LÂM BÍCH THỦY: Quách Tạo - người bạn tri kỷ của cha tôi

 

thisi-yen-lan-v-ban-Quach-Tao

Từ trái:Thi sĩ  Yến Lan và bạn tri kỷ Quách Tạo (em ruột thi sĩ Quách Tấn)

Chụp tại 37 Hà Quạt (Hà Nội) thập niên 1960. Ảnh tư liệu Lâm Bích Thủy

 

Người ngày ngày tới trò chuyện và dùng cơm cùng gia đình tôi là bác Quách Tạo. Bác là em ruột của nhà thơ Quách Tấn, lớn hơn ba tôi bốn tuổi. Nếu dùng từ để chỉ tình bạn của hai người thì đây đúng là “tri kỷ”. Bởi, tình cảm đâu phải hàng hóa khan hiếm để chia đều theo đầu người. Chị em tôi yêu mến bác khác nào bác ruột của mình.

Người bác quắc thước, oai như Trương Phi, chắc nịt; khuôn mặt chữ điền, râu quai hàm rậm, da ngăm ngăm, ánh mắt nhìn như có lửa, hệt như những ông Thiện, ông Ác trên bức phù điêu ở trước cổng chùa. Với vẻ bề ngoài như thế, ai gặp cũng nể sợ; nhiều người cho là bác khó gần. Nhưng, giả như bạn có cơ hội thử một lần tiếp xúc, sẽ thấy cái thiện ở trong bác lộ ra ngay. Bác sống bằng nội tâm, tính tình nhân hậu, trầm lặng, vị tha, sâu sắc vô cùng. Thơ bác chưa được in thành sách bao giờ nhưng hay không kém bác Quách Tấn.

Hàng ngày bác thường ngồi ở chiếc bàn do ba tôi tự đóng, cùng bình thơ với nhau. Có lúc cả hai say sưa xướng lên một câu hát bội, rồi đột ngột dừng lại để phân tích cái hay cái đẹp của nghệ thuật tuồng, bài chòi hay chèo cổ. Về vấn đề này mỗi người mỗi vẻ theo sự hiểu biết về nền nghệ thuật của các miền. Bác Tạo thì khen vở tuồng “Hồ Nguyệt cô” còn ba tôi khen chất thơ chất nhạc của bộ phim “Đến hẹn lại lên” v.v.. .
Không biết các bạn đã được chứng kiến những cuộc tranh luận sôi nổi như thế? Thú vị lắm! Trước đây, tôi ghét môn hát bội, nhưng sau khi nghe bác Tạo phân tích, tôi mới nhận ra đó là một môn nghệ thuật tạo hình rất cao, khó nói trong một đôi ba câu được. Có nghe bác kể vanh vách tên những danh nhân của đất võ Bình Định, tướng giỏi thời Quang Trung như Quang Diệu, đô đốc Bùi thị Xuân, chàng Ría v.v.. mới thấy sự thông thái của bác ở lĩnh vực lịch sử như thế nào. Ngược lại, bác có nhược điểm là quá nghiêm khắc, kiệm lời, và ít ai nhận đựơc ở bác nụ cười hòa đồng! Gia ngữ có câu “Nhã quá hóa ra dễ bị lờn, nghiêm quá thì không ai thân”. Đúng như vậy, ở Thủ đô Hà Nội, ngoại trừ các con, bác chỉ coi ba tôi là người thân.

Theo tôi biết, bác mặc cảm với đời vì ba lần suýt bị “phe ta” xử chém. May ông trời can thiệp, cả ba lần, nhờ tài cao, học rộng, võ nghệ siêu đẳng đã cứu bác khỏi thần kiếm của ta trong kháng chiến, nếu không thì giờ bác đã bị vùi sâu trong lòng đất!

