LÂM BÍCH THỦY: Chuyện về mẹ tôi

 

yenlan

Vợ con của nhà thơ YẾN LAN

 

 

Theo lời má tôi kể: Ở thị trấn nhỏ bé ấy, gia đình cô Lan được xếp vào hạng giàu sang, của ăn của để đề huề. Mẹ cô là một phụ nữ được trời ban cho nhiều ưu thế: con nhà giàu lại sở hữu khuôn mặt trái xoan, da trắng mịn, môi mọng đỏ, đôi mắt đẹp... Lẽ ra mẹ cô phải lấy người chồng “Môn đăng hộ đối”. Đằng này, ông bố cô - người kỳ khôi nhất huyện bấy giờ. Ai đến hỏi cưới con gái, ông cũng lắc. Chả là vì ông đã chấm cho con ông anh chàng người Nha Trang - một trong 6 kẻ làm thuê cho nhà ông: Xét gốc gác, chàng thuộc con nhà sang trọng ở thành phố Nha Trang, vì lười học, bỏ quê, ra thị trấn An Nhơn - Bình Định làm thuê sướng hơn là ngồi học.

Thực ra, chàng không xấu trai đâu, chỉ tội da đen, chất đen lấn át cả nét thanh tú trên khuôn mặt chàng. Nhưng nếu đứng cạnh nàng thì chàng như kẻ nô bộc bên tiểu thư đài các. Vì vậy, nàng chê chàng nào  quê mùa, cộc kệch, thô thiển. Vậy mà chàng lại lọt vào tầm ngắm cha nàng mới chết !

Lấy được nàng, nhưng trong đêm tân hôn và sau đó, nàng đem các quay sa, khung cửi, chỏng tre chặn cửa, không cho chàng động phòng. Nhịn mãi, cuối cùng chàng ức quá thách thức với cha vợ: “Cha ơi! Cha gả con gái cho con mà thế này sao, nếu cha không trị được thì cha cho con trị”. “Đã là vợ mày thì mày cứ trị, cha hết cách rồi” - ông già vợ ngán ngẫm trả lời. Rồi, nàng bị đòn đau lắm, và chàng được động phòng! Chàng trai và cô gái ấy chính là ông bà ngoại của tôi đó.  

Ông ngoại tôi lúc nhỏ, lười học, lớn lên ít chữ nhưng siêng làm việc nhà và khoái làm thầy các con. Ông ngoại phong kiến và gia trưởng đến cực đoan. Bất luận thế nào, mọi người trong nhà phải nghe lời ông dạy. Ông học ít, thuộc đâu vài tiếng Hán-Nôm-việt “Thiên là trời, Địa là đất, tử là mất, tồn là còn, tử là con, tôn là cháu, lục là sáu, tam là ba, gia là nhà, quốc là nước, tiền trước, hậu sau v.v..  Còn tiếng Pháp, một chữ bẻ đôi chưa tường, vậy mà nằng nặc đòi dò bài con trước khi đến trường: Sáng nào cũng thế, uống xong bát nước chè xanh, ông bắt cậu ba Thành, cô Lan, cậu Sáu Can, từng người đọc bài cho ông dò. Lắng nghe con đọc: “Le père travaille”(Người cha làm việc). Ông nhẩm đếm từng âm, thấy không khớp nhau, ông bảo: “Mày không thuộc bài rồi con ơi!” Thế là ông bắt con nằm xuống, quất mấy roi mới cho đến trường.

