LÂM BÍCH THỦY: Nhà thơ Yến Lan và xà phòng hiệu “Con én”

nhathoyenlanthoi_tre


Nhà thơ Yến Lan thời trẻ

Nếu như những người lớn tuổi không quên, thì cách nay, hơn ¾ thế kỷ (thập niên 50 thế kỷ 20) trên thị trường tỉnh Bình Định có trôi nổi một loại xà phòng, hiệu “Con Én”. Đó là sản phẩm do ba tôi - nhà thơ Yến Lan tự chế và sản xuất ra.   Chuyện làm xà phòng của ba, có nhà thơ nào không biết. Biết, nên rất phục tài thi sĩ Yến Lan trong lĩnh vực làm kinh tế vì đảm bảo tự cung tự cấp cho người tiêu dùng trong thời chiến.

Bấy giờ, bốn con nhỏ của nhà thơ cứ ùn ùn kéo nhau ra chào đời; chỉ với thúng bánh thuẩn của vợ, làm thế nào nuôi nổi! Nhà thơ phải tìm cách hổ trợ thêm cho vợ. Đầu tiên, ông đi khảo sát thực tế; xem thị trường cần gì và mình có thể làm được gì? Mất ba ngày lân la ở các chợ, xuống Qui Nhơn, đi Đập Đá. Ông nhận ra một mặt hàng và mặt hàng này trùng hợp với dự định của ông rồi.

Tôi thật sự cảm phục trước sự kiên trì, bền bỉ của cha. Lòng quyết tâm nặng hơn cả trọng lượng ông. Ông  mày mò, làm đi làm lại hàng chục lần; khi thêm chất này một tí, bớt chất kia một tí; ghi ghi, chép chép kỹ lưỡng. Đầu óc có lúc rối tung như canh hẹ, nhưng ông không nản “ném lao phải theo lao”; càng cay cú càng quyết tâm “có công mài sắt có ngày nên kim” .

Ngày ấy, đời sống con người quá cơ cực, người nông dân ở xa chợ hàng chục cây số. Đến chợ bằng đôi chân nức nẻ, rớm máu vì không có phương tiện đi lại; cái đầu cũng được tận dụng để vận chuyển hàng hóa, hàng hóa thì không có bao bì, chai lọ đóng gói kỹ lưỡng như bây giờ! Tất cả những điều đó gợi cho ba tôi ý nghĩ phải sản xuất xà phòng bánh. Loại xà phòng này sẽ đáp tiện vận chuyển, bảo quản và dự trữ mà chất lượng rất khác với các loại xà phòng đang trôi nổi trên thị trường Miền Trung thuở ấy..v.v..

Ngặt một nỗi; hồi đó, chỉ người Hoa Kiều mới biết làm xà phòng, dù ở dạng sền sệt như chè đậu xanh đánh. Ba đã xác định ngay từ đầu “đây là cuộc cạnh tranh tương đối quyết liệt, không dễ gì mình được chấp nhận; không dễ được bạn hàng nhường cơm, sẻ áo; phải tự thân vận động, tự lo từ A đến Z”. Khó khăn cứ lớn dần trong quá trình trải nghiệm. Tài liệu, sách vở không có, mất công lắm ba mới tìm ra cách  chế ra xà phòng bánh phù hợp với người tiêu dùng. Cầm bánh xà phòng, mỗi bánh nặng 200gr, hình vuông, dẹp; một mặt in hình con én đang sải cánh bay, mặt kia là chữ nổi “Con én”. Ba tôi vui khôn xiết!

Bánh xà phòng mới ra, đã thể hiện được tính ưu việt của nó về chất lượng, vận chuyển, bảo quản nên được khách hàng chấp nhận ngay. Thương hiệu xà phòng Con Én đã chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh những năm 1950-1955. Từ thành công này, ba tôi nghĩ đến việc khuých trương sản phẩm, mở rộng sản xuất và kinh doanh. Tất cả khâu chế biến và sản xuất đều chỉ có ba má tôi đảm nhiệm với tiêu chí:
- Lấy công làm lời.
- Một tháng sản xuất hai lần; mỗi lần một chảo.

Nguyên liệu dùng để sản xuất gồm: tro củi, vôi bột, muối, dầu dừa. Hồi đó, tôi thấy bà con nông dân nờm nợp gánh tro, vôi, dầu đến bán tại nhà tôi. Má tôi kiểm tra chất lượng tro bằng cách nhúm một ít ở đầu ngón cái và ngón trỏ, ép dẹp, đưa lưỡi nếm. Bà chỉ cho tôi cách kiểm tra chất lượng tro tốt, xấu: tro mịn là tro củi, chứa nhiều kali - là tro tốt.; giá cao hơn tro của trấu

Tuy hồi đó tôi còn nhỏ, nhưng công đoạn làm xà phòng của ba má tôi nhớ rõ như in trong óc :

Ở sau nhà, có 2 hàng chum sành. Mỗi bên 10 cái. Các chum này đựng tro, ngâm nước ba hôm rồi mở van ở đáy để nước tro chảy vào bể ở giữa. Sau đó múc đổ vào hồ vôi bột, sau ba ngày ngâm thành xuýt, múc đổ vào chảo nấu sôi lên, cho muối, dầu dừa theo tỉ lệ ba tôi đã nghiên cứu. Đến khi hổn hợp này quánh lại, tắt bếp đổ ra khuôn (gỗ) để đông cứng thành xà phòng. Tháo khuôn ra, ta thấy hai phần rõ rệt; trên màu trắng trong - xà phòng tinh khiết - loại nhất, đóng thành bánh bán, dưới có màu sẫm tro - do các tạp chất kết tụ lại - xà phòng nhì, cũng nhiều bọt nhưng trông xấu, để dùng hoặc cho bà con.

Ba tôi là thi sĩ mà khéo tay lắm, tự thiết kế khuôn mẫu, khắc chim, chữ, trang trí trên khuôn gỗ để đóng cho bánh xà phòng đẹp mắt.

Tất cả mọi khó khăn đều do ba má gánh. Kiếm kế sinh nhai không dễ chút nào, nhưng nhờ kiên trì và định hướng rõ ràng, kế hoạch chính xác nên ba chưa gặp thất bại. Nấu ra chảo xà phòng nào, bán hết chảo ấy.
Đặt biệt, nhờ sản xuất và mở rộng kinh doanh nên ba má tôi trở thành vị cứu tinh là tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong huyện, xã và làm sạch môi truòng; tro bếp được gom sach, đá nung vôi, dừa khô ép lấy dầu v.v..

Việc làm của ba má tôi như viên gạch lót đường cho tình làng, nghĩa xóm, như chiếc cầu nối tình dân với trí thức trong kháng chiến thời ấy. Và cũng nhờ đó, mà gia đình tôi có ít vốn để đi ra Bắc .

Trên đất Bắc, má tôi khai, ở phần tài sản mang theo, số tiền Tín Phiếu là 20.000đ. Với số tiền như vậy, không biết nhà nước phân cấp thì nhà tôi thuộc loại giàu hay nghèo tôi chẳng biết?

L.B.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com