góc khác của cuộc đời - sự nghiệp của đồng nghiệp mà anh chấm phá chưa hoàn hảo, có cả sự sơ sót trong cách nhìn nhận, đánh giá.

Đúng là một Phạm Quốc Toàn rất khiêm nhường và nhân văn, chu đáo, nghĩa tình với bạn bè, đồng nghiệp, rất trách nhiệm với từng con chữ khi viết ra; Một Phạm Quốc Toàn kiệm lời - nhưng khi cần thì anh bày tỏ quan điểm rõ ràng, chính kiến dứt khoát, không kém phần mạnh mẽ, quyết liệt. Là một người từng trải trong nghề báo, tôi hoàn toàn chia sẻ với tâm sự của anh - bởi cuộc đời này nhiều lắm sự phức tạp, sự ấn khuất mà bình thường rất khó lòng nhận ra. Nhà báo Phạm Quốc Toàn viết trong lời tác giả: “Biết vậy, nhưng nếu không viết ra thì sẽ không bao giờ viết ra được. Tất cả chỉ là tấm lòng, tình cảm từ con tim, là sự tri ân đối với đồng nghiệp mà tôi quý mến, trân trọng”.

Những công việc mà Phạm Quốc Toàn đảm nhiệm trong hơn 40 năm làm nghề, đặc biệt là trong 10 năm đảm đương nhiệm vụ một trong những lãnh đạo chủ chốt của Hội Nhà báo Việt Nam đều rất chu toàn, được đồng nghiệp tin cậy, yêu mến, tín nhiệm. Trong bao bộn bề của công việc, vậy mà trong 3 năm với 6 đầu sách dày dạn, cuốn nào cũng rất ấn tượng cả về nội dung, hình thức, sự nghiệm túc, trách nhiệm hiện rõ trên từng con chữ. Quả là sức viết, sức lao động của nhà báo Phạm Quốc Toàn rất đáng nể.

Phạm Quốc Toàn nói: Anh đã vào thu cuộc đời. Quả đúng ấy chứ! Những năm tháng sắp tới, sau khi đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao - như nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Phan Quang đã nói - Phạm Quốc Toàn đang thai nghén nhiều trang viết, nhiều tác phẩm mới. Anh nói, anh vẫn tiếp tục làm nghề, tiếp tục viết - đó là tấm lòng tri ân  với cuộc đời này; là sự thành kính dâng tặng bậc sinh thành, dưỡng dục anh khôn lớn thành người - định hướng nghề báo cho anh, lúc anh mới chập chững bước chân vào đời.

Là một đồng nghiệp gần gũi của anh, tôi xin được chúc mừng anh, xin được bày tỏ sự ngưỡng mộ và  quý trọng.

Hà Nội, 25.7.2015

T.B

Cùng một chủ đề

PHAN QUANG đọc tập sách TÔI NÓI BẰNG MỒM TÔI của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN

Tập sách TÔI NÓI BẰNG MỒM TÔIcủa nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN

PHAN QUANG đọc tập sách ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN

PHAN QUANG đọc tập sách XỨ SỞ CHÙA VÀNG của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN

Phó GS-TS NGUYỄN THỊ TRƯỜNG GIANG: Nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN và XỨ SỞ CHÙA VÀNG

PHẠM QUỐC TOÀN: Nhớ anh LÂM QUỐC TRUNG

Nhà thơ Trần Thế Tuyển đọc tập sách KÝ GIẢ của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN: Một bộ sưu tập quý về người và nghề

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com