Tại sao cậu Ba của tôi có bí danh là “Thành một mắt”. Tội làm cậu một mắt cũng là do ông ngoại gây nên đấy! Thấy mắt con sưng tấy, đỏ au; không biết nghe ai hay tự phát minh ra sáng kiến, ông lấy dầu Nhị Thiên Đường nhỏ. Sau vài giây, cả nhà nghe một tiếng nổ “bụp” rất to; và tiếng thét của cậu; mọi người chạy lại. Một cảnh tượng thật hãi hùng, tròng mắt cậu lòi ra, lòng thòng, máu chảy ròng ròng trông phát ớn! Bà ngoại thì quýnh lên, chẳng biết làm gì cứ ôm con khóc: “Thôi chết rồi, con ơi là con, làm sao bây giờ!”. Cậu Sáu ba chân bốn cẳng chạy đi gọi xe ngựa, rồi cùng chị Lan đưa cậu xuống bệnh viện Qui Nhơn, múc con mắt hỏng để bảo vệ con còn lại. Tên “Thành một mắt” có từ đó và đeo mãi đời cậu cho đến lúc chết!

Cô Lan học đến lớp 5 thì cha khuyên: “Con gái học chừng ấy là đủ rồi, ở nhà học thêu thùa, khâu vá, nấu nướng, mua bán rồi lấy chồng là vừa rồi con ạ”. Ông sắm cho cô đôi bồ; mua đủ loại hàng: chén, bát sành sứ, nồi, niu, xoang chảo, mâm, thau bằng đồng; hàng này từ Trung Quốc sang, còn vải lĩnh thì từ Nam Định, Vinh đem vào v.v... Ông dựng cho cô cái sạp nhỏ, lợp tranh tại góc chợ Gò Chàm để hàng ngày cô ra đó ngồi bán.

Năm 17 tuổi, cô Lan không nghiêng nước nghiêng thành, nhưng ở thị trấn nhỏ bé ngày ấy, cô được liệt vào tốp nhất nhì của phái đẹp. Nhiều chàng trai ngấp nghé, muốn lấy làm vợ; cha cô chưa gật đám nào. Có anh chàng họ Nguyễn, đẹp trai con nhà giàu đến dạm, ông không chịu, sợ có họ hàng xa. Còn các đám khác ông phải xem nhà ấy có môn đăng hộ đối không đã. Rồi một ngày nọ, ông gọi cô đến bên. Cô nhìn thấy bên trái cha là vị khách cao niên, vẻ sang trọng. Ông nhìn con gái, nhìn vị khách, nghiêm mặt chỉ vào khách nói:  “Nhà này có thằng con trai muốn cưới mày làm vợ, mày đồng ý không?”. Ông tưởng cô trả lời như ý. nào ngờ nó leo lẻo từ chối thẳng thừng trước mặt  khách: “Cha ơi, con chưa muốn lấy chồng, con còn nhỏ mà vội gì”. Ông nổi giận, trợn mắt, mắng như tát nước vào mặt con: “Mặc áo không qua khỏi đầu, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.

Không cải được cha, cô Lan đành chấp nhận lấy ông Phạm Khắc Minh, con trai ông khách nọ.

Tháng 2 năm 1937 nhà trai mang lễ vật đến hỏi. Sau đó, vào ngày lành, tháng tốt, cô chính thức về làm dâu. Gia đình nhà chồng ngoài của ăn, của để còn có mấy gian nhà ngói cho thuê. Về làm dâu nhà nọ, hàng ngày cô Lan thấy anh em chồng chỉ cờ bạc, hút xách; người anh thì bị ghẻ đầy mình, còn chồng thì ghen đến độ bệnh hoạn, ngờ đủ thứ, khiến cô nản lòng, chực trốn về nhà mẹ đẻ. Vì biết vợ mình trước có tình với thầy Lang (tức nhà thơ Yến Lan); chồng quản lý cô rất khắc khe. Hễ cô bước chân ra khỏi cửa, ông nói: “Cô ra khỏi nhà, tôi nhổ bãi nước bọt xuống đất, cô liệu về trước khi nước bọt khô, nếu không, đừng trách tôi vũ phu, độc ác”.