Con gái bác làm việc và sống ở Hà Đông. Tính cách, giọng nói y như con trai; thắn thắn, mạnh mẽ không khoan nhượng. Ai bảo bác đặt cho chị tên là Quách Liên Trì, thế mới nên chuyện. Lúc còn đi học, trớ trêu thay, ở lớp lại có anh tên như con gái - Bùi Kim Thoa, khiến cho giáo viên nào đứng lớp cũng nhầm chị là đàn ông, còn anh Kim Thoa là phụ nữ. Lúc thầy giáo gọi: “Mời anh Quách Liên Trì lên bảng”. Chị đứng lên, thầy giáo kinh ngạc…  Và một thầy khác, xem vở của chị, thầy không nể mặt chút nào, trước cả 50 sinh viên, thầy chê “Giá như cậu Quách Liên Trì đổi tên cho cô Bùi Kim Thoa thì hay biết mấy, con trai gì mà chữ quá xấu!” Chưa dừng lại ở đó đâu, khi đi khám bệnh tập thể, y tá xếp hồ sơ chị vào phòng đàn ông, còn anh Kim Thoa thì ở phòng phụ nữ. Đến lược anh, cô y tá gọi: "- Xin mời chị Kim Thoa vào khám phụ khoa". Thế là cả lớp ôm bụng cười, cười nghiêng ngã có người són ra quần. Tập thể lớp chị luôn được một phen quặn ruột.

Con trai bác, anh Quách Liên Đạt, ở Quảng Ninh. Anh đi bộ đội từ rất sớm, qua tận bên Lào, chiến đấu anh dũng giúp nước bạn giải phóng khỏi ách đô hộ thực dân Pháp. Thế mà trời xui đất khiến thế nào; hôm làm vệ sinh lau chùi súng, không nhớ  súng còn đạn. Đang lau “đoàng”, viên đạn bay ra, ghim ngay vào đầu bạn; bạn chết, anh mất chức! Thế là hết! Từ đó anh không còn dính tí chức vụ nào trên mảnh đời còn lại mà anh đã phấn đấu từ thuở tuổi 14! Giá như, anh không bị xui xẻo như thế, bây giờ có thể là tướng rất to rồi cũng nên! Đúng là “tai bay vạ gió.”

Vì các con ở xa; hàng tháng bác góp gạo ăn chung với gia đinh tôi. Gia đình tôi biết ơn bác! Thời gian dài, chúng tôi sống đỡ chật vật, khó khăn về nhu yếu phẩm vì nhờ cái sổ mua thực phẩm tại Cửa hàng Tôn Đản - cửa hàng dành riêng cho cán bộ từ chuyên viên 6 và trung cao cấp trở lên. Nếu ai đã từng sống bằng chế độ tem phiếu sẽ cảm nhận được “Sổ mua hàng” của bác quí như thế nào đối một gia đình như gia đình nhà thơ Yến Lan! Ngoài việc mua được hàng ngon, chất lượng, rẻ; nếu tháng nào túng quá có thể bán phiếu tiêu chuẩn một tháng cũng được khoảng tiêu khác cho gia đình.

Bác Tạo được sinh ra trên miền đất võ Trường Định - Tây Sơn (Bình Định). Ngày trước bác đã làm ở ngành tòa án. Phạm nhân nào nghe tên bác cũng phải co rúm lại. Nếu dùng những tính từ như văn võ song toàn đối với bác không quá. Có lần bác ngang qua mấy người đang tập thể dục, một anh thanh niên giơ tay đụng phải bác; bác đưa tay đỡ thế nào mà anh ta ngã chúi đầu xuống đất. Mọi người hét tướng lên: “Ôi trời ơi! ông kia đánh người”. Bác xua tay vô cùng xin lỗi, nói rõ: “Anh ta đụng, tôi đỡ thôi mà”. Nghe thế, mọi người “Ồ! bác này là siêu võ đây”.

Vâng, chính thế nên ba tôi dặn con cái rằng: “Khi nào gọi bác dậy ăn cơm, các con đứng ở đầu giường, đừng dại dột đứng dưới chân; bác đang ngủ, nhỡ đụng phải, bác tưởng bị đánh, sẽ quật các con ngã gãy xương”.

Bác Tạo còn là cầu nối giữa ba tôi và bác Quách Tấn. Ở miền Nam, sau khi xuất bản tập thơ “Giọt trăng” in tại Paris . Bác Tấn gửi cho bác Tạo 3- 4 tập, theo đường vòng từ Sài Gòn sang Pa- ri và từ Paris sang Hà Nội. Hồi đó phải qua rất nhiều sự kiểm duyệt nhiêu khê. Mà cuối cùng cũng không đến được tay bác Tạo.  Chẳng hiểu tại sao chú Nguyễn Đình, tình cờ đọc được tập thơ này tại nhà người bạn thân, làm ở Bộ nội vụ. Chú liền mượn về, thức suốt đêm chép, vẻ bìa y như bản chính, đem tặng lại bác Tạo.

Bác Tạo và ba tôi nhận được tập thơ, mừng nhưng lo lắng và kín đáo, giấu gíếm rất tội nghiệp. Rồi, thận trọng, nhẹ nhàng lật từng trang xem. Nghe nói tập thơ này có 7 bài bác Tấn khóc con chết trận. Sợ trong nội dung những bài thơ này bác Quách Tấn oán trách chế độ miền Bắc, như vậy sẽ làm liên lụy đến những người thân đang sống trên đất Bắc. Song le, đọc hết tập thơ, cả hai thở phào nhẹ nhõm, bài thơ nào cũng toát lên lòng yêu nước, yêu dân tộc. Bác Tấn chỉ diễn tả tâm trạng của người cha mất con:

“Ân hận vì đã trót sinh con trai trong thời vô đạo
Cầm súng không biết phục vụ cho ai… ”

Thế rồi, sau ngày miền Nam giải phóng, ba tôi về quê, người bạn tri kỷ này đã về sống với đứa cháu ngoại, con đầu của chị Quách Liên Trì.  Vài tháng sau đó, cuộc sống nói chung của nhân dân và cán bộ ở Hà Nội vẫn còn cơ cực, bác làm thơ gửi cho ba tả về cái Nghèo:

Hưu bỗng tăng hai giá vọt mười
Cân bằng cái sống bở hơi tai
Chất tươi còn được canh rau muống
Lượng đạm mong vào nhúm tép moi
Thuốc đắt mong đừng đau ốm vặt
Quê xa dành chỉ mộng về thôi

(Hà Nội - Mồng bốn tết Bính Tý/ 1996)

Cuộc đời bác Tạo là cả một pho tiểu thuyết buồn, lắm truân chiên. Bác sống khép kín, rất ít người hiểu về bác. Năm 1977 tôi theo chồng về công tác ở TP.HCM, thành ra ít được tin về bác. Dịp may, hè năm 1995, nhân ra Hà Nội thăm ba tôi đang ở tại ngôi nhà 37 hàng Quạt, nơi này, trước kia, đôi bạn tri kỷ từng ngồi hát bội. Tôi được gặp bác cũng  đến thăm ba tôi. Giờ, bác già và yếu đi nhiều, vẫn kiệm lời.

Nghe các em kể; về hưu bác sống vất vả. Cuộc sống của cha con tôi cũng không hơn gì, nhưng sao nhìn thấy bác, lòng tôi trĩu nặng, thương bác quá! Tôi không biết mua quà gì cho xứng với ơn bác dành trọn cái sổ mua hàng quí hơn vàng mười tuổi lúc bấy giờ cho gia đình tôi, mà lẽ ra các con bác được hưởng mới phải. Thực tình mà nói, có thứ gì bù đắp nổi ơn đó chứ?!

Lúc này, tôi làm ở CT Xuất Nhập khẩu. Thỉnh thoảng cơ quan bán bột ngọt cho cán bộ công nhân viên. Loại hàng này là thứ có thể nói rất quí híếm với nhân dân và cán bộ ở miền Bắc. Chắc các bạn có nghe người Hà Nội ví “Quí như mì chính cánh” để so sánh của hiếm không thay thế được thời bao cấp. Hai vợ chồng tôi mua được hai suất, người khác thường bán lấy tiền chênh lệch, còn tôi gộp tất cả dành làm quà mỗi khi đi thăm bà con. Với bác Tạo, tôi không biết bác có nhận quà tôi biếu không, tính bác khảng khái lắm. Tôi cứ thử: “Bác ơi, con ra đây may gặp bác, con chẳng có gì xin biếu bác gói mì chính”. Tôi vừa nói vừa ấn nhanh gói bột ngọt vào tay bác, sợ bác ẩy ra. Ôi! tôi mừng như được vàng khi thấy bác im lặng và cất nó vào cái túi vải nhỏ. Bác không còn khách sáo như trước nữa, bởi cuộc sống quá khắc khổ! Tôi còn nhớ, bác có bài thơ Cái nghèo (bất túc):