Ở gia đình cô Lan có tính ương ngạnh, thẳng như ruột ngựa, được cưng, thích gì làm bằng được. Khi làm dâu nhà người bị bó buộc đủ thứ, không chịu nổi, hai tháng sau cô bỏ về nhà mẹ đẻ. Xong, xin phép cha vào Nha Trang thăm bác. Con đi lâu không thấy về, cha cô mang lễ vật trả lại cho nhà trai. Nhà trai nhận và cho như thế là xong “Đường ai nấy đi”.

Thời gian ở Nha Trang, cô tìm cách học làm bánh in, bánh ít, bánh thuẩn v.v...  Khoảng năm 1940, người chồng cũ của cô bị lôi vào lính Khố Xanh, bị đưa sang Pháp. Ở xứ người, tình cờ ông gặp Bác Hồ, được Bác giác ngộ tinh thần yêu nước. Ông được tổ chức cách mạng bố trí làm nô bộc, giả câm điếc, làm cho một sĩ quan Pháp. Hàng ngày, thu thập tin tức từ tranh luận giữa các sĩ quan ở chiến trường Việt Nam, Đông Dương về.

Tuy đã chia tay nhưng ông chưa quên được cô Lan. Ở Pháp, ông nhớ cô, luôn tìm cách gửi nào phấn hiệu Takolon, dorxay, kem dưỡng da Alanaiyne, nước hoa Rêve d’or. Mùi thơm của nước hoa hãng này xức cả tuần vẫn còn lưu lại trên áo và tóc. Tôi không biết các thứ này quí hiếm cỡ nào mà má tôi không dám dùng chỉ để lẫn vào áo quần cho thơm. Tết đến, bà lấy ra dốc vào tay một tí, bôi vào tóc chị em tôi trước khi đi thăm họ hàng bên kia sông Kôn. Bà vừa xoa vừa giải thích chữ Rêve d’or nghĩa là giấc mộng vàng. Bà quí và cất kỹ lắm. Mãi những năm ở Hà Nội, tôi vẫn còn thấy nửa bánh xà phòng thơm hình ô-van hiệu Luxe lẫn trong quần áo. Xà phòng không còn mùi, khô nức bà vẫn  giữ lại. Sau này, bà kể lai lịch, mới biết đó là quà được gởi từ nước Pháp xa xôi về cho bà.

Vào năm 1946, ông được cử về nước, trực tiếp tham gia Cách mạng và Kháng chiến chống Pháp cùng dân thị trấn.  Sau đó, ông tập kết ra Bắc. Giải phóng ông trở về, làm giám đốc Cty Vật Liệu Xây Dựng và sống ở Qui Nhơn. Thỉnh thoảng hai người gặp nhau, vui vẻ hỏi thăm sức khỏe gia đình hai bên và mãi là bạn tốt của nhau!

Ba má tôi kín đáo, con cái ít biết chuyện về ông bà. Khi  xem báo mới biết tình ba má cũng rất lãng mạn. Chị họ tôi còn cho biết má tôi có tên cúng cơm là Được? Và kể lại: “Cô Lan là con gái độc nhất của gia đình. Không hiểu vì lẽ gì, cứ sinh con gái ra, khóc chào đời một lát thì trở về với cát bụi. Vì vậy, khi cô Lan vừa ra đời, họ hàng nội, ngoại khuyên ‘‘Đem con bé bỏ dưới gốc đa chùa Ông, bảo cha nó đi qua, vờ nhặt được đem về nuôi, đặt tên là Được,  nghĩa là con nuôi chứ không phải con đẻ”.

Họ nguyễn nhà má thường chết yểu, chưa ai sống đến tuổi bảy mươi. Bà ngoại, hưởng dương 51 tuổi. Mà rất lạ, má tôi, nay đã 94 (Tôi viết dòng này đúng vào ngày 11/7/ 2012). Đó là điều diệu kỳ mà họ hàng, gia đình, bè bạn, ai từng biết bà đều kinh ngạc: “Tại sao một phụ nữ như má tôi, đau yếu bệnh hoạn đủ thứ mà thọ lâu đến như thế!”

L.B.T

(Trích Hồi ký về người cha thi sĩ)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com