Mình nghèo đâu đến rớt mồng tơi
Chỉ tội lê thê kéo suốt đời
Rau cháo từng quen ngày bữa rưỡi
Chiếu chăn chịu đựng suốt hai thời
Cái nghèo cố để mòn tâm trí
Sinh thiếu tiên thiên xuất mẫu hoài
Lão mạo tội gì trời gánh cả
Cái nghèo sao nỡ khoán cho trời

(15-6-1997)

Ngày ba tôi mất, bác nghèo, không tiền vào tiễn, bác điện chia buồn cùng gia đình.

Thương tiếc bạn cũ - Nhà thơ Yến Lan:

Chỉ tiếc mình không hội “Tứ linh”
Cùng chung thưởng thức vận chung tình
Mười năm khế thoát chùa Quan Thánh
Nghìn dặm từ qui mộng Cổ thành
Thuyền ghé My Lăng không kịp bạn
Trăng rằm tháng tám rạng bình minh
Tứ linh giờ đã qui linh hết
Dấu cũ còn đâu Viễn vong đình

(Rằm tháng tám Mậu Dần - 5/10/1998)

Rồi năm tháng lê thê dài mãi, mang theo niềm vô vọng chìm vào đáy lòng. Chợt như một tia sáng lóe lên ở cuối con đường cụt; tự nhiên, người ta nhớ đến cái công lao của bác ở hai cuộc kháng chiến! Bác vui viết: "Tết Bính Tý (Mượn câu của Hồ Yêm gửi anh Quách Tấn) năm 1996: “Hoa giáp một vòng thêm nhị giáp / Còn xuân mấy giáp cũng là xuân”:

Hoa giáp một vòng thêm nhị giáp
Còn xuân mấy giáp cũng là xuân
Mình không Đông Quách
Không Nam Quách
Ai nhớ ? ghi công ? Chực xí phần

(1996)

“Tết năm nay được nhà nước thưởng công tham gia hai cuộc kháng chiến thần thánh - Mình đã được bỏ quên suốt thời gian ở miền Bắc (chống Mỹ) không ngờ nay cũng được chấm điểm thưởng công. Thật là đại hạnh cho tuổi già, khỏi tiếng “lão giã vô dụng”.

Tôi tin là bác thật sự hạnh phúc. Trước đây tôi hay liên tưởng về bác. Một con người có tướng mạo cao quí như vậy, nhân cách như thế mà cuộc đời lại hẩm hiu đến thế.! Ngay cái ngày bác đi xa mà trời cũng chưa thôi phiền nhiễu thân xác bác. Anh Quách Giao, con bác Tấn ngậm ngùi kể lại:

“Đám tang chú Tạo thật thương tâm, vắng tanh vắng ngắt, hiu hắc, cô quạnh. Người mất rồi cũng chưa yên mà nhắm mắt! Khổ nhất là việc đi làm giấy khai tử cho bác, khó khăn muôn trùng. Qua bốn nơi trước đây bác từng sống, nhưng chết đi không nơi nào nhận để cho bác nằm tạm vài giờ trước khi về với các bụi. Sự nhiêu khê, thiếu tình người của một vài ông cán bộ Phường, Quận với lý do: “Ông ấy không có tên trong sổ hổ khẩu nhà này”. Đến nơi này, người ta bảo về nơi kia, nơi kia bảo quay lại nơi này, vòng vo hết 4 nơi mà không được! Cuối cùng con cháu phải bỏ tiền mua tạm một chỗ ven đường của người nông dân, tạm gửi thi hài bác với điều kiện, đến ngày sang tiểu phải “giải phóng” về quê.

Cũng từng oanh liệt vùng vẫy một thời mà tội nghiệp đến thế là cùng! Không biết giờ đây bác đã “Về quê” chưa!? Tôi chưa kịp hỏi chị Quách Liên Trì.


L.B.T
(Trích Hồi ký “Về người cha thi sĩ”)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com